ĐD Nguyễn Hoàng: Làm phim tài liệu là kể câu chuyện thuyết phục, tránh xóc hông, dạy đời mà không thấy mắc cỡ

Làm đạo diễn phim tài liệu đã lâu, lại có bề dày thành tích, từng tốt nghiệp loại khá khóa chính quy khoa Đạo diễn đầu tiên năm 1988 của trường Điện ảnh Việt Nam tại TP.HCM (nay là trường Cao đẳng  Sân khấu – Điện ảnh), sao anh không chuyển hướng làm Đạo diễn phim truyện cho oách?

(TGĐA) - Mỗi lần gặp anh, câu trước, câu sau tiếng chào, người đối diện sẽ phấn chấn ngay trước một chân dung rặc chất Nam Bộ.


Anh là đạo diễn Nguyễn Hoàng, phó phòng phim tài liệu Hãng phim TFS TP.HCM. 51 tuổi, vậy mà đã có 32 tuổi nghề trong hành trang “vì sự nghiệp cho phim tài liệu”. Anh đã thực hiện hơn 60 tập phim của gần 40 tên phim tài liệu truyền hình phát sóng. Từng 6 lần vinh dự nhận các giải thưởng Vàng, Bạc, A, B của các Liên hoan phim Quốc gia, Hội Điện ảnh Việt Nam, Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc như : “ Giữa ngàn thác lũ”, “Những cánh hoa ngược dòng”, “Cánh chim không mỏi”, “ Chân dung người tử tù”, “ Vua cà treo”, “ Mê kông ký sự” và mới đây anh vừa nhận giải C ­- Báo chí Quốc gia 2008 với bộ phim “Người trong phim”. Phóng viên có cuộc trao đổi thú vị với anh.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng thực hiện phim Mê Kông ký sự 2

Nhà báo chỉ được cái “xúi hổng trúng” – phim tài liệu bộ truyền hình của TFS đang lên ngôi đấy (cười).

Cụ thể thế nào anh Ba (tên thân mật).

Bán chạy như … “tôm nuôi” ở trung tâm dịch vụ truyền hình . Nói chút cho dzui thôi chứ có được danh sách những tên phim tài liệu nhiều tập bán được như “Trung Hoa du kí”, “Mê Kông kí sự”, “Trường Sơn hùng tráng”, “Kí ức Điện Biên”, “Kí sự tân đảo”, “Kí sự Amazon”, “Kí sự hỏa sa”, “Huyền bí sông Hằng” … là cả quá trình phấn đấu, mạnh dạn, nhạy bén, dám nghĩ và làm của tập thể hãng phim TFS qua gần 17 năm (kể từ khi thành lập). Kết quả để có cái nhìn mới từ nhiều góc độ trực diện cuộc sống, đặc biệt sự tự tin tiên phong và ngày càng có hiệu quả trong cách thể hiện mới, đó là tiêu chí khám phá, truyền hình thực tế, luôn hướng tới sự giao lưu cùng khán giả với những gì đang diễn ra xung quanh, qua từng thước phim thực hiện.

Nhìn lại một thời gian dài, phim tài liệu thường làm theo lối truyền thống, phần lớn khoác “cái tôi” chủ quan của người sáng tác, ít quan tâm đồng hành cùng người xem. Để có được thương hiệu Hãng phim TFS hôm nay, trước tiên chúng tôi luôn muốn tri ân tới người đầu tiên thành lập Hãng phim – đó là cố NSND, anh hùng Lao động Phạm Khắc. Ông là người luôn quan tâm, đặc biệt tạo những bước đột phá trong khuynh hướng sáng tác phim tài liệu, đó chính là thế mạnh mũi nhọn của hãng phim. Có được sự thành công mở đầu đầy ý nghĩa của phim “Mê Kông kí sự” về cách thể hiện và hiệu quả phát hành bất ngờ đến loạt phim kí sự thành công tiếp theo là nhờ chúng tôi có bước trải nghiệm táo bạo đầu tiên từ bộ phim “Trung Hoa du kí”. Từ đó, phát triền mô hình phim tài liệu nhiều tập có đầu tư lớn, được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều nhà tài trợ theo chủ trương xã hội hóa. Thật may khi chúng tôi (những người quản lí, sáng tác và nhà tài trợ) đã cùng chung dòng cảm xúc, biết quan tâm, đồng cảm và luôn hướng tới người xem Truyền hình.

