Đạo diễn Nguyễn Văn Hướng – P.Giám đốc Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương: Cổ phần hóa là con đường để vực dậy phim tài liệu Việt Nam

Lần đầu tiên kết hợp với một số tổ chức đăng cai Tuần phim tài liệu quốc tế . Nhìn lại sự kiện này, đánh giá của ông như thế nào?

(TGĐA) - Rất nhiều tờ báo đã mổ xẻ sự yếu kém của dòng phim tài liệu Việt Nam sau những lời góp ý chân thực của các đồng nghiệp nước ngoài về thể loại phim này trong khuôn khổ buổi toạ đàm (Tuần phim tài liệu quốc tế từ 15-19/06/2009) do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương vừa đứng ra tổ chức.


Ông Nguyễn Văn Hướng - P.Giám đốc Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương

Nhưng theo ông Nguyễn Văn Hướng – P.giám đốc hãng phim, thì sự yếu kém này tồn tại đã lâu, nó tạo nên cái vòng luẩn quẩn, bức bí và không thoát ra được. Hệ lụy kéo theo nó là phim kém chất lượng, không có đầu ra, nghề và người ngày càng “lụt” dần và Hãng phim tài liệu oai hùng ngày xưa giờ “sống mà như không sống”….Theo ông, biện pháp duy nhất để vực dậy hãng, cũng như thể loại phim tài liệu Việt Nam phải bắt đầu từ khâu cổ phần hóa.

Đây là lần đầu tiên Hãng đứng ra tổ chức một sự kiện điện ảnh mang tính quốc tế về thể loại phim tài liệu nên rất lo. Điều lo không phải là chuyện có phim để chiếu hay không mà đó là hai câu hỏi: “Lực lượng sáng tác có tham gia không?” và “Liệu những buổi chiếu có đủ khán giả?”. Lâu lắm rồi, phim tài liệu không có thước đo cũng như tiền lệ để biết được khán giả có còn mặn mà với thể loại này nữa hay không. Rất vui là câu trả lời đã có ngay trong buổi chiếu đầu tiên, rất đông, đến buổi chiếu thứ 3 thì dù đã kê thêm ghế trong rạp để phục vụ khán giả thì cũng không đủ chỗ. Đó là điều vui mừng và thành công nhất trong công tác tổ chức tuần phim. Bên cạnh đó, yếu tố nghề nghiệp cũng đạt mục đích trong việc đáp ứng được nhu cầu xem phim, trao đổi và so sánh, học hỏi của những người làm nghề với nhau. Tôi cho đó là thành công

Cách chiếu song hành một phim Việt – một phim nước ngoài cùng chủ đề là một việc làm thẳng thắn và mang tính chất học tập, so sánh. Vậy, đánh giá của ông về cách làm của những phim tham gia Tuần phim lần này như thế nào?

Phim của họ ít lời bình, dài hơi và rất thuyết phục. Họ đặt ra vấn đề rồi lý giải đến cùng với những lập luận, minh chứng bằng hình ảnh, âm nhạc, cách dựng để thuyết phục khán giả. Xem phim của họ không khiên cưỡng, không thấy sự dàn dựng. Điểm nổi bật nữa là bất cứ câu chuyện nào của họ kể đều có xung đột và tạo nhiều hướng giải quyết làm cho người xem không thể đoán được và buộc phải chú tâm xem những nhà làm phim lý giải như thế nào. Nói chung, họ là những người tôn trọng nghề, kỹ lưỡng từng tiếng động, âm thanh…không chê vào đâu được. Cá nhân tôi thích bộ phim Người thắng kẻ thua (Loers and Winners – Đạo diễn: Ulrike Franke, Michael Loeken) và Phóng viên chiến trường (War Photographer – Đạo diễn: Christian Frei) , đó là hai phim căn bản đáng học hỏi. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới bộ phim Ngày xửa ngày xưa…những thú vui bình dị (There was once…the delights of the small world – Đạo diễn: Joseph Péaquin), một bộ phim có thể khó xem với nhiều người nhưng mang đầy yếu tố nghề nghiệp và rất chau chuốt. Nói thực, nếu ở Việt Nam, như tôi duyệt chẳng hạn thì có những đoạn xem là muốn cắt đi rồi. Thế nhưng, khi xem hết cả bộ phim mới lại thấy nó hợp lý, sự nhẩn nha thuyết phục người xem và tin vào luận đề, ý tưởng mà bộ phim muốn trình bày. Đó là điểm nổi bật nhất của họ.

Cảnh trong phim Phóng viên chiến trường

Nhìn sang thì phải nhìn lại mình, trong buổi tọa đàm sau khi kết thúc tuần phim, các đạo diễn nước ngoài, đặc biệt là ông Joseph Péaquin và bà Violaine de Villers đã nhận xét rất thẳng thắn, họ cho rằng phim tài liệu Việt chưa đi đến tận cùng, hời hợt, hờ hững, không đi sâu vào nhân vật, lên gân và giáo điều….Nói chung, họ gần như chê thẳng cánh. Ông nghĩ gì về điều này?

