Đạo diễn Lê Hồng Chương: Mang đại quân đi dự LHP 16

Thế giới điện ảnh có cuộc trò chuyện với đạo diễn, Giám đốc hãng phim Tài liệu Khoa học Trung Ương Lê Hồng Chương.

(TGĐA) - Tại liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16, Hãng phim tài liệu Khoa học Trung ương cử 19 phim sản xuất trong các năm 2007, 2008 và 2009 tham dự. Trong đó có 5 phim nhựa và 14 phim tài liệu khoa học video.


Đạo diễn, Giám đốc hãng phim Tài liệu Khoa học Trung Ương Lê Hồng Chương

Thưa ông, Hãng lựa chọn các bộ phim tham dự dựa trên tiêu chí gì?

Chúng tôi vẫn tập trung sản xuất các phim tài liệu, khoa học về những vấn đề nóng của đất nước. Vấn đề đặt ra trong phim có thể là vấn đề cụ thể, có thể ở tầm vĩ mô nhưng đều là những điều cần quan tâm. Những phim tham dự LHP là các tác phẩm được điểm tổng kết cao nhất do toàn hãng chấm điểm . Những phim sản xuất từ năm 2008 dựa trên sự bình chọn của hội đồng nghệ thuật hãng. Nhìn chung, chúng tôi luôn lựa chọn những bộ phim có đề tài đa dạng, ngôn ngữ nghệ thuật cũng đạt nhất, trong đó có những bộ phim đã gửi dự thi giải Cánh diều và đạt giải thưởng.

Đoàn tham dự liên hoan phim của hãng sẽ gồm những ai, sẽ xuất hiện với hình ảnh như thế nào?

Hiện nay chúng tôi mới đang lên danh sách dự kiến. Năm nay tiêu chuẩn cho mỗi phim được một người tham dự, thành phần đầu tiên được xét đến để thay mặt cho cả bộ phim là đạo diễn, nhưng cũng có những đạo diễn có hơn một phim tham dự liên hoan vì thế sẽ bổ sung những thành phần khác đã đóng góp một cách xứng đáng trong các bộ phim như biên kịch, quay phim, dựng phim, kinh tế…đi dự LHP.

Cảnh trong phim Lời nguyện cầu

Hãng phim có đặt ra mục tiêu nào cho những tác phẩm tham dự không?

Mỗi lần liên hoan phim cũng là dịp chúng tôi đánh giá công việc mình đã làm. Vì với người làm nghề, họ đã để hết tâm sức vào bộ phim của mình, không phải vì tiền ít hay tiền nhiều. Chúng tôi mong một sự đánh giá chính xác để mình nhìn lại mình, biết rằng khán giả, xã hội đang quan tâm đến điều gì để những phim sau tốt hơn những phim trước.

Có vẻ như Hãng phim TLKHTW không mấy gặp khó khăn về kịch bản?

Thực sự thì tìm ra một đề tài độc đáo, tạo ra dấu ấn quả thực không dễ dàng gì. Nhưng vấn đề kịch bản của hãng thì đang khả quan dần lên. Năm 2009 có một bước tiến là hết quý III là đủ kịch bản đồng thời có thêm kịch bản dự phòng vào đầu năm. Dù vậy, vấn đề kịch bản vẫn đang rất nóng. Làm sao có kịch bản sớm, lại hay, mang tầm thời đại, của đất nước vẫn là mối quan tâm hàng đầu. Việc này hãng đã kêu gọi rất nhiều lần không chỉ đội ngũ của hãng mà còn ở những tác giả bên ngoài, những người làm báo viết, những biên kịch tự do. Có hai mảng đề tài hãng tập trung phát triển. Đó là các sự kiện lớn cần phải làm như kỷ niệm 50 Trường Sơn, kỷ niệm ngàn năm Thăng Long mừng Đảng mừng Bác, quan hệ Việt Lào … Tiếp theo là mảng đề tài được cả xã hội quan tâm, các tác giả cũng hứng thú, dành nhiều thời gian tìm tòi, suy nghĩ.

Phim Ký ức Trường Sơn

Qua 3 năm trên cương vị giám đốc hãng phim, anh đã có những chủ trương gì tác động đến sự thay đổi trong phong cách các phim của hãng?

Phải xác định một cách rõ ràng là thay đổi để làm gì, thay đổi như thế nào. Việc đầu tiên cần ý thức là phải hoàn thành nhiệm vụ về chính trị, tư tưởng vì hãng sử dụng nguồn ngân sách của nhà nước, luôn có mục tiêu nhiệm vụ rõ ràng. Những bộ phim hãng sản xuất muốn hướng đến khán giả Việt Nam, làm sao để có sự thay đổi tích cực, thu hút nhiều hơn nữa sự quan tâm của mọi người.

