Bác Hồ với Điện ảnh

(TGĐA) - Ngày 15/3/1953, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoa Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 147SL quyết định thành lập Doanh nghiệp chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam. Dù bận đến mấy nhưng Bác luôn dành thời gian để xem những bộ phim mới ra đời của các anh em nghệ sĩ. Và trong ký ức của những người làm phim vẫn mãi thiêng liêng những khoảnh khắc được tiếp cận Bác.

Bc_H_cng_ngh_s_in_nh

Bác Hồ với các nghệ sỹ điện ảnh

Bác quan tâm tới điện ảnh từ ngày đầu của Cách mạng tháng Tám

Trong bài Bác Hồ với điện ảnh những ngày đầu Cách mạng tháng Tám, đồng chí Hoàng Thái đã viết: Ngày 20/10/1946, chiến hạm Daymôngđuêcvin cập bến Hải Phòng đưa Bác từ Pháp trở về nước. Bác dành nhiều phần “quà” cho điện ảnh. Bác bảo “Có bột sẽ gột nên hồ”. Đó là những bộ máy chiếu lưu động 16 ly Pallné và Débrie, những bộ máy ghi tiếng vào đĩa mềm hiện đại… kèm theo hai bộ phim của kiều bào Phái đoàn Phạm Văn ĐồngSức sống 25.000 kiều bào tại Pháp do hai nhà quay phim Võ Quý Huân và Mai Trung Thứ quay. Hai bộ phim này đã được ban Điện ảnh Nhiếp ảnh (gọi là ban nhưng ban đầu chỉ có 2 anh em Phan Nghiêm, Hoàng Thái sau mới có thêm 5 người) đem chiếu lưu động suốt miền Bắc và miền Trung.

Đồng chí Hoàng Thái kể tiếp, ngay từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám, ban Điện ảnh Nhiếp ảnh (ĐANA) nằm trong tổ chức của Nha thông tin tuyên truyền, trực thuộc Bộ Thông tin dời lên hang Chùa Trầm, làm việc cạnh Đài tiếng nói Việt Nam và ban Vô tuyến điện. Đúng giao thừa Tết Đinh Hợi năm 1947, Bác đến thăm Đài tiếng nói Việt Nam và ghi tiếng Bác trong cái Tết kháng chiến đầu tiên mừng Xuân đồng bào cả nước để động viên anh em khắc phục thiếu thốn, đoàn kết nhau một lòng. Chợt Bác nhìn sang kỹ sư Pham Nghiêm - người được giao xây dựng ban ĐANA thấy anh mặc một chiếc áo vét tông có miếng rách ở vai đang điều khiển máy ghi âm. Bác chỉ vào chỗ rách và hỏi nhỏ Trần Kim Xuyến: “Ở đây có cháu gái nào không?”...

Bc_H_tr_chuyn_vi_nh_quay_phim_Nguyn_Th_on_cng_anh_em__chin_khu_Vit_Bc

Bác Hồ trò chuyện với nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn cùng anh em ở chiến khu Việt Bắc

Cảm thông với anh em quay phim

Một lần vào năm 1950, anh Hồng Nghi và anh Phan Nghiêm được cử đến quay phim tại cuộc họp mặt trận Liên Việt ở chiến khu Việt Bắc. Loay hoay mãi vì máy bị hỏng, phim tắt không chạy. Cảm thông với các anh em quay phim lúng túng đến toát mồ hôi mà vẫn chưa xong. Trong khi chờ đợi, Bác liền quay sang nói với đại biểu mặt trận “Có ai muốn nghe tôi nói chuyện cho vui không”. Mọi người đồng loạt “vâng” và Bác cười bảo “Tôi ngẫm nghĩ, đời tôi có ba cái bị động: một là anh thợ cắt tóc bắt phải nghiêng đầu, cúi hoặc ngẩng cao; hai là anh chụp ảnh cũng bắt tôi làm như thế, ba là đố ai biết?”. Cả hội nghị yên lặng, chẳng ai đáp mà chỉ cười… chờ Bác giải thích. Bác nói tiếp: “Ba là bị động vì nhân dân”. Chính nhờ câu chuyện vui đó của Bác đã giúp anh Phan Nghiêm bình tĩnh chữa được máy chiếu (Trích bài viết Bác Hồ với điện ảnh – Phan Trọng Quang)

