Đạo diễn Aleksandr Sokurov: “Nhiệm vụ chính của nghệ thuật là nâng cao phẩm giá đạo đức”

(TGĐA) - Đạo diễn Aleksandr Sokurov sinh năm 1951 tại tỉnh Irkutsk. Năm 1974, ông tốt nghiệp khoa sử Trường Đại học tổng hợp TP. Gorky, và năm 1979, ông nhận tấm bằng đạo diễn trường VGIK. Sokurov được Viện Hàn lâm điện ảnh châu Âu đưa vào danh sách 100 đạo diễn xuất sắc nhất thế giới.

ALEKSANDR_SOKUROV

Sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số ý kiến của ông tại “hội nghị bàn tròn” về chủ đề chiến tranh và điện ảnh trong khuôn khổ LHP Moskva.

Về chiến tranh và điện ảnh

Rất tiếc, tôi đã chứng kiến các hành động quân sự ở nước cộng hòa Chechnya, và tại biên giới với Afghanistan. Tôi có dịp ngồi trong công sự. Và trải nghiệm này đã thủ tiêu tất cả mong muốn của tôi nói và xem phim nghệ thuật về chiến tranh. Các đạo diễn làm phim về chiến tranh không hiểu: nơi trận đánh bắt đầu cũng là nơi kết thúc mọi đạo đức và thẩm mỹ. Trong thời điểm đó, chỉ có một kênh để mở – kênh chết chóc. Nếu như vào thời điểm đó bạn chỉ nghĩ tới việc giữ gìn cái bụng của mình thì bạn không hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, và rất nhiều khả năng, bạn sẽ hy sinh. Người Mỹ đã xây dựng được một hệ thống những đặc điểm hấp dẫn của chiến tranh trên màn ảnh. Nhưng tất cả những đặc điểm đó là hoàn toàn giả dối. Con người bị trúng đạn không bao giờ xử sự như chúng ta thấy trên màn ảnh. Tôi hiểu: hiện tôi đang quay người lính kiệt sức, bẩn thỉu, sợ hãi mặc quần đùi. Nhưng sẽ ra sao, nếu ai đó trong số những người thân của anh ta nhìn thấy điều đó? Quan trọng không phải là nghĩ về số phận của đất nước hay các dân tộc, mà là về một con người cụ thể, riêng lẻ vốn là một giá trị lớn.

Xây dựng hình tượng chiến tranh hấp dẫn là điều hết sức khả nghi và nguy hiểm. Tôi có một nữ sinh tuyệt vời đã từng có mặt ở cộng hòa Chechnya trong thời gian chiến tranh. Tôi không bao giờ hỏi về những gì cô đã trải qua. Vì bằng kinh nghiệm của mình tôi biết rằng đó là cảm giác ghê tởm đối với hành vi của con người rất khó diễn đạt, bất kể họ ở phía nào của chiến tuyến.

Đấy không phải là vấn đề căm thù chiến tranh nói chung, đấy là vấn đề chấm dứt sự sùng bái bạo lực như một cách thoát khỏi những khó khăn chính trị-xã hội, con người rất khác nhau. Chưa chắc có một lúc nào đó chúng ta loại trừ bỏ được bản chất hiếu chiến của con người. Nhưng nhiệm vụ chính của nghệ thuật là nâng cao phẩm giá của đạo đức.

Một trong những khó khăn chính của đất nước chúng ta cũng như nền văn minh nói chung là ở chỗ: những nhiệm vụ mà chính quyền đặt ra cho mình không giao thoa với những nhiệm vụ của văn hóa, nghệ thuật. Tiếc rằng, chính trị là một trò hết sức xảo quyệt, và nhà nước từ chối hiểu rằng văn hóa là cái chủ yếu. Chính văn hóa liên kết, bảo vệ và phát triển chúng ta.

Về nhà tù

Do tính chất hoạt động xã hội của mình nhiều lần tôi có dịp đến thăm các nhà tù của chúng ta. Và tôi nhìn thấy ở đấy nhiều người còn rất trẻ bị kết án vì những tội buồn cười. Tôi đã nói đều đó với tổng thống, nói tại tất cả các cuộc hội nghị của các tổ chức xã hội. Đất nước cần phải cải cách một cách triệt để hệ thống hành pháp, cần một cuộc cải cách căn bản bộ luật hìn sự. Tôi tuyệt đối tin tưởng điều đó, và không ai có thể thay đổi ý kiến của tôi hết.

