Bình Tây Đại Nguyên Soái: Dấu ấn phim lịch sử của đạo diễn Phan Hoàng

(TGĐA) - Sau phim Anh hùng Nguyễn Trung Trực, Bình Tây Đại Nguyên Soái (đạo diễn Phan Hoàng) được Đài Truyền hình TP. HCM hợp tác với Hãng phim Cửu Long đầu tư theo kinh phí của dòng phim lịch sử, đang phát sóng trên hai kênh HTV9 và HTVC Thuần Việt, bước đầu được đồng nghiệp, khán giả ghi nhận bằng những điểm cộng khách quan về câu chuyện phim, thông điệp phim, cách dàn dựng, diễn xuất, hiệu quả kỹ xảo… Trên tinh thần chia sẻ những kinh nghiệm “được và mất” trong quá trình làm phim, đạo diễn Phan Hoàng đã có cuộc trao đổi rất chân thành với PV Tạp chí Thế giới Điện ảnh.

Cnh_lm_phim_Bnh_Ty_i_Nguyn_Soi

Cảnh làm phim Bình Tây Đại Nguyên Soái

Với anh, làm phim lịch sử không phải là cuộc trải nghiệm, mà chính là tấm lòng trách nhiệm và đam mê, cho dù phải đối đầu với muôn vàn khó khăn. Vậy những yếu tố nào đã giúp anh đứng vững để hoàn thành tác phẩm?

Thứ nhất: Cần nắm vững chính sử, mạnh tay phóng tác. Chính vì vậy rất cần người biên kịch - giỏi, không đi lệch chính sử, nhưng để tạo yếu tố ly kỳ, hấp dẫn phải luôn mạnh dạn hư cấu về nhân vật, hay tình huống cho thêm vị trữ tình, bay bổng, gay cấn trong điều kiện cho phép. Thí dụ trong phim có hư cấu nhân vật cô đào hát Ngọc Khuê yêu tướng Được, rất yêu nước, bị Công Tấn hãm hại. Hay xây dựng nhiều cô gái quê rất thông minh, giỏi võ thuật theo nghĩa quân sống trong rừng thể hiện lòng dân quân cùng ý chí tiêu diệt giặc. Thứ hai là phải mạnh dạn trong việc có ý thức, trách nhiệm để đầu tư cho dòng phim truyện lịch sử truyền hình. Với VTV chịu đầu tư 600 triệu cho một tập phim, nhưng buộc phải có rating cao để lấy quảng cáo. Với HTV đầu tư 400 triệu cho một tập phim, nhưng có chủ trương ưu đãi, chia sẻ cho dòng phim lịch sử, không yêu cầu phải có quảng cáo. Thứ ba là có cách nhìn, quan niệm mới về làm phim truyện lịch sử truyền hình. Hiện ở nước ta hầu hết các phim khi được lên sóng trên các đài, kênh truyền hình cả nước, đều được đổi quyền lợi qua hình thức rating cao, lấy quảng cáo. Riêng với dòng phim lịch sử, các nhà quản lý, các thành phần sáng tác cần có quan điểm rõ ràng, đây là trách nhiệm, trọng trách lớn của mình với dân tộc, có chế độ, chính sách ưu đãi riêng, chứ không thể quy thành cấp số nhân của các mẫu quảng cáo. Bộ phim Bình Tây Đại Nguyên Soái được Đài truyền hình HTV và hãng phim đã đầu tư kinh phí lên tới 16 tỷ đồng

