Đàn trời - Hành trình từ tiểu thuyết lên phim

(TGĐA) - “Thực tế nạn tham nhũng ở Việt Nam đang là vấn nạn, tham nhũng không chỉ ở những cấp cao màtồn tại ngay từ cấp phường và thậm chí ở trong mỗi chúng ta. Cho nên, cứ kịch bản nào đề cập đến đề tài chính luận chống tham nhũng tôi đều thích. Giờ đọc kịch bản phim giải trí thấy không “vào” nữa…” – đạo diễn Bùi Huy Thuần hóm hỉnh tâm sự như vậy.

(TGĐA) - “Thực tế nạn tham nhũng ở Việt Nam đang là vấn nạn, tham nhũng không chỉ ở những cấp cao mà tồn tại ngay từ cấp phường và thậm chí ở trong mỗi chúng ta. Cho nên, cứ kịch bản nào đề cập đến đề tài chính luận chống tham nhũng tôi đều thích. Giờ đọc kịch bản phim giải trí thấy không “vào” nữa…” – đạo diễn Bùi Huy Thuần hóm hỉnh tâm sự như vậy.

Tuy nhiên, theo anh, để có một kịch bản chính luận hay không dễ. Bởi biên kịch trẻ do không có vốn sống nên không thể viết ra những điều mà phim chính luận đòi hỏi, còn biên kịch già gần như không viết, họ chỉ làm công việc chủ biên – tập hợp một nhóm người trẻ viết theo chỉ đạo của họ. Chính vì vậy muốn tìm hướng “thoát”, anh buộc phải quay về khai thác ở thể loại tiểu thuyết. Có lẽ, đó là một trong những lý do khiến bộ phim gần đây nhất của anh là Đàn trời – chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn miền núi Cao Duy Sơn được đông đảo khán giả ủng hộ, gây được tiếng vang lớn…

IMG_0373

Có duyên gặp được …Đàn trời

Trong một lần đi làm chương trình, đạo diễn Bùi Huy Thuần tình cờ được một bạn đọc gửi tặng cuốn tiểu thuyết Đàn Trời. Vốn là một người thích “cày xới” trên mảnh đất “phim chính luận” nên khi đọc anh rất tâm đắc với những vấn đề mà Đàn trời đặt ra. Đó là “mảng tối” trong chốn quan trường ở một tỉnh lẻ với miếng mồi béo bở là các chương trình của dự án 135, là cuộc chiến chống tham nhũng của những phóng viên truyền hình với đội ngũ quan chức tỉnh sa ngã, độc đoán, với đồng nghiệp và thậm chí ngay cả với chính mình. Cái hay là cốt truyện đầy hình ảnh, bên cạnh chất chính luận còn có chất lãng mạn của vùng miền núi đồng bào thiểu số. Ngay lập tức đạo diễn Bùi Huy Thuần nhờ biên kịch – nhà văn Phạm Ngọc Tiến chuyển thể và xin hãng lên kế hoạch sản xuất. Tiểu thuyết được viết cách đây nhiều năm nên khi thực hiện, biên kịch và đạo diễn đã phải chỉnh sửa cho phù hợp với câu chuyện thời đại.

IMG_1988

Xác định dòng phim chính luận vốn khô khan, nếu đạo diễn không khéo léo diễn đạt được bằng các khuôn hình, bằng cách diễn của diễn viên thì bộ phim sẽ thiếu hấp dẫn. Do vậy, đạo diễn Bùi Huy Thuần đã lặn lội đi tìm bối cảnh sao cho có chất thơ trong hình ảnh để thu hút khán giả. Những yếu tố lãng mạn trong phim được anh lồng ghép đan xen với yếu tố tâm linh khiến bộ phim trở nên mềm mại. Hơn thế nữa, những cảnh quay đẹp của núi rừng Tây Bắc cùng những mối tình thơ mộng nhờ sự thể hiện của dàn diễn viên trẻ đẹp cũng là yếu tố khiến bộ phim thu hút được lượng lớn khán giả. Đạo diễn cho rằng: “Quan điểm của tôi là phải học Hàn Quốc ở bối cảnh đẹp, diễn viên đẹp. Ngoài ra phim hay cũng còn phải phụ thuộc vào kịch bản, nếu kịch bản không có đất để lãng mạn thì đạo diễn cũng bó tay.”

