Charlie Nguyễn: Phim chiến tranh cần nhất là sự chân thực

Anh đã từng xem những bộ phim chiến tranh của điện ảnh Việt Nam chưa?

(TGĐA) - Là một phim hành động dã sử lấy bối cảnh cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp những năm đầu thế kỷ, Dòng máu anh hùng được nhiều người đánh giá là một trong số những tác phẩm nói về chiến tranh Việt Nam đáng được quan tâm.


Tạp chí thế giới điện ảnh đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Charlie Nguyễn về một vài vấn đề khi thực hiện một bộ phim chiến tranh.

Tôi đã xem hầu hết những bộ phim về đề tài chiến tranh của điện ảnh Hollywood, đặc biệt là những bộ phim của các đạo diễn Mỹ làm về chiến tranh Việt Nam. Rất tiếc là chưa có dịp xem những bộ phim của điện ảnh Việt Nam về đề tài này.

Theo anh, vì sao phim chiến tranh lại tạo được sự đam mê cho cả người xem và những nhà làm phim?

Quả thực, đề tài chiến tranh là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà làm phim và cũng tạo nên sự hấp dẫn cho các khán giả xem phim, nhưng thật khó lý giải đầy đủ về lí do tại sao nó lại làm được điều này. Tôi cho rằng, điểm hấp dẫn của phim chiến tranh chính là bởi những bộ phim đó nói lên ranh giới của sự sống chết, cách mà con người đối mặt với ranh giới đó. Cũng phải nói thêm, trong điện ảnh, có hai trạng thái có thể đẩy con người đến chỗ bi kịch nhất chính là tình yêu và cái chết. Phim chiến tranh ít nhất cũng thể hiện một trong hai trạng thái đó.

Có phải vì thế mà hầu như các đạo diễn, đặc biệt là nam đạo diễn luôn cố gắng trong cuộc đời mình làm một bộ phim về cuộc chiến nào đấy?

(Cười) Câu hỏi này tôi sẽ trả lời từ trường hợp của mình. Cái chết là một điều gì đó ta chưa bao giờ được biết. Nó là một đề tài khơi gợi nhiều cảm xúc cho người đạo diễn. Nó kích thích những cung bậc cảm xúc khác nhau: sự tò mò, sợ hãi, sự xúc động. Nó khiến người đạo diễn muốn tìm hiểu cảm giác này và sau đó anh ta lại muốn truyền cảm xúc tới người xem.

Bộ phim Dòng máu anh hùng của anh cũng làm về đề tài chiến tranh, cuộc khởi nghĩa chống Pháp những năm đầu thế kỷ. Từ kinh nghiệm bản thân anh thấy vấn đề lớn nhất khi làm một bộ phim chiến tranh là gì?

Khó khăn nhất là tái hiện không gian và thời gian trong phim một cách chân thật. Cái khó nhất của phim chiến tranh là dễ làm cho người xem không tin những điều diễn ra trước mắt mình là sự thật. Nếu xem một thước phim tài liệu về chiến tranh, cảm giác vẫn luôn rùng rợn, làm cho người xem hoàn toàn tin tất cả là có thật, không đặt nghi vấn gì hết. Còn làm phim, nếu không khéo thì sẽ mất niềm tin của khán giả. Mà phim chiến tranh lại rất dễ rơi vào trường hợp làm không khéo.

Phim chiến tranh đòi hỏi kinh phí rất lớn, vừa cần kỹ thuật, vừa cần kinh nghiệm, mọi khâu phải làm thật nghiêm túc. Nếu thiếu sự nghiêm túc hoặc hời hợt ở góc cạnh nào đó thì khán giả sẽ mất niềm tin ngay từ những phút đầu tiên xem phim. Và khi họ đã nghĩ rằng “đây không phải là chuyện đáng tin, chỉ là những thứ người ta dàn dựng lên” thì ngay lúc đó, những người làm phim đã thất bại.

Từ góc độ kịch bản phim, theo anh phim chiến tranh cần khai thác những yếu tố gì để một bộ phim hấp dẫn?

Tôi nghĩ làm một bộ phim chiến tranh ra đúng chất chiến tranh thì không nên ức chế những chi tiết mà ở cuộc sống bình thường mình nghĩ là quá ác, quá bạo lực, quá khắc nghiệt. Những cảnh bạo lực, đổ máu trong chiến tranh xảy ra thường ngày, người làm phim không thể đứng ở thời điểm hiện tại mà nói “cảnh này rùng rợn quá, cảnh kia máu me nhiều quá” vì như thế rất khó tạo nên tính chân thực. Còn về mặt tâm lý hay cảm xúc, không nên vì bất cứ lí do nào mà tự nghĩ ra những tình huống, những chi tiết không đúng với tâm trạng người lính.

Ví dụ trong chiến tranh, nỗi sợ trong mỗi người lính thường chỉ tồn tại lúc trước và sau khi trận chiến diễn ra, còn trong lúc chiến đấu người lính bị cuốn đi, không thể biểu lộ cảm xúc hay tâm trạng gì. Nếu mà lúc ấy, người viết thêm vào những biểu hiện cảm xúc bi lụy hay để truyền đạt một thông điệp thì, theo tôi, mình tưởng là hay nhưng lại không hay. Không hay vì khán giả rất tinh, họ biết có bàn tay của nhà làm phim nhào nặn lại khiến thực tế trở nên giả tạo.

