Đạo diễn Vũ Trường Khoa: Làm việc với tư nhân, đạo diễn không còn là người toàn quyền

(TGĐA) - “Sau bộ phim Vòng xoáy tình yêu, tôi có thực hiện thêm một số phim cho các hãng tư nhân nhưng không nhiều. Bởi tôi cũng nhận thấy áp lực của việc làm theo yêu cầu của chủ đầu tư về tiến độ, nội dung là tương đối sâu nên tôi cảm thấy không phù hợp và không nhận phim nữa…” đạo diễn Vũ Trường Khoa chia sẻ.

VTK_sua

Đạo diễn Vũ Trường Khoa

Việc nhà nước có chủ trương xã hội hóa phim truyền hình trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong việc tạo điều kiện cho anh em làm phim có cơ hội được làm nghề, được sống với nghề, nhất là những người làm công ăn lương cho các hãng phim nhà nước, anh có nghĩ vậy không?

Quả thực, cách đây hơn 10 năm, phía Bắc chỉ có VFC và phía Nam chỉ có TFS những đơn vị đầu tàu của nhà nước trong việc sản xuất phim truyền hình. Kể từ sau khi có chủ trương xã hội hóa phim truyền hình thì bắt đầu nở rộ phong trào làm phim tư nhân. Tôi cũng là một trong những người mở đầu cho xu hướng xã hội hóa và được Lasta mời làm bộ phim chuyển thể từ kịch bản của Thái Lan là Vòng xoáy tình yêu. Dù nhận được những ý kiến đánh giá khác nhau nhưng rõ ràng bộ phim này đã mở ra một hướng xã hội hóa, được thực hiện theo công nghệ làm phim mới tức là quay hai máy và thu đồng bộ. Việc nhân lực các hãng nhà nước trước đây hầu như đều đi làm thuê cho các hãng tư nhân, theo tôi một phần cũng do cơ chế. Vì thời điểm đó, những bộ phim của Nhà nước làm làm chủ yếu chỉ có độ dài từ 1 đến 2 tập và được quay theo công nghệ cũ, tức là theo phương thức từng sản xuất phim truyện nhựa, quay bằng một máy và phải có kịch bản phân cảnh… Nói chung, để thực hiện một tập phim thời đó thì mất rất nhiều thời gian từ chỉnh sửa kịch bản đến viết phân cảnh… Về cơ bản, chúng ta vốn không có đội ngũ được đào tạo để làm phim truyền hình chuyên nghiệp, cũng bởi vì sinh viên trong trường Điện ảnh chỉ được dạy bằng giáo trình của người làm phim truyện nhựa. Sau khi ra trường, các em đi thực tế và tự nhảy sang làm truyền hình nên vừa làm vừa dò dẫm, đồng thời thích nghi dần.

Có thể coi đó là quãng thời gian những người làm phim trong các cơ sở nhà nước đều bước ra ngoài làm phim, hay nói cách khác là đi làm thuê cho các hãng tư nhân. Nhưng theo anh, tại sao lại có chuyện đó?

Đơn giản vì đầu tiên là họ có cơ hội được áp dụng những công nghệ mới, một cách quay mới, tạm gọi là cách làm phim drama (phim truyền hình dài tập). Bởi đối với người làm phim truyền hình việc được học hỏi và tham gia vào một quy trình công nghệ làm phim có tính cập nhật là hoàn toàn cần thiết.

Thứ hai đi kèm với công nghệ là vấn đề kinh tế. Như tôi đã nói ở trên, trong khi chẳng hạn một tập phim làm cho nhà nước ở thời điểm đó quay bằng một máy và theo quy định phải có kịch bản phân cảnh thì phải chuẩn bị ít nhất từ 10 – 15 ngày cho một tập. Sau đó phải thêm ít nhất hơn chục ngày để quay tập kịch bản đó. Ngoài ra còn nhiều công đoạn khác như lồng tiếng, hòa âm… Còn ở đây nếu quay theo công nghệ mới, sử dụng hai máy quay và thu thanh đồng bộ thì chúng tôi cũng giảm bớt được rất nhiều công đoạn và thời gian. Tôi chưa nói đến vấn đề catse cao hay thấp nếu so sánh giữa một cơ sở nhà nước và một cơ sở tư nhân nhưng điều có thể thấy rõ nhất đó là quỹ thời gian chúng tôi được tiết kiệm hơn nhiều lần. Điều này cũng dễ hiểu vì sao nhiều anh em đạo diễn, quay phim và các thành phần khác trong đoàn làm phim rất muốn được tiếp cận với phương thức làm phim mới bởi lẽ nó phù hợp với thực tế làm phim truyền hình.

VTkhoa2

Đạo diễn Vũ Trường Khoa

Thứ nữa khi thời gian thực hiện được rút ngắn thì càng bớt chi phí, đồng thời catse được nhiều hơn. Bởi vậy, nếu chúng tôi đã hoàn thành được chỉ tiêu tại cơ quan đang công tác thì việc làm thêm bên ngoài không có gì là không tốt.

