Đạo diễn Karen Shakhnazarov: “Khi đùi gà quan trọng hơn điện ảnh!”

Khi biết tin bộ phim mới của ông được xây dựng theo cuốn sách Hổ trắng của Ilya Boyashov, tôi nghĩ: phải chăng các đạo diễn bắt đầu làm phim về chiến tranh quá muộn? Bởi khán giả của họ sẽ là một thế hệ hiểu biết rất lơ mơ về cuộc chiến tranh đó!

(TGĐA) - Karen Shakhnazarov là đạo diễn, biên kịch, tổng giám đốc hãng “Mosfilm”. Ông sinh năm 1952 ở Krasnadar, tốt nghiệp khoa đạo diễn VGIK năm 1975. Karen Shakhnazarov là tác giả những bộ phim Chúng tôi từ ban nhạc Jazz, Người tuỳ phái, Kẻ ám sát Nga hoàng... và được nhận nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá. Tạp chí Thế giới điện ảnh xin giới thiệu bài phỏng vấn ông về nền điện ảnh Nga hiện nay.

Tôi xin trả lời thế này: tôi chưa lần nào làm phim về chiến tranh. Nhưng tôi quan tâm tới đề tài này. Hơn nữa, đó là một khó khăn, thách thức. Trong quan niệm của tôi, đạo diễn không làm phim về chiến tranh, xét về mặt nghề nghiệp, cũng giống như một phi công suốt đời lái máy bay “cào cào” và thậm chí không dám đến gần máy bay tiêm kích siêu âm.

Mùa hè năm nay ông trở thành Phó chủ tịch Hội đồng văn hoá trực thuộc Tổng thống Nga. Ông có cơ hội thực tế để tác động tới tình hình văn hoá của đất nước! Chẳng hạn, giải thích rằng điện ảnh là một công cụ tư tưởng quan trọng?

Khỏi cần giải thích điện ảnh có một ý nghĩa tư tưởng vô cùng to lớn, vì điều đó ai cũng biết. Vấn đề ở chỗ không nên cho phép người nước ngoài thao túng màn ảnh của chúng ta. Điều này cũng giống như trong quốc phòng: nếu anh không nuôi nổi quân đội của mình thì phải nuôi quân đội nước ngoài. Tuy nhiên hiện nay sự thay đổi còn ít. Mỗi khi tôi nói rằng cần chấm dứt việc tải phim một cách bất hợp pháp, tôi thường được nghe những người có trách nhiệm trả lời như sau: “Nhưng điều đó rất tốn kém! Cần làm sao cho rẻ hơn!..” Vâng, xin thưa, nếu các vị muốn rẻ hơn thì chỉ có được những gì đang có thôi.

Dao_dien_Karen_Shakhnazarov

Bạn hiểu không? Ở nước ta hiện nay không ai muốn có trật tự thực tế. Ai cũng than phiền: nào máy bay rơi, xe lửa trật bánh, tàu thuỷ bị chìm... Lẽ ra, cần phải tìm kẻ có tội, lập lại trật tự. Nhưng ở cấp độ cá nhân không ai vội vàng lập lại trật tự đó. Vâng, anh ta sẽ hô hoán lên về việc xe của ai đó đỗ không đúng chỗ, gây ách tắc giao thông, nhưng xe của mình thì để đâu tuỳ thích. Anh ta muốn trên đường mọi người phải chấp hành luật giao thông, nhưng lại lái xe một cách tuỳ tiện. Rõ ràng, đất nước ta chưa đủ độ chín để sống theo luật pháp minh bạch mà trước nó tất cả mọi người đều bình đẳng. Và để đất nước trưởng thành tới mức đó, có lẽ, cần phải có một sự sụp đổ nghiêm trọng hơn là chiếc máy bay chở các cầu thủ khúc côn cầu.

Với điện ảnh cũng vậy - những người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh này không muốn có bất cứ quy tắc nào. Bao nhiêu lần chúng ta nói về việc áp dụng vé điện tử trong các rạp chiếu bóng? Vẫn chưa có! Và tôi hiểu vì sao. Vé điện tử sẽ phát hiện ra việc che giấu lợi nhuận thực tế. Còn khi bàn về việc hạn chế phim Mỹ thì ngay lập tức bạn nghe những tiếng tru tréo: “Sao, các ông muốn đưa chúng tôi trở về thời đại Stalin phải không? Chúng tôi không được tự do lựa chọn hay sao?”. Trong khi đó, khắp nơi trên thế giới, để bảo vệ khán giả và các nhà làm phim của mình, điện ảnh nước ngoài bị hạn chế mà không cần bàn cãi. Và tôi hoàn toàn không hiểu vì sao chúng ta bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước hay đùi gà tích cực như vậy, nhưng lại không bảo vệ nền điện ảnh nước nhà.

Còn trên truyền hình thì sao? Ở đấy hàng chục bộ phim Mỹ đang được giới thiệu. Sao lại có thể như vậy? Bạn nhìn thấy điều đó ở đâu trên thế giới? Không ở Burkin Faso lẫn Somalia - chỉ có ở Liên bang Nga.

Tại sao những người có quyền quyết định nhiều thứ ở đất nước này lại không hiểu được điều đó? Hay họ không muốn hiểu?

