Đạo diễn, NSƯT Vũ Xuân Hưng: Phim truyền hình vẫn giữ được thế mạnh của mình

(TGĐA) - " Về mặt nội dung, vẫn giữ được thế mạnh của phim truyện truyền hình, đó là phản ánh đa dạng và khá nhanh chóng các vấn đề của xã hội, đặc biệt là các vấn đề đang gây bức xúc, đánh giá nhiều chiều của xã hội...", ông Hưng cho biết.

VuXuanHung2

Ông có nhận xét gì về các phim truyện truyền hình tham dự giải Cánh diều năm nay?

Số phim tham dự vẫn là 23 phim, trong đó có 16 phim dài tập và 7 phim ngắn tập. Nhìn chung, chất lượng các phim không đồng đều nhau, có những phim tốt nhưng có những phim chỉ ở mức trung bình. Về mặt nội dung, các phim năm nay đề cập được rất nhiều vấn đề của xã hội, tập trung vào ba vấn đề chính, đó là: gia đình, đấu tranh chống các loại tội phạm và tình yêu. Ở đề tài gia đình, nổi lên là một số phim đã tạo được những tuyến truyện về những tình huống kịch tính, xung đột giữa những con người có đạo đức và nhân cách trong sáng với những con người bị suy thoái trong đạo đức và nhân cách. Hầu hết, tất cả các phim đều giải quyết theo hướng tích cực, cuối cùng những nhân cách, đạo đức tốt đẹp sẽ tồn tại; còn những nhân cách, đạo đức suy đồi sẽ bị trừng phạt. Ở đề tài đấu tranh với các loại tội phạm cũng có nhiều cấp độ khác nhau, tuy nhiên, các phim của chúng ta hiện nay thường nói về những mặt xấu một cách quá hình thức, tức là kẻ xấu nhìn đã thấy xấu mà thiếu chiều sâu của tội phạm. Còn với đề tài tình yêu vốn không phải là một đề tài mới với phim truyện truyền hình nhưng năm nay cũng có những phim chỉ nói về tình yêu như Tuổi thanh xuân, Khúc hát mặt trời. Với mảng phim lịch sử, có thể tạm coi Không có gì và không một ai là đại diện vì bộ phim nói về những con người đã bước ra từ cuộc chiến là những sinh viên của Sài Gòn trở về thời bình với những vấn đề hiện tại của họ. Bộ phim này không hoàn toàn là phim lịch sử như trước đây mà chúng ta vẫn đề cập đến như lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng, mà chỉ nói về một giai đoạn lịch sử trước và sau cuộc chiến với những thanh niên, trí thức của chế độ cũ khi hòa nhập vào cuộc sống mới như thế nào.

Về hình thức thể hiện, chúng tôi cũng chưa thấy bộ phim nào có sự tìm tòi rõ nét, có chăng sự tìm tòi chỉ nằm ở một số tập hoặc một số phân đoạn. Trong các bộ phim dự thi năm nay có một căn bệnh mang tính phổ biến, tôi tạm gọi là “sự tình cờ” được sử dụng một cách tràn lan. Ví dụ tình cờ gặp, tình cờ nghe, tình cờ nhìn thấy, tình cờ gây tai nạn… từ đó tạo ra các mối quan hệ vòng vèo, nhằm tạo ra tuyến truyện kịch tính. Đây được xem là căn bệnh của tất cả các phim, có chăng chỉ khác ở mức độ tình cờ.

Diễn viên Trọng Trinh và Kim Tuyến nhận giải Namnữ diễn viên phụ xuất sắc nhất Cánh diều 2015

Diễn viên Trọng Trinh và Kim Tuyến nhận giải Nam nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất Cánh diều 2015

Giải thưởng năm nay được quyết định nhanh hay lâu vậy thưa ông?