Việc phát sóng đều đặn phim tài liệu Giờ Vàng của hãng đã đi vào tính chuyên nghiệp từ lâu với lịch phát sóng: 7h20 mỗi sáng liên tục trong tuần trên kênh HTV9 và 13h20 cùng ngày trên kênh HTV7. Ngoài ra ngày thứ 5 hàng tuần trong chương trình “Tạp chí văn nghệ” đã ưu tiên phát sóng những phim tài liệu vừa mới sản xuất. Cuộc hành trình qua gần 17 năm của hãng đã sản xuất gần 700 phim tài liệu, với những thể loại truyền thống lịch sử, về nguồn, chân dung, hình ảnh cuộc sống, con người, giao lưu văn hóa, an sinh xã hội và môi trường, hội nhập Điện ảnh – Truyền hình Quốc tế … Đặc biệt là dòng phim kí sự khám phá – Truyền hình thực tế gần đây. Trong đó có rất nhiều phim được thẩm định, đánh giá cao, đoạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi, kì Liên hoan phim trong nước và quốc tế.

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết dự buổi tọa đàm làm phim Thời tuổi trẻ

Dường như nội dung nãy giờ anh hoàn toàn đứng ở cương vị người lãnh đạo để khái quát thành tích của hãng. Thế còn dấu son ấn tượng của anh về thông điệp của bộ sưu tập huy chương trước chùm phim chân sung, lịch sử, đặc biệt là về người phụ nữ.

Sở trường sáng tác của tôi là đề tài chân dung, truyền thống lịch sử, đặc biệt là về người phụ nữ. Họ thật tuyệt vời ở mọi phương diện. Trong chiến tranh chị em là những người phi thường và giờ đây trước cuộc sống hiện tại, họ lại là những người thật bình thường, không nặng chút vụ lợi, riêng tư. Trong bốn phim tiêu biểu “Giữa ngàn thác lũ” (giải A Hội Điện ảnh Việt Nam), “Những cánh hoa ngược dòng” (Huy chương Vàng LHP Truyền hình), “Chân dung người tử tù” (giải B Hội Điện ảnh Việt Nam), “Người trong phim” (giải C- Báo chí Quốc gia) … Tôi chỉ cố gắng điểm chút thành tích, nhằm làm sống lại trong hàng ngàn chiến công, cũng như truyền thống kiên cường bất khuất của người phụ nữ Việt Nam. Đó là những nữ tù kiên cường, những nữ chiến sĩ đầy lòng yêu nước đối mặt trước quân thù, những người lính hiên ngang cầm súng … và những người mẹ dũng cảm, giàu lòng thương yêu chở che chăm sóc những người con Cách mạng. Cứ mỗi lần tiếp xúc với các mẹ, các chị, tay máy của tôi như muốn dài ra … để có thể mong sao thu trọn cuộc đời thăng trầm của họ vào ống kính.

Hiện tôi đang thực hiện phim tài liệu (khoảng 20 tập), tạm đặt tên là “Thời tuổi trẻ” đã quay được 2 năm. Bộ phim đề cập tới toàn bộ cuộc sống, cống hiến, hoạt động một thời trong rừng (1960 – 1975) của những người thanh niên với đủ các thành phần nông dân, công nhân, trí thức khắp 3 miền, đặc biệt là những Việt Kiều và người dân sống ở Campuchia tại Trung ương cục miền Nam. Đây là nơi tập hợp lực lượng mặt trận lớn ở miền Nam Việt Nam gồm 24 cơ quan, tổ chức trong rừng của khối dân chính Đảng trung ương cục miền Nam – cũng là nguồn đào tạo cán bộ nòng cốt cho tới khi Sài Gòn giải phóng và tiếp quản thành phố, đề góp phần có được đội ngũ lãnh đạo từ trung ương đến địa phương như ngày nay. Cái khó nhất cho đoàn phim là đi tìm các nhân vật cùng các tư liệu, hình ảnh sống có giá trị. Đoàn đã quay chủ yếu ở Campuchia, Tây Ninh, Tân Trào, Hà Nội, Đồng bằng sông Cửu Long … Đoàn phim rất vinh dự được các đồng chí lãnh đạo Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Bộ Công an hết lòng ủng hộ, tạo nhiều điều kiện để thực hiện bộ phim (Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trước đây đã từng tham gia tại Trung ương cục miền Nam).

