Đại thủy chiến: Chân thực, hoành tráng và đầy tinh thần dân tộc!

(TGĐA) - Dựa trên những sự kiện có thật và kể lại trận thủy chiến xảy ra vào những ngày cuối tháng 10/1597 ở Myeongryang, Triều Tiên, thời điểm bị quân đội Nhật Bản đánh tan tác, kinh thành Joseon đứng trước nguy cơ thất thủ. Trong hoàn cảnh đất nước lâm nguy đó, chỉ với 12 chiến thuyền, đô đốc Yi Sun-shin phải khích lệ tinh thần binh sĩ trong trận chiến vô tiền khoáng hậu chống lại 330 tàu chiến đến từ Nhật Bản. Cùng TGĐA khám phá những cậu chuyện hậu trường của Đại thủy chiến (The Admiral: Roaring Currents ) – bộ phim hiện đang thu hút người xem trên khắp các rạp chiếu.

daithuychien1

Đỉnh cao của sự chân thực

Không làm thất vọng những người từng hâm mộ mình sau hàng loạt giải thưởng đã đạt được từ bộ phim chiến tranh War Of The Arrows (với 7,46 triệu lượt vé, kỷ lục doanh thu phòng vé tại Hàn Quốc năm 2011; Giải thưởng của giới phê bình điện ảnh tại Lễ trao giải điện ảnh Buil lần thứ 20 năm 2011; Giải Phim hay nhất tại Lễ trao giải Giải Korean Congress lần thứ 12 năm 2011), đạo diễn Kim Han-min chia sẻ: "Bộ phim bắt đầu với một câu hỏi đơn giản: Làm thế nào mà 12 chiếc tàu có thể chiến đấu và chiến thắng trước 330 tàu chiến của đối phương? Tôi hy vọng bộ phim có thể miêu tả một cách chân thực trận chiến bất khả thi này trên màn ảnh rộng. Nếu War Of The Arrows tập trung chủ yếu vào vũ khí, thì Đại thủy chiến lấy tâm điểm là trận chiến, trong đó có sự kết hợp giữa nhân vật và sự kịch tính của những cảnh hành động”. Câu hỏi đó đã khiến ông gắn bó với 200 diễn viên, cùng theo đuổi dự án này suốt nhiều năm. Niềm đam mê, ý chí, mồ hôi và nước mắt, thậm chí có cả máu của họ đều dồn hết cho những thước phim của Đại thủy chiến.

10497924_10152720512735625_2277973915585177870_o

Cuốn Nhật ký Nanjung của vị đô đốc ghi chép lại cuộc sống hàng ngày trước, trong và sau các trận đánh, trong đó có miêu tả chi tiết quá trình tư duy và đưa ra quyết định của ông trong trận chiến là nguồn cảm hứng lớn cho đạo diễn. Nó góp phần xây dựng bối cảnh để hình dung ra địa hình chiến trường thời bấy giờ, yếu tố thủy triều ở khu vực Myeongnyang cũng như điều kiện thời tiết vào ngày diễn ra trận chiến. Đây chính là cơ sở để tạo ra cái nhìn và cảm xúc chân thực của bộ phim. Bên cạnh đó, cảnh sinh hoạt của binh lính thủy quân cũng được nghiên cứu chu đáo để tái hiện một cách sinh động và chân thực từ trang phục, bối cảnh thậm chí cả các đồ trang trí đều được bố trí một cách rất tỉ mỉ, có chủ đích. Quan trọng nhất, các chiến thuyền của quân Triều Tiên, vốn đóng vai trò chủ đạo trong trận chiến được chế tạo bằng chất liệu thật, với kích thước thật. Để chế tạo các tàu chiến của Nhật Bản, các nhà làm phim phải đến nhiều bảo tàng lịch sử ở Nhật Bản, trong đó có bảo tàng ở Nagoya, ở đó có trưng bày các tàu chiến cổ với tỉ lệ 1:1. Sau khi các nhà thiết kế phác thảo bản thiết kế chi tiết cho các tàu chiến này, họ gửi đến bảo tàng Nhật Bản để thẩm định. Các nhà sử học rất kinh ngạc trước sự chính xác về lịch sử trong bản vẽ và đoàn tàu chiến Nhật trong phim cũng mang đến những cảm xúc mãnh liệt cho người xem.

thuychien2

Nhóm phục trang cũng rất thận trọng với công việc của họ. Áo giáp của binh sĩ Nhật Bản được chế tạo ở Nhật, trong khi áo giáp binh sĩ Triều Tiên thì được chế tạo ở Hàn Quốc. Chỉ riêng chi phí cho chiếc áo giáp của Kurushima đã lên tới khoảng 28.000 USD. Xét về khía cạnh lịch sử, áo giáp của các vị tướng Triều Tiên đều có thống nhất, nhưng áo giáp của mỗi vị tướng Nhật Bản thì có sự khác biệt (do truyền thống gia tộc). Trang phục của binh sĩ Triều Tiên được thiết kế với mục đích tạo cảm giác bình dị hơn, giống nông dân hơn, trong khi phía binh sĩ Nhật Bản lại tạo cảm giác rất phong cách và bó sát. Các tướng lĩnh phía quân Nhật được… trang điểm rất kỹ, đặc biệt chú trong ở phần mắt.