Ở khâu chọn diễn viên, sau khi đọc kịch bản, đạo diễn đã phải hình dung ra ngay những khuôn mặt tham gia trong phim. Rất may những người nhận lời tham gia hầu hết đều là những anh tài của làng diễn viên phía Bắc như NSND Hoàng Dũng, NSƯT Anh Tú, NSƯT Trung Anh, Dũng Nhi, Kiều Thanh…Cái khó ở đây là tìm được diễn viên hợp vai. Đã có người giới thiệu cho anh một số diễn viên miền Nam nhưng Bùi Huy Thuần không thích. Anh cho rằng bản thân vốn sống hai miền Nam – Bắc khác nhau, người Bắc thâm thúy còn người Nam xởi lởi, cuộc sống thế nào họ hấp thụ thế đó. Có thể vì vậy mà diễn viên phía Bắc diễn sâu sắc, triết lý hơn diễn viên phía Nam. Nhìn vào gương mặt Tuệ - giám đốc đài truyền hình, đạo diễn không thấy có ai ngoài diễn viên Anh Tú. Rất may sau 14 năm vắng bóng màn ảnh, anh đã nhận lời. Đây cũng là một trong những diễn viên trong phim có cách diễn khiến đạo diễn tâm đắc nhất bởi cách diễn “tưng tửng” nhưng rất tâm trạng, khi cần xúc động anh khóc cũng rất nhanh. Nhân vật Vương – phóng viên đài cũng không chọn được ai khác ngoài diễn viên Trung Anh. Bản thân dáng dấp và cách diễn của Trung Anh cũng lãng đãng như một nhà văn, chứ nếu “khôn” quá cũng sẽ không ra được cái chất của nhân vật Vương.

Từ tiểu thuyết lên phim: Cái hay và cái khó

Đàn trời vốn là tiểu thuyết của một nhà văn miền núi viết về miền núi, nếu không cẩn thận khi lên phim sẽ bị mất đi đặc trưng vốn có của nó. Có một thuận lợi là trước khi sang làm mảng phim truyện, đạo diễn đã có nhiều năm đi làm phim tài liệu, phim ca nhạc về văn hóa dân gian của đồng bào thiểu số nên anh không ngại mình thiếu vốn sống.

DSC01329

Bên cạnh đó, nếu trong tiểu thuyết các nhà văn viết theo mạch, có khi một nhân vật xuyên một lúc vài chương rồi sau đó bẵng đi không thấy nhân vật đó đâu. Còn trong phim, đạo diễn phải điều tiết, cài cắm để làm sao nhân vật xuyên suốt được từ đầu đến cuối. Chính vì vậy mà có lúc đạo diễn và biên kịch phải ngồi bàn bạc, sắp xếp lại các tuyến nhân vật sao cho đảm bảo mạch diễn. Ở phim Đàn trời, câu chuyện trong kịch bản gần giống với tiểu thuyết nhưng các nhân vật xuất hiện với tần xuất mà trong tiểu thuyết không có.

Ông già Xẩm Ki trong phim được đạo diễn xây dựng nửa ảo nửa thực, coi như một vị thánh của Bình Lãng – cái gì cũng biết nên mỗi cảnh quay nhân vật xuất hiện đều phải sử dụng thủ pháp gây ảo như cánh cửa tự mở, dải lụa bay phất phơ, làn khói hư ảo…. Người Việt Nam nói chung và đồng bào miền núi nói riêng rất đề cao đời sống tâm linh, thường tìm tới đó mỗi khi tâm hồn đau khổ hoặc bất lực không tìm được lối thoát. Mượn yếu tố này, trong phim, đạo diễn muốn chuyển tải thông điệp về luật nhân quả rằng “vải thưa không che được mắt Thánh”, cái ác cuối cùng phải đền tội. Tất cả những việc làm tiêu cực xảy ra ở Bình Lãng đều không thoát khỏi tầm nhìn của người dân nơi đây.

