Chiếu miễn phí chùm phim Đức những năm 50

Giữa hôm qua và ngày mai (1947)

(TGĐA Online) - Nhân kỷ niệm 60 năm điện ảnh Đức, Viện Goethe Hà Nội sẽ giới thiệu hai tháng một lần về một thập kỷ phim Đức sau Chiến tranh thế giới thứ hai, gồm những tác phẩm đặc trưng nhất cho phong cách và đời sống Đức.


Chúng gây sốc và gây cảm hứng cho người xem thời kỳ đó, đồng thời đóng vai trò mở đường cho ngành điện ảnh ở Đông và Tây Đức. Mở đầu cho sự kiện này là chùm phim của Đức những năm 50 sẽ được giới thiệu từ ngày 25 – 31/1/2010 tại Viện Goethe Hà Nội, 56 – 58 Nguyễn Thái Học. Đó là những bộ phim Giữa hôm qua và ngày mai, Thảm kịch, Những số phận phụ nữ, Trời vắng sao, Lũ ngựa non, Berlin góc phố Schönhauser, Giới tính thứ ba. Tất cả các phim được chiếu vào lúc 19h30, vé mời miễn phí tại Viện Goethe Hà Nội.

Đạo diễn: Harald Braun, 107 phút. Năm 1947, sau làn sóng phá hủy và xua đuổi ở Châu Âu, Michael, một nghệ sĩ biếm họa, đã hồi hương về Đức. Tuy nhiên, những người bạn cũ của anh ở Munich không còn muốn có bất kì quan hệ nào với anh nữa. Rồi anh bị cáo buộc có liên can đến một vụ ăn cắp và một vụ tự tử trong quá khứ. Trong cuộc đấu tranh vì công lí này, chỉ có cô gái trẻ Kat (qua diễn xuất tuyệt vời của Hildegard Knef) là người đứng về phía Michael. Chính cô gái khôn ngoan, quyết đoán, nếu cần cũng có thể xảo quyệt, và luôn tỉnh táo này, đã giúp Michael tìm tại cuộc sống của mình.

Thảm kịch (1951)

Đạo diễn: Peter Lorre, 95 phút. Khi phát hiện ra vị hôn thê là kẻ gián điệp theo dõi mình, vị bác sĩ nổi tiếng Klaus Rothe đã rơi vào tình trạng mất kiểm soát và giết chết cô ta. Ông rất hối hận và chờ đợi sẽ bị luật pháp trừng trị. Tuy nhiên chế độ Quốc xã đã che giấu tội ác cho Rothe vì chúng rất cần ông cho công việc của chúng. Do bị ám ảnh bởi sự sợ hãi và hoang tưởng, Rothe đã trở thành một kẻ giết người hàng loạt. Tuy nhiên, ở một chế độ mà cái chết là chuyện thường ngày thì chẳng ai để ý đến Rothe làm gì. "Thảm kịch" là bộ phim đầy ấn tượng, đề cập đến cảm thức hối lỗi của các cá nhân và hối lỗi tập thể, một cảm thức đau đớn ở Đức thời hậu chiến.

Những số phận phụ nữ (1952)

Đạo diễn: Slatan Dudow, 104 phút. Bốn người đàn bà đang đứng trước một sự khởi đầu mới và đang tìm kiếm hạnh phúc của mình ở Berlin thời hậu chiến. Họ lần lượt gặp Conny, một người đàn ông điển trai và có tính trăng hoa, luôn tìm kiếm những cuộc tình mới mẻ. Cô sinh viên trẻ Barbara yêu Conny say đắm, Anni thì mang bầu với anh ta, còn Renate thì chỉ vì si tình mà trở thành kẻ cắp cho gã đàn ông quyến rũ này. Tuy nhiên, về phần mình, Conny lại cặp kè với cô gái quý tộc Isa von Trauwald và hưởng thụ cuộc sống xa hoa của giới thượng lưu, khiến tình thế càng thêm gay cấn… "Những số phận phụ nữ" của đạo diễn Dodow năm 1952 đã trở thành bộ phim bội thu tại các rạp chiếu phim của Đức hồi đó.

