Công nghệ làm phim truyền hình “cuốn chiếu”: Nên hay không nên?

Nhiều phim của các hãng sản xuất đã ghi dấu ấn mới cho dòng phim truyền hình nhiều tập. Song, bên cạnh đó, cũng không ít bộ phim gây nên những băn khoăn, lo lắng trong giới chuyên môn cũng như những khán giả yêu thích phim truyền hình Việt. Để có những nhận định khách quan về vấn đề trên, cần tìm hiểu quá trình ra đời của một bộ phim truyền hình nhiều tập.

(TGĐA) - Hiện nay, ngoài hai hãng phim truyền hình lớn là VTV và HTV liên tục sản xuất phim thì việc xã hội hoá, liên kết, liên doanh đã tạo điều kiện cho hàng loạt hãng phim tư nhân, công ty quảng cáo cùng tham gia làm phim truyền hình.


Có thể kể ra đây những cái tên như : Lasta, Vifa, HK, M&T Pictures, BHD, Senafilm, Thiên Ngân, Hành tinh xanh, Á Châu, Kiết Tường, Sóng Vàng, Cát Tiên Sa, Crea TV, FPT…

Phim Bọ cạp tím

Thông thường, quy trình sản xuất phim truyền hình từ trước đến nay gồm các khâu cơ bản : đạo diễn nhận kịch bản (hoặc tự viết), tiến hành phân cảnh kịch bản, chọn bối cảnh, ra hiện trường quay, về dựng, lồng tiếng và làm tiếng động. Nhưng vài năm gần đây, các hãng phim truyền hình vẫn trông chờ vào kinh phí của nhà nước, còn các hãng phim tư nhân phải dựa hoàn toàn vào nguồn kinh phí của các nhà đầu tư. Đó là những công ty quảng cáo với tiêu chí làm phim là để giới thiệu sản phẩm trên các kênh truyền hình. Chính vì vậy, đã nhanh chóng hình thành một quy trình sản xuất phim mới, có thể gọi là Công nghệ làm phim cuốn chiếu. Thường, các công ty quảng cáo và nhà sản xuất sẽ đưa ra những ý tưởng, đề tài, nội dung cho thống nhất, hạn chế sự trùng lặp để các hãng phim tổ chức viết kịch bản (theo nhóm, hoặc mua bản quyền kịch bản từ nước ngoài rồi chuyển thể Việt hoá). Sau đó, họ nghiên cứu các đối tượng khán giả xem phim vào giờ sẽ phát sóng, từ đó nhằm hướng chào các sản phẩm quảng cáo cho phù hợp.

Như vậy, vấn đề thời gian cùng kinh phí sản xuất một tập phim truyền hình gần như được ấn định đồng loạt ở các hãng phim tư nhân là 3 ngày quay, với kinh phí xê dịch trung bình từ 100 đến 130 triệu đồng. Song song với công đoạn thu tiếng trực tiếp của diễn viên, ê-kíp thực hiện sẽ ghi hình bằng 2 máy quay (trừ thể loại sitcom). Một máy luôn lấy các cảnh toàn rộng còn một máy đi vào các cỡ trung, cận cảnh, hoặc thay đổi góc, động tác máy. Đạo diễn sẽ không phải viết kịch bản phân cảnh như trước đây, mà cứ quay theo đúng thứ tự các phân đoạn, bối cảnh của kịch bản văn học trong mỗi tập phim, sau đó sẽ chuyển cho bộ phận hậu kỳ thực hiện sơ dựng (còn đạo diễn vẫn tiếp tục ở hiện trường quay để tiến hành các tập tiếp theo). Song, đạo diễn vẫn là người tổng duyệt hình ảnh cuối cùng như chỉnh sửa, dựng lại lần hai, nếu phát hiện có những phân đoạn được người dựng kết nối, hay sáng tạo chưa đúng theo ý tưởng của mình.

Phim Đam mê

Với xu hướng làm phim theo quy trình như vậy, nhiều nhà sản xuất sẽ có những thuận lợi đồng hành những khó khăn. Về thuận lợi: Tốc độ làm phim nhanh sẽ tiết kiệm được kinh phí và thời gian, bước đầu đáp ứng nhu cầu xã hội hoá phim Việt ngày càng tăng về số lượng, trước tình trạng đội ngũ làm phim ở Việt Nam còn hạn chế, thiếu thốn đủ bề; dễ kiểm soát về nội dung, tính nhất quán của nhân vật với đường dây kịch bản; hạn chế những sai sót, lệch lạc về ý tưởng chủ đạo của phim; luôn định hướng tính cách nhân vật xuyên suốt quá trình quay, tránh lối diễn cương phát sinh theo tình huống.

