Đạo diễn Aleksey German: "Chúng tôi muốn làm bộ phim về hạnh phúc tuổi trẻ"

(TGĐA) - Sau khi bộ phim Dưới những đám mây điện tử được phát hành vào đầu tháng 6 năm 2015, đạo diễn Aleksey German đã chuẩn bị thực hiện một bộ phim mới về nhà văn Nga nổi tiếng Sergey Dovlatov. Sau đây, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của ông về bộ phim và về những ngày nhà văn Sergey Dovlatov sống ở thành phố Leningrad năm 1971.

Sergey_Dovlatov_-_Nhan_vat_chinh_cua_bo_phim

Sergey Dovlatov - Nhân vật chính của bộ phim

Lần đầu tiên ông bắt tay vào thể loại “biopic” (phim tiểu sử). Tại sao lại là Dovlatov? Hay đây là câu chuyện về thời đại, còn bản thân nhà văn chỉ là một “cái cớ”?

Không, tôi chỉ quan tâm tới bản thân Dovlatov – đây không phải là nhân vật trữ tình hư cấu mà là một nhà văn có thật. Và tất nhiên, chúng tôi quan tâm cả thành phố Leningrad đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Chúng ta đã làm nhiều phim về Moskva giai đoạn ấy, chúng ta đã có nhiều phim về thể thao, chúng ta đã có nhiều phim về chiến tranh. Tất cả những cái đó, tất nhiên là tuyệt vời. Nhưng chúng ta hầu như không có những bộ phim về những con người đã xây dựng nên nền văn hóa Nga đặc sắc. Tôi cảm thấy đây là một thiếu sót lớn. Mà Leningrad thời ấy là trung tâm đời sống văn hóa của cả nước…Hãng “Lenfilm” đã sản xuất những kiệt tác, cả nước đều biết Nhà hát kịch lớn (BDT) của Georgy Tovstonogov và Nhà hát Lensovet của Igor Vladimirov, nơi Alisa Brunovna Freyndlikh (nữ nghệ sĩ nhân dân Liên Xô nổi tiếng) đã biểu diễn. Nhân dự án của chúng tôi, Alisa Brunovna nhận xét rằng tất cả mọi người đều nói về thời “trở ấm” (ý nói thời Khrushchyov) với một niềm lưu luyến, và rất tiếc là họ im lặng về những năm 70 đầy năng lượng nghệ thuật. Tôi thấy điều đó không đúng, và cố gắng bằng cách nào đấy phục hồi sự công bằng lịch sử, chúng tôi quyết định làm bộ phim về Dovlatov và thời đại của ông…

Nhưng tại sao ông muốn tập trung vào một số ngày của năm 1971? Đó là thời điểm Dovlatov đến nài nỉ các nhà xuất bản để in sách, và theo như nhận xét của nhà văn Valery Popov, “đã chạy vạy một cách vô ích”.