Đạo diễn Nguyễn Hoàng cùng các cán bộ bên cầu Hiền Lương

Sau này khi nhận định về yếu tố thắng lợi của dân tộc Việt Nam, đặc biệt về các hoạt động của Trung ương cục miền Nam, ông Kiều Xuân Long (ban liên lạc Đoàn thanh niên các cơ quan dân chính Đảng Trung ương cục miền Nam) đã nhớ lại nhận xét của một người lính Mỹ sau cuộc chiến là: “Chúng tôi, những người Mỹ khi nhận lệnh chiến đấu tại Việt Nam đều có hai việc. Trước khi đi, cầu nguyện cho đừng chết. Sau khi trở về, lại cầu nguyện vì mình may mắn thoát chết. Còn với các ông đã có sự chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt, tổ chức (từ ban tuyên huấn đến các tổ chức chính trị, quân sự, văn hóa và cả văn nghệ … ở Trung ương cục miền Nam) nên các ông đã thắng!”.

Đam mê gắn bó hơn 30 năm với phim tài liệu, có phải do một chút di truyền về người cha – ông Ngô Oanh, nguyên là quay phim- chụp ảnh ở tổ Nhiếp Điện ảnh khu 8 Điện ảnh Bưng Biền năm xưa?

Có! Một chút thôi. Nhưng cũng phải cảm ơn ông già chứ (cười). Song cái duyên thắt chặt với phim tài liệu là do tôi thấu hiểu giá trị đích thực về tính lịch sử quý báu của những thước phim tài liệu.

Anh có thể cho biết một số kinh nghiệm trong quá trình sáng tác phim tài liệu?

Trung thành với đề tài truyền thống, ưu tiên đề tài lịch sử, phát triền mở rộng phim có tính khám phá – truyền hình thực tế. Làm phim là kể một câu chuyện có cảm xúc về các nhân vật và trực diện cuộc sống của họ. Cách kể thật tự nhiên, đời thường, không dàn dựng cầu kì, khai thác tối đa nét đặc trưng của nhân vật, tìm tư liệu đắt, có giá trị. Lời bình cần thì viết, nếu hình ảnh đủ thì thôi. Cương quyết không ép cũng như mớm lời bình. Am nhạc trong phim không phải để minh họa mà phải có cảm xúc ý nghĩa …

Theo anh, trước tình hình Điện ảnh, Truyền hình nước nhà hiện nay, làm thế nào để dòng phim tài liệu có thể đáp ứng 3 nhu cầu: tuyên truyền, giáo dục và phát hành hiệu quả?

Trước hết, do cách nhìn (cái tâm và tầm) của người lãnh đạo thuộc ban ngành quản lý. Thứ nhì, luôn củng cố đội ngũ sáng tác, cần đốt lửa cho các nhà làm phim có sự đam mê làm nghề. Thứ ba, tạo cơ hội tôn vinh, quan tâm đặc biệt về tinh thần và vật chất đề tiếp sức thêm tư duy sáng tạo cho họ.

Riêng với lớp trẻ: cần giúp họ hiểu rõ giá trị của phim tài liệu rồi mới đòi hỏi sự yêu thích, đam mê ở các em. Theo tôi, nếu để truyền kinh nghiệm cho các bạn trẻ thì thiết thực nhất là truyền cho họ những thất bại, sự nuối tiếc của chính mình trong quá trình làm phim. Tóm lại, muốn nói trời đất gì, khi đã làm phim thì phải làm thế nào để khi bộ phim phát sóng, mình không cảm thấy mắc cỡ.

Chân thành cảm ơn và chúc anh thêm nhiều thành công !

Minh Đức