9 điều bạn chưa biết về loạt phim King Kong

(TGĐA) - Là bộ phim thứ 8 làm về quái thú huyền thoại của Hollywood, Kong: Skull Island của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts đang được báo chí Việt cập nhật mọi động tĩnh từng ngày dù an ninh luôn được thắt chặt khi quay tại bối cảnh Việt Nam. Nhân dịp này, hãy cùng TGĐA nhìn lại các phiên bản phim King Kong nổi tiếng qua 9 điều có thể bạn chưa biết dưới đây.

King Kong của đạo diễn Peter Jackson làm năm 2005 là phiên bản trung thành nhất với bản gốc

King Kong của đạo diễn Peter Jackson làm năm 2005 là phiên bản trung thành nhất với bản gốc

King Kong (1933) là “cuốn tự truyện” của người sáng tạo ra nó

Merian C. Cooper, đạo diễn và là người sáng tạo ra King Kong đã từng khẳng định như thế với một đồng nghiệp người Anh. Ông nhận rằng mình đã từng rất giống nhân vật nam chính Carl Denham – nhà thám hiểm đã mang con dã thú về với nền văn minh và giam cầm nó. Phim Chang (1927) của ông được quay tại Thái Lan với mục đích khám phá những vùng đất nguyên sơ và các con vật chưa được thuần hóa trên trái đất. Cooper khi đó không ngần ngại trong việc đẩy người quay phim Ernest B. Schoedsack (sau này là đồng đạo diễn King Kong) vào những tình huống hút chết như suýt bị hổ ăn thịt hoặc bị cả đàn voi đuổi theo.

Đạo diễn Merian C. Cooper mất năm 1973 ở tuổi 79, trong khi đó, nam chính của King Kong (1933) Robert Armstrong từ trần chỉ trước đó vài giờ.

Merian C. Cooper

Đạo diễn Merian C. Cooper tự nhận rằng, King Kong chính là cuốn tự truyện về đời mình

Ý tưởng hình thành King Kong đầu tiên

Với mong muốn làm một bộ phim về loài mãnh thú to lớn – một mắt xích thời tiền sử không bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của thời gian, Merian Cooper cùng nhà đồng sáng tạo Willis O’Brien đã quyết định thành lập và dự án với cái tên ban đầu “The Beast”. Cooper dự định đưa rồng Komodo thật – loài vật được W. Douglas Burden, nhà thám hiểm Malaysia tìm ra, lên phim thay cho những mô hình về khủng long.

Tuy nhiên, O’Brien e ngại quá trình quay sẽ trở nên mạo hiểm và con rồng Komodo sẽ chẳng đời nào đóng phim ngoan ngoãn nên ông quyết định vẫn làm mô hình. Tại thời điểm đó, nhờ quan sát loài thú đến từ Malaysia, ông đã hoàn thiện được mô hình khỉ đột khổng lồ của mình với chiều cao 18 feet (tương đương 5.48m) với các khớp dễ dàng chuyển động.

Kịch bản phim được giao cho nhà văn London chuyên viết truyện viễn tưởng Edgar Wallace. Chính ông cũng là người đã viết những điểm mấu chốt của cốt truyện và đặt cho con dã thú cái tên Kong. Tuy nhiên Wallace đã không kịp chứng kiến đứa con tinh thần của mình trên màn bạc. Ông qua đời do bệnh tiểu đường vào tháng 2/1932, chỉ một năm trước khi phim ra mắt. Kịch bản phim dang dở được bà Ruth Rose, vợ của đạo diễn hoàn thiện.

Nữ minh tinh quá cố Fay Wray trong một cảnh phim của King Kong phiên bản đầu tiên năm 1933

Nữ minh tinh quá cố Fay Wray trong một cảnh phim của King Kong phiên bản đầu tiên năm 1933

Kỉ niệm đáng nhớ của nữ minh tinh quá cố Fay Wray

Nữ hoàng màn ảnh những năm 1930 từng chia sẻ, bà được mời đóng phim King Kong khi vừa hoàn thành xong vai diễn trong phim The Most Dangerous Game (1932) – phim về một thợ săn tàn bạo luôn truy sát loài người. “Tất cả những gì đạo diễn Cooper nói với tôi là tôi sẽ đóng cặp với diễn viên nam chính cao và đen nhất Hollywood. Ngay lúc ấy tôi nghĩ đến Clark Gable hoặc Cary Grant”, Fay hồi tưởng lại.

Năm 2004, Fay Wray qua đời ở tuổi 97. Tòa nhà Empire State đã tắt điện toàn bộ tầng cao nhất để tưởng nhớ nữ diễn viên. Đây cũng chính là nơi bà cùng King Kong huyền thoại trong phim đã leo tới.

Ekip làm phim King Kong năm 1933

Ekip làm phim King Kong năm 1933

Con nhện khổng lồ từng có mặt trong cảnh bị cắt của phim King Kong 1933

Đoạn mọi người trong đoàn phim truy đuổi con khỉ đột khổng lồ nhằm giải cứu nhân vật Ann là một trong những trường đoạn kịch tính nhất của phim. Nhiều người đã chết một cách kinh hoàng trong những khe núi đáng sợ ở đảo Sọ Người bởi những con côn trùng kì quái, to lớn từ thời tiền sử. Tuy nhiên, con vật gớm ghiếc nhất trong số ấy lại không khán giả nào được chứng kiến. Đó là một con nhện khổng lồ lông lá chui ra từ bóng tối và ăn tươi nuốt sống một người đàn ông đang bị thương. Đạo diễn Merian Cooper đã cắt cảnh này vì lý do nó làm chậm nhịp phim chứ không phải do yêu cầu kiểm duyệt.

