Đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói về biện pháp nâng cao chất lượng phim truyền hình

Trong thời gian gần đây, các Đài truyền hình đã thực hiện chủ trương dành giờ vàng cho phim Việt và nhằm thực hiện chỉ đạo của Nhà nước, bảo đảm phim Việt chiếm 50% tỷ lệ thời lượng phát sóng phim truyện trên truyền hình. Điều này cũng là mong muốn từ rất lâu của đội ngũ các nhà làm phim và các khán giả xem truyền hình. Tuy nhiên, chúng ta đang đi từng bước một, không đủ sức đáp ứng số lượng lớn theo yêu cầu. Sự nỗ lực của những người làm quản lý và việc nhanh chóng tiến hành xã hội hóa sản xuất phim truyền hình của một số Đài truyền hình đã kích thích và huy động những nguồn lực bên ngoài (các đơn vị sản xuất tư nhân) đầu tư vốn cùng tham gia sản xuất phim truyền hình. Nói vậy cũng không có nghĩa số lượng các phim sản xuất đồng bộ với chất lượng.

(TGĐA) - Tôi cho rằng phim truyền hình Việt Nam cần có một quá trình đi lên và điều đầu tiên chúng ta cần làm là phải có những biện pháp cụ thể trong cách quản lý đầu ra các sản phẩm đặt hàng. Như vậy có nghĩa là khi anh đưa ra một dự án sản xuất phim thì phải trình bày phương án và ê kíp sản xuất.


LTS: Cùng với những bộ phim truyền hình được dư luận đánh giá tốt, Đỗ Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình VN, là một đạo diễn có uy tín và tay nghề trong lĩnh vực sản xuất phim truyền hình. Có thể nói, anh và những đạo diễn khác ở VFC đã được trau dồi nghề nghiệp và đi lên cùng với những bước thăng trầm của phim truyền hình. Trước những ý kiến của dư luận về chất lượng phim truyền hình hiện nay, anh đã thẳng thắn đưa ra suy nghĩ của mình.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải

Tôi cho rằng trong hướng phát triển chung, việc từng bước tiếp cận đến xu hướng làm phim, công nghệ mới để thay đổi mô hình sản xuất cũ cần có thời gian, không thể hoàn thiện ngay. Chúng ta phải thừa nhận rằng hiện nay, Việt Nam chưa có nền tảng về đội ngũ làm phim truyền hình bài bản và chuyên nghiệp. Phần lớn đội ngũ hiện tại đều từ một lĩnh vực nào đó chuyển sang. Chúng ta chưa có một ngành sản xuất phim như các nước phát triển mà chỉ tồn tại những đơn vị sản xuất nhỏ lẻ.

Đội ngũ làm phim truyền hình Việt Nam, trừ biên kịch, đạo diễn, quay phim, họa sĩ là những thành phần có thể được đào tạo, số còn lại như hóa trang, phục trang, đạo cụ, dựng cảnh và thậm chí cả diễn viên cũng không có người chuyên cho lĩnh vực này. Thời kỳ đầu, một số diễn viên được đào tạo cho điện ảnh, còn lại hầu hết đến từ các nhà hát kịch. Họ tham gia vào phim truyền hình để tăng thu nhập và tận dụng thời gian nhàn rỗi. Do vậy, tất cả những yếu tố đó đang ở trong tình trạng tạm thời, không có sự chuẩn bị đồng bộ: thiếu trường quay, đội ngũ làm phim và những thiết bị chuyên dụng cho việc làm phim.

Hiện nay, Việt Nam chỉ có hai đơn vị làm phim truyền hình được coi là chuyên nghiệp, là VFC và TFS. Nhưng vẫn còn thiếu đội ngũ chuyên môn, chuyên gia trong các lĩnh vực để tạo được một ê kíp làm phim. Trong khi đó, các đơn vị truyền thông và xã hội hóa khác cũng tổ chức làm phim. Bài toán đặt ra là nhân lực sẽ được lấy từ đâu?

