Các ngôi sao nữ thường làm nghề gì trong phim?

Diễn viên

(TGĐA) - Hầu hết các đề tài được khai thác trên màn ảnh Hollywood đều mang tính biểu tượng của văn hóa đại chúng.


Ta đã thấy ở đó đầy đủ các thành phần, cả bất hảo lẫn hữu ích của một xã hội, thông qua nhân vật trong bộ phim mà đặc biệt nhất là nghề nghiệp của họ. Trong phim, các nhân vật nữ thường làm những công việc gì?

Giấc mơ trở thành biểu tượng của sắc đẹp, tài năng, sự giàu có… là động lực để nhiều thiếu nữ trẻ tìm đến mảnh đất Hollywood màu mỡ lập nghiệp. Nơi này toàn quyền định đoạt số phận của họ, đưa họ lên hàng siêu sao, hoặc đẩy họ xuống hố sâu cạm bẫy. Diễn viên được cho là nghề nghiệp đầy hứa hẹn tại kinh đô điện ảnh, nếu bạn có nhan sắc trời cho và tài năng thiên bẩm cùng một tình yêu nghệ thuật cháy bỏng. Hai bộ phim của David Lynch: Mullholand Dr. (2001) và Inland Empire (2007) đều mô tả nghề diễn viên như một ma lực có sức hấp dẫn phái đẹp. Tuy nhiên, ông lại đẩy họ vào những thực trạng khủng khiếp của nghề này. Trong Mullholand Dr. là một Betty ngây thơ bỡ ngỡ chốn xa hoa, đi casting, thất bại cả tình yêu lẫn sự nghiệp bỗng chốc hóa tâm thần. Còn Inland Empire lại phơi bày bộ mặt đen tối của công việc làm phim với đầy đủ yếu tố từ casting, phỏng vấn, kịch bản, quay và kết thúc. Một mớ bòng bong những cảm xúc hỗn loạn từ phim đến đời thực, rồi đi vào giấc mộng, khiến nữ diễn viên quá nhập vai trở thành người sống nửa hư nửa thực.


Phim Inland Empire

Một số bộ phim có đề tài tương tự là: Lost in Translation (2003) với sắc thái nhẹ nhàng lãng mạn, Ellie Parker (2005) tràn ngập những phân đoạn thử vai đầy kịch tính và giàu cảm xúc còn The Factory Girl (2007) thuật lại huyền thoại một thời với nghiệp diễn ngắn ngủi, bi đát. Thậm chí The Black Dahlia (2006) còn phơi bày sự thật trần trụi vào giai đoạn tiên phong ở Hollywood, những cái chết đầy bí ẩn và thê thảm của những minh tinh màn bạc nhan sắc một thời…

Ca sĩ / Vũ công / Nhạc công

Là công việc đòi hỏi tài năng thực thụ, làm ca sĩ bạn không cần phải có thật nhiều nhan sắc, cái bạn cần có là giọng hát. Tương tự, vũ công chỉ yêu cầu ngoại hình trung bình không mập hoặc quá ốm. Nhạc công thì dễ dàng hơn, bạn chỉ cần siêng năng và chăm chỉ dù có bất tài đi chăng nữa. Ngành nghề nghệ thuật luôn hấp dẫn phái đẹp. Ca sĩ hái ra tiền như trong Dreamgirls (2006) hay Glitter (2001) với đầy đủ các bí quyết của công nghệ lăng-xê tân tiến, thậm chí hóa những cô gái vô danh vô tài trở thành thần tượng của hàng triệu khán giả. Hoặc câu chuyện về những nghệ sỹ thực thụ như June Carter trong Walk the Line (2005), A Prairie Home Companion (2006… Nếu bạn không tin vào những ca sĩ không có ngoại hình thì hãy tìm xem Hairspray (2007), trong đó cô bé Tracy mập béo và thấp bé có giọng hát trời cho, không ngại thực hiện giấc mơ của mình.


