Công thức thàng công của “Những nàng công chúa nổi tiếng”

1. Thể loại phim gia đình

(TGĐA) - Là bộ phim truyền hình ăn khách nhất Hàn Quốc năm 2006, “Famous Princesses” (Những nàng công chúa nổi tiếng) tiếp tục chinh phục hàng chục triệu khán giả Việt Nam với mối cảm tình đặc biệt.


Đứng từ góc độ kịch bản, người viết muốn cung cấp thêm cho nhà làm phim Việt những kinh nghiệm nhỏ để tạo nên những bộ phim được yêu thích trên truyền hình.

Một tiêu chí của phim truyền hình đó là phục vụ số đông. Nếu như các nhà làm phim nhựa có thể lựa chọn một đối tượng cho bộ phim của mình, thì các nhà sản xuất phim truyền hình lại đứng trước bài toán phải thỏa mãn thị hiếu của đa dạng khán giả thuộc mọi lứa tuổi, ngành nghề, thẩm mĩ khác nhau. Trong điều kiện đó, phim gia đình rõ ràng chiếm lợi thế bởi nó là thể loại thích hợp nhất trong phòng khách của mỗi gia đình sau bữa tối, thêm vào đó, nó còn là kho đề tài vô cùng phong phú đối với người viết kịch bản.

Những câu chuyện được kể trong “Những nàng công chúa nổi tiếng” là những câu chuyện hết sức giản dị, những con người rất đời thường mà ta có thể bắt gặp ở bất kì gia đình nào: một ông bố (trung úy về hưu) rất nghiêm khắc, một bà vợ đảm đang và bốn cô con gái mỗi người một tính cách. Trong số bốn cô con gái đó, cô chị cả đã yên bề gia thất nhưng đằng sau cuộc sống yên ổn đó của cô, người xem đã thấy sự tồn tại của những sóng gió, đổ vỡ ngấm ngầm; hai cô em song sinh kế sau cùng yêu một chàng trai; còn cô con gái út có mang khi chưa vào đại học. Chính sự gần gũi của những hoàn cảnh, tình huống trong phim đã kéo khán giả ngồi lại trước màn hình tivi để cùng vui buồn với nhân vật, bởi họ nhận ra mình, nhận ra cuộc sống của mình ở trong đó. Sự thành công vang dội của “Những bà nội trợ kiểu Mỹ” cũng không nằm ngoài lí do này.

2. Tính cách nhân vật mạnh mẽ, mới lạ

Có thể nói, nghệ thuật xây dựng nhân vật trong bộ phim này có một đặc điểm chung, đó là sự phá vỡ quán tính truyền thống. Các nhân vật quen thuộc đều xuất hiện với lớp tính cách mới, truyền tải được hơi thở sinh động của cuộc sống hiện đại.

Nhân vật người vợ của ông chồng nghiêm khắc, chuyên chế là một ví dụ. Thông thường, nhân vật vợ của một ông chồng như vậy sẽ có tính cách cam chịu, nhẫn nhục, sợ hãi trước cái uy của chồng, và đâu đó trong phim truyền hình Việt Nam vẫn có những người vợ ngày đêm than vãn với làng xóm, với con cái và cả với Trời về sự khổ sở của mình; thì nhân vật người vợ ở đây lại hoàn toàn khác. Bà vẫn nghe theo ý kiến của chồng, nhưng hoàn toàn không phải vì sợ hay phụ thuộc mà vì tôn trọng chồng và tôn trọng nghề nghiệp, quá khứ của ông (một trung úy quân đội); nhưng khi cần phản kháng lại sự độc đoán, vô lí của chồng để bảo vệ các con, bà sẵn sàng nổi đóa lên khiến ông lập tức im tiếng.

Nhân vật bà ngoại Nam-ta-gu cũng là một nhân vật hay, mới lạ. Thường thì nếu không phải là nhân vật phản diện chính trong phim thì các nhân vật người già thường được ưu ái rất lớn với hình ảnh đôn hậu, hiền từ. Vậy mà bà già Nam-ta-gu lại được xây dựng khá phức tạp, khiến khán giả không thể phân biệt được rạch ròi sự yêu ghét đối với nhân vật này. Có lúc bà ta khiến khán giả phải phát cáu vì sự vô trách nhiệm của mình, nhưng đôi khi lại tinh ranh một cách dễ mến. Và cảm tình của người viết kịch bản đối với nhân vật này chỉ thực sự “lộ” ra ở cuối phim khi bà dành tất cả số tiền dành dụm để thực hiện tâm nguyện cuối cùng là tổ chức lại đám cưới cho con gái.

Các nhân vật trong phim đều được xây dựng hết sức sinh động, không hẳn tốt và cũng không hẳn xấu, chính vì thế nó đã tạo nên được sự chân thực và phức tạp như chính cuộc sống đang diễn ra vậy.