Cảnh trong phim Nhà có ba chị em

Thực tế cho thấy nhân lực như một cái vòng lẩn quẩn, được nhặt từ chỗ nọ và nhảy sang chỗ kia. Tình trạng chung là các đơn vị sản xuất phim tư nhân phải thuê mướn lại đội ngũ nhân lực ở các hãng phim nhà nước và sự cẩu thả là điều khó tránh. Thay vì phải đầu tư một năm để làm một hai bộ phim thì bây giờ họ chỉ làm trong vòng vài tháng, thời gian còn lại, họ có thể ra ngoài làm vì có thêm thu nhập. Sức lao động, tinh thần và trí tuệ của họ bị phân tán, không thể toàn tâm toàn lực cho bộ phim, chưa kể còn phải gánh một trách nhiệm vô cùng quan trọng: chuyện lời lãi cho doanh nghiệp.

Trước đây, số lượng kịch bản ít, chúng ta có quyền lựa chọn những bộ kịch bản tốt nhất đưa vào sản xuất. Nhưng bây giờ, một năm có khoảng 100 tập phim, cộng với bên ngoài có 100 tập phim nữa, đội ngũ sáng tác kịch bản cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, khi một người biên kịch có quá nhiều lời đề nghị đặt hàng, nhu cầu tăng thì chất lượng sản phẩm chỉ được vừa phải vì anh ta không có thời gian nghiền ngẫm và viết cẩn thận như trước. Nhiều khi tốc độ quay phim cũng phải đẩy nhanh hơn so với tiến độ nên cũng ảnh hưởng tới chất lượng của phim. Dù mỗi năm có sự bổ sung về nhân lực song cũng không được nhiều.

Trong khi đó, số lượng phim tăng hơn hàng chục lần dẫn tới việc những đạo diễn trẻ chưa có kinh nghiệm vừa ra trường, hoặc một người quay phim đang mày mò làm đạo diễn cũng được giao phim. Thực tế đã chứng minh, một đạo diễn khi mới ra trường để “đứng” được một bộ phim thì ít nhất cũng phải mất 3 – 5 năm vì trước đó anh phải có quá trình đi từ trợ lý đến phó đạo diễn rồi mới lên được đạo diễn. Công việc làm phim không chỉ có lý thuyết mà phải có kinh nghiệm, vốn sống và những va đập với xã hội, bên cạnh đó còn phải có kỹ năng làm việc với các thành phần làm phim khác. Tóm lại, số lượng phim ngày một cao mà đội ngũ chuyên môncủa chúng ta lại không tỷ lệ với tốc độ phát triển đó.

Cảnh trong phim Nhà có ba chị em

Tôi nói ví dụ trước đây chúng ta làm khoảng 100 phim với số lượng đội ngũ nhân lực nhất định. Nhưng sau khoảng hai năm, chúng ta nhìn thấy hướng phát triển của đội ngũ nhân lực tăng lên 20% thì mới có thể tăng lượng sản xuất lên đến 25 – 30%. Nhưng thực tế, sau ba năm đội ngũ nhân lực chỉ tăng được khoảng 10%, còn tỷ lệ số lượng phim tăng đến 50 hoặc 70%. Điều này khiến tốc độ sản xuất phải rất nhanh và chắc chắn khi đó bài toán về chất lượng có thể bị buông lỏng. Khi chúng ta thả nổi về số lượng và tốc độ làm phim thì việc thẩm định chất lượng bộ phim cũng bị bỏ ngỏ.

Tôi cho rằng phim truyền hình Việt Nam cần có một quá trình đi lên và điều đầu tiên chúng ta cần làm là phải có những biện pháp cụ thể trong cách quản lý đầu ra các sản phẩm đặt hàng. Như vậy có nghĩa là khi anh đưa ra một dự án sản xuất phim thì phải trình bày phương án và ê kíp sản xuất. Chúng ta có thể gọi đó là một cuộc đấu thầu nhỏ. Hiện nay, theo tôi được biết thì Đài truyền hình cũng đã quản lý rất chặt các sản phẩm đầu ra. Ngoài việc gửi kịch bản cho Hội đồng thẩm định, sau khi quay xong một vài tập phim đầu tiên, đạo diễn phải nộp cho Hội đồng thẩm định duyệt. Nếu có sự đầu tư và chất lượng tốt, mới lập cơ sở để tiếp tục thực hiện. Vì vậy, không những cần thẩm định kịch bản mà cần thiết phải có sự thẩm định cả những sản phẩm đầu ra.

Trần Kim Anh (ghi)