Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: "Chẳng có phim nào đáp ứng được hết sở thích của khán giả"

Thời gian qua, rất nhiều khán giả luôn tỏ ra khó chịu khi nhắc đến bộ phim NN ĐTVV. Mặc dù tên phim có chữ “vui vẻ” nhưng nội dung các tập phim thường xoay quanh những chuyện đố kỵ, rèm pha, cãi vã lẫn nhau giữa những người sống và làm việc trong khu chung cư. Được biết, đây là bộ phim được mua bản quyền từ Trung Quốc. Vậy lý do nó được mua là gì? Kịch bản gốc hay, hấp dẫn? Hay, chính những những người mua cũng chưa đọc hết nội dung kịch bản?

Ký mua 200 tập kịch bản, đã phát sóng 140 tập, bộ phim Những người độc thân vui vẻ (NN ĐTVV- phát vào 21h trên kênh VTV3) đang trở thành “tâm điểm” trong dư luận, tựu chung các ý kiến đánh giá đây là một phim “tầm phào”, nội dung nhạt nhẽo… PV đã trao đổi với ông Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất Phim truyền hình VN, đơn vị sản xuất NNĐTVV xung quanh những ý kiến của dư luận.


Đạo diễn Đỗ Thanh Hải

- Bắt đầu phát sóng từ năm 2004 và đến nay tại Trung Quốc, bộ phim vẫn đang sản xuất và phát sóng hàng tuần. Như vậy về mặt hình thức thì thấy rõ đây là bộ phim được khán giả Trung Quốc nhiệt tình đón nhận.

Nhưng đúng là không thể lấy thước đo của khán giả nước ngoài để áp vào khán giả Việt nam vì mỗi nước có văn hóa sống, cách đón nhận bộ phim khác nhau. Trước đây, Đài TH cũng từng chiếu một số tập trong series phim sitcom rất nổi tiếng suốt 10 năm của Mỹ là Friends nhưng khán giả Việt Nam cũng không mặn mà. Vì vậy, tôi nghĩ nhà đầu tư vào dự án này đã gặp “sự cố” với nội dung kịch bản do không lường hết được các yếu tố để tạo sự hấp dẫn với khán giả trong nước.

Được biết, phim có tới 500 tập. Ban đầu phim xoay quanh chuyện của những nhân viên trong khu chung cư vui vẻ, sau lại tập chung theo “chủ đề” của từng nhóm nhân vật như: chuyện ca sĩ Sao Mai; chuyện của nhóm thám tử, chuyện “ngủ ngáy…”. Kịch bản gốc là thế, hay đây là sự chuyển hướng của phía “Việt hóa”?

- Như đã nói ở trên, việc điều chỉnh nội dung sau này cũng xuất phát từ mong muốn của nhà đầu tư muốn chiều lòng khán giả. Khi bộ phim phát sóng giai đoạn đầu, nhiều ý kiến phản hồi là cứ loanh quanh mãi những nhân vạt Hào Hùng, Thục Trinh, Trần Quang… tạo sự nhàm chán, mặc dù chúng tôi đã có ý kiến với nhà đầu tư cần lắng nghe nhiều chiều nhưng họ đã mạnh mẽ lược bỏ tối đa các phần câu chuyện về nhóm nhân vật trên để lựa chọn các tập phim có câu chuyện mới như khán giả mong muốn.

Chúng tôi làm phim lâu năm và hiểu là khán giả có nhiều nhu cầu khác nhau và chẳng bao giờ có được bộ phim đáp ứng được hết sở thích các nhóm khán giả. Tôi nghĩ việc nhà đầu tư mạnh dạn thay đổi nổi dung, lược bỏ một số tập mặc dù đã mua bản quyền là ý định tốt, muốn đáp ứng tối đa nhu cầu khán giả nhưng có vẻ hơi nóng vội và trở thành “đẽo cày giữa đường” khiến câu chuyện phim trở nên bị phân khúc.

Những người độc thân vui vẻ từng được kỳ vọng khi ra mắt

Đến thời điểm này nhiều khán giả cho rằng, nên dừng phát sóng bộ phim này vì nó tầm phào, vô thưởng, vô phạt. Không những không khiến người xem được thỏa sự “giải trí” mà chỉ khiến ai đó lỡ xem thêm bực mình. Các anh nghĩ thế nào? Lỗi của bộ phim dở này là ở đâu? Mua nhầm kịch bản? Khán giả không quen xài sitcom? Hay “Việt hóa” kịch bản kém? Diễn xuất của diễn viên không đạt?

- Chúng tôi cũng chẳng vui khi làm ra một bộ phim mà khán giả không mặn mà. Thực tế thì nhiều phim chẳng có nội dung gì khán giả vẫn thích, từ đấy bảo kịch bản phim đó hay thì không phải. Một bộ phim chưa hay thì khâu nào cũng có lỗi nên bảo là vì kịch bản, vì đạo diễn, vì diễn viên cũng chỉ là cách nói mà thôi. Và với chúng tôi cách đánh giá ngắn gọn nhất là dự án phim ấy thất bại. Và hiện nay, thẳng thắn mà nói dự án phim sitcom đã không thành công như nhà đầu tư, những người sản xuất mong đợi. Kịch bản gốc NNĐTVV có 500 tập nhưng Đài mới ký mua 200 tập (100 tập/năm). Hiện tại phim đã phát sóng 140 tập, 60 tập đã làm sẽ tiếp tục phát sóng trong 6 tháng nữa.

“Nhà đài” có nhận được thư phản ứng của người xem hay không? Đã có sự điều chỉnh nào chưa? Trên thực tế, cũng có một bộ phận khán giả thích xem phim này - đó là trẻ em. Nhưng nội dung của phim chủ yếu đề cập đến chuyện của người lớn, nên đôi lúc “lợi bất cập hại” và tính giáo dục cho trẻ em không nhiều? Ý kiến của anh thế nào?

- Trước hết, chúng tôi không chủ định làm bộ phim này cho trẻ em nên việc bộ phim có các tình huống, câu chuyện về thói xấu của người lớn là đương nhiên. Mặt khác tôi nghĩ, cứ cái gì trẻ em thích rồi đặt nó dưới lăng kính của người lớn để đánh giá thì có vẻ không công bằng. Vậy những phim hay truyện như: Cậu bé phù thủy, Người dơi, Siêu nhân, Doremon.. mà trẻ em mê mẩn, người lớn cũng nhiệt tình mua cho trẻ em xem vẫn đầy những thói đố kỵ, sự dèm pha, sự tranh cãi…

Điều quan trọng là mỗi bộ phim hướng đến một khán giả và phải chấp nhận có những đối tượng khán giả sẽ ghét, không thích bộ phim ấy, đó cũng là thực tế của phim ảnh.

- Xin cảm ơn anh.

Theo Thể Thao Văn Hóa