o_din_Ng_Mnh_Ln_bn_cnh_Bc_trong_chuyn_thm_ca_Bc_ti_anh_em_ngh_s_lm_phim_hot_hnh

Đạo diễn Ngô Mạnh Lân bên cạnh Bác trong chuyến thăm của Bác tới anh em nghệ sỹ làm phim hoạt hình

Mùa hè năm 1963, nhà quay phim Khương Mễ được phân công vào Phủ Chủ tịch để quay Bác tiếp một phóng viên truyền hình nước ngoài. Nhiệm vụ quay phim lần này là có thu thanh đồng bộ. Do sự lo lắng vì phải đảm bảo chất lượng hình ảnh và âm thanh nên cường độ lao động quá căng thẳng. Hơn nữa, mùa hè miền Bắc rất nóng bức, mồ hôi thấm ướt đẫm áo của anh Khương Mễ. Đang ngồi tiếp khách, Bác quay vào trong nhà gọi anh cần vụ bảo “Chú lấy chiếc khăn lông cho chú quay phim lau mồ hôi”. Quả thật chiếc khăn lông của Bác mới đủ hút hết mồ hôi vã ra trên thân người quay phim. Khách ra về, Khương Mễ liền nảy ra ý muốn quay thêm vài cảnh về Bác nhưng lại đắn đo vì sợ làm mất thời gian của Bác (cũng sợ đề nghị của mình không được chấp thuận). Anh Vũ Kỹ đã xin phép Bác và Bác nhìn Khương Mễ cười “Bác đóng phim cho chú quay, vậy chú có bồi dưỡng cho Bác không?”. Quá vui mừng vì không ngờ Bác lại “chiều” mình đến mức như thế. Trở lại phòng khách, Bác ngồi xuống ghế nói “Nào, Bác cháu ta làm việc” (Trích bài viết Bác Hồ luôn nhớ đến chúng ta, có lúc nào ta không nhớ tới bác? – Khương Mễ).

Góp ý sâu sắc, phê bình nhẹ nhàng

Khi xem phim, Bác không bao giờ “phê phán” hay áp đặt ý kiến chủ quan của mình. Các nghệ sĩ khi đem phim chiếu phục vụ Bác đều kể rằng Bác ngồi xem rất chăm chú. Trong khi đó, nhiều nghệ sĩ như Vũ Năng An, Vũ Phạm Từ, Bùi Đình Hạc, Lý Thái Bảo... trong khi chiếu phim lại không nhìn lên màn ảnh mà chỉ nhìn Bác, để dò xem chỗ não Bác ưng, chỗ nào Bác chưa vừa ý. Hết phim, các nghệ sĩ đều nhao ra xin ý kiến của Bác. Đồng chí Vũ Phạm Từ đã kể trong bài Bác Hồ thuyết minh phim rằng sau khi xem xong bộ phim Cô giáo Hạnh, đồng chí lễ phép xin ý kiến Bác. Bác không trả lời mà quay sang hỏi ý kiến các anh chị cùng xem “Các cô chú thấy phim thế nào?”. Sau đó Bác nói “Các chú làm phim là để chiếu cho nhân dân xem. Phải lắng nghe ý kiến của nhân dân để làm cho hay cho tốt. (Bác cười vui vẻ). Nếu chỉ chờ nghe ý kiến của Bác thì... Bác khen các chú tự mãn, Bác chê thì các chú buồn”. Hoặc có chăng nếu Bác thấy phim nào thật hay thì cũng chỉ nói vắn tắt “Các chú làm phim tốt, hãy dũng cảm ở chiến trường”. Và có khi Bác chỉ nói rất ngắn “Phim đi thi sẽ được giải thưởng đấy!”.

