Đạo diễn Nhuệ Giang: Tôi đau xót khi phim không thể phát hành….

(TGĐA) - Sau Tâm hồn mẹ - bộ phim nhà nước được làm với kinh phí thấp, đạo diễn Nhuệ Giang lại cần mẫn thực hiện Không có Eva – bộ phim có số phận long đong gần chục năm từ khi thai nghén kịch bản với khoản kinh phí vô cùng eo hẹp - 2 tỷ đồng… Khó khăn hơn phim trước, nhưng có vẻ như điều đó không làm giảm đi niềm đam mê điện ảnh dường như đã ngấm vào máu thịt của chị. Được người bạn đời - đạo diễn Nguyễn Thanh Vân hỗ trợ trong vai trò điều hành, sản xuất, đạo diễn Nhuệ Giang còn lạc quan tự nhận mình là đạo diễn sung sướng nhất, là người may mắn khi có chồng cùng nghề...

Được biết, mặc dù được “gắn mác” Hãng phim truyện Việt Nam nhưng kinh phí cho Không có Eva được chị xin từ hai Quỹ Francophonie (Pháp) và Vision Sud Est (Thụy Điển). Điều gì từ kịch bản khiến chị thuyết phục được các nhà đầu tư bỏ tiền vào bộ phim của mình?

Đại diện hai quỹ này đã nhận xét rằng ý tưởng cũng như kịch bản mà tôi đưa ra đã gây được sự xúc cảm cho họ nên họ quyết định tài trợ kinh phí cho bộ phim.

Nhắc đến cụm từ Eva ai cũng nghĩ ngay đến đàn bà – một nửa của thế giới. Cũng là nữ giới nhưng tại sao chị lại đặt tên cho bộ phim của mình là “Không có Eva”?

Việc đặt tên phim thường không đơn giản. Không có Eva ngay từ đầu do tác giả kịch bản – nhà văn Nguyễn Quang Lập đặt. Xuất phát là trong phim có một đôi vợ chồng, chị vợ đi theo một chàng trai thành phố, anh chồng đi tìm và một người bạn khuyên anh ta không nên đi tìm nữa vì chẳng có Eva đâu. Tôi đang suy nghĩ và rất có thể sẽ đổi tên bộ phim là Lạc lối.

Dao_dien_Pham_Nhue_Giang_1


Vậy qua Lạc lối, chị muốn truyền tải điều gì đến khán giả?

Bộ phim là một bức tranh xã hội trong một đời sống rất thực dụng của những người thành phố, sự tha hóa của những người nông dân khi thành dân nhập cư. Anh chồng trong bộ phim dù là một người nông dân cục mịch, không thông minh lắm nhưng lại giữ được bản chất của chính mình, đặc biệt là một tình yêu rất sâu sắc với người vợ đi theo trai. Thông điệp mà bộ phim muốn nói đó là con người ta sẽ rất dễ đánh mất bản chất nếu quá tham lam, thực dụng trong cách sống…

Điểm lại những bộ phim chị làm từ trước tới nay luôn có bóng dáng người phụ nữ - những người có số phận lam lũ, vất vả, cam chịu nhưng khi bứt phá lại rất mạnh mẽ. Phải chăng đó cũng là nét tính cách của chính nữ đạo diễn phản chiếu lên tác phẩm của mình?

Cũng có thể cá tính của tôi ảnh hưởng tới cách xây dựng nhân vật trong phim, những nhân vật đậm chất nữ tính, biết yêu thương, khao khát sống nhưng cũng rất mạnh mẽ để vươn lên trong cuộc sống. Đó cũng chính là những nét tính cách rất đặc trưng của phụ nữ Việt Nam – cam chịu, dám hy sinh, bươn chải, kiếm tiền chẳng khác gì nam giới bên cạnh trách nhiệm phục vụ gia đình lo toan cho chồng con. Nếu nói về sự chịu đựng của phụ nữ theo tôi không nước nào bằng Việt Nam, điều này có thể do nữ quyền ở nước ta chưa phát triển…

IMG_8704

Có người cho rằng chất phụ nữ trong con người chị có vẻ xưa cũ?

Cũng có nhiều người nói với tôi như vậy. Thế hệ chúng tôi không quá nổi loạn. Trong thời bao cấp, chúng tôi từng phải chịu đựng một đời sống đơn điệu, không có sự bứt phá.

Nhiều đạo diễn bây giờ quan niệm làm phim phải có cảnh nóng mới “câu khách”. Những cảnh nóng trong phim của chị có nhằm mục đích đó?

Tình dục là một sinh hoạt đời thường trong cuộc sống con người. Với Không có Eva, đó là những cảnh thể hiện đời sống con người rất chân thực. Tuy nhiên nói là “cảnh nóng” nhưng không phải là những cảnh hở da hở thịt trần trụi…

Vậy yếu tố nào khiến Không có eva của chị có thể hấp dẫn khán giả?