Khi bộ phim vừa hoàn thành, nhà sản xuất không phải đợi lâu chờ phim được lên sóng. Do tâm lý chung của cả đạo diễn, diễn viên và nhà sản xuất, một khi đã hoàn thành bộ phim, thì ai nấy đều muốn biết đứa con tinh thần của mình được khán giả đón nhận như thế nào và có những phản ứng ra sao ? Tuy nhiên, khó khăn nằm ở chỗ: Trước thực tế xã hội nước ta, sự giao thời giữa cái cũ và cái mới đã dẫn đến tình trạng thiếu hẳn tính đồng bộ về kỹ thuật cũng như sự chuyên nghiệp hoá của đội ngũ sáng tác. Điều đó đã dẫn đến những cái thiếu, cái yếu như: non về kịch bản (thiếu logic, đồng nhất); non về tay nghề đạo diễn (không nắm được đường dây trọn vẹn); non về diễn xuất (diễn viên không hiểu diễn biến tâm lý nhân vật, đài từ kém..). Và rất có thể còn xảy ra việc không đồng nhất trước những quan điểm, tiêu chí trong cách lựa chọn diễn viên giữa đạo diễn và nhà sản xuất.

Phim Nữ bác sĩ

Giải pháp khả thi nếu thực hiện công nghệ làm phim cuốn chiếu

  • Cần phân định rõ từng thể loại, nội dung phim để có mức đầu tư kinh phí khác nhau khi thực hiện một bộ phim (quay một máy theo quy trình cũ hay hai máy theo công nghệ mới).
  • Sự điều tiết hợp lý về những điều kiện, yêu cầu khi bộ phim được lên sóng của các hãng phim truyền hình nhà nước, đối với các hãng phim tư nhân.
  • Các thành phần sáng tác cần biết đặt vấn đề với nhà đầu tư; nhà sản xuất cần lắng nghe, chia sẻ tiếng nói của những người làm nghề để cùng nhau thống nhất và thực hiện bộ phim ngay từ khâu xây dựng kịch bản.
  • Tất cả các khâu (từ con người đến kỹ thuật) trong quá trình sáng tác và sản xuất tất yếu phải luôn có ý thức tự hoàn thiện, dần nâng cao tay nghề để nhanh chóng bắt kịp tính đồng bộ, chuyên nghiệp trước xu hướng làm phim truyền hình theo công nghệ ưu việt trên thế giới.

Ý kiến người trong cuộc

Đạo diễn Trương Dũng

Là người đã bắt kịp xu hướng sản xuất phim theo công nghệ “cuốn chiếu”, tôi cho rằng đây là xu hướng tất yếu để cho ra đời nhanh một tác phẩm. Chúng ta có thể hình dung đơn giản về qui trình này như sau: người đạo diễn định nấu món gì thì khi đi chợ phải mua những nguyên liệu đúng theo yêu cầu. Khi về nhà, đầu bếp sẽ là người trực tiếp thực hiện các món ăn. Cuối cùng, người đạo diễn phải là người nêm nếm món ăn cho đúng khẩu vị.

Tất nhiên trong khi làm phim, vẫn khó thoát khỏi những áp lực từ phía nhà đài cũng như các nhà sản xuất. Hiện một số nhà sản xuất đang hướng tới mục đích mới cho các phim của mình là được phát sóng vào thời điểm 22 giờ khuya, chứ không phải vào 18 giờ như trước đây.

Phim Xin lỗi tình yêu

Đạo diễn trẻ Minh Cao

Bản thân tôi rât hứng thú trước công nghệ “cuốn chiếu” này, bởi nó luôn yêu cầu sự năng động, sáng tạo từ mọi thành phần của đoàn phim khi được ấn định về thời gian sản xuất. Trước thực tiễn xu hướng làm phim hiện nay, các đoàn làm phim càng không thể cấm đoán, độc quyền vị trí của các đạo diễn, diễn viên, quay phim… không thể không cho họ “chạy sô”. Trước mắt, nhằm hạn chế tình trạng diễn viên còn non yếu trong diễn xuất, đạo diễn cần nhạy bén “lái” dần diễn viên theo tính cách nhân vật đồng thời cố gắng thuyết phục, dung hoà ý tưởng sáng tác cùng với nhà sản xuất.

Dựng phim trẻ Nguyễn Mạnh Tín (Hãng HK film)

Cảm giác của người dựng khi phim không có phân cảnh kịch bản cũng giống như làm dâu trăm họ. Rất khó để có thể nắm bắt, hiểu ý tưởng của từng đạo diễn. Vì vậy, trước khi thực hiện, người dựng phải đọc và hiểu thật kỹ kịch bản; phải có cuộc trao đổi để nắm bắt ý tưởng, từng “gu” riêng của mỗi đạo diễn để phát huy sở trường của họ. Điều lý thú của người dựng khi không có mặt đạo diễn là được thỏa sức phát huy sáng tạo. Song để có được thành phẩm trước khi lên sóng, người đạo diễn vẫn phải chịu trách nhiệm cuối cùng. Họ vẫn thường xuyên cắt gọt, chỉnh sửa thêm bớt mỗi khi không vừa ý trong từng phân đoạn nhỏ của tập phim.

Minh Đức