Cái giá của giải Oscar

(TGĐA) - Các hãng sản xuất phim Hollywood đã chi ra nhiều triệu USD mỗi năm để vận động cho phim của họ lọt vào tầm ngắm của hơn 6.000 thành viên có quyền bỏ phiếu của Viện hàn lâm Khoa học Điện ảnh Mỹ (AMPAS) với hy vọng sẽ giành chiến thắng. Nhưng toan tính là một chuyện còn kết quả ra sao lại là chuyện khác? Chúng ta đã từng nghe về việc một nữ diễn viên quảng cáo nguyên trang trên một tờ báo lớn để đề nghị những người có quyền bỏ phiếu các giải Oscar hãy xem xét vai diễn của cô. Rồi một nhà sản xuất Hollywood bị cấm dự đêm trao giải vì đã vận động chống lại một bộ phim bom tấn của đối thủ. Đây mới chỉ là 2 trong rất nhiều nỗ lực không mệt mỏi để ảnh hưởng đến nhóm cử tri được chọn lọc nhất hành tinh.

1. Hào quang của giải Oscar là không gì sánh được

Hào quang của giải Oscar là không gì sánh được

Bí mật kiểu “nửa kín nửa hở”

Ước tính sơ bộ cho thấy, Hollywood đã chi cho cuộc vận động giải Oscar từ 100-500 triệu USD tuỳ từng năm. Dĩ nhiên, các ông chủ studio không bao giờ công bố số tiền họ đã bỏ ra cho cuộc vận động quan trọng này, nhưng nhà sản xuất điện ảnh và blogger Stephen Follows đã đúc kết các số liệu được cung cấp bởi những người tự xưng là sành sỏi về “chuyện nội bộ” của kỹ nghệ điện ảnh Mỹ. Dĩ nhiên, giữ kín tên tuổi là điều kiện họ đưa ra khi cung cấp những thông tin được cho là tuyệt mật.

2. Năm 2011 Melissa Leo đã bỏ tiền túi ra tự quảng cáo và được đền đáp bằng một giải Oscar Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất

. Năm 2011, Melissa Leo đã bỏ tiền túi ra tự quảng cáo và được đền đáp bằng một giải Oscar Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất

Theo ước tính của Follows, một bộ phim đoạt giải Phim hay nhất phải bỏ ra không dưới 10 triệu USD để quảng cáo, đưa tin trên báo và những chi phí khác thông qua đội ngũ “chuyên viên” vận động hậu trường. Vào mùa Oscar, các hãng phim cấp tập quảng cáo cho những bộ phim chủ lực của mình trên những tờ báo in tên tuổi và báo điện tử, trang web uy tín, chuyên ngành. Bằng cách này, họ “lễ phép” nhắc nhở cử tri về những đặc sắc trong phim của họ và “đột phá diễn xuất” của các ngôi sao trong phim. Hàng chục ngàn USD cũng được chi cho poster và quảng cáo điện tử, banner tại nơi công cộng. Đoạn văn “để bạn xem xét đánh giá” là từ thông dụng trên các billboard quảng cáo và trên trang in quảng cáo. Cụm từ này đã trở thành biểu tượng của Hollywood ở mỗi mùa Oscar. Chi phí quảng cáo trên “mặt tiền” tờ Hollywood Reporter khoảng 72.000 USD. Tạp chí điện ảnh giải trí Variety cũng tính phí tương tự. Năm 2011 nữ diễn viên Melissa Leo khi tuyệt vọng vì các tờ báo, kênh truyền hình uy tín không đưa tin về mình đã bỏ tiền túi để quảng cáo cho bộ The Fighter. Bà tố cáo “có sự phân biệt đối xử của giới truyền thông”, trong khi những người phản đối cách làm của bà xem đây là “trò vô bổ”. Nhưng cuối cùng, Leo chứng tỏ mình đã tính toán đúng khi bà mang về nhà giải Oscar vai phụ xuất sắc nhất.

