Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: “Người làm phim cần đi đến cùng, không bỏ cuộc!”

Trước ngày bộ phim chính thức được công chiếu tại một trong những liên hoan phim danh giá nhất hành tinh, Tạp chí thế giới điện ảnh đã có cuộc trò chuyện với  đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.

(TGĐA) - Chơi vơi chưa ra rạp nhưng đã thu hút đông đảo sự chú ý của giới làm phim trong nước cũng như những người yêu điện ảnh. Nhất là khi đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã chính thức xác nhận tin vui về tấm vé đến dự liên hoan phim Venice của tác phẩm điện ảnh này.


Chơi vơi là một dự án điện ảnh tiêu tốn quá nhiều thời gian và sức lực, anh lấy đâu ra nguồn năng lượng bền bỉ đó?

Vì tôi biết mình không thể bỏ nó được, nếu không làm xong nó sẽ “ám” mình suốt. Đó không chỉ là nói vui, bởi mỗi bộ phim vào tay một đạo diễn phải mang trạng thái len vào nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn, trái tim mình. Tôi luôn luôn bị cảm giác khó chịu khi bộ phim chưa làm xong. Kịch bản này đã xin tiền ở hội đồng phim quốc gia hai lần. Một lần đã bị từ chối. Kịch bản này cũng gửi đến Rottedam hai lần, lần đầu cũng bị từ chối. Kịch bản này cũng bị từ chối ở rất nhiều quỹ khác. Nói tóm lại, kịch bản này vẫn là một ám ảnh với tôi và để thoát khỏi niềm ám ảnh này chỉ có cách là mình làm xong nó. Một điều khác nữa tôi muốn nhấn mạnh, một người làm phim cần có cái máu đã đi là đi đến cùng, không bỏ cuộc. Nếu chỉ một chút khó khăn, một chút trắc trở mà sẵn sàng bỏ thì không phải là đức tính của người làm phim.

Trong một bài PV gần đây có thấy anh nói là mình làm phim trong một trạng thái “chơi vơi”. Cảm xúc của anh khi thực hiện xong bộ phim tốn nhiều thời gian và sức lực này?

(Cười) Nói thế nhưng tôi chẳng bao giờ chơi vơi cả. Tất cả đều có mục đích đều có sự điều chỉnh, kế hoạch thực hiện. Trong một đoàn phim mà đạo diễn chơi vơi, mông lung, nghe chừng khó thành phim lắm. Còn cảm giác khi hoàn thành bộ phim ư? Là xong một việc. Nói cách khác nó chính là sự giải thoát.. Ý muốn thôi thúc làm phim là một sự ám ảnh. Khi mình làm xong là mình làm cho sự ám ảnh đó biến mất.

Là một đạo diễn được đánh giá cao về kỹ thuật dựng, anh hài lòng đến đâu với bản dựng cuối cùng của bộ phim?

Với những gì đã thực hiện ở trường quay và bản dựng cuối cùng thì tôi cho rằng đó là kết quả tốt nhất. Chúng tôi (đạo diễn, người dựng phim) đã cùng làm việc 5 tháng. Trong quá trình 5 tháng đó, đã thay đổi cỡ 30 bản dựng khác nhau.

Được biết anh không hề nghĩ nhiều đến việc bộ phim tham dự liên hoan phim Venice lần này?

Nói không nghĩ đến thì không phải mà tôi chỉ nghĩ đến khi nào cơ hội đến. Không ai làm phim để chăm chăm dự liên hoan phim, trong quá trình phim thì chỉ nghĩ đến phim, đến làm phim thôi và điều đó là quan trọng nhất. Sau khi phim xong rồi, số phận của nó như thế nào là do khán giả quyết định. Hãy hiểu cho đúng liên hoan phim là gì? Liên hoan phim dù trong nước hay LHP quốc tế cũng là nơi đại diện cho khán giả để thẩm định đánh giá một bộ phim, cũng là nơi tạo cơ hội cho một bộ phim có đời sống lâu dài. Những liên hoan phim quốc tế tầm cỡ như Cannes, Venice, Berlin đều yêu cầu các phim tham dự chưa được công chiếu ở bất cứ đâu trên thế giới. Việc các liên hoan này có được đặc quyền lần đầu tiên công chiếu như vậy vì họ tự tin là những người thẩm định tốt nhất, những người đánh giá quan trọng nhất, đại diện cho những khán giả cao cấp nhất để đánh giá một bộ phim. Đấy chính là ý nghĩa của liên hoan phim. Tại sao lại nói liên hoan phim đại diện cho khán giả? Quy trình của mỗi liên hoan phim rất khoa học, chặt chẽ. Mỗi một liên hoan phim đều có đội ngũ những người tuyển trạch, là những người xem rất sành. Có thể so sánh với những người chuyên nếm những món ăn, biết thế nào là cao lương mỹ vị. Hàng ngàn phim được gửi đến liên hoan đều do một hội đồng 7-8 người xem. Những người này xem phim liên tục trong cả năm trời. Họ không chỉ xem những phim được gửi đến mà còn chủ động đi các nơi trên thế giới, tìm kiếm các phim mới. Họ sẽ là những người thay mặt khán giả đánh giá bộ phim.

