Đại tiệc phim tài liệu châu Âu – Việt Nam: Cuộc đối thoại nhiều màu sắc

(TGĐA Online) – Đã thành thông lệ, Liên hoan phim (LHP) tài liệu châu Âu – Việt Nam đến nay đã bước sang mùa thứ 7. Năm nay, chín bộ phim đặc sắc nhất của 8 nước châu Âu và Israel hứa hẹn sẽ có những cuộc đối thoại đầy màu sắc với các bộ phim của Việt Nam.

Vẫn như mọi năm, mỗi bộ phim Việt Nam sẽ được chiếu kèm cùng các phim châu Âu. Về phía chủ nhà, theo bà Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương cho biết, tiêu chí lựa chọn các phim tham dự LHP năm nay có khác những năm trước. Đó là những bộ phim đã đoạt giải trong nước và quốc tế và chưa từng công chiếu tại 6 kỳ LHP trước như Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai (đạo diễn Trần Văn Thủy, Huy chương vàng LHP châu Á – Thái Bình Dương 1999; Bông sen bạc LHP VN 1999, giải A Hội Điện ảnh Việt Nam 1998), Chốn quê (đạo diễn Nguyễn Sỹ Chung, Huy chương vàng LHP châu Á – Thái Bình Dương 2001, Giải đặc biệt LHP VN 2001, giải A Hội Điện ảnh Việt Nam 2001), Còn lại với thời gian (đạo diễn Lê Hồng Chương, giải Phim tài liệu xuất sắc nhất LHP châu Á – Thái Bình Dương 2006, giải Cánh diều Vàng Hội Điện ảnh Việt Nam 2005), Mỹ Sơn – miền di sản (đạo diễn Nguyễn Văn Hướng, giải ba LHP Tài liệu – Phóng sự và ảnh ASEAN lần I, giải Cánh diều bạc Hội Điện ảnh Việt Nam 2006), Giọt nước giữa đại dương (đạo diễn Đào Trọng Khánh, giải Cánh diều Vàng Hội Điện ảnh Việt Nam 2015), Bác sĩ Trần Duy Hưng – Một người Hà Nội (đạo diễn Trịnh Quang Tùng, Bằng khen BGK Hội Điện ảnh Việt Nam 2013). Bên cạnh đó những bộ phim còn lại như Trường Sa – Việt Nam (đạo diễn Trần Tuấn Hiệp), Gieo chữ trên mấy (đạo diễn Nguyễn Quang Tuấn), “Nghèo đa chiều” ở Đồng Mậm (đạo diễn Nguyễn Sỹ Bằng), Sông Hồng 12 khúc (đạo diễn Đào Thanh Tùng) được đánh giá là những bộ phim có chất lượng tốt.

hopbaoLHPtailieu7

Phát biểu tại cuộc họp báo sáng ngày 9/6, bà Almuth Meyer-Zollitsch, Giám đốc Viện Goethe, Chủ tịch Hiệp hội các Viện văn hóa và ĐSQ châu Âu (EUNIC) cho biết, tiêu chí để lựa chọn các phim tài liệu dự LHP lần thứ 7 là phim mới, chất lượng tốt, được khẳng định qua một số giải thưởng hoặc đề cử điện ảnh quốc tế và được công chúng đón nhận. Chín bộ phim đến từ 8 nước châu Âu và Israel gồm Giai điệu quên hương của Đức (giải Phim tài liệu âm nhạc xuất sắc nhất 2014, giải khán giả tại Provinzielle Eberswalde 2013, các rạp phim Đức chiếu 70 tuần liền), Lớp học đa quốc gia của Pháp (đề cử giải Cesar cho phim tài liệu xuất sắc nhất 2015), Họp lớp của Thụy Điển (Phim hay nhất của Liên đoàn các nhà phê bình phim quốc tế tại LHP Venice), Lời nguyền của chúng tôi của Ba Lan (đề cử giải Oscar 2015 cho hạng mục phim tài liệu ngắn), Đứa con ngoan của Israel, Ranh giới không hoàn hảo của Đan Mạch, Bản đồ của Tây Ban Nha, Đại bảo tàng của Áo và Sống mà không dịch chuyển thì không phải là sống của Thụy sĩ.

Được tổ chức từ ngày 10/6 đến 19/6 tại Hà Nội (Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương) và từ ngày 11/6 đến 20/6 tại Tp. Hồ Chí Minh (Đại học Hoa Sen), LHP tài liệu châu Âu – Việt Nam lần thứ 7 sẽ mang đến những trải nghiệm đa dạng, là sự đối thoại của các thế hệ làm phim với các phong cách thể hiện khác nhau. Sau mỗi buổi chiếu sẽ có một khoảng thời gian để các nhà làm phim giao lưu cùng với khán giả.

Ngoài 9 buổi tối chiếu phim Việt Nam – châu Âu, trong khuôn khổ LHP sẽ có một buổi chiếu đặc biệt với các bộ phim của các nhà làm phim trẻ từ các nước Đông Nam Á với Cái đẹp và nhịp điệu (Campuchia), Ngày qua ngày Khi tôi nằm chết (Việt Nam), Cội rễ (Indonesia), Sự lựa chọn của Ida (Malaysia), Quý bà sông hồ (Myanmar), Tiếng vọng núi đồi (Thái Lan), Khi 14 phút là một đời người (Lào). Bên cạnh đó, hai buổi workshop do viện Goethe và ĐSQ Israel phối hợp với trường Đại học Hoa Sen tổ chức cũng được diễn ra trong khuôn khổ LHP với sự tham gia của hai đạo diễn Arne Birkenstock người Đức về phát triển kịch bản phối hợp với Hà Nội DOCLAB và Shirly Berkovitz người Israel về quá trình làm phim với người yêu điện ảnh và sinh viên trường Đại học Hoa Sen.

Trí Anh