Làm phim chống tham nhũng: Xoay đủ đường lên sóng!

Để đưa được một bộ phim chính luận đề tài nhạy cảm như Đàn trời đến được với khán giả truyền hình, đạo diễn cũng như đoàn phim phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Là một đạo diễn dày dạn kinh nghiệm, nhằm tránh những phản hồi không cần thiết, Bùi Huy Thuần đã phải cẩn thận tính toán tới từng chi tiết. Ngay cả việc đặt tên tỉnh là Bình Lãng, đặt biển số xe là 96 như trong phim anh cũng phải tìm đến Cục đường bộ xem có số nào còn khuyết chưa dùng mới dùng. Nếu như trong kịch bản, nhà văn Phạm Ngọc Tiến để cho mọi người gọi chủ tịch tỉnh Ân là “Hoàng Thượng” thì trong phim, đạo diễn đã phải sửa lại vì theo anh, để như vậy “không ổn”. Ngay cả chuyện cái kết trong kịch bản, ông Ấn gặp “phốt” (theo cách nói của đạo diễn) - bị phanh phui tội tham nhũng, tiêu cực…nên được điều chuyển về Hà Nội. Đạo diễn biết rằng thực tế ở Việt Nam, có khá nhiều vị lãnh đạo sau khi bị “phốt” đó sẽ được điều chuyển. Theo anh, nếu làm phim như vậy, chắc chắn sẽ bị “thổi còi” nên “bằng trực giác, tôi vẫn phải né vì mình xác định làm phim là phải được lên sóng, chứ không thì nhà đài…lỗ”.

DSC01837

Hòa Bình, Tuyên Quang và nhiều nhất là Yên Bái là những tỉnh được đoàn phim chọn làm bối cảnh quay Đàn trời. Tuy nhiên do Đàn trời là bộ phim có đề tài chính luận chống tham nhũng nên đoàn phim mặc dù mang đủ giấy giới thiệu đi liên hệ nhưng hầu như không nhận được sự hỗ trợ ở bất cứ địa phương nào. Tiếp đón với thái độ hòa nhã nhưng khi yêu cầu được giúp đỡ họ đều cáo bận, hẹn dịp khác… Khó khăn không ai giúp đỡ, đoàn phim phải tự khắc phục như tự thuê quần áo, diễn viên quần chúng, tự dựng bối cảnh chợ, tự làm các sạp bán hàng và khuân đồ từ Hà Nội dựng bối cảnh Đài truyền hình, mượn khách sạn Mường Thanh (Hà Nội) dựng phòng Chủ tịch Tỉnh Ấn…Nhiều cảnh phim quay trong rừng, anh em đoàn phim phải tự thổi cơm ăn với nhau. Có khi, đoàn còn phải chuẩn bị cả xôi, mì tôm từ Hà Nội mang theo để ăn đường…

Chống tiêu cực là có phản hồi

Là một đạo diễn có kinh nghiệm, Bùi Huy Thuần cho rằng dòng phim chính luận vốn khô khan, nếu nội dung phim không cuốn hút được khán giả coi như mình thất bại. Đàn trời là một phim chính luận chĩa mũi nhọn vào vấn nạn tham nhũng và được dư luận chú ý, người khen có, chê cũng có nhưng như thế coi như đạo diễn đã thành công. Và đạo diễn Bùi Huy Thuần thực sự cảm động khi đã nhận được nhiều phản hồi, ủng hộ tích cực từ phía dư luận. Một khán có tên Hồ Bá Thâm đã gửi tặng anh bài thơ dài với những tâm sự khi xem Đàn trời, trong đó có đoạn:

“Bí thư tỉnh ơi thấu hiểu gì thế sự?

Sự việc diễn ra theo một ý đồ

Sinh mệnh chính trị con người sao vô tâm đến vậy

Chỉ là sơ suất, vô tình, nếu việc đó là sai!

Nếu bao tài liệu, bài báo kia là đúng

Sự thật phơi bày tham nhũng, “đi đêm”

Độc đoán chuyên quyền, cá nhân chủ nghĩa!