Sau một thời gian dài tuyển lựa, anh đã có trong tay một dàn diễn viên khá ấn tượng để tham gia Chơi vơi, đều là những người nổi tiếng dù đã từng đóng phim hay chưa. Nhưng với bản thân anh, đến giờ anh hài lòng đến đâu với dàn diễn viên mình đã chọn?

Đến thời điểm này tôi tin những người xem bộ phim sẽ đánh giá dàn diễn viên đồng đều, diễn xuất hiệu quả. Các nhân vật họ thể hiện đặc sắc ở trong phim và cũng thể hiện bước tiến của họ. Đó là sự trương thành rất lớn của Hải Yến trong một vai diễn nội tâm phức tạp. Duy Khoa, chưa từng đóng phim trước đó đã thể hiện nhân vật rất tốt. Sau đó Khoa đã nhận được khá nhiều lời mời diễn xuất trong những bộ phim khác. Tôi tin sau bộ phim này, Khoa sẽ trở thành một diễn viên giỏi. Làm phim là môi trường đào tạo rất tốt cho sự trưởng thành mỗi diễn viên. Chơi vơi còn có may mắn được làm việc với một diễn viên có tầm cỡ quốc tế Phạm Linh Đan. Tất cả những người làm việc chung với cô đều cảm nhận rõ mức độ chuyên nghiệp của cô, điều rất đáng để học. Bản thân tôi là một đạo diễn cũng học hỏi thêm được nhiều điều khi làm việc với cô.

Ngoài dàn diễn viên lung linh, bộ phim có sự tham gia của quay phim Lý Thái Dũng, họa sỹ Lã Quý Tùng, nhạc sỹ Hoàng Ngọc Đại…Những người tài năng, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật thường có cái tôi rất lớn, anh làm thế nào để dung hòa các tôi đó?

Vai trò của người đạo diễn chính là dung hòa những cá tính đó trong một mục đích chung, đó là nguyên tắc. Chỉ xảy ra xung đột khi đạo diễn không cho nhưng người làm với mình thấy được mục đích của bộ phim. Đạo diễn không diễn thay cho diễn viên, không quay hộ cho quay phim, không trang trí cho họa sỹ, không tự hóa trang…Người đạo diễn có trách nhiệm chỉ cho mọi người mục đích chung để vươn tới. Nếu đạo diễn chỉ ra một mục đích rất rõ cho những người cộng tác của mình thì mọi người sẽ mang cái tôi ra để phục vụ cho mục đích đó. Vậy thôi. Và người đạo diễn giỏi là người kích thích được những cá tính mạnh nhất của những người cộng tác với mình cho mục đích chung. Tại sao có những người đạo diễn lại có thể khai thác được một người diễn viên rất cá tính nào đó hay cộng tác với một người quay phim, một nhạc sỹ có cá tính rất khó chơi nào đó mà người khác thì không? Quan trọng là cần khai thác cá tính đó cho mục đích chung của bộ phim. Cho đến ngày hôm nay tôi có thể khẳng định Chơi vơi đã được thực hiện với sự hứng khởi cao của các thành phần trong đoàn làm phim.

Anh chủ động huy động được phần lớn số tiền làm phim. Vậy có thể coi anh là người làm phim độc lập không?

Phim độc lập là tên gọi của một dòng phim bắt đầu ở Mỹ. Dòng phim này không phụ thuộc vào hệ thống những studio lớn gọi là Hollywood. Hệ thống Hollywood thống trị điện ảnh Mỹ và điện ảnh thế giới bằng những bộ phim bom tấn vì họ có khả năng tài chính và phát hành. Có những nhà làm phim đã tự huy động vốn từ những nguồn khác trong xã hội, làm những bộ phim nhỏ hơn, sáng tạo hơn để có thể chiếu, thu tiền và hoàn trả lại vốn sản xuất. Thế mới được gọi là phim độc lập. Tôi đã xin được tiền từ nhà nước, cũng xin được tiền ở các quỹ tài trợ, quỹ phát triển, làm bộ phim và không phải nghĩ đến chuyện phải trả lại cho nhà nước hay các tổ chức này cái gì hết nên cũng không gọi là nhà làm phim độc lập được.

Thời gian vừa qua, bộ phim Việt Nam nào mà anh chú ý nhất? Vì sao?

