Đề tài đồng tính: Không cấm kỵ nhưng cũng không nên lợi dụng

"Không cấm kỵ nhưng cũng không nên lợi dụng" - Đó là ý kiến của bà Ngô Phương Lan - Trưởng phòng Nghệ thuật - Cục Điện ảnh VN, đồng thời là Trưởng ban Lý luận phê bình - Hội Điện ảnh VN

Nhân vật đồng tính xuất hiện khá nhiều trong các tác phẩm Văn học nghệ thuật (VHNT) thời gian qua, từ văn học đến điện ảnh và truyền hình. Dưới góc nhìn của các nhà quản lý văn hóa, việc này được nhìn nhận ra sao?


Bà Ngô Phương Lan

* Thưa bà, đồng tính là hiện tượng xã hội được phản ánh trong một số phim, như: Gái nhảy, Lọ lem hè phố, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Trai nhảy, Thập tự hoa… và Chơi vơi sắp ra mắt. Bà đánh giá ra sao về cách khai thác hiện tượng này trong những bộ phim nói trên?

- Trong các phim nói trên, đồng tính chỉ là một nhánh nội dung chứ không trở thành chủ đề xuyên suốt. Cách thể hiện không vi phạm những điều cấm kỵ theo luật điện ảnh. Đồng tính không phải đề tài cấm kỵ nhưng cũng không nên lợi dụng nó để câu khách hay phục vụ thị hiếu nào đó. Tôi nghĩ, bản thân những người thuộc giới thứ ba cảm thấy buồn và bị xúc phạm khi văn học nghệ thuật phản ánh họ một cách méo mó. Điện ảnh nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung khai thác đề tài này hay những nhân vật này để hướng về khía cạnh nhân văn thì không ai chỉ trích. Bộ phim đoạt giải Oscar Núi Yên ngựa là câu chuyện ở một vùng đất xa xôi và vào thời điểm cách xa chúng ta nhưng phim vẫn có sức ám ảnh bởi giá trị nhân văn sâu sắc. Ở Hongkong (Trung Quốc), có một LHP dành cho các phim về đồng tính, được tổ chức hàng năm thu hút nhiều nền điện ảnh tham gia. Cuộc sống có nhiều “ngõ ngách” nên hiện tượng đồng tính là một phần hiện thực tất yếu, có thể đưa lên phim. Chúng ta không gạt đề tài này khỏi điện ảnh mà mong muốn việc khai thác đạt được cả ba mục đích: nhân văn, thẩm mĩ và hướng con người tới sự chia sẻ, cảm thông. Không nên khoét sâu thêm thiệt thòi hay sự không bình thường của người đồng tính hay cười nhạo trên nỗi đau của họ.

* Người đồng tính chiếm một phần nhỏ dân số. Ngoài việc hướng tới đối tượng khán giả này thì sự không bình thường của người đồng tính có thể hứa hẹn những nhân vật gây ấn tượng và một bộ phim hấp dẫn?

Nhân vật Cầm (nằm) có những tình cảm “chơi vơi” với Duyên

trong phim Chơi vơi

- Không riêng đề tài này mà bất kỳ đề tài nào, để phim hấp dẫn đòi hỏi các nhà làm phim phải có quá trình tìm hiểu, thâm nhập thực tế, chia sẻ và cảm thông với nhân vật. Cộng với một yếu tố quan trọng bậc nhất là tài năng của người làm phim. Chúng tôi không ủng hộ những bộ phim làm hời hợt, nhất là về hiện tượng đồng tính. Những bộ phim như vậy không tạo nên sự cảm thông mà có thể dẫn khán giả đến cách nhìn lệch lạc, không có lợi đối với điện ảnh và cả người thuộc giới thứ ba. Chúng ta thường mới chỉ mượn hành vi bên ngoài như giả trai, giả gái để bộ phim thêm xôm trò và… gây cười. Kể cả việc khai thác nhân vật đồng tính chỉ để phim “câu khách” cũng không nên. Những con người không bình thường cần sự cảm thông hơn là gây tò mò. Hiện tượng đồng tính cũng chưa đến mức trở thành hiện tượng xã hội nổi bật phải “huy động” các hãng phim vào cuộc.