Thứ tư: Bối cảnh phim cần được đầu tư, dàn dựng hoành tráng, nhưng phải chân thực nhất. Rút kinh nghiệm từ phim Anh hùng Nguyễn Trung Trực ở những cảnh cháy nổ, súng bắn, đồn, thành... quay tại hiện trường vừa tốn kém, không an toàn lại không đạt hiệu quả cao), nên chúng tôi quyết định ở bộ phim Trương Định này không dàn dựng quay thật, mà thực hiện hoàn toàn bằng kỹ xảo 3D, tuy kinh phí trội hơn gấp 3 lần (500 triệu đồng) để tái hiện các cảnh như: Thành Gia Định, đại đồn Chí Hòa, Đám lá tối trời (nơi ông Trương Định sống trong rừng chỉ toàn đám dừa nước). Hay cảnh có cọp, cá sấu, đạn pháo, trái nổ, khói lửa…Nếu làm kỹ, “nuột nà” hơn sẽ đạt khoảng 80% so với cảnh thật. Hoặc có cảnh tướng Trương Định đứng trước cả trăm người kêu gọi nhân dân khởi nghĩa, thì quay phim áp dụng phương thức quay dán hình rất khéo. Tuy nhiên với những cảnh cần quay thật mà phải bỏ công, bỏ của, chúng tôi vẫn kiên quyết thực hiện bằng được như: ra Huế quay đại nội mất 1 tuần (trong khi thuê bối cảnh là 10 triệu đồng cho một ngày quay); Các cảnh lớn, quy mô của dinh Bảo Đại quay ở Dinh 2 và 3 hơn 2 tuần. Để tìm những bối cảnh lớn không có cột điện, ăng ten, không có xe cộ, có rừng …tại các vùng sâu, vùng xa, đoàn phim phải di chuyển rất vất vả bằng tàu, xuồng như ở đảo Dừa Lửa (Nhơn Trạch - Đồng Nai), rừng Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu). Trong phim cần sử dụng tới 100 ngôi nhà cổ, vì mỗi ông bá hộ ở một nhà (có tới hàng chục ông), đó là chưa kể riêng cho tướng Trương Định có 3 ngôi nhà ông và 2 bà vợ). Đoàn đã phải tìm khắp các địa phương như Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Nai, Thủ Dầu Một. Riêng ở Long An có 9 ngôi nhà cổ phải thuê ít nhất 4 triệu đồng một ngày, còn ở Vĩnh Long là 3 triệu rưỡi một ngày. Thứ 5-Về phục trang (đạo cụ), đã may mới hoàn toàn cho triều đình, lính Tây, quan Pháp, tướng lĩnh Trương Định, quần chúng… với kinh phí hơn 300 triệu đồng; Về đạo cụ có súng trường (40 cây) chi phí hơn 80 triệu. Phục chế 2 khẩu đại bác 10 triệu để thực hiện kỹ xảo cháy nổ bằng 3D. Đóng mới 4 chiếc xuồng có màu sắc khác nhau với gía 45 triệu đồng. Đó là chưa kể tới hàng trăm cây kiếm, gậy gộc, thuê 50 con ngựa (1con thuê 3 triệu một ngày quay), huy động tới 4800 quần chúng (với giá 150 ngàn đồng một người cho một ngày quay kèm một xuất cơm …Đặc biệt bộ phim dài 40 tập, trong đó có hơn 200 cảnh đánh nhau , hầu như ngày nào cũng có cảnh đánh nhauvới tiêu chí phim nếu không có đánh nhau thì không thể ra chân dung một vị tướng Trương Định trước mọi tình huống: trong rừng, trên sông, trên xuồng, hẻm ngóc ngách, trên lưng ngựa, mặt đất…với hơn 500 lượt quay của nhóm cascadeur Quốc Thịnh. Còn đạo cụ, phục trang luôn phải chuẩn bị lượng lớn xirô để làm máu vì những cảnh thương tích liên tiếp xảy ra. Cần mạnh dạn đầu tư cho những cảnh quay như quần chúng chèo xuồng đánh nhau. Thay vì chọn quần chúng bình thường, hãng đã về Sóc Trăng tuyển và thuê 30 người trẻ, khỏe trong đội đua Ghe Ngo chuyên nghiệp với giá 200 ngàn một người, một ngày quay cùng 50 ngàn tiền ăn…đã tạo hiệu ứng khá đẹp, đồng đều từ cảnh toàn đến đặc tả gương mặt , động tác của mái chèo cho đến cuộc đánh nhau thật ngoạn mục.

Thứ 6: Trong phim yêu cầu rất nhiều lính Tây nói trực tiếp bằng tiếng Pháp, nên đoàn đã cất công tìm kiếm rất lâu 200 người nước ngoài biết tiếng Pháp với hợp đồng 2 triệu đồng một người cho một ngày quay, không kể chi phí ăn, ở khách sạn, đi lại, đưa rước đều do đoàn phim lo. Thứ 7 là: Hiệu quả ngay từ khâu quản lý, tổ chức, thù lao của một đoàn phim chuyên nghiệp. Rất cần có những dự trù, phán đoán, quyết đoán rõ ràng mang tính trách nhiệm và chia sẻ của nhà sản xuất (giám đốc sản xuất) giữa các khâu trong đoàn phim. Ngay từ khâu ký hợp đồng, có chế độ, chính sách tiền bạc sòng phẳng, dứt khoát chi trả thù lao theo đúng thời hạn quy định (phim quay xong đúng nửa tháng là trả hết lương). Ở nhiều đoàn phim chờ ngày phim lên sóng mới trả. Cần động viên, khen thưởng kịp thời những nhân tố sáng tạo, chịu khó, hết mình cống hiến cho những cảnh quay hiệu quả. Thí dụ anh em tổ thiết kế ngoài dựng bối cảnh, có người phải trầm mình rất lâu dưới bùn, nước để đẩy xuồng khi quay. Khi xong bước lên bờ là động viên, bồi dưỡng thêm 100 ngàn đồng. Hoặc theo quy định làm việc 7giờ/ngày, nếu làm quá giờ sẽ được hưởng thêm 20 ngàn một tiếng. Ngoài tiền lương ký hợp đồng, mỗi ngày, mỗi người được chi thêm 50 ngàn cùng một ngày cơm. Nếu ai đi xe gắn máy sẽ được trả thêm 50 ngàn tiền xăng. Biết trân trọng tất cả mọi người trong đoàn phim, chú ý tới bữa ăn, nước uống, điều kiện sinh hoạt của họ.