Điều thứ hai là làm sao đổi mới ngôn ngữ thể hiện của mình vì hiện nay khán giả có rất nhiều sự lựa chọn nghe nhìn. Một vấn đề nữa đặt ra là chúng ta càng hội nhập thì càng phải mang hình ảnh con người, đất nước Việt Nam tới gần hơn nữa với thế giới bên ngoài. Vì thế, hãng đã chủ động dùng quan hệ của mình để mở ra những cơ hội giao lưu, cọ xát cho người làm điện ảnh tài liệu. Cụ thể là liên tục mời chuyên gia nước ngoài giảng dạy các khóa đào tạo về đạo diễn, sản xuất cho không chỉ người trong hãng mà cả hãng bạn hay những SV trường điện ảnh, tổ chức liên hoan phim tài liệu quốc tế. Rõ ràng sự tiếp xúc có hệ thống với bên ngoài, hiện nay, đa số anh em trong hãng đều biết mình đang ở đâu, điểm mạnh điểm yếu nhưng làm sao để thay đổi đúng hướng thì không dễ.

Còn nếu nói là thay đổi, làm lạ đi một cách chung chung thì không được, vì chúng tôi là những người chuyên nghiệp, hãng phim là cơ sở sản xuất chính thống với mục tiêu là hoàn thành nhiệm vụ nhà nước giao cho, thực hiện những bộ phim được công chúng Việt Nam đón nhận. Anh em trong hãng luôn cố gắng tìm tòi dù kinh phí vẫn như vậy để tạo ra những sản phẩm, đầu tiên là phải được khán giả Việt Nam chấp nhận và mang hơi hướng của thời đại. Đã dùng tiền của nhà nước làm phải đảm bảo một số tiêu chí đặt ra. Để sản xuất những phim mang tính thực nghiệm, chúng tôi cũng đang cố gắng tìm kinh phí ở các nguồn khác.

Cảnh trong phim Khát vọng một vùng đất

Thực tế là hiện nay đa số khán giả tiếp xúc với phim tài liệu ở thời điểm chiếu rất khó xem của các kênh truyền hình và lại không nhiều. Hãng đã nghĩ tới cách nào đó để phim tài liệu có kênh tiếp xúc rộng hơn với khán giả?

Đối với phim tài liệu, dù ở Việt Nam hay các nước khác trên thế giới cửa ra chính vẫn là truyền hình. Nhưng quan hệ giữa phim tài liệu – truyền hình của Việt Nam hơi khác một chút. Ở thế giới, đa số đài truyền hình chỉ đảm bảo những vấn đề cần yếu tố cấp thiết về mặt thời gian, điều phối chương trình còn những chương trình tài liệu, game show… thì họ dựa vào các hãng bên ngoài. Hiện nay quan hệ giữa các hãng phim và truyền hình chưa phải thật là tốt. Muốn phối hợp hoàn hảo là cả một vấn đề ở tầm quan hệ cấp bộ, cần giải quyết từ khâu quản lý.

Bản thân hãng cũng luôn cố gắng trong khả năng của mình để các bộ phim được đi xa hơn với VTV, truyền hình Hà nội, truyền hình TP HCM, VOV, VTC… Các bộ phim của hãng vẫn được mua và phát hành trong hệ thống của quân đội, trên máy bay của hãng Vietnam Airline. Nhưng đúng là vẫn cần sự phối hợp tốt hơn giữa các bên.

Khán giả nhiều khi vẫn lẫn lộn phóng sự truyền hình với phim tài liệu. Anh có nghĩ cần thay đổi cách làm phim để không gây ra sự nhầm lẫn này?

Thực sự là tôi không quan tâm đến vấn đề nhầm lẫn của khán giả. Họ không bắt buộc phải tìm cách phân biệt. Việc làm rõ phóng sự hay phim tài liệu là công việc của những người chuyên nghiệp. Làm phim tài liệu cần cố gắng để người ta quan tâm đến vấn đề mình đặt ra, những ngôn ngữ hấp dẫn để khán giả chú ý, chấp nhận phim của mình, xúc động, suy nghĩ về phim của mình, đó là việc của người làm. Phóng sự là sở trường của truyền hình vì họ phủ sóng nhanh hơn. Chính vì thế mà Hãng phim tài liệu khoa học không đi vào mảng phóng sự mà dành thời gian gian nghiên cứu sâu hơn đề tài của mình ở khía cạnh điện ảnh tài liệu.

Là một người làm nghề, theo anh khó khăn lớn nhất những người làm phim tài liệu ở Việt Nam…?