Năm 2005, khi bắt tay vào làm phiên bản King Kong của chính mình, đạo diễn Peter Jackson đã để cho con nhện khổng lồ - quái thú bị mất tích bấy lâu nay xuất hiện. Ông ưu ái dành cho nó nguyên một phân cảnh với đầy đủ những gì kinh hoàng nhất. Điều này được đạo diễn Peter làm với mục đích tưởng nhớ tới phiên bản đầu tiên của bộ phim.

nó đã được thay đổi chiều cao lên tới 24 feet

Ở phiên bản năm 1933, khi King Kong leo lên ngọn tháp, nó đã được thay đổi chiều cao lên tới 24 feet

Chiều cao của King Kong thay đổi khi từ rừng về đô thị

Chiều cao ban đầu của mô hình King Kong do Willis O’Brien tạo ra là 18 feet (tương đương 5.48m). Tuy nhiên đồng đạo diễn Cooper cho rằng “New York thực sự rất rộng lớn, vì thế chúng ta cần một con quái vật to hơn cho xứng tầm”. Vì vậy nếu tinh ý, khán giả sẽ nhận ra King Kong khi bị bắt về New York và leo lên đỉnh tòa nhà Empire State có kích thước nhỉnh hơn hẳn với 24 feet (tương đương 7.31m). Tuy nhiên lúc King Kong bị thương và ngã từ đỉnh tòa nhà xuống, kich thước của nó lúc đó lại được điều chỉnh giống với ban đầu.

Bật mí bí mật về tiếng gầm kì quái của King Kong

Vì King Kong là một loài thú hư cấu nên các nhà làm phim phải vất vả tìm cách tạo ra âm thanh cho riêng nó để vừa toát lên vẻ hung dữ của loài dã thú, vừa truyền cảm theo từng phân cảnh. Nghệ sĩ lồng tiếng Murray Spivak được giao trọng trách này. Ông đã bỏ thời gian thu âm lại hàng loạt tiếng gầm của các loài thú dữ thật sự, sau đó tua chậm lại với tốc độ chỉ bằng 1 nửa ban đầu. Murray chia sẻ rằng ông đã trộn giữa tiếng gầm của hổ và sư tử với nhau để tạo ra âm thanh cho King Kong. Bên cạnh đó, chính ông còn là người lồng tiếng tạo ra những âm thanh “gầm gừ âu yếm” với nhân vật Ann khi King Kong đã chiếm được nàng trong tay.

Cảnh King Kong tấn công đoàn tàu hỏa được thêm vào vì đạo diễn tránh số 13

14 – đó là tổng số cuộn phim được dùng để tạo ra King Kong phiên bản gốc. Tuy nhiên đó là con số sau khi cảnh tấn công tàu hỏa được thêm vào. Đạo diễn Cooper tuyên bố: “Tôi không bao giờ đóng máy khi số cuộn phim là 13. Kể cả có phải nghĩ ra điều gì để thêm vào phim, miễn là tránh được con số ấy tôi cũng làm”. Tuy nhiên, đến khi phim ra mắt lại chỉ có vẻn vẹn 11 cuộn. Phân cảnh tấn công đoàn tàu không nằm trong số 3 cuộn bị loại bỏ, nó thậm chí còn trở thành một trong số những cảnh đáng nhớ nhất của loạt phim về King Kong.

Nhạc sĩ Max Steiner là người tạo nên những bản nhạc riêng cho bản King Kong gốc năm 1933

Nhạc sĩ Max Steiner là người tạo nên những bản nhạc riêng cho bản King Kong gốc năm 1933

King Kong là một trong ít phim đầu tiên có âm nhạc cho riêng mình

King Kong đã mang đến một cuộc cách mạng điện ảnh thực sự khi có được nhạc phim của riêng mình. Trước đó, các nhà sản xuất đều sử dụng lại những đĩa thu âm trước đó mà chưa nghĩ đến việc sáng tạo cái gì mới. Đạo diễn Cooper đã bỏ tiền túi của mình để đầu tư thêm phần âm thanh cho đứa con tinh thần của ông. Người được Cooper nhờ cậy là nhạc sĩ gốc Áo Max Steiner – ông được coi là “cha đẻ của nhạc phim” bây giờ. Với kinh nghiệm làm việc tại Broadway, Steiner đã sáng tạo ra những bản nhạc theo từng phân cảnh, khớp với từng chuyển biến của chuyện phim cũng như sự hoạt động của các nhân vật.

King Kong phiên bản 2005 trung thành với bản gốc

Đạo diễn Peter Jackson đã làm lại bộ phim kinh điển dài 90 phút của Hollywood thành phim điện ảnh dài 3 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên tác phẩm của ông được coi là bản làm lại trung thành nhất với bản gốc từ trước đến nay. Bởi Peter cho sử dụng lại hầu hết các chuyển động của hình mẫu King Kong 1933. Sau đó kĩ xảo CGI sẽ giúp các chuyển động của con khỉ khổng lồ mượt mà hơn. Phiên bản 2005 thậm chí còn được ca ngợi hơn các phiên bản trước bởi King Kong có thêm biểu cảm khuôn mặt giống con người. Nam diễn viên Andy Serkis là người đảm nhận công việc này.

Không chỉ được làm phim điện ảnh, phim truyền hình, King Kong còn được dựng thành series phim truyền hình được nhiều trẻ em yêu thích mang tên The King Kong Show (1966 – 1969). Trong phiên bản này, King Kong được xây dựng như một nhân vật anh hùng, đánh lại những con khủng long xấu xa để bảo vệ một cậu bé. Năm nay, hãng Netflix cũng dự định cho ra mắt phim hoạt hình Kong: King of The Apes.

Thoa Nguyễn