Thì ai sẽ đối diện cùng công lý?

Ôi Đàn trời, suối nước sạch chẳng tanh hôi

Sao tiếng đàn ai nghe mà não nuột

Trời cao biết không, dân bé họng, cổ có cao đâu!

Trái tim đất ta cứ rung lên, rung tung lồng ngực”

….

Một chi tiết khác cũng thật bất ngờ, thú vị là sau khi phim phát sóng một thời gian, có khá nhiều khán giả từ Cao Bằng gọi điện tới nói “Sao chuyện phim giống chuyện ở tỉnh tôi thế? Tất cả các nhân vật từ Chủ tịch tỉnh, Giám đốc đài truyền hình, phóng viên….đều được dựng lên từ nguyên mẫu thật ngoài đời”. Bản thân tôi cũng có nghe nói tác giả tiểu thuyết Đàn trời – nhà văn Cao Duy Sơn vốn là người Cao Bằng, trước anh cũng từng công tác tại đài truyền hình Cao Bằng. Phải chăng câu chuyện anh đề cập tới trong Đàn trời chính là những gì thực tế anh đã được gặp và chứng kiến?

IMG_0543

Tuy nhiên bên cạnh những lời ủng hộ, anh cũng gặp phải một vài sự cố đáng tiếc. Cách đây không lâu, có một bài báo mạng giật title: “Đàn trời mắc lỗi lịch sử nghiêm trọng” với ý chê đạo diễn lâu năm làm phim cẩu thả. Phóng viên bài báo cho rằng “trong tập 26 với cảnh quay tại phòng Bí thư tỉnh ủy Bình Lãng – Đào Trọng Bằng, không ít khán giả dễ dàng nhận thấy bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được treo trên tường đã ghi sai mốc lịch sử quan trọng với hai con số có hai con số: 1890 – 1970, để chỉ năm sinh và năm mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong khi đó, bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng đều biết rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh năm 1890 và mất năm 1969”. Đạo diễn cho rằng anh không sai và không ẩu đến như vậy. Người viết vài đó đã chụp không hết bức ảnh và phản ánh không đúng sự thật. Phía trên của bức tranh còn có dòng chữ “Kỷ niệm 80 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh”. Và đây cũng chính là bức ảnh được họa sĩ thiết kế chép từ tập tranh ở viện bảo tàng - bức tranh của tác giả Diệp Minh Tuyền vẽ bằng máu ngày ở chiến trường chống Mỹ.

Khán giả Nguyễn Xuân Sang – cán bộ hưu trí ở quận Hà Đông nhận xét:

Đàn trời là một trong những bộ phim chính luận mà tôi thích bởi đã phản ánh được một phần thực chất của xã hôi ta hôm nay – vấn nạn tham nhũng của đội ngũ lãnh đạo có chức có quyền. Mặc dù những chuyện tham nhũng, tiêu cực mà Đàn trời đề cập tới nghe có vẻ khủng khiếp nhưng chưa thấm đâu so với những gì thực tế xảy ra ở nhiều tỉnh, thành. Nhưng như thế cũng đủ thấy bộ phim là một bước tiến trong việc dân chủ dám nói dám làm, dám nhận một phần trách nhiệm. Qua đây, bản thân tôi như thấy mình lấy lại được tinh thần, tin tưởng hơn vào sự công minh của pháp luật, vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, nhà nước. Mong rằng sẽ có thêm nhiều bộ phim chính luận như Đàn trời để góp phần củng cố hơn lòng tin trong nhân dân.

Nguyễn Đức Tiến – sinh viên Đại học Kinh Tế chia sẻ:

Là một sinh viên nhưng tôi rất thích những bộ phim phim như Đàn trời vì đã dám “chọc thẳng” vào lên án những "mảng tối", những thói hư tật xấu, nạn tham nhũng của giới quan chức lãnh đạo, và ủng hộ những người lương thiện. Cảm ơn đạo diễn đã cho chúng tôi cơ hội được hiểu hơn về những mối quan hệ phức tạp, những tệ nạn xấu xa đang rình rập xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay.

Khánh Huyền