Đạo diễn - NSƯT Đặng Tất Bình: "Ở đâu có cầu, tất phải có cung"

(TGĐA) - "Có một điều cần phải khẳng định, bất cứ nghệ sỹ nào đã theo nghề đều muốn được hành nghề, chứ chưa nói tới chuyện… đều cũng cần tiền để sống? Có ai làm nghệ thuật nói chung và phim ảnh nói riêng mà chỉ để thỏa mãn niềm đam mê “sáng tạo thánh thiện” thôi đâu? Nếu ai cứ luôn miệng nói như vậy… tôi chả tin tí nào!"


Lý do thật đơn giản: ở đâu có cầu tất phải có cung! Hiện tại ở phía Nam, nhu cầu sản xuất phim truyền hình cao hơn rất nhiều ở phía Bắc, bởi vậy lực lượng nghệ sỹ làm phim ngoài Bắc vào Nam cộng tác với các công ty sản xuất, hãng phim tư nhân là điều dễ hiểu! Hoàn toàn không có gì liên quan tới cái gọi là cơ chế hay cách điều hành của ai hết! Nó tương tự như vào thời điểm những năm 80, 90 của thế kỷ trước, chúng tôi từng có mặt ở phía Nam để làm những bộ phim mà được gọi là dòng phim “mỳ ăn liền “ ấy mà!

_MG_1607

Còn việc các nghệ sỹ ngày nhận lời làm phim cho các Hãng Tư nhân ngày càng nhiều thì đó không đơn thuần là để có công việc, được làm nghề, hay có những chế độ đãi ngộ, nguồn động viên hấp dẫn mà còn giúp tạo niềm tin để họ sáng tác.

Có một điều cần phải khẳng định, bất cứ nghệ sỹ nào đã theo nghề đều muốn được hành nghề, chứ chưa nói tới chuyện… đều cũng cần tiền để sống? Có ai làm nghệ thuật nói chung và phim ảnh nói riêng mà chỉ để thỏa mãn niềm đam mê “sáng tạo thánh thiện” thôi đâu? Nếu ai cứ luôn miệng nói như vậy… tôi chả tin tí nào !

Cá nhân tôi, nếu ai thuê cũng sẽ làm! Thậm chí, giá rẻ một chút cũng được vì… “bói rẻ còn hơn ngồi không” ! ( Cười )

Việc làm phim cho các Hãng Tư nhân có những thuận lợi và khó khăn, áp lực gì ư?… Tôi không biết đối với anh em khác thì thế nào, chứ riêng tôi thấy không có gì gọi là áp lực hay khó khăn cả. Thậm chí, có nơi, có lúc còn không “căng’’ như làm phim bằng tiền ngân sách của Nhà nước ấy chứ! Nói giỡn vậy thôi, chứ phận làm thuê thì mình phải cố làm thật tốt điều mà họ thuê mình để họ hài lòng, vui vẻ và… đạt rating cao. Bởi nếu không đạt hiệu quả như vậy, thì sau đấy nhà sản xuất làm sao có tiền để quay vòng, tiếp tục sản xuất và thuê mình nữa? Với động cơ tích cực này thì ở Hãng phim Nhà nước hay Tư nhân đều cũng vậy thôi!

Bạn hỏi, cần có những giải pháp thiết thực nào để “cứu” các Hãng phim Nhà nước ? thì vấn đề này…thì đã được trao đổi, bàn bạc, nói hoài, nói mãi tại các cuộc tọa đàm, hội thảo rồi. Đã đến lúc các hãng phim Nhà nước phải tự cứu mình trước khi trông đợi ai đó cứu. Hơn nữa … xét cho cùng, việc tự “cứu” đã được thực hiện mãi rồi còn gì? Đối với các hãng phim Nhà nước khác còn có đất cát, nhà cửa, này nọ… cho thuê, ít nhiều cũng còn đắp đổi qua ngày được phần nào, chứ như cái hãng phim Truyện 1, nơi tôi từng làm Giám đốc, “tấc đất cắm dùi” không có, thì lấy gì mà nuôi nhau, nếu như không lăn lên lộn xuống, đầu tắt mặt tối đi kiếm việc làm? Một đồng nghiệp của tôi, vốn cũng đã từng lãnh đạo một hãng phim Nhà nước đã nói vui: Cái hãng 1, nghe nói ở đâu có vàng là cả hãng nó rùng rùng kéo nhau đi đào đã, đào được rồi nó mới ngồi lại tính chuyện chia chác ra sao, chẳng như nơi này nơi nọ, cũng nghe đồn có đá quý nhưng trước tiên là phải ngồi lại tranh cãi inh ỏi xem nếu đào được thì sẽ chia chác thế nào … Đến khi ngã ngũ được phương án ăn chia, tới nơi có của thì thiên hạ nó đào sạch bách từ khi nào rồi. Cách ví von này hơi thậm xưng nhưng … hình như có thế thật !

(Hồng Liên ghi)