Đã nhiều lần, Bác phải làm người thuyết minh “chữa cháy” cho điện ảnh. Tại Đại hội Đảng II, sau giờ cơm chiều, Ban lãnh đạo hội nghị đã tổ chức chiếu bộ phim Tỉnh ủy bí mật của Nga để Bác cùng các đại biểu Đại hội Đảng và cán bộ nhân viên phục vụ xem. Đồng chí được cử ra phiên dịch (lúc đó chưa có từ “thuyết minh”) từ tiếng Nga sang tiếng Việt vốn là người từng học tập ở Liên Xô nhiều năm nên ban tổ chức cũng yên tâm phần nào. Nhưng phần vì lâu ngày đồng chí này ít dùng tiếng Nga, hơn nữa tiếng nói trong phim lại rất khó nghe nên dịch được một đoạn, đồng chí không bắt được đâm cuống. Thấy vây, Bác liền đứng lên đi đến cho micro và nói “Để Bác” thế rồi Bác vừa xem vừa thuyết minh. (Trích Chuyện nhỏ mà tôi không bao giờ quên – Vương Đan Hoàn).

Sau đó, có dịp đạo diễn Vũ Phạm Từ và Nguyễn Hùng đem phim chiếu phục vụ lớp chỉnh huấn Trung Cao tại Tân Trào. Mặc dù chẳng rõ nội dung và chưa có bản thuyết minh nhưng vì vừa nhận được bộ phim mới nên đạo diễn Vũ Phạm Từ vẫn xin phép được chiếu để Bác và các đồng chí xem. Xem hết cuốn 1 trong khi chờ tháo phim để thay cuốn mới Bác nói đưa micro cho Bác và Bác bắt đầu giải thích cho mọi người hiểu nội dung cuốn phim vừa chiếu “Đây là bộ phim Hoa bông của Liên Xô…”. Cứ vậy chiếu hết từng cuốn Bác lại thuyết minh. Cuối buổi, Bác tới bên hai nghệ sĩ đang dọn máy và bảo: “Hôm nay Bác nghe được tiếng Nga nên thuyết minh giúp. Từ nay nếu chưa rõ nội dung phim thì đừng chiếu. Đầu bếp thì phải biết mình làm món gì chứ!”. (Trích Bác Hồ thuyết minh phim – Vũ Phạm Từ).

Bc_H_v_on_in_nh_Ba_Lan_do_b_Helena_Lemanska_dn_u_trong_chuyn_cng_tc_ti_Ph_Yn_nm_1955

Bác Hồ với đoàn điện ảnh Ba Lan do bà Helena Lemanska dẫn đầu trong chuyến công tác tại Phổ Yên năm 1955

Sau chiến thắng của quân và dân ta đánh đuổi khu trục hạm Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta (năm 1954), Bộ Tổng tư lệnh đã tổ chức lễ mừng chiến thắng. Tại hội trường Câu lạc bộ Quân đội hôm ấy số phóng viên báo chí quay phim, nhiếp ảnh… đông hơn cả các đại biểu các đơn vị chiến thắng và các vị khách ở Trung ương và Hà Nội. Ngay từ khi Bác mới bước vào hội trường anh em quay phim, nhiếp ảnh đã vây quanh, muốn chiếm giữ vị trí “ưu thế” gần Bác, trước mặt Bác để ghi hình. Các đồng chí quay phim đều xoay ống kính góc rộng tiến sát đến trước Bác nên gây thêm “phản ứng” với các anh em xung quanh và cuộc xô đẩy, chen lấn, nói năng ồn ào diễn ran gay trước mặt đoàn Chủ tịch. Bác bắt đầu nói chuyện mà trật tự vẫn chưa ổn định. Thấy thế Bác liền quay ra hỏi số phóng viên gần đó “Thế Bác nói chuyện hay các chú nói chuyện?”… thế là tất cả im lặng rút lui ra xa… Sau khi đồng chí Trường Chinh trao huân chương cho các đơn vị có thành tích, Bác bảo hai đồng chí Phùng Thế Tài, đại biểu của phòng không không quân và Nguyễn Bá Phát, đại biểu của Hải quân nhân dân lên đứng cạnh rồi Bác nói “Bây giờ thì quay phim đi, chụp đi”. (Trích Chúng tôi đi quay phim Bác Hồ - Phạm Quốc Vinh).