Vậy cụ thể, cần khai thác tâm trạng người lính trong chiến tranh như thế nào để đảm bảo tính chân thực?

Tôi vẫn nghĩ, giết chóc không nằm trong bản tính của con người. Con người vốn vô cùng phức tạp với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Nhưng trong chiến tranh, chúng ta không còn là con người nữa mà thể hiện phần thú tính nhiều hơn. Tất cả những xúc cảm, tình yêu đều bị tách ra trong giây phút họ ở trong trận chiến, chỉ có cây súng và nhiệm vụ. Nếu người làm phim không tôn trọng yếu tố này thì bộ phim sẽ thiếu tính chân thực. Khán giả là người quyết định bộ phim hay hoặc dở chứ không phải là người làm phim hay nhà phê bình.

Anh đã nói có hai yếu tố thường được khai thác nhiều trong phim nói chung là tình yêu và cái chết. Ngoài yếu tố cái chết đã được nhắc tới trước đó, theo anh, yếu tố tình yêu trong phim chiến tranh nên được khai thác như thế nào?

Tình yêu không phải là yếu tố quan trọng nhất trong phim chiến tranh. Phim chiến tranh có thể không có tình yêu. Nhưng tất nhiên, khi làm phim, tác giả luôn đi theo một nhân vật nào đó, còn người xem cần có sự đồng cảm với những nhân vật trên màn ảnh thì họ mới theo dõi mạch chuyện của mình. Khán giả muốn biết anh này có sống sót không, anh ta gặp gỡ ai trong cuộc chiến, cuộc chiến tác động thế nào tới anh ta…Và tình yêu trong cuộc chiến cũng có thể là phần quan trọng trong số phận nhân vật. Anh ta vùng vẫy giữa cái sống và cái chết, gây nên một sự căng thẳng hồi hộp từ phía khán giả.

Tất cả những điều này thực chất là kỹ thuật làm phim, kỹ thuật kể chuyện, kể cả là trong một câu chuyện không chiến tranh cũng đòi hỏi người kể phải thu hút khán giả bằng cách này.

Vậy ngoài những yếu tố về nội dung như câu chuyện, cảm hứng thì về mặt hình thức thể hiện, làm phim chiến tranh chú ý những điểm gì?

Cảm giác khi xem phim chiến tranh làm sao phải giống như là khi mình xem phim tài liệu về chiến tranh, cảm thấy cái chết như đang đe dọa thực sự, một cái chết thật hiện hữu thường trực.

Đa số phim chiến tranh có cách quay tạo cảm giác rất vụng về, vô tổ chức nhưng thực chất là “tổ chức để quay như là vô tổ chức”. Theo cái nhìn của bất cứ nhân vật nào trong bộ phim chiến tranh, anh ta không thể quan sát mọi cảnh tượng với sự bình thản, khi đang đứng giữa hai làn đạn được. Như vậy hình ảnh trong phim chiến tranh phải có góc quay, sự chuyển động tạo cho người xem có được cảm giác của nhân vật trong phim. Ngoài ra, về mặt diễn xuất, việc vào vai người lính trận là cực kỳ khó đối với diễn viên vì anh/chị ấy chưa từng trải qua. Họ chưa biết, chưa cảm nhận được cảm giác đích thực của người tham chiến là gì. Đóng phim là cố tình phải giả, tức là họ đội cái lốt của một người lính nhưng bên trong không có sức nặng của sự trải nghiệm. Trong trường hợp đó, đạo diễn cần khơi gợi được trí tưởng tượng của diễn viên. Diễn viên đóng trong phim chiến tranh khó có thể thể hiện trọn vẹn vai trò. Nhưng để làm tốt, người diễn viên phải đầu tư khá nhiều thời gian trước khi quay phim. Có thể họ sẽ đi nói chuyện với những người đã trải qua cuộc chiến rồi, đọc, tìm kiếm, xem những hình ảnh, làm gì đó để dần dần cảm nhận được. Nhưng làm gì thì cuối cùng cũng chỉ là mô phỏng, gần như thực. Họ phải có sự tưởng tượng phong phú, nghiên cứu, làm hết tất cả để chuẩn bị hành trang bên trong chứ không phải hình dáng bên ngoài của người lính.

Thứ nữa là, nếu phục trang mà chuẩn bị không khéo, người ta cũng không tin. Rồi súng đạn, chất nổ… Tất cả đạn bom, khói lửa ta phải dùng kỹ xảo nên không thể giống như thật. Cả âm nhạc nữa, nếu làm không khéo sẽ bị kêu sao cường điệu quá. Âm thanh, ánh sáng… tất cả những điều này tuyệt đối phải nghiêm túc, đạt được sự chân thật tối đa 100%. Mà khó là làm sao cho cái sự chân thật này phải… rất vụng về. Một sự chân thật vô tổ chức.

Mỹ Trang