Cái thật, cái hồn nhiên dung dị trong phim tài liệu

 NSƯT - Đạo diễn Võ Kim Môn Mỗi năm các hãng phim trong cả nước làm ra hàng trăm bộ phim tài liệu bằng phim nhựa, băng video nhưng để có những bộ phim hay thì thật hiếm hoi. Phim hay không phải do đề tài mà do suy nghĩ, cách thể hiện, tay nghề của từng tác giả. Phim tài liệu không có cốt truyện nhưng lại phải có chuyện để nói, để bàn, để ngẫm nghĩ. Phim tài liệu không phải loại nghệ thuật hư cấu, như phải có cấu tứ, mà tứ của phim là chủ đạo, linh hồn của tác phẩm. Phim tài liệu có tứ chính là những mạch ngầm chuyển đến người xem những cảm xúc qua tư duy của người nghệ sĩ.

(TGĐA) - NSƯT - đạo diễn Võ Kim Môn là một người tâm huyết với nghề làm phim tài liệu. Trong thời gian công tác của mình, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị cũng như những thước phim tư liệu quý bau. Hiện đã nghỉ hưu, nhưng ông vẫn đóng góp cho nền điện ảnh Việt Nam qua những bài viết về nghề. Tạp chí TGĐA xin chia sẻ với bạn đọc một bài viết của ông…


Phim Trở lại Ngư Thủy (cố đạo diễn Lê Mạnh Thích), tôi nghĩ không phải sự trở lại của riêng tác giả phim về thăm những con người và mảnh đất chiến trường xưa mà là sự trở lại của chúng ta để xem xét một vấn đề làm ta phải suy nghĩ: cuộc sống hiện tại của những người mà ba mươi năm trước đã cống hiến cả tuổi trẻ của mình trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Sức sống và hơi thở của phim sao hồn nhiên, ngọt ngào, hiền lành, chân thật. Người xem cảm thấy mình đang đứng lẫn trong hàng ngũ các nhân vật để cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn... nếu như xã Ngư Thủy bây giờ có điện thắp sáng rồi, có cuộc sống dễ chịu hơn như nhiều miền quê khác thì sự trở lại ấy cũng chẳng có gì đáng nói. Bộ phim Trở lại Ngư Thủy là tấm lòng, là tiếng nói trung thực đầy trách nhiệm của người nghệ sĩ trước cuộc sống, cuộc đời.

Cảnh trong phim Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai

Vụ thảm sát của giặc Mỹ giết hại hơn 500 đồng bào ta ở Sơn Mỹ, một làng vùng biển tỉnh Quảng Ngãi cách đây đã hơn ba mươi năm. Nếu không có những cựu chiến binh Mỹ, những người đã có mặt trong ngày đẫm máu bị thương ấy trở lại thăm nhân ngày tưởng nhớ những người đã khuất hẳn sẽ không có phim Tiếng vĩ cầm ở Mĩ Lai (đạo diễn Trần Văn Thủy). Thảm kịch đã lùi xa nhưng trong lòng những người lính vẫn còn âm ỉ trĩu nặng những tội lỗi mà đồng đội của họ đã gây ra. Tiếng vĩ cầm đã gợi nguồn cảm hứng là điểm tựa để tác giả sáng tạo bộ phim này... Tiếng vĩ cầm của anh ta... một nỗi niềm sâu lắng dâng tặng người đã khuất và những người đang sống... Tư liệu chỉ có mấy tấm ảnh ít ỏi về những người chết, những bia mộ và tượng đài xen giữa lời kể nhẹ nhàng đầy xúc động. Bộ phim cũng là lời cảnh tình với toàn nhân loại bởi những tội ác vẫn còn diễn ra trên hành tinh này. Sự cao tay của nghề nghiệp đạo diễn, cảm giác bộ phim không có cảnh thừa, từ hình ảnh lời bình, âm thanh hài hòa một ngôn ngữ chung đặc trưng điện ảnh

