Bản gốc phim Phù thủy xứ Oz - Kiệt tác bị hắt hủi

Tuần này, phim Phù thủy xứ Oz (Oz The Great and Powerful) đã đứng đầu bảng xếp hạng với doanh thu 80,2 triệu USD. Song thật khó tin khi phim gốc Phù thủy xứ Oz (The Wizard of Oz), được sản xuất cách đây 74 năm, lại thất bại vô cùng thảm hại, dù về sau nó được đánh giá cao, có ảnh hưởng lớn tới văn hóa đại chúng Mỹ.

The Wizard of Oz có mặt ở các rạp chiếu hồi năm 1939, với sự tham gia của hơn 10 nhà biên kịch, 3 đạo diễn. Phim được quay trong 23 tuần với kinh phí gần 2,7 triệu USD.

Đây là dự án điện ảnh tốn kém nhất của hãng MGM trong năm đó. Mặc dù được quảng bá rầm rộ, song bộ phim vẫn “thất thu” và mãi đến năm 1956, hãng MGM cho kênh truyền hình CBS thuê để chiếu hàng năm, nhờ vậy, phim đã trở thành một hiện tượng văn hóa, nhiều chi tiết của phim đã đi vào văn hoá, đời sống Mỹ.

thewizard

Cảnh trong phim The Wizard of Oz

“Thời đó phim thất bại vì rất nhiều vấn đề, song cơ bản nhất là phim quá mới mẻ khiến khán giả không dễ chấp nhận” - Aljean Harmetz, tác giả cuốn The Making of the Wizard of Oz, cuốn sách mới nhất về phù thủy xứ Oz, giải thích - “Các nhà làm phim đã tạo nên những công nghệ mới để thực hiện các hiệu quả đặc biệt. Họ còn dựng các nhân vật mà trước đó chưa hề thấy trên màn bạc. Chưa kể, đó là thời kỳ sơ khai của nghệ thuật phim màu, lúc đó mới chỉ phát triển được khoảng 3 năm”.

Nhân bộ phim mới nhất về phù thủy xứ Oz đến với công chúng, chúng ta cùng tìm hiểu lại quá trình làm phim và tại sao bộ phim này lại thất bại về doanh thu.

* Lai lịch của Phù thủy xứ Oz: Sau khi thất bại với nhiều công việc, trong đó có nghề diễn và bán hàng, tác giả L. Frank Baum đã chạm được vào “mỏ vàng” khi ông xuất bản cuốn The Wonderful Wizard of Oz vào năm 1900. Cuốn truyện này đã trở thành truyện thiếu nhi ăn khách trong 2 năm. Sau đó, nó đã nhiều lần được đưa lên sân khấu và “đẻ” ra một loạt các cuốn sách về phù thủy xứ Oz. Năm 1937, hãng phim MGM đã giành được quyền đưa cuốn truyện này lên màn bạc.

* Tác giả kịch bản bị sa thải sau 4 ngày. Phim có sự tham gia của hơn 10 nhà biên kịch, trong đó có cựu nhà báo Herman Mankiewicz. Ông đã bị thải chỉ sau 4 ngày làm việc. Mặc dù 1 năm sau đó, ông đoạt giải Oscar với phim Citizen Kane, song kịch bản ông viết cho phim Oz lại vô cùng tệ.

* Thay 4 đời đạo diễn: Phim trải qua sự “nhào nặn” của 4 đạo diễn. Richerd Thorpe chỉ có 2 tuần ngồi ghế đạo diễn, George Cukor 3 ngày, Vitor Flemming 4 tháng và ông đạo diễn phần lớn phim. Sau đó, Flemming được nhà sản xuất David O. Selznick cho nghỉ để làm phim Cuốn theo chiều gió. Đạo diễn thứ tư là King Vidor, người tham gia vào dự án chỉ 10 ngày và đã chỉ đạo quay cảnh mở đầu và cảnh cuối phim.