… Là làm sao tìm được đề tài mang tầm thời đại, đất nước và làm sao để đề tài ấy rung động được khán giả, hướng khán giả đến những suy nghĩ trăn trở của mình.

Khó nữa là tìm được cách tiếp cận để điện ảnh Việt Nam đi xa hơn, được biết tới rộng rãi hơn. Nói thì dễ nhưng làm lại không đơn giản. Mỗi thị trường có yêu cầu riêng, cách tiếp cận riêng. Người làm phim giống như mang đến món ăn truyền thống của mình nhưng cần phù hợp với sở thích công chúng ở thị trường ấy. Điều này đòi hỏi sự nghiên cứu rất sâu về các hệ thống mà chúng ta có thể đưa tác phẩm vào, cần có sự đầu tư bài bản, chiến lược chứ không phải tự nhiên mà thực hiện được.

Cảnh trong phim Không khí và sự sống

Nhưng có một thực tế là người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng còn nhiều ngần ngại khi bộc lộ bản thân. Sẽ như thế nào nếu nhân vật không sẵn lòng bộc lộ mình?

Mỗi đạo diễn có bí quyết của mình nhưng đúng là phải thừa nhận một thực tế: tính cộng đồng ở người Việt rất cao. Người Việt ít bày tỏ quan điểm cá nhân kiểu “tôi nghĩ thế này, tôi nghĩ thế kia” mà thường nói “chúng tôi…” Người làm phim phải ý thức điểm khác biệt đó của xã hội chúng ta nhưng khai thác như thế nào là ở từng đạo diễn. Cá nhân tôi cho rằng đã làm phim, điều quan trọng là phải rất gần với nhân vật, phải qua nhiều lần tiếp xúc, trò chuyện kỹ càng chứ không thể đến rồi quay ngay được. Phải hiểu rõ nhân vật, bối cảnh, biết mười thì cũng chỉ được kể 1 – 2, tạo môi trường cho họ bộc lộ được mình chính là nghề của người đạo diễn. Việc này sẽ rất khác với việc đến rồi đưa mic phỏng vấn luôn. Mặt khác chúng ta cũng cần nghiên cứu cách làm đi theo hành động nhân vật, xây dựng, đẩy kịch tính lên cao và phát huy thế mạnh của mình đi sâu về mặt xúc cảm.

Có nhiều bộ phim tài liệu đòi hỏi thời gian chuẩn bị rất dài, 8-10 năm thậm chí còn hơn nữa. Trong khi đó, số lượng phim cần mỗi năm là đã chốt. Những người làm phim như các anh làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn giữa ức ép về thời gian và cảm hứng sáng tạo?

Kinh phí đầu tư mỗi năm đều có định mức từ trước. Đã động vào sản xuất là phải tính đến tiến độ vì mỗi ngày trôi qua đều cần giải quyết các vấn đề kinh tế. Đã đưa vào sản xuất thì không hề đơn giản, không phải cứ thích là làm mà mọi chuyện phải có kế hoạch, tính đến hiệu quả, độ rủi ro. Tất nhiên, những dự án lớn thì phải có cơ chế về thời gian, công tác tiền kỳ, chuẩn bị bối cảnh, nghiên cứu kịch bản … phải thực hiện rất kỹ càng.

Tóm lại, điện ảnh là một nền công nghiệp chứ không phải là việc làm theo hứng, ai thích làm gì thì làm.

Cảnh trong phim Đất trắng

Trong hãng hiện nay có nhiều người trẻ, họ được tạo điều kiện làm nghề như thế nào? Theo anh, đâu là thế mạnh đâu là điểm yếu của họ?

Hiện nay chúng tôi cũng tạo điều kiện cho một loạt đạo diễn trẻ bắt đầu làm phim, bên cạnh đó nhiều người trẻ của đội ngũ quay phim, dựng phim cũng có cơ hội làm nghề.

Mỗi thế hệ có tiếng nói và suy nghĩ của mình. Vì thế, tôi mong muốn các tác giả trẻ vào nghề sớm để nói lên suy nghĩ của thế hệ mình. Nhưng giao việc cũng phải trên cơ sở đánh giá đúng khả năng của mỗi người. Điện ảnh là một ngành công nghiệp rất tốn kém, một bộ phim mà giao cho một tác giả trẻ cũng phải cần đảm bảo được là bộ phim tốt, với các phim đặt hàng của nhà nước không thể có kinh phí giao cho người đó làm thể nghiệm được. Tôi rất mong các đạo diễn có mơ ước của mình, có thể vượt lên những khó khăn về điều kiện sản xuất để tạo nên ngôn ngữ, cách nhìn mới của thế hệ mình.

Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện.

Hàn Thủy