Phim Walk the Line

Nghề vũ công còn được đề cập trong phim The Company (2003) với những giờ luyện tập hăng say, những đêm diễn hết mình. Còn Shall We Dance (2004) là câu chuyện về một giáo sư trẻ, tận tình với học trò của mình chỉ cốt để cô truyền đạt lại tinh thần và tình yêu mãnh liệt của bản thân với nghề. August Rush (2007) là một trong số ít các phim có nói đến nữ nhạc công chơi cho dàn nhạc giao hưởng. Các nghề liên quan đến năng khiếu phản ánh bộ mặt nhiều lớp của Hollywood – những nhân tài bị nhấn chìm, những kẻ vô danh… Nước Mĩ luôn đồng lòng với những con người phấn đấu vượt qua bi kịch cuộc sống để thành công. Ta gọi đó là American Dream – Giấc mơ Mĩ.

Nhà báo / Nhà văn


Phim A Mighty Heart

Cùng là công việc viết lách, nhưng ở hai khía cạnh khác nhau. Nhà văn có thể dùng tiểu xảo để bịa chuyện trong khi lương tâm nghề báo không cho phép làm chuyện đó. Một khi đã làm báo, áp lực công việc rất cao, thậm chí nghề báo còn được xếp trong những nghề nguy hiểm nhất hiện nay. Hãy xem Veronica Guerin (2003) có ngôi sao Cate Blanchett thủ diễn, vai một nhà báo tiếng tăm bị truy sát vì tố cáo tội ác, hay như A Mighty Heart (2007), cũng từ sự kiện có thật kể về một nhà báo nữ ra sức tìm cách cứu chồng – cũng làm phóng viên - thoát khỏi cái chết ở Karachi. Bớt bi kịch hơn về nghề này là phim trinh thám hài hước Scoop (2006) của Woody Allen, kể về một cô sinh viên ngành báo chí cố tìm một đề tài đắc địa hòng nhanh chóng kiếm được việc làm ở tòa soạn báo uy tín. Nhân vật này là hình mẫu điển hình cho thế hệ làm báo trẻ, năng động và thông minh, luôn tìm những cơ hội thật sự cho bản thân.

Hầu bàn

Bạn sẽ bắt gặp công việc này xuất hiện dày đặc trên phim Hollywood. Từ hài – lãng mạn như Waitress (2007), The Ramen Girl (2008) cho đến tâm lí xã hội như My Blueberry Nights (2007), An Unfinished Life (2005)… Làm hầu bàn không có nghĩa bạn xuất thân từ nghèo đói, bạn ít học hay bất tài. Nghề nghiệp này thịnh hành bởi nó tập cho bạn tính nhanh nhẹn, chịu khó hoặc đơn thuần chỉ là bạn thích không khí ở các quán hot-dog, hay ở những quầy bar, nơi những người đến chủ yếu là tìm người khác phái để hẹn hò.


Phim My Blueberry Nights

Công việc làm hầu bàn còn phản ánh lối sống vô định của thanh niên Mĩ, cho thấy còn nhiều kẻ thất nghiệp đang chờ đợi vận may.

Gái điếm / Vũ nữ thoát y

Hai nghề này gần như một vì ranh giới rất mỏng manh. Hollywood không thiếu những kiểu mẫu như thế. Trên các con phố trên khắp thế giới từ Barcelona, Paris, tới Los Angeles… bạn sẽ tìm thấy những cô gái điếm cao cấp, những vũ nữ thoát y tại các hộp đêm. Công việc này hẳn là kiếm được nhiều tiền, nhưng nó làm suy đồi đạo đức và sức khỏe của một cộng đồng lao động lớn. Không thiếu các cô gái từng có tương lai sáng lạn, thoáng chốc vụt mất tương lai vì ma túy, vì thất bại trong nghề nghiệp, vì bị ép buộc.