Tôi cho rằng, sau một thời gian thì bản thân các hãng phim nhà nước cũng thay đổi lại tư duy và trước tiên là thay đổi lại phương thức làm việc. Bởi hơn ai hết, họ đang nắm sóng trong tay, đồng thời chính họ cũng bị áp lực về chuyên môn để khẳng định vị thế. Lấy ví dụ cụ thể như VFC. 4, 5 năm qua, VFC đã có sự đầu tư thêm nhiều trang thiết bị để phục vụ kịp thời sự thay đổi về phương thức sản xuất phim, cũng như về quan niệm làm phim truyền hình. Hiện nay, VFC đã có những bộ phim trung bình dài khoảng 30 – 40 tập, thậm chí có những phim dài đến vài trăm tập, tuy từng thể loại. Rõ ràng, chúng tôi đã bắt kịp với xu hướng mới và đồng thời nâng cao chất lượng của nội dung phim. Do vậy vài năm gần đây, những người từng hợp tác làm phim với nhiều hãng tư nhân đã nhận thấy cơ chế của các cơ sở làm phim nhà nước cũng đã bắt đầu phù hợp hơn.

Bởi hiện nay nhiều hãng tư nhân cũng đã có những quy định ngặt nghèo từ việc chọn kịch bản, chọn diễn viên, tiến độ làm việc và thời gian nhận catse… khiến người làm phim rơi vào thế bị áp đặt. Tất nhiên, họ phải chấp nhận vì họ đang đi làm thuê và nếu họ chạy theo những điều kiện đó thì rõ ràng chất lượng phim sẽ không được đồng đều. Thực tế, chẳng ai muốn sản phẩm nghệ thuật mình làm ra không có chất lượng nhưng khi làm việc với tư nhân, đạo diễn không còn là người toàn quyền quyết định cho bộ phim. Đến một lúc nào đó, ở đây lại có sự so sánh và họ thấy tại sao không quay về làm phim cho nhà nước nhiều hơn khi mọi thứ đều đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Tôi cho rằng sự thay đổi này cũng như biểu đồ hình sin, cái gì lên đến cao trào thì sẽ có sự thoái trào và lại chờ đợi sự xuất hiện của một trào lưu hoặc xu hướng mới.

DD_VTK_ang_chi_dao_dien_xuat_trong_Vng_xoy_tnh_yu_2

Đạo diễn Vũ Trường Khoa đang chỉ đạo diễn xuất bộ phim Vòng xoáy tình yêu

Theo anh, ngoài vấn đề cơm áo gạo tiền, lý do khiến những người làm phim chuyên nghiệp trong các cơ sở nhà nước nhận lời làm phim cho tư nhân còn vì điều gì?

Là bởi các nhà sản xuất tư nhân rất chịu khó đầu tư về phương thức làm mới, đầu tư kịch bản đúng nghĩa phim truyền hình, công nghệ làm cũng bắt kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do vậy ngoài nhu cầu về kinh tế, chúng tôi còn muốn tìm hiểu và tiếp cận với cái mới.

Chúng ta không thể phủ nhận một thực tế là tư nhân có những chính sách, chế độ và lợi nhuận hấp dẫn. Nhưng cũng chính vì áp lực kinh tế, vì sự ký kết với các chương trình phát sóng nên bản thân các nhà sản xuất tư nhân cũng khắt khe hơn trong các điều kiện và họ chạy theo số lượng và tiến độ, chạy theo nhu cầu của thị trường. Chính tất cả những yếu tố đó sẽ khiến phim bị giảm chất lượng.

Thế còn những hạn chế khi làm phim với tư nhân thì sao?

Đương nhiên khi làm phim với tư nhân thì đạo diễn không còn là người toàn quyền quyết định cho bộ phim, bởi họ chỉ là người làm thuê cho nhà sản xuất. Khi đó, nhà sản xuất sẽ can thiệp cả vào quá trình làm phim. Bởi vậy mới xảy ra trường hợp không ít vai diễn được chủ đầu tư chọn chỉ vì sính cái vẻ bề ngoài mỹ miều của diễn viên tay ngang. Tất nhiên, ở đây nhà sản xuất cũng sẽ trao đổi với đạo diễn và bằng khả năng chuyên môn với nghiệp vụ, đạo diễn có thể góp ý. Nếu hợp lý thì ông chủ đó sẽ đồng ý nhưng thường họ muốn làm theo ý họ.

Có thể với những ngành nghề khác thì điều này rất rành mạch nhưng trong lĩnh vực nghệ thuật, nhất là trong không khí của một đoàn làm phim, nhiều khi sáng tác độc lập hay suy nghĩ của đạo diễn và của chủ đầu tư không hòa nhập với nhau thì khó có được một bộ phim hoàn hảo.

VTkhoa1

Đạo diễn Vũ Trường Khoa

Xem chừng “phận” làm thuê luôn ở vào thế bị động?