Tất nhiện là họ khéo léo, không chê thẳng thừng như vậy nhưng qua cách nói chuyện, phát biểu và nhận định của họ mình cũng hiểu. Rất ít có đạo diễn nước ngoài nói thật như thế mà phàm những điều chân thật thì nên lưu tâm và suy nghĩ. Những nhận xét đó không phải là cái gì mới mẻ, phim chúng ta bấy lâu nay thường cứ bình bình, rất ít phim tạo nên tình huống, cao trào và chính vì vậy hệ quả là khán giả cũng quen xem một dạng phim như thế. Về hình ảnh, không hẳn họ quay đẹp hơn chúng ta nhưng cái chúng ta thiếu chính là sự sâu sắc ngay cả trong tầm suy nghĩ, ý đồ xây dựng cho bộ phim dù có thể có những đề tài tốt. Cách làm phim tài liệu của chúng ta thời điểm này còn “sơ khai”, tôi nghĩ thời gian đầu của họ cũng thế thôi. Hơn nữa, phim mình quá lạm dụng lời bình, áp đặt người xem và chỉ nhanh nhanh chóng chóng đi đến kết luận, chuyển thông điệp vội vã, ngay cả khi khán giả còn chưa hiểu hết điều mình nói và cách để chuyển tải thông điệp đó nhanh nhất là bằng….lời bình. Có thể nói đó là sự cẩu thả, tư duy dễ dãi của những người làm nghề. Làm phim cốt đủ kế hoạch và để được duyệt, sau đó không cần biết đứa con tinh thần của mình như thế nào….Chính vì thế, những dịp như Tuần phim vừa qua chính là dịp để những người làm nghề chúng ta nhìn lại mình và lấy lại động lực để làm nghệ thuật.

Nhưng rất tiếc, trong tuần phim vừa rồi, lực lượng sáng tác tham gia rất ít và ngay cả những người có phim chiếu cũng không tham gia?

Cũng có người bận, đi công tác…nhiều lý do chính đáng cũng có mà không cũng có. Tôi rất buồn khi thấy không khí trầm trong lực lượng sáng tác, cảm giác thiếu động lực. Thế hệ làm phim hiện nay so với những thế hệ đi trước thì nhiệt huyết và lòng yêu nghề còn thua kém nhiều lắm. Đây là điều đáng lo ngại.

Cảnh trong phim Bài ca trên đỉnh Tà Lùng

Theo ông, cốt lõi của sự trì trệ, sự cẩu thả, tư duy dễ dãi…mà ông vừa nêu là do đâu?

Lý do chính là không có đầu ra. Phim tài liệu cũng cần có thị trường, có điều đó thì mới có sự cạnh tranh, phản hồi lại để những nhà làm phim nhìn lại mình.Tôi có thể lý giải mấy nguyên do sau. Đầu tiên là đầu vào của chúng ta quá dễ dàng khi đã có nguồn vốn nhà nước rót về cho đủ kế hoạch. Dù ít, dù nhiều thì cũng dễ hơn các đồng nghiệp bên nước ngoài phải lăn lộn xin tài trợ. Thứ hai là khâu đầu ra cũng dễ khi mà việc làm phim để đạt chỉ tiêu và kế hoạch đã là hoàn thành nhiệm vụ khiến việc qua kiểm quyệt cũng không có gì là khó. Thị trường của những sản phẩm này thì cũng chỉ là chiếu một vài buổi trên truyền hình rồi cất kho. Chính vì thế, người làm phim cũng không thấy mặn mà, thiếu động lực, tự cho phép dễ dãi với bản thân. Rồi vinh quang của những bộ phim được mổ xẻ trên báo chí theo kiểu “con hát mẹ khen hay”, rồi quanh quanh giải thưởng “người nhà thi thố” nhận giải với nhau…cũng khiến nhiều người cảm thấy tự mãn, thế là được rồi…Cơm áo gạo tiền cũng là sức cản không nhỏ, những người năng động thì chạy sang truyền hình hết cả…. Thế hệ ngày nay so với thế hệ đi trước như đạo diễn Lê Mạnh Thích thua kém nhiều lắm về sự yêu nghề này.

Có thể, qua việc khán giả đến chật kín rạp chiếu trong tuần phim vừa rồi là một tín hiệu khả quan cho thị trường của phim tài liệu. Một liệu pháp “sốc” như Gái nhảy của Lê Hoàng trong thể loại phim truyện điện ảnh hay bộ phim tài liệu Fahrenheit 9/11 của đạo diễn Michael Moore (Mỹ) bám sát thực tế mà người dân đang quan tâm liệu có phải là một giải pháp kích thích hiện nay?