Tôi còn nhớ năm 2013, có một bộ phim lúc chấm giải, tất cả các thành viên trong ban giám khảo đều nhất trí trao giải vàng rất nhanh chóng và sung sướng. Đó là trường hợp của bộ phim Thuyền giấy. Nhưng năm nay có khác, sau khi chọn ra 3 bộ phim Biệt thự Pensee, Khi đàn chim trở về (phần 3) và Tuổi thanh xuân được đánh giá là xuất sắc nhất thì việc có trao giải Vàng hay không và dành cho bộ phim nào đã xảy ra một cuộc tranh luận. Nói chung, năm nay không có phim nào thực sự thuyết phục, đáp ứng được 4 tiêu chí của giải Cánh diều. Kể cả trong ba bộ phim trên cũng vẫn có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Cuối cùng, tôi quyết định dừng cuộc tranh luận và cho điểm theo đánh giá của từng người.

Khi chấm, tôi có đưa ra một quan điểm với các thành viên trong ban giám khảo, đó là chấm phim chứ không chấm theo vùng miền, hay đơn vị sản xuất, cũng không chấm theo tác giả, để tránh sự phân biệt trong quá trình chấm giải.

Ông có thể chỉ rõ những ưu, nhược trong ba bộ phim được đánh giá là xuất sắc nhất?

Biệt thự Pensee đưa được ra rất nhiều vấn đề của thời kỳ hậu chiến, vấn đề của người thắng và kẻ thua, dồn nén câu chuyện trong một không gian hẹp, đó là ngôi biệt thự, giải quyết mối quan hệ giữa con người với nhau một cách hợp lý, trên cơ sở nhân văn. Câu chuyện có độ hấp dẫn, các tuyến nhân vật tương đối rõ nét, đặc biệt là hai ông bố đại diện cho hai lực lượng xã hội sau khi cuộc chiến đã chấm dứt, rất nhiều mâu thuẫn vừa mang tính xã hội lại vừa mang tính cá nhân. Tuy nhiên, bên cạnh đó lại có những nhược điểm đó là sau khi hai ông bố mất đi, còn lại những đứa con thì bộ phim bắt đầu bị đuối dần. Câu chuyện của những đứa con bắt đầu rơi vào chuyện yêu đương và kinh tế thị trường. Chuyện phim không còn mạch kể căng thẳng, hấp dẫn, kịch tính như ban đầu. Hơn nữa, do dồn nén vào một không gian hẹp nên việc xử lý về không gian và thời gian của tác giả bị lúng túng, đôi lúc làm câu chuyện bị rối và không mạch lạc. Các diễn viên trẻ trong vai những đứa con diễn còn bị cường điệu hóa trong tính cách, mất đi sự tự nhiên.

Khi đàn chim trở về (phần 3) có ưu điểm nổi trội là đã đưa ra một cuộc chiến đấu nhưng không cân sức giữa những lực lượng chức năng với những con người lương thiện chống lại các thế lực tội phạm (về kinh tế, tham nhũng, lợi ích nhóm, phá hoại môi trường sống), sự đấu tranh giữa sự nhân phẩm và không nhân phẩm, giữa sự trung thực và lừa dối. Tôi cho rằng đây là bộ phim trong một thời lượng không nhiều hơn 40 tập đã dồn nén được một câu chuyện nói lên được nhiều vấn đề và tương đối kỹ, kể cả vấn đề dân tộc. Các tuyến nhân vật khá sắc và mạch lạc. Nhưng cũng không tránh được một vài hạn chế, đó là phim nói về tội phạm với thời lượng nhiều hơn và tốt hơn là lực lượng chống tội phạm và người lương thiện. Người lương thiện đôi lúc có cảm giác bị lúng túng, cô đơn trong cuộc chiến của mình. Khi giải quyết những vấn đề về tội phạm lại quá nhanh gọn và quá đơn giản, chỉ thông qua một vài cuộc họp của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.