Phim New York, I love you

Có quá nhiều phim Hollywood đề cập đến thân phận hoa đêm bọt bèo. Nhân vật trong Closer (2004) và The Wrestler (2008) đều là những vũ nữ thoát y, nhưng có lối suy nghĩ nhân văn. I Know Who Killed Me (2007) của ngôi sao scandal Lindsay Lohan thì chỉ đơn thuần là những cô gái trẻ thích kiếm tiền nhanh. American Psycho (2000) lại là bi kịch dành cho gái điếm khi họ trở thành “đồ chơi” của những gã đàn ông bệnh hoạn. Bi kịch nhất là trường hợp có thật về một sát nhân kiêm gái điếm đồng tính, bị tử hình trong Monster (2003) do Charlize Theron thủ diễn. Hài hước thì có New York, I Love You (2009) nhìn những cô gái gọi hạng sang ở New York một cách triết lí và tình cảm hơn. Công bằng mà nói, những phụ nữ nhan sắc và bán mình hàng đêm đều xứng đáng có một vị trí nhất định. Họ đại diện cho một bộ phận xã hội, tiếng nói của họ là để đáp trả lại những gã đàn ông ham của lạ và chán cuộc sống gia đình.

Cảnh sát / Thám tử / Điệp viên

Một nghề nổi tiếng chỉ dành cho nam giới, nay trở nên phổ biến tại một số quốc gia tân tiến, nơi phụ nữ có quyền bình đẳng. Các bộ phim tiêu biểu như: phim hình sự In the Valley of Elah (2007) của Paul Haggis nói về một cảnh sát nữ tận tâm và đầy tình cảm khi thực hiện công việc điều tra về cái chết đau lòng của một anh lính Mĩ tại Iraq hay như phim Fargo năm 1996 của anh em Coens có một nữ cảnh sát trưởng đứng tuổi đủ thông minh và khôn ngoan khi bắt tên sát nhân man rợ.


Phim Get Smart

Thám tử, điệp viên hay thanh tra đều là những ngành nghề cao cấp và đòi hỏi tư duy cao. Ta có thể thấy hình tượng nghiêm túc trong các phim như The Silence of Lambs (1991) về một nhân viên điều tra án mạng, Murder by Numbers (2002) chuyên về cảnh sát ngầm, The Interpreter (2005) mang tính chính trị và khủng bố. Các hình mẫu công việc trên được phá cách trong phim hài Miss Congeniality (2000) có ngôi sao ăn khách Sandra Bullock và Get Smart (2007)…

Luật sư

Những người làm nghề này thường là những phụ nữ mạnh mẽ, độc lập đi kèm với trái tim quả cảm. Nghề luật sư khá phổ biến ở các nước phương Tây, đặc biệt là Mĩ với guồng máy hoạt động cao qua nhiều vụ kiện tụng thắng lớn đi vào lịch sư. Một trong những phim thành công nhất về những phụ nữ hành nghề luật sư là Erin Brockovich (2000) do cô đào Julia Roberts đóng vai chính. Dead Man Walking (1996) kể chuyện người tử tù và chân lý mà anh truyền đạt lại cho nữ luật sư của mình. Những phim khác đề cập đến công việc này còn có Gone Baby Gone (2007) và phim hài khá ăn khách Legally Blonde (2001) của ngôi sao Resse Witherspoon.


Phim Erin Brockovich

Xã hội càng phức tạp, cảnh sát và luật sư sẽ ngày càng xuất hiện dày đặc.

Thư ký / Trợ lí

Thư ký không còn là nghề thịnh hành và hấp dẫn phái nữ như ngày xưa, khi mà những cô gái mẫu mực thì lựa chọn cho mình công việc nhàn rỗi và nghiêm túc, tuy có hơi nhức đầu vì các con số dày đặc. Gần đây, Hollywood miêu tả nghề này bị biến dạng bởi tình dục và những ông chủ có máu ngoại tình như Secretary (2002) hay Broken Flowers (2005)… American Psycho (2000) và Jerry Maguire (1996) là hai trong số rất ít phim có cách nhìn tử tế về nghề thư kí nữ một cách đàng hoàng.


Phim The Devils Wear Prada

Trợ lí là công việc vất vả vì phải chạy việc quần quật hàng ngày. Tuy nhiên, nếu bạn thật sự giỏi thì cơ hội thăng tiến và kiếm được nhiều tiền từ nghề này rất lớn. Để hiểu rõ hơn những cô gái vất vả với nghề này ra sao, bạn có thể xem The Devils Wear Prada (2006).

Trần Minh