Muốn làm một phim “gây sốc” không khó khăn nhưng làm được điều đó thì người làm phim phải đủ tầm để lý giải vấn đề đặt ra và phải có bản lĩnh nữa. Đây không phải là điểm cốt lõi bởi dù có thế nào thì cũng chỉ chiếu 1,2 buổi trên truyền hình là chấm dứt. Hơn nữa, không cứ phải gây sốc, tự bản thân một bộ phim hay vốn dĩ nó đã có sức hút.

Poster phim Người thắng kẻ thua

Hoặc là theo đuổi dự án mới, dài hơi như Mêkông ký sự đã mở ra con đường cho thể loại ký sự như Hỏa xa du ký, Ký sự sông Hồng, Ký sự theo chân Bác, Ký sự biên phòng…?

Tôi vẫn nghĩ những điều đó sẽ được thực hiện khi mà điểm cốt lõi đã được vực dậy, đó là phải gắn chặt những người làm nghề với đứa con tinh thần của mình, phải vực dậy sự yêu nghề, trách nhiệm của những người làm phim.

Vậy theo ông, biện pháp đó là gì?

Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương phải cổ phần hóa và phải làm ngay chứ không nhùng nhằng tập tành, làm quen như các đơn vị bên phim truyện. Làm như thế chỉ khiến các nghệ sỹ mệt mỏi, rã đám. Phải dứt khoát, dù đau nhưng có quyết tâm thì sẽ làm được. Trừ những phim nhà nước đặt hàng theo chỉ tiêu thì những phim còn lại phải gắn chặt với những người làm nghề. Họ muốn làm phim thì phải yêu nó, gắn chặt trách nhiệm cũng như sự nghiệp với nó. Phải học tập mô hình nước ngoài từ việc xin tiền làm phim, tìm được thị trường và chăm chút bằng lòng yêu nghề thực sự để khi ra thị trường, nó được đón nhận. Muốn làm điều đó, anh phải biết liên kết với tinh thần tự nguyện chứ không phải theo mệnh lệnh hoặc chỉ tiêu kế hoạch này nọ. Theo tôi, đó là con đường duy nhất ở thời điểm hiện nay để giải quyết mọi vấn đề. Khi cổ phần xong, mọi khâu nó sẽ tự hình thành và hoàn thiện. Ví dụ như hiện nay, chỉ tiêu của Hãng là 14 phim mà hiện vẫn chưa hoàn thành vì chưa có kịch bản. Nếu cổ phần, đầu ra sẽ quyết định khâu sản xuất chứ không phải con số ăn đong theo kế hoạch như vậy. Điều này có lợi chứ không có hại.

Điểm cốt lõi như ông nói là đầu ra, vậy hiện nay, đầu ra chủ yếu của phim tài liệu, cụ thể ở đây là hãng phim tài liệu hiện nay ra sao?

Chúng tôi cũng đã có những thử nghiệm phát hành DVD, chiếu xen kẽ trước những buổi chiếu phim truyện…nhưng đầu ra chủ yếu vẫn là phát sóng trên truyền hình. Đây cũng là đầu ra chủ yếu của thể loại phim tài liệu, kể cả ở nước ngoài cũng vậy. Đối tác hiện nay của hãng chúng tôi là đài Truyền hình Việt Nam và đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh. Gần như phim nào sản xuất ra cũng đều được mua để phát sóng, tuy nhiên là mặt bằng hiện nay, số tiền đó không nhiều.

Cảnh làm phim Sự sống ở rừng Cúc Phương

Tìm đầu ra, gắn chặt trách nhiệm của nghệ sỹ với tác phẩm, đánh thức lòng yêu nghề và hướng tới con đường duy nhất là cổ phần hóa. Vậy, hãng đã có những động thái gì cho việc này?

Tôi luôn sẵn sàng cho việc cổ phần đó. Những việc đã nêu trên rõ ràng không thể một sớm một chiều là xong, chúng tôi cũng làm hết sức mình bởi cũng chỉ vài năm nữa thôi là về hưu theo luật nhà nước. Cái cần thiết nhất bây giờ là đẩy mạnh đội ngũ kế cận, những con người trẻ, cho họ cọ sát nhiều, cho họ được học tập và căn bản là nâng cao đời sống của họ. Năm 2009, Hãng chúng tôi cũng đã thực hiện chính sách “mở cửa” với tất cả những ai yêu phim tài liệu, muốn cống hiến cho thể loại này đều có thể tham gia, bất kể chuyên hay không chuyên. Chúng tôi sẵn sàng mua kịch bản và cả ý tưởng nếu thấy có thể triển khai được. Đó là động thái tích cực nhất của chúng tôi hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Tuấn