Giống như những cuộc vận động khác, vận động cho các giải Oscar cũng lắm trò bẩn. Ví dụ, một nhóm “cố vấn chọn lọc” có trọng trách duy nhất là đưa những bộ phim “mục tiêu” vào tầm ngắm của các thành viên AMPAS. Chủ nhân của các bộ phim này trả cho họ từ 10.000-20.000 USD/phim và nếu phim lọt vào danh sách đề cử hay chiến thắng họ sẽ nhận thêm gấp đôi, gấp 3 số tiền này. Các thành viên AMPAS cũng được mời đến xem những buổi chiếu giới thiệu tại Los Angeles, New York hay London. Tại đây, các diễn viên trong phim sẽ xuất hiện trước khán giả và có cả màn hỏi đáp liên quan đến bộ phim tại hội trường. “Nhóm cố vấn này rất chọn lọc vì họ quen biết nhiều thành viên AMPAS, biết những người này thích cái gì và biết cách cấy bộ phim mục tiêu vào trong đầu họ” – Ông Gayle Murphy, phóng viên điện ảnh kỳ cựu tại Hollywood nhận xét.

Qua mặt qui định khắt khe của AMPAS

Dĩ nhiên, AMPAS không chấp nhận hối lộ để lấy phiếu Oscar và sẽ trục xuất ngay những ai vi phạm ra khỏi tổ chức. Tuy nhiên, đã trở thành bình thường khi các thành viên AMPAS nhận được vô số quà biếu từ lúc khởi động giải Oscar, đặc biệt là trước khi bỏ phiếu đề cử. “Tôi nhận được nhiều sách dạy nấu ăn, truyện, thậm chí cả… bao cao su Lincoln. Đúng là trò nhạo báng để lách luật” – một thành viên giấu tên thú nhận với tờ Hollywood Reporter.

3. Ekip phim The Hurt Locker nhận giải Oscar nhưng nhà sản xuất Nicolas Chartier thì bị cấm tới nhận giải vì chê bai phim đối thủ

Ekip phim The Hurt Locker nhận giải Oscar nhưng nhà sản xuất Nicolas Chartier thì bị cấm tới nhận giải vì chê bai phim đối thủ

Theo luật lệ riêng của AMPAS được sửa đổi vào năm 2011 thì bất cứ cuộc vận động trực tiếp nào bằng email hay telephone đến các thành viên có quyền bỏ phiếu đều bị cấm tuyệt đối. Sau khi các đề cử Oscar được công bố, các hãng phim sẽ không được phép mời “cử tri” AMPAS đến xem chiếu các bộ phim mục tiêu với tiệc tùng đi kèm như trước nữa. Khi luật chưa thay đổi, thức ăn và rượu luôn được các hãng phim dùng làm “vũ khí vận động”. Những bình luận trực tiếp hay thông qua mạng xã hội để “vạch lá tìm sâu” và chê bai phim của đối thủ cũng bị cấm. Năm 2010, Nicolas Chartier, thuộc nhóm sản xuất bộ phim The Hurt Locker, bị cấm tham dự đêm Oscar sau khi ông gửi một email yêu cầu các thành viên AMPAS ủng hộ phim của ông chứ đừng ủng hộ “bộ phim kinh phí trên 500 triệu USD” (ám chỉ rõ ràng bộ phim bom tấn Avatar được đề cử phim hay nhất cùng với The Hurt Locker). The Hurt Locker đoạt giải vào năm đó nhưng Chartier chỉ nhận được tượng Oscar một tháng sau đêm trao giải.