Sự kiện chính trị nổi bật năm 1998 là cả nước hướng về thành phố mang tên Bác nhân kỷ niệm Sài Gòn - TPHCM 300 tuổi. Bộ phim tài liệu dài 300 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh (đạo diễn Thanh An) là những trang sử biên niên về một vùng đất hoang sơ sình lầy mà cha ông ta đã mở mang khai phá cách đây đã ba bốn thế kỷ, xây dựng nên thành phố lớn nhất cả nước như hiện nay. Độ dài 9 cuốn đối với phim tài liệu là "đồ sộ". Không sợ ngợp trước lịch sử bề dày thành phố 300 năm, biết bao sự kiện ở một thành phố lớn, các tác giả đã khai thác, chọn lọc tư liệu khá công phu với góc nhìn mang tính chính xác của lịch sử. Trong nghề thường bảo nhau đề tài loại này là phim tổng hợp rất khó làm. Biết bao nhiêu nhân vật đáng nêu, nhiều sự kiện, nhiều vấn đề của quá khứ và hiện tại đáng nói, nếu không biết kiềm chế rất dễ sa đà lan man. Trong phim này đã tìm ra được một mạch đi, xâu chuỗi được những nhân vật sự kiện đưa con tàu 300 năm tới một nấc thang nhất định của hiệu quả nghệ thuật. Tác giả dù đã biết kiềm chế nhưng vẫn còn những đoạn kéo dài thừa thãi, nhất là đoạn cuối phim như những cảnh về cuộc thi hoa hâu và lời bình nêu tên mấy nghệ sĩ là Việt Kiều, không ăn nhập với dòng chảy kết cấu chung của toàn bộ phim. Nếu tác giả khắt khe và chắt lọc hơn nữa thì chắc hẳn bộ phim sẽ khá hơn.

Phim tài liệu video sản xuất hàng năm nhiều gấp mấy lần phim nhựa nên đề tài thường phong phú đa dạng. Video có điều kiện tiếp cận nhanh nhạy, ghi chép được nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Mảng phim này không có phim nổi trội nhưng có nhiều phim khá. Phim Concert (đạo diễn Lê Hồng Chương), Xẩm (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên) có cách thể hiện mới mẻ, cảm nhận xem phim cứ như cuộc đời thật đang diễn ra ở trước mặt mình, tác giả hình như không can thiệp vào cuộc sống thật đó nhưng thực ra tác giả đã thổi vào người xem cả nội dung và ý tưởng bằng nghệ thuật hết sức truyền cảm. Qua vùng tâm bão (đạo diễn Chí Công) nói về cơn bão số 5 đổ bộ vào miền Tây Nam Bộ với những thiệt hại về người và của, sự khắc phục hậu quả của nhân dân. Các phóng viên đã có mặt ngay tại chỗ ghi lại nhiều hình ảnh xúc động. Phim không dừng lại ở mức độ ghi chép phóng sự mà đã nâng lên thành tác phẩm nghệ thuật có sức rung động về tình cảm, tình người sống trong cộng đồng, đùm bọc nhau trong gian nan hoạn nạn. Chỉ tiếc xử lý của đạo diễn đôi khi không đúng chỗ như trong cảnh chết chóc thê lương tự nhiên lại có giọng hát vang lên, tuy đó là một bài hát buồn.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu biểu diễn xẩm trên sân khấu

Nhân vật ông chủ tịch huyện xuyên suốt bộ phim Ở một vùng biên(đạo diễn Lê Văn Long) để tác giả nói lên cái nghịch lý cuộc đời ở vùng cao này. Bộ phim đi sâu khai thác thực trạng cuộc sống hiện của đồng bào dân tộc H'Mông ở huyện Mường Khương - Lào Cai. Ông chủ tịch huyện chẳng phải người nơi khác đến, cũng người H'Mông, được đi học trong nước và nước ngoài, có trình độ học thức cao và hiểu biết nhiều nhưng ông vẫn phải bó tay trước bao điều khó đặt ra với dân bản huyện mình. Có gia đình nọ bỏ bản làng vào sống biệt lập trong hang núi xa đã 10 năm nay gọi chẳng chịu về. Các chủ tịch xã ông thì văn hóa mới qua lớp 1, lớp 2. Có ông chỉ học để ký được mỗi tên mình vào văn bản giấy tờ. Trẻ con không đến trường học. Lại nảy sinh kẻ đến truyền đạo này đạo kia với bao cám dỗ. Ông chủ tịch huyện học vấn cao, giàu tâm huyết vậy mà chẳng làm được bao nhiêu việc để cải thiện đời sống dân huyện mình. Ở cuối phim, lời bình nói: nâng cao đời sống cho hàng vạn con người đâu chỉ nằm trong tầm tay ông chủ tịch huyện mà chính lại là vấn đề của đất nước. Tác giả đã tìm được cách diễn đạt, kể lại những chuyện thật ở làng bản với lời bình dung dị gợi mở, nhiều vấn đề ở vùng cao được đặt ra làm mọi người phải quan tâm suy nghĩ. Đó là thành công của bộ phim nhỏ gọn xinh xắn này.

Sài Gòn ngày xưa cũ....

Tôi không thể chấp nhận được những cảnh đóng phim quá lộ liệu dựng xem lẫn với những cảnh tư liệu quý giá quay được trong chiến tranh chống Mỹ. Những cảnh dựng lại, đóng lại ấy làm tổn hại đến tính chân thực của phim tài liệu. Cái đẹp của phim tài liệu xét cho cùng vẫn là cái thật, cái hồn nhiên dung dị mang hơi thở cuộc sống, cuộc đời qua tư duy của người nghệ sỹ.

Võ Kim Môn