Trong khâu tổ chức, phương tiện đi lại của đoàn phim, hãng có 7 chiếc xe được phân công rõ ràng: 1 chiếc xe tải 2, 5 tấn chở đạo cụ, thiết kế, phục trang; 1 xe tải 1,5 tấn chở boom, doly, máy phát điện, các thiết bị nhẹ. Do quay ở vùng sâu, nông thôn đoàn đã chuẩn bị 2 máy phát điện, thậm chí đến địa phương nào còn thuê thêm một máy dự phòng khi 2 máy phát điện trên có sự cố; 1 xe 16 chỗ chở tổ quay, kỹ thuật, máy quay; 1 xe 7 chỗ dành cho tổ thiết kế; 1 xe 30 chỗ đưa rước nhân viên; 1 xe 4 chỗ cho đạo diễn và 1 xe 7 chỗ luôn trực ở Sài Gòn để đưa rước diễn viên Tây. Nếu ai đi bằng xe hon da thì được trả tiền một vé xe đò.

o_din_Phan_Hong_v_cc_ng_nghip_trn_trng_quay

Đạo diễn Phan Hoàng và các đồng nghiệp trên trường quay

Trong cách dàn dựng, ngoài tuyến nhân vật chính về vị anh hùng Trương Định, anh có thể chia sẻ thêm các tuyến nhân vật phụ góp phần không nhỏ trong việc tạo kịch tính, màu sắc đa dạng cho bộ phim thêm yếu tố ý nghĩa, hấp dẫn cần xem ?

Đó là sự xuất hiện của tuyến cặp Phan Thanh Giản - Chánh xứ toàn quyền triều Nguyễn cùng Đại thần Lâm Duy Hiệp. 2 người có chung chủ trương tuân lệnh Triều đình, ký hòa ước với Pháp là để thủ, để chờ ( đối trọng của Trương Định). Sau đó ông Giản hối hận, tuyệt thực 17 ngày chết. Sau 150 năm được giải oan vì tội bán nước.

Tuyến tướng Trương Định chỉ huy khẩn hoang lập ấp, quy hoạch khu rừng làm lúa, thu phục lòng dân. Trong cách đánh dùng gậy gộc, đánh du kích - tiền đề của cuộc đấu tranh nhân dân. Chinh vì vậy ông được dân phong tên Bình tây Đại Nguyên Soái, chứ không phải tự xưng.

Hình ảnh Vua Tự Đức đầu hàng Pháp, nhưng lại đồng lòng với Hoàng Thái Hậu Từ Dũ ngầm ủng hộ nghĩa quân Trương Định.Với tấm lòng thật nhân từ, bà cùng triều đình gả người em họ Trần Thị Sanh, thông minh, tài sắc cho tướng quân Trương Định. Tuyến cặp cụ Đồ Chiểu bị mù cùng quan Huỳnh Mẫn Đạt (từ quan), là hai người bạn vong niên dùng thơ làm công tác tuyên truyền cho nghĩa quân Trương Định.

Chuyện tình thơ mộng giữa Trương Định và bà Thưởng gặp nhau được dàn dựng trên dòng sông. Họ ngồi chèo xuồng cùng hò đối đáp rồi bà chứng kiến ông dám thách đấu võ với một công tử con bá hộ, từ thán phục đến yêu ông.

Cuối cùng là tuyến nhân vật Huỳnh Công Tấn háo sắc, phản bội theo Pháp lãnh xứ mệnh vào khu rừng bí mật đám lá tối trời để giết Trương Định.

Dự án phim sắp bấm máy của anh là gì?

Định hướng lớn của Hãng phim Cửu Long vẫn là dòng phim lịch sử. Tháng 6 này, Hãng sẽ bấm máy bộ phim Mùa lá đỏ (đề tài chiến tranh), sau đó bấm tiếp phim lịch sử Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, phát sóng nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam.

Xin cảm ơn và chúc anh cùng Hãng phim luôn thành công!