Cha nào con nấy – Một nét văn hóa Nhật

(TGĐA) - Chàng kiến trúc sư tham công tiếc việc Ryota thường nhận thấy cậu con trai 5 tuổi Keita rất khác mình. Đó là đứa bé ít tham vọng, ít mạnh mẽ và ít đàn ông. Nên khi kết quả xét nghiệm ADN cuối cùng xác nhận thằng bé không phải con đẻ, anh bèn quyết định đi đón con đẻ của mình là bé Ryusei về nhà và gửi bé Keita về cho cha mẹ đẻ của bé…

Phim_Cha_no_con_ny

Ở Cannes, tiêu đề bộ phim có vẻ nói lên khá nhiều. Nhưng vấn đề ở chỗ khi con bạn lại không phải cùng dòng máu với bạn mà là một đứa bé bị tráo đổi với con đẻ của bạn lúc mới sinh. Và con người bé bỏng mà bạn đã nuôi nấng chăm bẵm bấy lâu bỗng nhiên trông không giống bạn nữa? Đạo diễn người Nhật Hirokazu Kore-eda đã pha trộn giữa tự nhiên và sự nuôi dưỡng vào trong bộ phim bi kịch gia đình có tên Cha nào con nấy. Phim đã giành giải Ban giám khảo tại LHP Cannes. Phim cũng đã từng đọat giải People Choice tại liên hoan phim quốc tế Canada 2013.

Dưới đây là cuộc trò chuyện với đạo diễn Hirokazu.

o_din_Hirokazu_Kore-eda

Trẻ con luôn giữ vai trò quan trọng trong các bộ phim của anh. Trong các phim trước của anh, chúng thường thuộc tuyến nhân vật chính. Nhưng phim này thì vai trò chính đó lại giành cho những người bố người mẹ. Vì sao vậy?

Tôi đã từng làm nhiều phim trước đó về trẻ con và tôi thường đưa các kinh nghiệm cá nhân vào các nhân vật. Bọn trẻ thường có các vấn đề với bố mình. Điều này là bởi tôi đã lớn lên mà không có cha bên cạnh.


Vậy sao anh lại muốn câu chuyện này được kể từ góc độ người cha?

Cho tới thời điểm cách đây 5 năm, tôi vẫn chưa từng nghĩ về việc trở thành bố thì có ý nghĩa như thế nào. Nhưng mọi thứ thay đổi từ khi tôi chính thức làm cha. Hiện giờ tôi có một con gái 5 tuổi. Nhờ con bé mà tôi bắt đầu tự hỏi: làm bố thật ra là như thế nào? Vì khi con bé ra đời, tôi thực sự thấy hạnh phúc, nhưng tôi cũng có những cảm xúc kỳ lạ, mà theo tôi rất nhiều người từng làm cha cũng cảm nhận được: tôi thấy vợ tôi đã làm mẹ như thế nào. Nói chung với cô ấy, mọi chuyện là bản năng. Trong khi đó, với tôi, mọi thứ cần thời gian. Việc làm cha phải dần dần nhập vào tôi.

Vào lúc nào thì anh cảm thấy thực sự bắt đầu là một người cha ?

Cũng khá lâu. Sau một thời gian, tôi nghe người ta thường xuyên nói là con bé rất giống tôi. Vì vậy tôi ý thức được rằng gen của tôi đã truyền sang con bé. Nhưng mối liên hệ huyết thống này liệu đã đủ chưa? Có phải bạn chỉ cần điều đó để được gọi là cha? Tôi không cảm thấy vậy. Bởi tôi có rất ít thời gian dành cho con bé. Vì vậy tôi đưa câu hỏi này vào phim: cái gì ràng buộc giữa cha mẹ và đứa con? Huyết thống hay là thời gian? Tôi nghĩ là tôi không thể trả lời câu hỏi này. Nhưng tôi chắc chắn một điều: bạn không thể một mình mà làm cha được mà con bạn đã khiến bạn trở thành cha.

Trong phim, nhân vật ông bố Ryota có phải là hình ảnh của anh - một con người của công việc và hầu như không có thời gian cho con mình?

Cnh_trong_phim_Cha_no_con_ny

Tất nhiên không phải theo nghĩa đen, nhưng cuộc sống của anh ta cũng có nhiều điểm giống tôi. Ví dụ, tôi cũng sống trong một căn hộ tuơng tự ở Tokyo. Bạn cũng có thể nói là anh ta mang hình ảnh của tôi. Yudai, bố của đứa trẻ kia, sống trong một gia đình thoải mái hơn của Keita, là nhân vật được dựng dựa theo nguyên mẫu một người bạn của tôi. Tôi kính trọng anh ấy vô cùng. Nhưng đôi khi tôi cũng hơi ghen tỵ. Anh ấy không thực sự có một công việc ổn định. Vợ anh là một giáo viên vì vậy anh ấy thường lo việc ăn uống. Nhưng anh ấy cực khéo tay. Những món đồ chơi bị hỏng sau khi được anh ấy sửa đều lại như mới. Anh có 3 đứa con và chúng đều yêu quí ngưỡng mộ cha mình. Ngay cả bọn trẻ hàng xóm cũng nhìn anh khâm phục. Đôi khi đến anh chơi, tôi không muốn mang theo con gái mình vì sợ rằng nó có thể thấy anh ấy là một người cha thú vị hơn (cười).

Có một nhân vật trong phim nói rằng 90% người Nhật phải đổi lại con do sự nhầm lẫn lúc chúng mới chào đời. Một con số cao đến vậy làm tôi kinh ngạc. Điều đó có thật không?

Vâng, cách đây một thời gian thì đúng là vậy đó. Tôi nghĩ bây giờ thì ít hơn nhiều. Tuy nhiên, nguồn gốc và quan hệ họ hàng vẫn rất quan trọng trong đời sống người Nhật. Ví dụ, việc nhận con nuôi vẫn được cân nhắc sau cùng, chỉ khi nào mà người ta thực sự không còn cách nào để tự có con thì họ sẽ nghĩ đến việc nhận con nuôi. Nhưng một đứa con nuôi trong nhà được xem cũng như con đẻ (như trong xã hội phương Tây hiện nay) thì nhiều người Nhật còn chưa hiểu.

Anh biết sẽ làm gì nếu ở vị trí của Ryota?

Nếu có người nói với tôi rằng: con gái của anh không phải thực sự là con anh đâu, thì dù thế nào tôi cũng không bỏ nó. Tôi đã có thời gian sống hơn 5 năm với con bé và như vậy dù thế nào nó cũng là con tôi rồi. Nhưng mặt khác, trong phim này, tôi cũng muốn nói rằng bạn không nhất thiết phải chọn một trong hai: họăc lấy lại con đẻ của mình, họăc giữ lại đứa bé mà mình đã nuôi nấng vì không có sự lựa chọn nào là đúng. Bởi vậy cả hai gia đình trong phim của tôi cuối cùng đã đi tìm một giải pháp tốt hơn.

Minh Gia