Thời hạn mà nhiều điều khoản của Bộ luật hình sự quy định xét trên quan điểm lẽ phải không phù hợp với quy mô và tính chất nghiêm trọng của tội ác. Tôi biết, sẽ có nhiều người không chia sẻ quan điểm này với tôi. Có rất nhiều người không hiểu sao vui mừng vì có hàng ngàn đồng bào của chúng ta bị ngồi tù. Tôi chỉ muốn nói với họ một điều: nhà tù không phải là môi trường giáo dục tốt.

Về ngôn ngữ trên màn ảnh

ALEKSANDR_SOKUROV1

Thái độ của tôi đối với đủ loại cấm kỵ và hạn chế chính thức trong khuôn khổ hoạt động sáng tạo như thế nào ư? Đây là một câu hỏi khó đối với tôi. Nhưng tôi tin chắc rằng sự văng tục trong phim hay sân khấu là một sự bế tắc. Sự suy đồi của xã hội chúng ta xuất phát từ hàng loạt nguyên nhân – chính trị, kinh tế, lãnh thổ, v.v… Nhưng việc hệ thống thuật ngữ nhà tù hay quân đội trở nên thông dụng là một điều nguy hiểm. Khi các em học sinh phổ thông, thầy giáo, bác sĩ bắt đầu thay thế câu phức hợp bằng những lời chửi tục ngắn ngủn thì điều đó thật đáng sợ.

Sự văng tục là một ranh giới mà chúng ta không nên tiến gần – phía sau nó bắt đầu bạo lực. Ngoài ra, tôi xin nói thẳng, văng tục là ngôn ngữ của đàn ông. Và thật đau xót là chúng ta, những người đàn ông, đã phổ cập cái bộ phận ngôn ngữ này của chúng ta vào xã hội. Đau xót hơn nữa khi người ta cho phép phụ nữ nói tục! Cần phải cấm điều này! Ở Kavkaz, chẳng hạn, tôi không bao giờ nghe phụ nữ nói tục.

Về thời đại

Tôi không nhất trí với ý nghĩ cho rằng đặc thù của thời đại hiện nay không cho phép làm một tác phẩm lớn, sử thi và đồng thời lại mang tính thời sự. Bao giờ cũng có thể quay một bộ phim như vậy với điều kiện cơ sở của nó phải là tác phẩm văn học xuất sắc. Chỉ dựa vào truyền thống văn học mới có thể làm được một bộ phim nghiêm túc, cấp thiết khiến người ta sẽ nói: “Ồ, nó hiện đại biết bao!” Không nên chỉ kể lại một cách đơn giản rằng có một người bắt được và giết chết ai đó. Cần hiểu rằng vấn đề không chỉ ở con người này, mà có thể, ở mẹ, bà, cụ của anh ta. Sẽ là ảo tưởng khi nghĩ rằng chúng ta chỉ gắn bó với thời đương đại. Thực ra, chúng ta gắn với quá khứ, lịch sử nhiều hơn so với hiện thực xung quanh chúng ta.

Về đào tạo

Tôi tin tưởng sâu sắc rằng cần phải bỏ học phí đào tạo đại học ở các trường nghệ thuật. Trong trường hợp này, điều kiện tài sản là một tội lỗi. Bằng việc duy trì điều kiện đó, cuối cùng chỉ những kẻ có tiền được đào tạo tại các khoa nghệ thuật, mặc dù họ không có đủ tố chất đối với nghề nghiệp tương lai,. Điều này rất nguy hại đối với tương lai của đất nước và văn hóa. Còn tôi lại mong muốn để trên đất nước rộng lớn của chúng ta xuất hiện những con người tài năng và đồng thời có học thức, để hình thành những đầu mối văn hóa và cộng đồng những con người tài năng không biết sợ hãi gì hết.

Trần Hậu (Theo aif.ru)