Cuộc chiến để bảo tồn phim cổ

(TGĐA) - Các tổ chức ở nhiều nước đang chạy đua với thời gian để bảo vệ và phục hồi những bộ phim cổ.

cuoc chien de bao ton phim co Ra mắt phiên bản phục chế 'Anh hùng bản sắc'
cuoc chien de bao ton phim co Cứu kho tàng búp bê tại hãng phim Cosgrove Hall
cuoc chien de bao ton phim co
Bên trong kho lưu trữ phim của Viện Điện ảnh Hoa Kỳ

Người ta thường nói rằng các tác phẩm nghệ thuật “sống mãi với thời gian”. Tuy đây là một nhận định đúng đắn, ấy thế nhưng vấn đề chính lại là phương tiện để ghi lại những tác phẩm nghệ thuật thường không “sống mãi với thời gian” được. Cũng giống như giấy in dần bị ố vàng hay vải vẽ bị nứt vỡ, chất lượng của những cuộn phim cũng xuống cấp theo thời gian. Với một bộ môn nghệ thuật được đánh giá dựa trên chất lượng hình ảnh và âm thanh, việc những cuộn phim xuống cấp làm ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung tác phẩm, hay thậm chí nguy hiểm hơn là đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của nó. Theo Viện Hàn Lâm Khoa Học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ thì một nửa những bộ phim được sản xuất trước năm 1950 nay đã hoàn toàn biến mất hay không còn xem được nữa do sai sót trong quy trình bảo quản.

cuoc chien de bao ton phim co
Hai chuyên gia đang thực hiện phục chế phim

Hiện đã có nhiều tổ chức ở các nước được thành lập nhằm mục đích bảo tồn tác phẩm điện ảnh, ví dụ như National Film Preservation Foundation (Mỹ) và Cinémathèque Française (Pháp). Công việc chính của họ là liên kết với các studio và viện bảo tàng để tìm kiếm, lưu giữ, và phục hồi những bộ phim. Nguồn gốc của những tổ chức trên bắt đầu từ việc UNESCO công nhận điện ảnh là một phần không thể thiếu của nền văn hóa hiện tại. Nhờ vào động thái này mà công chúng các nước mới bắt đầu chú ý đến việc bảo tồn phim và lập ra các tổ chức trên.

cuoc chien de bao ton phim co
Hình ảnh bộ phim Maytime (1921) bị biến dạng do cuộn phim tự ăn mòn theo thời gian

Bản thân việc lưu trữ phim cũng gặp đầy khó khăn. Ở nước ngoài,các cuộn phim thường được lưu giữ trong những nhà kho đặc biệt, lúc nào cũng có điều hòa để giữ nhiệt độ và độ ẩm ở mức nhất định - hai chỉ số này ở mức càng thấp thì càng tốt. Chi phí lưu trữ phim vì thế mà bị đội lên cao. Kho phim của các tổ chức chuyên về bảo tồn tác phẩm điện ảnh hay được xây dưới đất nhằm tránh không chỉ sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm mà còn là các thảm họa tự nhiên khác. Nhưng tìm được một địa điểm đủ rộng để xây được căn hầm như trên cũng rất khó. Mà kể cả nếu các cuộn phim được lưu trữ trong kho đáp ứng tiêu chuẩn, thì chúng vẫn sẽ tự phân hủy. Các tác phẩm điện ảnh từ trước đó thường được in trên cuộn phim có thành phần Nitrate hay Cellulose Acetate. Vì hai hóa chất này theo thời gian sẽ xảy ra hiện tượng tự ăn mòn với các cuộn phim, cho đến khi tấm phim cứng lại và bị vỡ ra. Hoàn toàn không có cách nào đảo ngược quá trình này, và các chuyên gia buộc phải sao chép tác phẩm sang một cuộn phim mới. Giá thành cho việc sao chép một bộ phim 8mm đen trắng của Mỹ vào năm 2010 lên tới 18.115 USD. Mức giá này sẽ còn đắt hơn nữa nếu bộ phim có tiếng vang trước đó.

cuoc chien de bao ton phim co
Sau nhiều năm không được bảo quản và phục hồi đúng cách, cuộn phim 8mm này đã tự phân hủy hoàn toàn

Đĩa CD, DVD, và sau đó là các phương tiện lưu trữ điện tử quả là “vị cứu tinh” đối với các chuyên gia bảo tồn phim. Những tác phẩm điện ảnh ở dưới dạng dữ liệu điện tử không chịu sự ăn mòn tự nhiên của cuộn phim, và quan trọng hơn là có thể dễ dàng được di chuyển từ một phương tiện lưu trữ này sang một phương tiện khác mà không phải mất chi phí nào, góp phần đưa những bộ phim này đến với công chúng.

Tuy vậy, không phải ai cũng đồng tình với việc chuyển đổi cuộn phim sang dạng dữ liệu điện tử. Một số chuyên gia điện ảnh và lịch sử kịch liệt phản đối việc này, một phần là do các thiết bị hiện nay trên thế giới vẫn chưa thể nào đảm bảo chất lượng của bản sao phim bằng với bản gốc, phần khác vì bản thân các tác phẩm cổ này vốn được làm để dành riêng cho những cuộn phim, chứ không như những tác phẩm mới quay bằng máy móc hiện đại như ngày nay. Hiện tại, Viện Hàn Lâm Khoa Học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ vẫn khuyến khích việc sao chép tác phẩm sang một cuộn phim mới thay vì chuyển đổi sang dạng dữ liệu điện tử.

cuoc chien de bao ton phim co
Phim Fresh Horses do Sony sản xuất năm 1988

Các hãng phim hiện đang đặc biệt chú ý đến việc bảo tồn và phục chế phim cổ, do nhu cầu của khán giả về việc thưởng thức những tác phẩm này đang tăng lên. Đơn cử như trường hợp của nhà biên kịch Kate Hagen (Mỹ). Hồi tháng 6 vừa rồi, Kate có đăng báo một bài phàn nàn về việc cô không thể nào mua được một cuộn băng hay đĩa CD của bộ phim Fresh Horses sản xuất năm 1988. Chưa đầy một tháng sau, hãng phim Sony đã cho phục hồi bộ phim để đem ra trình chiếu tại Bảo tàng Nghệ thuật Los Angeles trước sự chào đón của Kate và các khán giả khác.

Tầm quan trọng của việc bảo tồn phim cổ là không thể chối cãi được. Những tác phẩm điện ảnh xưa như mở ra một cánh cửa cho chúng ta nhìn vào quá khứ để biết được các thế hệ đi trước đã sống, suy nghĩ, và mơ mộng như thế nào. Chính vì thế mà chúng ta càng phải biết ơn những tổ chức đang hằng ngày chiến đấu trong thầm lặng để tìm kiếm, lưu trữ, và phục hồi các bộ phim cổ. Công sức mà họ bỏ ra không chỉ vì toàn thể chúng ta ngày hôm nay, mà còn vì mọi thế hệ mai sau.

cuoc chien de bao ton phim co Ra mắt phiên bản phục chế 'Anh hùng bản sắc'
cuoc chien de bao ton phim co Cứu kho tàng búp bê tại hãng phim Cosgrove Hall

Lê Công Vũ (tổng hợp)