Tuổi thanh xuân lại thổi vào một sự tươi trẻ và nói về góc độ mà phim nào cũng có nhưng phim này tập trung hơn, đó là tình yêu. Tình yêu này tương đối đặc biệt của một cô gái Việt Nam với một chàng trai Hàn Quốc. Phim có tính chuyên nghiệp, các tuyến hướng nhân vật đều khá mạch lạc và tạo ra độ hấp dẫn. Tuy nhiên, nửa đầu phim, câu chuyện hơi dàn trải. Trong Tuổi thanh xuân, căn bệnh lạm dụng sự tình cờ là quá nhiều cả phần đầu lẫn phần cuối. Ban đầu tạo ra rất nhiều sự tình cờ để dồn các nhân vật trong một căn nhà trọ. Còn phần sau lại là sự tình cờ dồn các nhân vật vào một đoàn làm phim, ở chung trong một tòa nhà chung cư. Tuy nhiên, điểm sáng, đáng khích lệ của Tuổi thanh xuân vì là bộ phim hợp tác nên mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội làm phim và đồng thời cũng là cơ hội để quảng bá văn hóa trong nước và nghệ thuật truyền hình của Việt Nam ra quốc tế. Chính vì tất cả những lẽ đó nên Tuổi thanh xuân đã đoạt giải Cánh diều Vàng. Đồng nghĩa với hai bộ phim còn lại là Biệt thự PenseeKhi đàn chim trở về (phần 3) đồng giải Bạc. Mặc dù, hai bộ phim này đều xuất sắc nhưng vẫn nằm trong luồng chính luận chung của phim truyền hình nhiều năm nay.

Ông có thể nói thêm về những giải cá nhân?

Ba giải khuyến khích được chúng tôi quyết định rất nhanh, đó là Không có gì và không một ai, Mặn hơn muốiMưa bóng mây. Tương tự, các giải cá nhân cũng tìm được sự đồng thuận khá nhanh và tương đối rõ nét. Trong đó, giải Đạo diễn xuất sắc được trao cho Nguyễn Danh Dũng của phim Khi đàn chim trở về (phần 3), giải Biên kịch xuất sắc: Châu Thổ của phim Biệt thư Pensee, giải Nam diễn viên chính xuất sắc: Việt Anh trong phim Khi đàn chim trở về (phần 3) và Quang Tuấn trong Khúc hát mặt trời, giải Nữ diễn viên chính xuất sắc: Nhã Phương trong phim Tuổi thanh xuân. Theo quy định chỉ có 4 giải cá nhân trên nhưng năm nay, ban giám khảo cũng đề xuất thêm với ban tổ chức cho thêm giải Diễn viên phụ xuất sắc vì thấy một số vai phụ cũng không kém gì so với vai chính về thời lượng và chất lượng vai cũng khá tốt và đề xuất này cũng được sự đồng thuận của ban tổ chức. Kết quả, giải Nam diễn viên phụ xuất sắc: Trọng Trinh trong phim Mưa bóng mây, Nữ diễn viên phụ xuất sắc: Kim Tuyến trong Tuổi thanh xuân.

Từ chất lượng phim năm nay, ông có thể đánh giá thêm về tình hình phim truyện truyền hình hiện nay?

Về mặt nội dung, vẫn giữ được thế mạnh của phim truyện truyền hình, đó là phản ánh đa dạng và khá nhanh chóng các vấn đề của xã hội, đặc biệt là các vấn đề đang gây bức xúc, đánh giá nhiều chiều của xã hội. Đó là phản ứng nhanh, mạnh và khá sắc nét. Bên cạnh đó, phim truyện truyền hình cũng quan tâm đến vấn đề của quá khứ. Mặc dù tại Cánh diều năm nay, sự quan tâm đó tương đối ít và không rõ nét như những năm trước. Thứ hai, đã có những chủ đề trung tâm trong mặt bằng năm nay, như tôi đã nói ở trên. Điều này cũng thể hiện được sự quan tâm của những người làm phim truyền hình đối với những vấn đề của xã hội.

Còn về mặt nghệ thuật thì phim truyện truyền hình hiện nay vẫn chưa có sự đột phá nhưng cũng phải nói là rất khó để có đột phá. Cần có một điều kiện để tăng sự đột phá, đó là các đoàn phim được làm việc trong một điều kiện bình tĩnh hơn, chuyên nghiệp hơn và đầu tư một cách hợp lý hơn.

Năm nay có thêm một điểm sáng là những bộ phim hợp tác với nước ngoài. Xu thế này cần phải được ủng hộ, để việc hòa nhập của chúng ta trong lĩnh vực phim truyện truyền hình đối với khu vực và thế giới ngày một tốt hơn.

Kim Anh