Tôi thích xem Trăng nơi đáy giếng của anh Vinh Sơn, Trái tim bé bỏng của anh Thanh Vân. Những bộ phim của Nguyễn Quang Dũng rất thành công ngoài rạp cũng đáng chú ý. Bộ phim làm ra với mục đích chính là kiếm tiền nhưng rất thông minh, dám làm và có nghề.

Nhưng Raymond Phathanavirangoon là người lựa chọn phim cho Liên hoan phim quốc tế Toronto (Toronto International Film Festival) có khi đến Việt Nam xem những phim chiếu ở ngoài rạp thì rền rĩ “các bạn nên làm những bộ phim nhỏ và đẹp”…

Đó là một nhà tuyển trạch cho liên hoan phim. Mục đích của ông ấy khác, mục đích của các bộ phim đó khác, người làm bộ phim đó không với mục đích là đi liên hoan, làm sao có thể trách cứ người ta.

Anh vẫn luôn nhắc đến tính mục đích khi làm phim…?

Đúng, phải luôn ý thức được ai là khán giả của mình. Nhiều phim của Mỹ sản xuất ra cũng không bao giờ tham dự liên hoan vì phim của họ là phim giải trí, không có nghĩa là người làm phim tác giả chê bai phim giải tí hay ngược lại. Đó là hai bài toán khác nhau và để giải hai bài toán đó thì đều khó như nhau. Người giải bài toán giải trí phải là làm sao phải thu hút đông đảo khán giả, phải thu được tiền. Còn người giải bài toán phim tác giả là làm sao phải khám phá. Vì thế không thể hạ thấp phim loại phim nào cả. Thực tế, một nền điện ảnh lành mạnh là phải có cả phim thương mại và phim nghệ thuật. Vì nếu, một nền điện ảnh chỉ có khám phá, sáng tạo thôi thì ai sẽ nuôi nó. Ngược lại, nếu một nền điện ảnh chỉ chăm chăm kiếm tiền thì sự phát triển của nó sẽ đi đến đâu. Vậy mỗi người hãy làm tốt công việc của mình. Ai muốn làm phim của riêng mình thì hãy dành tâm huyết cho những sáng tạo của mình.

Nhưng hiện nay, nhiều nhà phê bình đã nói về xu hướng khi ranh giới giữa phim nghệ thuật và phim thương mại dần được xóa nhòa?

Với một điều kiện là khán giả phải có trình độ giải trí cao. Các nước trình độ khán giả cao như Châu Âu, Bắc Mỹ thì hai cái đó có thể chập lại nhưng không dễ dàng. Thường những phim ăn khách nhất thì chỉ dừng lại ở mức giỏi nghề nhưng là một điều gì đó đặc biệt lay động con người, một cách kể chuyện sáng tạo thì e rằng là khó.

Khi bộ phim chắc chắn được gửi đi LHP Venice, anh có kỳ vọng gì không?

Không nên tự làm đau đầu mình. Đạo diễn Hầu Hiếu Hiền đã nói “thảm đỏ, những bữa tiệc chỉ là phù phiếm, việc làm phim mới quan trọng.” Tôi nghĩ ông ấy đúng. Điều ý nghĩa nhất của người làm phim là được làm phim.

Trong một liên hoan phim, một bộ phim được giải chưa chắc đã là một bộ phim hay nhất trong LHP đó, giải thưởng cũng chỉ là sự nhìn nhận đánh giá của ban giám khảo, cũng là một nhóm khán giả. Không có gì cần băn khoăn nhiều vào chuyện đó. Tốt hơn hết là hãy nghĩ đến cái gì sẽ làm tiếp.

Trong những dự án của TPD nơi anh tham gia, dự án 10 tháng 10 phim đang trong giai đoạn kết thúc, trong khi dự án Chúng ta làm phim đang bắt đầu triển khai thu hút sự chú ý, thu hút nhiều bạn trẻ. Có vẻ như anh đang dồn sức cho điện ảnh nghiệp dư thay vì hi vọng nhiều vào các bạn trẻ làm điện ảnh chuyên nghiệp?

Mỗi dự án có một mục đích riêng. 10 tháng 10 phim hướng đến giới chuyên nghiệp, có thể tìm ra những người tài năng và phát hiện cả những người không có tài, để mỗi người tự soi mình, bớt những chi phí cho tương lai.

Chúng ta làm phim thì hơi khác, hướng tới đối tượng nghiệp dư, mong muốn mang sự hấp dẫn và tình yêu nghệ thuật điện ảnh cho những người rất trẻ, là 9X, thậm chí trẻ hơn.

Mục đích của TPD là hỗ trợ cho những người trẻ, những người của tương lai, của 5-10 năm nữa. Nếu có thể bồi đắp cho tương lai, không chỉ là 8X mà là 9X, vì tương lai lâu dài sẽ còn xán lạn hơn, tại sao lại không cơ chứ? Tôi luôn có niềm tin vào tương lai.

Xin cảm ơn anh!

Mỹ Trang