3. Khai thác đến tận cùng xung đột

Chuyện tình tay ba là mô-tip có thể bắt gặp trong hầu hết các bộ phim truyền hình Hàn Quốc đến bộ phim này đã được khoác một chiếc áo mới. Dám đối diện với xung đột giữa hai chị em khi cùng yêu một chàng trai và đấy xung đột đó lên đến tận cùng, có thể nói đó là một sự dũng cảm của người viết kịch bản bộ phim này. Hai chị em Seol-Chil và Mi-Chil đối lập nhau về cả hình dáng và tính cách. Cô chị Seol-Chil hiền lành giỏi giang còn cô em Mi-Chil xinh đẹp, lười biếng, nhưng chàng trai mà cả hai cô đem lòng yêu- ngược với thông thường- lại chọn cô em đành hanh, lười biếng. Hai chị em vốn đã không ưa nhau, nay lại càng xung đột sâu sắc trước sự được - mất tình yêu, hạnh phúc của người này là đau khổ của người khác.

Câu chuyện cô chị cả Toc-Chil với những đổ vỡ trong hôn nhân cũng để lại nhiều suy nghĩ cho người xem. Không chấp nhận cuộc sống sung túc nhưng thiếu tự do và sự tôn trọng bởi sự quản thúc của chồng, người phụ nữ ấy đã nhắm mắt chạy theo tình yêu với một người đàn ông khác. Tình huống ngoại tình này đã được phim khai thác khá thành công ở hai khía cạnh: hạnh phúc và tội lỗi. Người xem vừa giận (vì dù sao Toc-Chil cũng có lỗi) lại vừa thông cảm cho nỗi khát khao hạnh phúc và tự do của một phụ nữ mạnh mẽ. Cuối cùng, cô từ bỏ gia đinh tưởng chừng như yên ấm đó để bắt đầu lại từ đầu với sự tổn thương tinh thần ghê gớm và nỗi sợ hãi, hoang mang trước cuộc sống tự lập trước mắt. Đặt ra tình huống này, người viết kịch bản phim hẳn đã lường trước được những khen- chê trái chiều của khán giả trước sự “liều lĩnh” của cô nàng Toc-Chil, nhưng đã là mâu thuẫn thì phải đẩy đến tận cùng.

4. Giải quyết xung đột dưới cái nhìn hài hước, đơn giản

Một bộ phim khai thác quá nhiều xung đột, sau đó đẩy mọi nhân vật tới bước đường cùng và lấy thật nhiều nước mắt của khán giả trước sự bế tắc, khổ sở của nhân vật là điều không nên đối với một bộ phim truyền hình, đơn giản vì cái khán giả cần là một sự giải trí nhẹ nhàng đơn thuần. Chính vì thế, một nhiệm vụ nữa đối người làm phim sau khi tạo ra các mối xung đột sâu sắc, hấp dẫn lại là tìm cách giải quyết nó một cách nhẹ nhàng và đơn giản nhất có thể, thậm chí là hài hước.

Điều khác biệt dễ nhận thấy ở “Những nàng công chúa nổi tiếng” là sự thiếu vắng nhân vật phản diện. Nhìn lại toàn bộ các nhân vật trong phim, tuy một vài nhân vật không hoàn toàn “tốt”, nhưng họ đều được xây dựng ở dạng “lưỡng lự” và đều mang bản chất “thiện”. Chính vì vậy mà bộ phim này không được phát triển dựa theo một phương pháp thường thấy đó là cuộc đấu tranh của phe chính diện với những âm mưu của phe phản diện. Điều này đã tránh cho khán giả những giây phút căng thằng, đôi khi “bức xúc lây” khi phải chứng kiến những cảnh éo le quá ư vô lí mà nhân vật chính diện thường gặp phải. Tất cả các xung đột được đặt ra trong bộ phim đều bắt nguồn từ chính những va chạm, mâu thuẫn trong đời thường và chúng cũng được giải quyết bằng cách rất đời thường.

Chuyện cô con gái út mang thai ngoài ý muốn với bạn trai khi đang ôn thi vào đại học quả là một ưu phiền lớn đối với cả gia đình, vậy mà chính cô gái đó lại rất vui mừng với đứa con trong bụng mình, cô hồn nhiên chờ đón đám cưới với bạn trai. Trước sự trốn tránh trách nhiệm quyết liệt của nhà trai, tưởng như gia đình trung úy Na sẽ phải ngậm ngùi chấp nhận số phận không cha của đứa trẻ và sự chế giễu của dư luận thì mâu thuẫn bất ngờ được giải quyết một cách đơn giản bởi quan hệ thú vị trước đây giữa bà ngoại Nam-ta-gu và mẹ của chú rể.

Xung đột giữa hai chị em Seol-Chil và Mi-Chil cũng được giải quyết bằng con đường không nước mắt và hận thù. Sự xuất hiện của chàng hạ sĩ Yeon đáng yêu không những hoán giải được mâu thuẫn giữa hai chị em mà còn đem đến cho khán giả xem phim những phút giây thực sự dễ chịu với những chi tiết lãng mạn mang đậm phong cách Hàn.

Cùng với những yếu tố quan trọng đã nêu, sự thành công của “Những nàng công chúa nổi tiếng” còn được làm nên bởi những tiêu chí không đổi khác như: dàn diễn viên trẻ đẹp với lối diễn xuất tự nhiên, sinh động; nhiều chi tiết xúc động, sâu sắc; tiết tấu phim nhanh, súc tích; lời thoại giản dị, tự nhiên nhưng vẫn rất có duyên, đôi khi mang tính triết lí sâu sắc…Những công thức chung và riêng đó đã được xâu chuỗi hài hòa với nhau tạo ra cho bộ phim một sự thú vị riêng.

Hồng Nhung