Phù thủy xứ Oz đã được bình chọn là một trong 100 bộ phim hay nhất mọi thời đại của Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ. Phim cũng được bình chọn là 1 trong 5 bộ phim nhạc kịch hay nhất mọi thời đại và ca khúc Over the Rainbow trong phim cũng từng đứng đầu danh sách 100 ca khúc hay nhất trong phim.

* Diễn viên chính phải “ép ngực”: Judy Garland không phải là lựa chọn đầu tiên của MGM cho nhân vật Dorothy, mà là Shirley Temple, lúc đó là một ngôi sao lớn. Tuy nhiên, thời điểm đó Temple đang bị ràng buộc hợp đồng với hãng phim 20th Century Fox và họ nhất quyết không cho “mượn” cô, nên MGM đành phải để Garland thủ vai này. Thế nhưng, ở tuổi 16, Garland bị coi là quá “phổng phao” so với nhân vật, mặc dù lúc đó bà đã ăn kiêng. Hãng phim đã buộc Garland phải ép chặt đôi “gò bồng đào” của mình. Trong thời gian quay phim, bà kiếm được khoảng 500 USD/tuần và vai diễn này đã đưa bà trở thành một ngôi sao lớn.

* “Phù thủy Oz” đòi giá cao. W.C. Fields là lựa chọn đầu tiên cho nhân vật phù thủy, nhưng hãng phim không đáp ứng được mức thù lao mà Fields yêu cầu. Sau đó, MGM đã ký hợp đồng với Frank Morgan.

* Cuộc hội tụ của những người lùn: Để tạo nên một ngôi làng của những người Munchkin, hãng MGM đã thuê 124 người lùn tham gia phim.

Duccini, thủ vai một người Munchkin, cho biết: “Lúc đó tôi khoảng 20 tuổi, sống tại một thị trấn ở Minnesota. Khi được mời đóng phim, tôi không hề biết có những người lùn khác tham gia. Đối với tôi, được gặp họ ở phim trường là điều hạnh phúc nhất. Giờ đây, tôi thấy khó khăn khi xem lại bộ phim kinh điển này vì tất cả các bạn của tôi đều không còn nữa”.

* Phù thủy suýt bị nướng chín: Mar- garet Hamilton, người thủ vai phù thủy độc ác, đã suýt nữa bị “nướng” trong lửa, do lỗi kỹ thuật. Sự cố xảy ra, do lửa trong cảnh quay bùng lên quá nhanh, chiếc mũ và cái chổi của bà bị cháy. Mặt bà bị bỏng nặng và bà đã phải nghỉ diễn trong 6 tuần.

* “Diễn viên” cẩu kém may mắn: Người ta nói rằng quá trình làm phim đã gặp nhiều chuyện không hay và đến chú chó Toto trong phim cũng chẳng thoát. Một lần chú đã bị một chiếc máy tạo gió thổi bay lăn lóc trên sàn nhà. Sau đó, chú bị một “vệ sĩ” của phù thủy độc ác vô tình dẫm gãy chân.

Chú chó này tên thật là Terry, nhưng sau khi đóng phim đổi thành Toto. Với “vai diễn” của mình, chú đã được trả 150 USD/tuần trong quá trình quay phim, kém hẳn các diễn viên chính, song lại hơn những người lùn thủ vai người Munchkin.

* Phim bị chê dở tệ: Khi ra rạp, bộ phim này đã thất bại thảm hại về doanh thu – chỉ thu được hơn 3 triệu USD - và bị giới phê bình chê bai thậm tệ. Tờ The New Yorker chỉ trích phim “không hề có sức tưởng tượng” và tờ The New Republic cho rằng phim toàn những “nhân vật kỳ dị”. Thế nhưng, phim đã được đề cử 6 giải Oscar, đoạt Oscar Nhạc nền độc đáo nhất và ca khúc hay nhất với Over the Rainbow. Judy Garland cũng được trao giải Oscar đặc biệt Juvenile.

Theo Thể thao & Văn hóa