Thực ra, chúng ta cũng đều phải đi làm thuê cho chính nghề nghiệp của mình. Khi làm thuê cho một ông chủ tư nhân nào đó thì tất cả sự hoạch định, chính sách, thẩm mỹ của họ sẽ ảnh hưởng đến sản phẩm mình làm ra. Nếu tôi chấp nhận thỏa thuận với họ thì sẽ phải làm theo những điều họ muốn, bằng không thì không kết hợp với nhau nữa.

Ngược lại, khi tôi làm cho hãng nhà nước thì tôi cũng vẫn là người đi làm thuê. Nhưng nhà nước có một cơ chế được xác định bởi pháp luật với rất nhiều đường hướng và hệ thống để xác định sản phẩm các anh làm ra sẽ phải đi trong khuôn khổ nào. Khi đó, tôi phải chịu trách nhiệm chính với sản phẩm của mình và chịu trách nhiệm với lãnh đạo cơ quan, tức là tôi có sự độc lập riêng với bộ phim. Nhưng nếu tôi làm việc với một ông chủ tư nhân thì sự độc lập của tôi thực ra không còn nhiều, bởi vì tôi chịu sự tác động của ông chủ đó.

Nói chung, dù làm cho ai đi chăng nữa thì những người làm phim như chúng tôi trước hết đều mong muốn là được làm công việc mình yêu thích, được làm đề tài mình muốn khai thác và sản phẩm cuối cùng vẫn là một bộ phim chất lượng. Nếu bộ phim đó được khán giả tiếp nhận thì không còn gì hạnh phúc hơn. Còn nếu khán giả chưa thực sự thấy đồng cảm với bộ phim thì chúng tôi phải tìm cách rút kinh nghiệm để tìm ra cách thể hiện tốt hơn cho các dự án sau.

Sau bộ phim Vòng xoáy tình yêu, tôi có thực hiện thêm một số phim cho các hãng tư nhân nhưng không nhiều. Bởi tôi cũng nhận thấy áp lực của việc làm theo yêu cầu của chủ đầu tư về tiến độ, nội dung là tương đối sâu nên tôi cảm thấy không phù hợp và không nhận phim nữa.

Là người đi tiên phong trong việc hợp tác giữa phim Việt với Thái Lan, anh có thể cho biết những thuận lợi và hạn chế trong quá trình làm phim tại thời điểm đó?

Tình xa là phim truyền hình đầu tiên Việt Nam (VFC) hợp tác với Thái Lan (Katana) mà tôi tham gia với tư cách đồng đạo diễn. Với tôi trước tiên, đây là một cơ hội may mắn, được tiếp xúc với phương thức làm phim khác với những gì chúng tôi được học trong nhà trường và cả những gì chúng tôi đang thực hiện tại thời điểm đó ở trong nước. Chúng tôi có điều kiện hiểu thêm quan niệm về sản xuất một bộ phim truyền hình là như thế nào.

Còn khó khăn vẫn là những chuyện muôn thuở của bất cứ đoàn làm phim nào như về thời tiết, bối cảnh, diễn xuất diễn viên và xử lý những tình huống tại hiện trường…

VTkhoa3

Đạo diễn Vũ Trường Khoa đang chỉ đạo diễn xuất bộ phim Vòng xoáy tình yêu

Trong thời gian hợp tác với Thái Lan, anh thấy cách làm phim của chúng ta có gì khác với nước bạn?

Bản thân những nhà làm phim Thái xác định rằng phim truyền hình là để phục vụ cho đông đảo khán giả với nhiều tầng lớp khác nhau, tức là phim hay được đo bằng lượng khán giả. Trong khi đó, phim truyền hình của chúng ta chủ yếu phục vụ cho mục đích tuyên truyền những chủ chương, chính sách đường lối là chính.

Khác nhau thứ hai là về phương thức thực hiện ghi hình một bộ phim truyền hình. Chẳng hạn, tôi vẫn thực hiện chia từng cảnh nhỏ và lần lượt quay từng cảnh đó bằng một máy quay duy nhất. Nhưng đạo diễn của Thái cho quay một phân đoạn từ đầu đến cuối bằng nhiều máy và sau đó mới dùng từng máy chia từng khuôn hình. Rõ ràng cách quay này khiến diễn viên không bị đứt mạch tình cảm, tâm lý và đoàn phim có thể tiến hành quay một mạch rất nhanh. Các bạn Thái cũng nói với tôi rằng cách làm phim của Việt Nam khi đó không phải là làm phim truyền hình mà là làm điện ảnh, mà truyền hình hoàn toàn không phải là điện ảnh.

Một vài năm sau tôi làm tiếp bộ phim Vòng xoáy tình yêu. Chúng tôi cũng đã áp dụng công nghệ quay bằng hai máy, dựng hình tại chỗ và thu đồng bộ (giống hệt công nghệ trước đây Thái Lan từng làm). Còn đến bây giờ tôi cũng không có điều kiện sang nước bạn để xem những bộ phim của Thái cũng như của các nước trong khu vực nên không dám nhận xét một cách chủ quan nhưng tôi nghĩ cách làm phim truyền hình ở Việt Nam hiện nay có lẽ chưa bằng nhưng cũng không thua kém mấy so với các nước trong khu vực.

Xin cám ơn anh!

Trí Anh