* Phim truyền hình ngày đang nở rộ nên nhân vật đồng tính cũng xuất hiện trong khá nhiều phim. Với góc nhìn của một khán giả, các nhân vật này có gây được thiện cảm với bà?

- Truyền hình có hệ thống duyệt riêng nên tôi không có ý kiến từ góc độ quản lý. Tôi cũng không xem nhiều phim truyền hình nhưng Cô gái xấu xí dài hàng trăm tập nên thi thoảng, tôi có xem. Với góc nhìn của một khán giả, tôi thấy đối thoại và những hành vi của Hùng Long đôi lúc hơi quá trớn, hơi thô và có cảm giác suồng sã. Hùng Long đem đến cái nhìn có phần lệch lạc về người đồng tính. Nhưng hình như xu thế khai thác các nhân vật dị biệt (trong đó có các nhân vật đồng tính) với những câu thoại thông tục đang được một số nhà làm phim truyền hình chạy theo. Truyền hình phủ sóng rộng nên khai thác những đề tài hay nhân vật nhạy cảm càng cần đạt được ba yếu tố như đã nói ở trên…

“Chưa tìm được những thủ pháp phù hợp để biểu đạt”

Đó là ý kiến của NSND Lê Ngọc Cường- Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH,TT&DL)

* Thưa ông, sân khấu phía Nam có đến hàng chục vở diễn khai thác đề tài đồng tính nhưng chỉ vài vở thành công. Ngoài Bắc, mới có vở kịch hình thể Stereo man của Nhà hát Tuổi trẻ đụng đến đề tài này. Không thể phủ nhận sự thành công của các sân khấu phía Nam khi kịp thời nắm bắt hiện thực xã hội và đáp ứng nhu cầu của công chúng đối những vở diễn đề cập đến vấn đề này…

- Hiện thực đời sống muôn màu, muôn vẻ và điều quan trọng đối với nghệ thuật là chắt lọc những nhân vật, hiện tượng, chi tiết… ngoài đời sống để xây dựng hình tượng nghệ thuật điển hình. Tôi thấy nhiều vở diễn, các tác giả mới chỉ sao chép một vài hiện tượng của đời sống mà quên mất chức năng giáo dục. Vì vậy, phản ánh vấn đề nhạy cảm hay đề tài “nóng” giống như “bày đường cho hươu chạy” và để thỏa mãn trí tò mò của người xem là chính. Việc phản ánh thực tế cuộc sống là cần thiết nhưng phải đạt được chức năng giáo dục và tạo sự cảm thông chứ không phải mô phỏng trần trụi. Điều này phụ thuộc vào trình độ nhận thức và khả năng biểu đạt của nghệ sĩ…

* Các vở diễn có nhân vật đồng tính hướng tới nhu cầu giải trí và đã đạt được mục tiêu này. Vậy theo quan điểm của ông, chức năng giải trí cần đặt ở vị trí nào trong nhiều chức năng của VHNT?

- Hãy coi đó là một trong những chức năng quan trọng. Nhưng giải trí phải mang tính văn hóa chứ không chỉ giải trí thuần túy. Các nhân vật hề chèo của cha ông ta thật hóm hỉnh nhưng rất trí tuệ. Khán giả xem xong về nhà còn cười. Còn một số tác phẩm giải trí hiện nay thường mới chỉ dừng lại ở tính hiện sinh, thỏa mãn tiếng cười tại chỗ. Sân khấu quan tâm đến nhu cầu giải trí và đem đến cái mới lạ trong phản ánh đời sống là điều cần thiết. Nhưng đề tài đồng tình còn khá mới mẻ nên nghệ sĩ có thể còn chưa tìm được những thủ pháp phù hợp để biểu đạt. Sau những sáng tạo nghệ thuật, họ hãy về với công chúng để nhận ra những điểm còn bất cập cần điều chỉnh, sao cho tác phẩm vừa đạt được chức năng giải trí, vừa định hướng giáo dục và thẩm mĩ cho công chúng.


Theo Thể Thao Văn Hóa