Trong khi các cảnh quay trong phim chủ yếu được thực hiện trên biển, thì cũng có nhiều cảnh quay hành động, nguy hiểm được thực hiện trên đất liền. Một phim trường với dàn máy quay và giá đỡ đặc biệt lớn được tạo ra để hỗ trợ cảnh quay của chiếc thuyền dài 30m, mô phỏng những chiến thuyền chòng chành trên sóng và vòng xoáy nguy hiểm trên mặt biển. Các tấm panel màn hình xanh lớn được dựng lên trên mặt đất, bao phủ xung quanh khu vực con tàu để có thể sử dụng công nghệ CG ở trong các cảnh quay. Có tất cả 8 con tàu được chế tạo cho bộ phim và với sự hỗ trợ của gimbal, người xem sẽ không thể phân biệt được đâu là thật, đâu là công nghệ CG.

thuychien3

Có được những chiến thuyền chao đảo thực sự trên phim trường là một việc, còn bố trí binh sĩ có thể chiến đấu trên những chiến thuyền này là việc khác. 50 diễn viên quần chúng được thuê và huấn luyện cách chiến đấu bằng kiếm, đánh tay đôi và bắn pháo hay súng cho những cảnh hành động. Đại thủy chiến hấp dẫn cả ở đại cảnh và những cảnh đánh giáp lá cà, là một bước tiến đáng kể so với Xích Bích, một bom tấn châu Á khác về đề tài thủy chiến.

Dấu ấn của những “siêu diễn viên” Hàn Quốc

Choi Min-sik (từng đóng Oldboy) thể hiện nhân vật người anh hùng vĩ đại nhất lịch sử Triều Tiên: Đô đốc Yi Sun-shin. Trong phim, nhân vật này không chỉ uy dũng, hết lòng vì bách tính mà còn có những cải tiến quan trọng khi và đưa vào sử dụng chiến thuyền Geobukseon (có hình dạng giống như con rùa nên thường được gọi là thuyền rùa) và kiến thức sâu rộng về luồng nước trong chiến thuật trên biển. Bản thiết kế sửa đổi của Yi bố trí 11 súng đại bác ở mỗi bên mạn thuyền, 02 súng đại bác ở đuôi tàu và mũi tàu. Đầu mũi tàu được chạm hình đầu rồng, được lắp đặt 04 súng đại bác, phun ra màn khói, kết hợp với hình dáng hung dữ của chiếc thuyền có tác dụng như một đòn chiến tranh tâm lý, khiến kẻ địch khiếp sợ. Hai bên sườn thuyền rùa được khoét những lỗ tròn nhỏ để bắn tên và đạn. Mái thuyền được bọc kín bởi các tấm ván gỗ lớn cố định bởi đinh dài, giúp chống lại sự xâm nhập của kẻ địch.

thuychien5

Trong thực tế, đô đốc Yi đã hy sinh trong Trận chiến Noryang. Khi quân đội Nhật gần như bị đánh lui khỏi Bán đảo Triều Tiên, ông bị bắn trọng thương. Câu nói nổi tiếng cuối cùng của ông trước khi chết là “Trận chiến đang ở lúc cao trào… Hãy đánh mạnh trống lên... Đừng để binh sĩ biết cái chết của ta”. Nhưng ở phiên bản điện ảnh, người xem sẽ được tiếp cận nhân vật này ở một khía cạnh khác, đời hơn rất nhiều. Choi Min-sik chia sẻ: “Vai diễn Đô đốc Yi gần như là định mệnh đối với tôi. Tôi đã nỗ lực hết sức để diễn xuất một cách chân thực nhất”.

Còn Ryu Seung-ryong, từng biết đến với vai chiến binh Manchuria trong War Of The Arrows (7,5 triệu lượt vé), anh chàng Don Juan trong All About My Wife (4,6 triệu lượt vé), thái giám trong Masquerade (12,3 triệu lượt vé) và ông bố thiểu năng trong Miracle In Cell No. 7 (12,8 triệu lượt vé) thì vào vai tướng Nhật Bản Kurushima - một tướng quân xuất thân cướp biển, tàn bạo và tham vọng. Với đôi mắt trang điểm ấn tượng, trang phục cầu kỳ và giọng nói trầm vang, vai diễn của anh trở thành một đối trọng đáng nể của nhân vật chính.

thuychien4

Cùng với hệ thống nhân vật phụ ấn tượng không kém: cậu con trai trầm lặng bề ngoài yếu đuối nhưng nội tâm mạnh mẽ của đại đô đốc, anh chàng gián điệp và người vợ câm, cậu con trai đại tướng quân… Đại thủy chiến xứng đáng là một tác phẩm lớn của màn ảnh châu Á và thế giới trong năm nay.

Đại thủy chiến có câu chuyện không mới. Nhưng ngoài sự hấp dẫn bởi sự hoành tráng thì nó còn ăn điểm bởi ra đời đúng thời điểm vấn đề biển đảo giữa các bên liên quan trên biển Đông đang nóng bỏng. Điểm nhấn của bộ phim chính là tinh thần dân tộc mạnh mẽ và một lối kể chân thực, thu hút từ đầu đến cuối.

Hương Linh