Tôi nghĩ rằng những người có thể giải quyết cụ thể một cái gì đó bị bao bọc bởi một nhóm người nhất định, trong đó có những phe phái khác nhau vận động cho quyền lợi của mình. Họ làm điều đó một cách vụ lợi, như tôi có thể phỏng đoán, và hết sức quyết liệt. Ít ra thì trong lĩnh vực phát hành phim sự vận động hành lang thể hiện rất rõ. Và việc tiếp xúc với những người ra quyết định qua bức tường dày đặc của những kẻ vận động hành lang là hết sức khó khăn. Cấp quản lý càng cao thì các phe nhóm hoạt động ở đấy càng có thế lực, và càng khó giải quyết các vấn đề quan trọng.

Hiện nay người ta nói rằng dưới thời Xô viết không phải tất cả đều xấu. Xuất hiện câu hỏi: vậy thì vì sao phải đập phá tất cả?

Chekhov nói người Nga rất giàu tính tự tôn. Chúng ta luôn cho rằng chúng ta là những con người đặc biệt. Mà trên thực tế, chúng ta không tốt hơn và cũng chẳng xấu hơn các dân tộc khác. Quan sát những gì đang diễn ra ở châu Âu hiện nay, tôi nghĩ: thế hệ chúng tôi nhìn phương Tây như là một kỳ quan của tạo hoá. Còn bây giờ, khi châu Âu đang bị thất bại nghiêm trọng như vậy, bạn hiểu rằng không có lý tưởng! Đế chế của họ cũng sẽ sụp đổ, và họ cũng lặp lại con đường mà chúng ta đã đi qua.

Khi Liên Xô sụp đổ, mẹ tôi nói một câu tuyệt vời: “Bây giờ những chiếc đu đang nghiêng về một phía. Nhưng chúng sẽ phải cân bằng!”. Vâng, đầu những năm 90, sự đối trọng vĩnh cửu giữa chúng ta và phương Tây rất gay gắt. Nhưng hiện nay tất cả phải trở về trạng thái bình thường.

Nhưng để làm điều đó cần phải xuất hiện lớp quần chúng có thể đưa những chiếc đu về phía chúng ta. Rõ ràng, đó sẽ là con cháu chúng ta. Nhưng liệu họ có muốn lắc chiếc đu, kéo đất nước từ dưới hố lên không?

Họ phải nhận thức được rằng không đâu tốt hơn tổ quốc mình, rằng cần phải yêu tổ quốc. Tôi biết nhiều người hiện nay muốn rời khỏi nước Nga. Nhưng chạy đi đâu? Hãy đọc các số liệu thống kê: hiện nay cứ 2 thanh niên Ý thì có 1 người đi khỏi đất nước, ở Tây Ban Nha có 50% thanh niên tìm cách ra đi. Đó là chưa kể Hy Lạp. Chẳng biết chạy đi đâu cả!

Nói chung, tôi cảm thấy rằng câu chuyện về nạn chảy máu chất xám ở Nga hiện nay bị phóng đại. Xét về trình độ giáo dục hiện nay, chúng ta không có những chuyên gia tài năng để ai đó có thể mua lại. Họ ở đâu, những chuyên gia như vậy? Tình hình tồi tệ đến mức chúng ta không đủ nhạc công trong các dàn nhạc - đành phải mời nhạc công nước ngoài. Trong khi nước Nga có một truyền thống đào tạo âm nhạc tuyệt vời!

Vì thế cho nên thế hệ những người Nga mới sẽ chẳng biết đi đâu ngoài việc phát triển đất nước mình. Sẽ không ai đợi họ ở bất cứ đâu! Ở nước Nga, thời nào thanh niên cũng ngưỡng mộ phương Tây, thích nổi loạn. Còn những người cao tuổi lại cực kỳ bảo thủ. Bạn không nhận ra ư? Thế hệ chúng tôi cũng vậy, năm 20 tuổi chúng tôi cũng rất thân phương Tây. Chúng tôi được nuôi dưỡng bằng loại nhạc nào ư? The Beatles, The Rolling Stones! Còn hôm này tôi thấy các bạn cùng lứa của tôi ai cũng rất bảo thủ.Với con cái của chúng ta cũng sẽ diễn ra điều đó. Ở nước Nga luôn luôn như vậy - giới thanh niên tự do thân phương Tây theo thời gian sẽ biến thành những người theo chủ nghĩa Xlavơ bảo thủ. (Cười). Và chính điều đó bảo đảm sự tồn tại của chúng ta.

Tôi nói điều đó vì tôi yêu lịch sử, yêu những hồi ức ít nổi tiếng trong đó dường như bạn có thể cảm nhận được mối liên hệ thời gian. Bạn đọc sách và hiểu: cả vào đầu thế kỷ XIX, lẫn đầu thế kỷ XX đã diễn ra chính điều tương tự mà chúng ta đã nói hôm nay. Năm 1810, chúng ta lo lắng điều gì? Rằng giới thanh niên được giáo dục theo các cuốn tiểu thuyết Pháp, rằng cả xã hội tiến bộ nói bằng tiếng Pháp, tuân theo những giá trị của họ. Nhưng xảy ra cuộc chiến tranh với Napoleon- và những người thân phương Tây đứng lên bảo vệ tổ quốc. Trước Thế chiến thứ nhất, ở Nga người ta chỉ tôn trọng những gì liên quan tới nước Đức. Nhưng Thế chiến thứ nhất bùng nổ và tất cả lại xông ra mặt trận.

Xin cảm ơn ông!

Trần Hậu

(Theo vz.ru)