Đập cánh giữa không trung: Mùi của nỗi cô đơn ẩm ướt

(TGĐA) - Hiệu ứng tích cực từ các LHP nước ngoài mà Đập cánh giữa không trung tham dự khiến ba suất chiếu của bộ phim trong khuôn khổ Haniff 2014 tại Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải. Nhiều khán giả chấp nhận ngồi ghế phụ ở hành lang, thậm chí đứng suốt buổi chiếu để theo dõi hết bộ phim. Sau 98 phút lặng yên theo mạch cảm xúc phim là những tiếng vỗ tay tán thưởng, sự ngơ ngác hụt hẫng và thậm chí, cả tiếng thở dài. Không phải ai cũng hiểu và đồng cảm với lối kể chuyện lê thê và đa tầng của Điệp. Đó chính là điều mà đạo diễn này lo lắng trước khi tìm đường ra rạp, dù cô vừa nhận được sự đồng cảm lớn tại Haniff 2014 với giải thưởng Đặc biệt của BGK.

flapping_in_the_middle_of_nowhere_still

Huyền, 19 tuổi, một cô gái ở một vùng quê miền núi lên Hà Nội trọ học. Cô yêu Tùng – một công nhân điện lực mê đá gà. Huyền có thai ngoài ý muốn và đang phân vân chuyện đi phá thì Tùng biến mất, kèm theo số tiền cuối cùng dành dụm của hai người. Tình thế buộc cô phải nhờ cậy tới Linh – người bạn thân chuyển giới, sống bằng nghề bán dâm. Huyền được môi giới gặp một người đàn ông kỳ lạ, có khoái cảm đặc biệt với phụ nữ có bầu. Và khi tình cảm vừa được nhen lên trong Huyền thì cô đã phải trở về thực tại khi người đàn ông biến mất sau 5 lần hò hẹn…

Đó là nội dung có thể kể khi xem hết bộ phim Đập cánh giữa không trung. Nó khó có thể hấp dẫn khán giả nếu đạo diễn không khéo léo trong ngôn ngữ kể chuyện. Một cốt chuyện không có xung đột, cao trào, vật cản, thắt nút như nhiều kịch bản phim thường thấy để điều khiển xúc cảm của người xem. Nó lại bắt người xem phải chú tâm vận động liên tục để tham gia vào câu chuyện, khám phá xem dưới cách kể đều đều đó, đạo diễn muốn chuyển tải điều gì. Xem phim của Điệp hay một số dòng phim độc lập, khi mà ý niệm tác giả được đề cao, buộc phải xem ở tâm thế khác. Khán giả có thể “đồng cảm” với đạo diễn hoặc “không”, chứ tác giả không hề muốn làm theo một công thức thị hiếu nào đó để chiếm được số đông cảm tình. Đập cánh giữa không trung là dạng một lát cắt của hiện thực cuộc sống, với sự vận động tâm lý trong một sự kiện nhất định mà ít nhất một lần trong đời chúng ta phải đối mặt.

Điệp là nhà làm phim độc lập, và có thiên hướng trở thành nhà làm phim tác giả. Dù Đập cánh giữa không trung mới chỉ là dự án phim dài đầu tiên của Điệp nhưng trước đó, “phụ nữ và nỗi cô đơn” đã chấp chới trong hai bộ phim ngắn Mùa thứ nămHai, Tư, Sáu của Điệp. Gần 5 năm ấp ủ, xin tài trợ là thời gian đủ để cô có thể suy ngẫm, chau chuốt, chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự ra đời của bộ phim.

Z_12460-29._SIC-FLAPPING_IN_THE_MIDDLE_OF_NOWHERE-6

Đập cánh giữa không trung tiếp tục là câu chuyện của sự cô đơn đầy tính nữ của Huyền. Nó bắt đầu bằng âm thanh của những cơn mưa để gọi xúc cảm qua tai chứ không phải ở phần nhìn. Trong một bài phỏng vấn, Điệp có kể về quan niệm của cô về tính nữ. Với cô, giới nữ thuộc về tính âm, với gam màu trầm, ướt át và hay bị rơi vào cô đơn, bế tắc - ấy là theo quan niệm cá nhân. Và điều đó được Điệp sử dụng triệt để trong bộ phim đầu tay này. Một tone màu vàng, tranh tối tranh sáng với những đồ vật xếp đặt rối mắt. Những cơn mưa ướt át trải dài suốt phim, căn phòng ẩm thấp, chỗ sinh hoạt chỉ cách buồng tắm một cái rido. Những gương mặt chính hay phụ đều góc cạnh, Á đông, lẩn khuất, lặng lẽ, có vẻ gì đó bí ẩn, phức tạp, không phóng khoáng dễ hiểu. Ngay cả cái tên phim, cũng ẩn dụ, chấp chới, yếu ớt và mỏng manh. Tất cả, cộng với những thước phim mềm mại dưới góc quay duy mỹ của nhà quay phim Phạm Quang Minh tạo nên một tính nữ như quan niệm của Điệp vừa đưa người xem nhập tâm vào câu chuyện của Huyền.