Đoàn kết trong tập thể

Là điều mà Bác rất quan tâm đối với các nghệ sĩ điện ảnh ngay từ những buổi đầu còn là học sinh. Đó là khóa học của những nghệ sĩ tên tuổi sau này: Trà Giang, Lâm Tới, Trần Nga, Phi Nga, Lịch Du, Minh Châu, Ngọc Điệp... do giáo sư chuyên gia Azidaibe Paghimôp - đạo diễn Công huân của nước Cộng hoà Adécbaidan, giảng dạy. Khi tiễn Bác ra cổng, Người chưa lên xe ngay mà quay lại hỏi: “Cháu nào hãy nói cho Bác nghe chiếc xe Bác đi đây, bộ phận nào quan trọng nhất?”. Được dịp nói chuyện với Bác nên ai cũng tranh nhau trả lời. Người thì nói cái đầu máy, người thì nói bốn cái lốp, có người lại nói xăng dầu, rồi cái vít lửa và bugi... Ai trả lời Bác cũng bảo đúng cho đến khi không ai còn gì để nói thì Bác chỉ vào những buloong bắt chặt vào bánh xe và hỏi “Nếu không có những cái này, xe có chạy được không? Như vậy nó có quan trọng không?”. Rồi Bác ôn tồn: “Ngôi sao sáng nhờ có trời tối. Nếu không có quay phim, không có những người sản xuất ra phim, không có những người ánh sáng thì ai thấy được các cháu là ngôi sao màn bạc. Vậy thì không có lý do gì những ngôi sao sáng kia lại xem thường một vòm trời tối. Rồi đây, các cháu sẽ thể hiện những con người mới để dân noi theo, những con người xấu để dân soi mình tránh. Nếu các cháu không khiêm tốn học hỏi để làm tốt, làm đúng thì dân sẽ bảo là bọn xướng ca vô loài. Các cháu học tốt tới đâu mà dân còn nói như vậy thì Bác sẽ không thấy vui...”. (Trích Ngày Bác đến – Lâm Tới).

Bc_H_n_thm_lp_din_vin_kha_1_-__trng_in_nh_Vit_Nam_ti_s_7_Trn_Ph

Bác Hồ đến thăm lớp diễn viên khóa 1 - trường Điện ảnh Việt Nam số 7 Trần Phú

Bác cũng là một nghệ sĩ dí dỏm

Trong chuyến đến thăm trường Điện ảnh Việt Nam (năm 1989), Bác đã quan sát các sinh viên trong giờ lên lớp. Khi nghe đồng chí lớp trưởng Trần Nga tóm tắt các môn học để trình bày với Bác, đến câu cuối “Thưa Bác, giờ chúng cháu học đến mốn tổng hợp, dàn dựng và diễn các “tiểu phẩm” ạ” thì tự nhiên thấy người Bác hơi xoay nghiêng về phía trước, bàn tay Bác khum lại đưa lên vành tai như để nghe cho rõ hơn kèm theo từ “Hả!”. Anh lớp trưởng nghĩ Bác chưa nghe rõ nên lại cố nói to hơn. Cũng vẫn một tiếng “Hả” như trước nhưng dáng vẻ của Bác trông thật buồn cười như một diễn viên hài kịch, Bác hỏi lại “ Tiểu phẩm là gì vậy cháu?”. Lớp trưởng giải thích “Thưa Bác, là những đoạn kịch ngắn ạ!”. Nghe vậy, Bác ngả người ra ghế khoan khoái nói “À như vậy là Bác hiểu, Việt Nam mình cũng đủ từ để nói đó chứ, lúc nãy Bác tưởng “tiểu phẩm” là “tè ra mực”!”. (Trích Ngày Bác đến – Lâm Tới).

Kim Anh

(Trích lược từ cuốn Bác Hồ với Điện ảnh – Hội Điện ảnh Việt Nam – 1990)