Trời vắng sao (1955)

Đạo diễn: Helmut Käutner, 108 phút. 1952 – Nước Đức trước giai đoạn xây bức tường. Anna sống ở phía Đông, trong khi con trai của chị lại sống cùng ông bà ở Bayern phía Tây. Chị thường xuyên bí mật vượt biên để thăm con, và trong các chuyến đi ấy, chị đã làm quen với anh lính gác biên giới Carl. Rồi hai người yêu nhau thắm thiết. Thế nhưng cơ hội duy nhất để họ gặp nhau là một nhà ga bỏ hoang, nơi không có người qua lại. Câu chuyện phát triển thành bi kịch, như một lời tố cáo cái đường biên giới phi tự nhiên chia cắt hai nước Đức. "Trời vắng sao" đã được trao nhiều giải thưởng điện ảnh của Đức và quốc tế.

Lũ ngựa non (1956)

Đạo diễn: Georg Tressler, 97 phút. Freddy không thể chịu đựng nổi lối sống hà khắc cổ hủ của bố mẹ và sự đè nén của ông bố lâu hơn được nữa, vì thế cậu đã chạy khỏi gia đình. Cậu sống lang thang và trở thành thủ lĩnh của một nhóm thanh niên cùng chung hoàn cảnh muốn chống lại các ông bố bà mẹ có lối sống tiểu tư sản hà khắc thời quốc xã. “Lũ ngựa non” ngày càng lún sâu vào con đường tội phạm, và một vụ cướp bất thành đã kết thúc trong thảm họa. Bộ phim “Lũ ngựa non” phản ánh sự nổi loạn của giới trẻ ở Đức những năm 50, tương tự James Dean trong tác phẩm kinh điển “Vì chúng không biết chúng làm gì” ở Mỹ.

Berlin, góc phố Schönhauser (1957)

Đạo diễn: Gerhard Klein, 80 phút. Ngã tư tàu điện ngầm Schönhauser Allee ở Đông Berlin là nơi tụ tập của một nhóm thanh niên chán cảnh sống ở nhà. Họ không thể chịu nổi bạo lực của các ông bố và mâu thuẫn gia đình. Họ tụ tập để giết thời gian, làm các việc vô bổ và thách thức lẫn nhau. Karl-Heinz, một thành viên của nhóm, một thanh niên xuất thân từ gia đình tử tế, đã sa vào hoạt động kinh doanh tội phạm và muốn kiếm tiền nhanh tại nhà ga Zoo phía Tây. Cậu ta lôi kéo hai người bạn Dieter và Kohle vào cuộc, và khi việc bại lộ, cả ba không còn đường nào khác là chạy trốn hẳn sang phía Tây Berlin. Rốt cuộc chỉ có 1 người phản tỉnh, quay lại phía Đông để xây dựng cuộc đời lương thiện, trong khi số phận hai người kia thì bi đát…

Giới tính thứ ba (1957)

Đạo diễn: Veit Harlan, 90 phút. Gia đình Klaus Teichmann cảm thấy lo lắng: từ lâu họ đã theo dõi thấy cậu con trai Klaus giao du với giới đồng tính, ngày càng gắn bó với một nhóm nghệ sĩ và chính bản thân Klaus cũng đang sáng tác. Đặc biệt cậu bạn thân Boris là cái gai trong mắt gia đình. Vì vậy, mặc dù không biết gì nhiều về Boris, ông Teichmann vẫn gửi đơn tố cáo nặc danh chống lại anh ta và tạo ra một vụ xì căng đan. Còn bà Teichmann thì lại nỗ lực giới thiệu cô gái xinh đẹp Gerda cho con trai. Khi Klaus dần dần có cảm tình với sự quyến rũ của Gerda thì tình thế trở nên căng thẳng… "Giới tính thứ ba" không chỉ là một bộ phim về một chủ đề cấm kị, và đã bị cấm thời đó, mà còn là một tư liệu hấp dẫn về phản ứng của giới trẻ chống lại các định kiến xã hội ở Đức thời kinh tế phát triển thần kì những năm 50.

K.A