Phim đề cập đến những tình cảm quen thuộc của con người như tình bạn, tình yêu, tình mẹ con… dưới góc độ rất cảm động. Và một bộ phim thấm đẫm chất nhân văn và tình người như vậy nếu được phát hành tốt tôi nghĩ sẽ không thiếu khán giả.

IMG_0158

Tiêu chí chọn diễn viên trong bộ phim này của chị là gì bởi nghe nói dàn diễn viên toàn những người trẻ, chưa hề nổi tiếng? Có phải vì chị không đủ kinh phí để mời những diễn viên tên tuổi?

Ở đây không phải vì vấn đề kinh phí. Điều quan trọng là nhân vật trong phim là những người nông dân quê mùa, cục mịch nên tôi muốn chọn diễn viên có hình thức phù hợp, để khi xem phim, khán giả có thể hình dung ra được một mẫu người điển hình. Diễn viên trong phim tuy trẻ nhưng có diễn xuất tốt, tạo được ấn tượng. Mời những người mới tham gia chính là giúp cho họ có cơ hội thành công, thể hiện mình.

Khi làm phim, chắc hẳn chị cũng đã tính đến con đường đưa bộ phim đến gần nhất với khán giả chứ?

Đương nhiên rồi. Bất kỳ một đạo diễn nào sau khi đổ công sức, tâm huyết ra làm phim cũng mong cho bộ phim của mình được công chúng nhiệt tình đón nhận và ủng hộ. Cả hai phim tôi làm gần đây là Tâm hồn mẹKhông có Eva đều là những bộ phim thấm đẫm tình người nên tôi nghĩ rằng nếu thực sự được phát hành chu đáo phim sẽ không thiếu khán giả. Tuy nhiên, điều tưởng như đơn giản ấy lại vô cùng khó khăn đối với những bộ phim nhà nước. Nhà nước từ trước đến nay chỉ cho tiền hãng để sản xuất phim và sản xuất xong thì hết sạch tiền. Hãng không có tiền để phát hành phim. Bộ phim trước tôi làm là Tâm hồn mẹ hãng không có tiền phát hành nên đến giờ vẫn không cộng tác được với nhà phát hành nào để có thể ra rạp. BHD và Galaxy đã từng đứng ra phát hành cho phim nhà nước nhưng không thấy lãi nên không tự tin làm nữa. Ở Việt Nam nhiều phim thị trường hài hước câu khách rẻ tiền nhưng vì hãng phim tư nhân bỏ tiền bỏ tiền ra quảng bá, PR rầm rộ nên vẫn hút được nhiều người xem đến rạp vì tò mò. Trong khi đó phim nghệ thuật vì không được PR mạnh nên khi được chiếu ở rạp vài ngày, thấy không đông khách, rạp chiếu họ cũng dẹp luôn. Vì vậy tôi nghĩ phải có một chính sách nào đó cho phim nghệ thuật bởi nhà nước đã đầu tư làm phim nghệ thuật ít nhất cũng phải đầu tư cho phim ra rạp lâu dài.

IMG_0262

Một bộ phim đầu tư nghiêm túc với bao tâm huyết, tiền của và công sức nhưng khi ra rạp lại không có chỗ đứng, không được khán giả mặn mà. Là người trong cuộc, bản thân chị đã bao giờ có suy nghĩ mình sẽ tìm cách đứng ra để tự quảng bá cho phim của mình thay vì ngồi đó chờ hỗ trợ từ nhà nước?

Ai làm phim cũng mong phim của mình làm ra được phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên ở thời buổi này, để phát hành được một bộ phim phải có tiền, ngồi nói chuyện với nhau bằng tiền, bằng những hợp đồng ăn chia. Là người làm phim tôi cảm thấy đau xót nhưng tiền không có nên đành phải “bó tay”. Với cá nhân mình, cùng lắm tôi chỉ có thể nghĩ đến một việc là nhờ bạn bè mình trong giới báo chí đến xem, nhờ họ viết bài PR cho phim của mình hoặc tự giới thiệu phim của mình qua việc không bỏ lỡ những buổi đi giới thiệu, nói chuyện về cách làm phim với sinh viên, những người yêu điện ảnh…

Bộ phim trước đó chị làm là Tâm hồn mẹ đã ra rạp với tình trạng “không công không lãi”, giờ lại đến Không có Eva cũng gặp không ít khó khăn về kinh phí, vừa làm vừa chạy đua với giá. Người ta làm phim có khi làm giàu được, còn chị sao lại đi làm phim “không công không lãi” bao giờ?

Ngoài thời gian làm phim nhựa, để nuôi sống bản thân tôi phải tranh thủ đi làm phim truyền hình. May mà làm phim truyền hình cũng có tiền. (cười).

Xin cảm ơn chị!

Khánh Huyền