Đạo diễn Bánh đúc có xương thử sức với đề tài hâu chiến

(TGĐA Online) - Phim truyện nhựa Người trở về (Kịch bản Nguyễn Thu Dung – Đạo diễn Đặng Thái Huyền) là một trong 5 dự án phim mà Điện ảnh Quân đội Nhân dân đã và đang tiến hành sản xuất chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Thành lập QĐND 22/12/1944 – 22/12/2014) và 40 năm giải phóng Miền Nam (30/4/1975 – 30/4/2015).

FullSizeRender

Diễn viên Lã Thanh Huyền và Hồng Minh trong buổi casting phim Người trở về

Là một người trẻ, chưa trải qua chiến tranh nhưng khi có cơ hội bắt tay thực hiện một bộ phim điện ảnh về đề tài tâm lý hậu chiến như Người trở về, đạo diễn Đặng Thái Huyền thực sự cảm thấy hào hứng. Bởi theo cô: “Phim nhựa, phim điện ảnh là thánh đường mà bất kỳ nhà làm phim chuyên nghiệp nào cũng muốn được vươn tới. Tôi đã chờ đợi cơ hội được thực hiện một bộ phim lớn như thế này từ rất lâu rồi và nghĩ mình đang ở thời kỳ chín chắn, sung sức nhất về nghề nghiệp để hoàn toàn tự tin bắt tay thực hiện Người trở về".

a1_Dao_dien_Dang_Thai_Huyen

Đạo diễn Đặng Thái Huyền

Sau buổi casting diễn ra đầu tháng 11 vừa qua, đạo diễn cũng như nhà sản xuất bộ phim đã chọn ra được dàn diễn viên sáng giá cho Người trở về với những diễn viên tên tuổi như NSND Như Quỳnh, NSƯT Cường Việt, Lã Thanh Huyền, Trương Minh Quốc Thái, Hồng Minh…

NSND Như Quỳnh nhận lời tham gia Người trở về sau khi vừa góp mặt trong phim điện ảnh Hương Ga. Bà chia sẻ: “Khi đọc kịch bản phim điện ảnh Người trở về, tôi không khỏi trăn trở suy nghĩ về vai diễn của mình. Nhân vật mà tôi đảm nhận ở đây mặc dù không có nhiều đất diễn nhưng lại có tâm lý không dễ thể hiện - một bà mẹ ở thị trấn nhỏ, không giống với tính cách nhẫn nhịn thường thấy ở những bà mẹ khác, bà tỏ ra quyết liệt để kéo người con trai trở về với hạnh phúc mà nó đã chấp nhận để cuộc đời của người con gái không bị lỡ dở".

Đảm nhận nhân vật nữ chính (vai Mây) trong phim, diễn viên trẻ Lã Thanh Huyền cho biết, khi đọc kịch bản Người trở về, cô thấy nhân vật mà mình thể hiện trong phim là một vai diễn đầy màu sắc với những sóng gió cuộc đời mà bất kỳ một diễn viên nào cũng mơ ước được một lần hóa thân. Được tham gia diễn xuất cùng nhiều diễn viên có kinh nghiệm, cũng là dịp tốt giúp cô có cơ hội học hỏi cũng như cùng bạn diễn góp phần làm nên thành công cho bộ phim.

Người trở về xoay quanh đề tài hậu chiến với tâm lý nặng nề của những người phụ nữ Việt Nam thời kỳ thập niên 80. Với một người trẻ như Đặng Thái Huyền thì áp lực, khó khăn đương nhiên là không tránh khỏi. Chính vì vậy, cô đã phải bỏ ra khá nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu rất nhiều tài liệu về một thời kỳ mình không được trải qua. Bằng suy nghĩ “phim ảnh cho phép chúng ta cũng có những không gian tưởng tượng đa chiều và nó vượt lên trên cả tính tả thực”, Thái Huyền cho rằng “Điều đó có nghĩa đúng chưa chắc đã hay và chưa đúng chưa chắc đã dở. Quan trọng là phải làm nổi bật được Tinh Thần của con người và thời đại đó. Người xem cảm thấy tin và cảm được là mình đã thành công”.

Tóm tắt nội dung phim:

Mây khoác ba lô trở về làng với hạnh phúc được đoàn tụ bên gia đình và San – người yêu. Cô không biết rằng, gia đình đã nhận được giấy báo tử của cô cách đây một năm. Và ngày cô trở về trớ trêu cũng là ngày cưới của San.

Ngay đêm tân hôn, biết tin Mây còn sống, quay về, San đã tìm gặp Mây. Anh xin cô được bỏ vợ để cả hai làm lại từ đầu. Mây khóc, từ chối vì cho rằng: “Một người phụ nữ đau khổ và lỡ dở đã là quá đủ”.

Vậy là từ đó, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ và Mây ở bên nhà, cách nhau có hàng rào tre, diễn ra hết sức trớ trêu và đau khổ: Thanh (vợ San) cố phô diễn trước mặt Mây cuộc sống hạnh phúc lứa đôi, San yêu Mây nhưng nặng gánh trách nhiệm với gia đình và không nỡ làm Thanh đau khổ. Mây yêu San nhưng cố giấu trong lòng, chịu đựng để mong San sẽ hạnh phúc. Giải quyết nỗi khó xử cho cả ba người, Mây rời nhà bỏ ra bến đò sống. Đêm đêm, trong chiếc lán ven sông, những ám ảnh về tình yêu đầu, về sự khốc liệt của chiến tranh, những hy sinh mất mát của đồng đội, luôn hiện về trong những giấc mơ của Mây. Nó khiến cô trở nên câm lặng và thu mình như người đi bên lề cuộc sống thường nhật.

Một ngày, dân làng Châu đón một người lính về tận làng tìm Mây. Đó là Quang. Quang là anh lính trinh sát bị thương khi đạn pháo bỏ trúng hầm trú ẩn. Mây đã lấy thân mình che cửa hầm cứu Quang còn bản thân mình bị bom vùi. Quang gặp lại Mây. Dù cô trốn chạy và lảng tránh nhưng Quang quyết định ở lại bến sông Châu nguyện chăm sóc và bù đắp cho Mây suốt quãng đời còn lại.

Ngày Mây quyết định lấy Quang cũng là ngày cô biết được một sự thật. Đó là đòn định mệnh đau đớn nhất giáng xuống cuộc đời Mây. Mây hắt hủi, vì sự thật đó mà lánh xa Quang. Và để Quang thêm đau đớn, Mây nói rằng: càng tới gần ngày cưới, cô càng nhận ra mình chưa bao giờ quên được mối tình đầu là San, cô yêu Quang để lấp chỗ trống. Đau khổ, uất hận, lòng tự trọng của một thằng đàn ông bị tổn thương, Quang đã quyết định là người ra đi.

Một đêm mưa gió, Mây một mình lên đò thả trôi theo dòng sông Châu. Một người đàn ông xuất hiện, băng mình qua dòng nước lũ để tới được cứu Mây. Con đò chở hai người trôi về phía hạ nguồn.

Phương Hà