5. Nhiều diễn viên da màu tẩy chay Oscar năm nay vì cho rằng giải thưởng này phân biệt chủng tộc cũng như giới tính

Nhiều diễn viên da màu tẩy chay Oscar năm nay vì cho rằng giải thưởng này phân biệt chủng tộc cũng như giới tính

Tuy nhiên, có người vẫn không tin là nhóm cố vấn vận động hậu trường lại ảnh hưởng nhiều đến giải Oscar như những bài viết phê phán họ trong mùa giải thưởng. Bất kể là Slumdog Millionaire bị tố cáo lợi dụng quá đáng các diễn viên trẻ em tại Ấn Độ hay Zero Dark Thirty bị chỉ trích lạm dụng cảnh tra tấn, có nhiều người đặt câu hỏi là số tiền khổng lồ bỏ ra để vận động giải Oscar có xứng đáng? Ông Edmund Helmer, một nhà phân tích dữ liệu cho Facebook, khẳng định là “không xứng đáng”. Ông cho biết một bộ phim sau khi đoạt giải Oscar phim hay nhất chỉ mang về thêm trung bình 3 triệu USD cho những người làm ra nó, ít hơn nhiều so với 14,2 triệu USD sau khi đoạt Quả cầu Vàng. Lý do có thể là đêm trao giải Oscar diễn ra vào cuối mùa giải thưởng điện ảnh khi các bộ phim đã được chiếu hết và bị kích thích đi xem bởi các giải trước. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy việc đoạt giải Oscar chỉ giúp tăng thù lao của nam diễn viên đoạt giải lên trung bình 3,9 triệu USD và nữ diễn viên đoạt giải lên 500.000 USD. Ông Kevin Sweeney, người đưa ra con số này cho biết ông không thể giải thích được nguyên nhân của cách biệt nam nữ về tăng thù lao sau khi đoạt Oscar. Tuy nhiên, xu hướng phân biệt giới tính và chủng tộc của Hollywood thì ai cũng biết. Ưu ái luôn dành cho các diễn viên nam hơn nữ và vai trung tâm trong phim cũng thường là nam giới. Oscar 88 “toàn màu trắng” đã dẫn đến việc tẩy chay phản đối của các ngôi sao như đạo diễn Spike Lee, đôi diễn viên vợ chồng Jada Pinkett Smith và Will Smith. Smith tuyên bố: “Nước Mỹ đẹp nhờ tinh thần đa dạng hoá trong suốt chiều dài lịch sử của nó. Nhưng giải Oscar không thể hiện được nét đẹp này”. Trên tài khoản Facebook cá nhân, Jada viết: “Tôi không ủng hộ một Oscar toàn người da trắng. Hoá ra, người da màu trở thành lãnh đạo nước Mỹ còn dễ hơn được đề cử Oscar diễn xuất”. Bà cũng post một video với lời kêu gọi: “Hãy cùng phản đối AMPAS không tôn trọng người da màu”. Diễn viên kiêm đạo diễn George Clooney đồng ý là Oscar đang đi sai hướng khi nhiều bộ phim có người da màu tham gia ở các vai chính phụ như Creed bị bỏ qua các đề cử diễn xuất. Ông nói: “Năm nay có 40 phim đủ tầm để tranh Oscar nhưng các bộ phim có diễn viên da mầu chưa được quan tâm đúng mức”./

4. Các thành viên Viện hàn lâm Khoa học Điện ảnh Mỹ luôn được các hãng phim ưu ái trước khi giải thưởng diễn ra

Các thành viên Viện hàn lâm Khoa học Điện ảnh Mỹ luôn được các hãng phim ưu ái trước khi giải thưởng diễn ra

Tuy nhiên, Oscar không chỉ có tiền. Được thừa nhận bằng giải Oscar sẽ giúp người đoạt giải rất nhiều sau này trên con đường sự nghiệp. Như Edmund Helmer từng viết: “Cả hai cuộc đua Quả cầu Vàng và Oscar không chỉ liên quan đến việc bán được nhiều vé hơn mà chúng còn đem lại những cơ hội mới cho người chiến thắng. Hào quang của giải Oscar là không gì so sánh được”.

Trung Nguyên