Câu chuyện của Huyền là sự cô độc trong hành trình khám phá chính bản thân mình. Cô có một mục đích về sự nghiệp tương lai để theo đuổi: là học đại học. Cô có một người bạn rất thân: Linh. Cô có người yêu dù tính còn trẻ con nhưng rất yêu mình: Tùng. Cô cũng có một vùng quê, có người mẹ quan tâm để về khi hụt hẫng… Nhưng, tất cả đều chỉ va đập vào Huyền chứ bản thân cô, không hề chủ đích tương tác lại. Như hình ảnh ẩn dụ mà Điệp sử dụng trong phim khi Huyền nằm trong một quả bóng khí dưới nước. Nó thể hiện sự cô đơn tách biệt hẳn với thế giới. Huyền cô đơn trong quả bóng của mình, quả bóng đó cô đơn trong một thế giới rộng lớn khác, không một ai bước vào quả bóng đó cùng cô bởi họ có thể đồng hành chứ chưa chắc đồng điệu. Chỉ có một người đàn ông thoáng qua cho cô một rung cảm, trong phút chốc rồi lại rời đi. Khi một người con gái có bầu, chấp chới qua ngưỡng cửa đàn bà, có thể cô cần điều gì đó hơn nữa ở Tùng – một cậu trai chỉ biết yêu cô, làm điều lãng mạn nhưng còn quá trẻ con. Hơn nữa, ai cũng có một quả bóng của riêng mình.

Đó chính là thứ mà Điệp muốn kể trong câu chuyện của Huyền. Cô ấy phải đối mặt với chính mình để tìm một con đường, trong giai đoạn ngay ngưỡng cửa vào đời với nhiều hoang mang, lo sợ khi bào thai trong bụng như một chiếc đồng hồ đếm nhịp còn những người đàn ông thì trốn chạy. Hoang mang, lửng lơ, chấp chới, Huyền không biết đập cánh theo hướng nào. Đó là bế tắc, thụ động tự thân, như hình ảnh cô cứ đi đi lại lại, giữ thăng bằng trên lan can nóc tòa nhà kiểu Pháp cũ, vô định.

Flapping-in-the-Middle-of-Nowhere-2014-Nguyen-Hoang-Diep-04

Điệp là người khá kiên nhẫn và duy ý chí khi mô tả cảm giác này bằng ngôn ngữ điện ảnh trong phim. Ngoài việc sử dụng khá nhiều những cảnh ẩn dụ như hai con cá lửng lơ trong bóng đèn đường, Huyền đi thăng bằng trên tòa nhà cao, cô đơn trong căn nhà, trong quả bóng nước, đi ô tô về tận cửa nhà ở quê còn không vào thì tiết tấu, nhịp điệu, khuôn hình đến diễn xuất của diễn viên đều tạo cảm giác chậm rãi, u tịch, không cao trào và đôi khi lê thê, buồn chán. Đó là thời gian của Huyền, nó hoang mang và tàn nhẫn. Có khá nhiều người nhận xét là Thùy Anh “diễn như thế ai cũng làm được” nhưng cá nhân tôi cho rằng, sự tiết chế đó thực sự còn khó hơn phải bung ra. Nó sẽ mất đi câu chuyện riêng của Huyền, trong cái ý niệm mà tác giả muốn kể. Có thể thấy sự cực đoan đến tận cùng của Điệp trong việc chuyển tải sự hoang mang, chấp chới đó khi tiết chế toàn bộ những đỉnh điểm cảm xúc của từng trường đoạn. Cứ cao trào xúc cảm thì… cắt cảnh. Nó khiến người xem hụt hẫng, ngay cả ở cảnh kết thúc phim. Khó chịu! Nhưng cần thiết khi ngẫm lại theo dòng cảm xúc mà bộ phim mang đến. Suốt cả bộ phim, tất cả những ngôn ngữ mà có thể phục vụ điều đó đều được Điệp tuân thủ “tone sur tone”. Cánh cửa mở duy nhất chính là nhân vật Linh – người bạn thân chuyển giới của Huyền. Mỗi khi Linh xuất hiện là mang đến một sự tươi mới từ khuôn hình, nụ cười, câu thoại dí dỏm đến tiết tấu. Nó mang đến cái động trong tĩnh, sự chủ động bên cạnh cái thụ động, sự lạc quan bên cạnh cái bi quan, nó không khiến phim bị ngột ngạt.

Có một dòng chảy khác chảy ngầm dưới bề mặt cô đơn, hoang mang và buồn chán trong Đập cánh giữa không trung, đó là sự mạnh mẽ của người phụ nữ. Thông điệp của phim? Có lẽ thế, tùy người cảm nhận. Sự lạc quan, bất cần của Linh với màu sắc lúc nào cũng sinh động thực ra để che đi sự yếu đuối khi không được sống đúng với thân xác và phải làm công việc dưới đáy xã hội. Lúc Linh bị đánh ghen, khóc, hai bàn chân liên tục cọ vào nhau lại là lúc “cô” mạnh mẽ nhất. Mạnh mẽ để thay đổi, để nói “ngày mai tao sẽ đi”. Còn Huyền, với những người đàn ông đến lại đi, và bào thai thì lớn dần trong bụng, có lẽ, cũng đến lúc cô nhận thấy, mình phải trông cậy vào chính bản thân mình…

DCGKT

Trong phim, Điệp còn tự vào vai bà chủ bán cháo Ấu tẩu. Ấu Tẩu là một loại củ rất độc, phải chế biến qua nhiều công đoạn mới có thể nấu cháo ăn được, quá liều lượng có thể gây chết người. Với Đập cánh giữa không trung, có lẽ Điệp đã pha được “món cháo” vừa vặn, không quá liều để gây “chết người” nhưng cũng không quá ít để khiến người xem thất vọng.

Thuận Nhân