Điện ảnh Châu Á: Báo nguy

 

Từ khoảng chục năm nay, điện ảnh châu Á đã chiến thắng như một lực lượng mới trong nền công nghiệp điện ảnh toàn cầu, nhưng tại những nước châu Á có thế mạnh về điện ảnh như Trung Quốc và Hàn Quốc, 12 tháng qua là 12 tháng chật vật trong công tác cứu nguy cho điện ảnh khu vực đang trên đà chựng lại hoặc thoái trào.


Đây có vẻ là một năm nguy kịch đối với điện ảnh châu Á khi nó phải chật vật để đáp ứng những mong đợi của khán giả và để tồn tại được trong một thị trường đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt.

Phim "Tuya's Wedding"


Cơ hội của người này là thảm kịch của người kia

Hoạt động cấp cứu này trùng hợp với sự trổi dậy của thế hệ mới các nhà làm phim trẻ cố ghi dấu ấn trong lịch sử điện ảnh châu lục bằng những bộ phim bám sát cuộc sống đô thị hiện đại, đặc biệt là cuộc sống của giới trẻ,một xung lực của phong trào đổi mới tại châu Á. “Điện ảnh châu Á đang ít dần những tuyên ngôn cao đạo và những định hướng xã hội kiểu áp đặt, mà là hiện thực hóa cuộc sống, bám sát nhịp thở thời đại bằng những bộ phim mà cả nhà sản xuất lẫn đạo diễn của chúng chỉ nhỉn hơn số tuổi bình quân của khán giả đến với phim” – đạo diễn Jacob Wong nhận xét tại Liên hoan phim Hồng Kông.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy các nhà làm phim châu Á không còn trung thành với các đề tài chính trị và lịch sử, mà chuyển sang quan tâm đến tâm tư tình cảm và sự căng thẳng mang tính cá nhân trong cuộc sống đô thị hiện nay. Những gì điện ảnh châu Á giới thiệu tại Liên hoan phim Berlin 2008 và các liên hoan điện ảnh quốc tế khác trong thời gian gần đây đã cho thấy rõ chuyển biến này. Ví dụ như bộ phim Night and Day (Bam gua Nat) của đạo diễn Hàn Quốc Hong Sang Soo, với nhân vật chính mở cuộc trường chinh tìm lại chính mình, hoặc bộ phim Drifting Flowers (Piao Lang Qing Chun) của đạo diễn Đài Loan Zero Chou, nói về 3 phụ nữ sống ở những nơi khác nhau tại đi tìm nhân dạng thực của mình. “Tại Đài loan có nhiều câu chuyện rất thú vị để kể lại mà ở lục địa Trung Quốc không có” – Chang Tso Chi, đạo diễn Đài Loan (được biết đến với bộ phim Soul of a Demon (Hu-tieh) kể về một thanh niên mở cuộc truy xét cội nguồn của mình, chiếu tại LHP Berlin năm nay) nhận xét.

Ngoài bề mặt, điện ảnh châu Á đã có được một năm gặt hái thành công với nhiều giải thưởng lớn tại các liên hoan phim chính như Cannes, Berlin và Venice. Tuy nhiên, phía sau kỹ nghệ điện ảnh tại nhiều nước châu Á đang chịu áp lực mạnh mẽ phải chuyển đổi mà nguyên nhân một phần do sự sụp đổ của thị trường cho vay tín dụng, kinh tế thế giới bất ổn tại những trung tâm chính như Mỹ, khiến việc tìm nguồn vốn và tài trợ cho phim trở nên khó khăn, khán giả cũng ít đến rạp hơn. Nhưng những khó khăn mà điện ảnh châu Á đang gặp phải lại làm tăng cơ hội cho các đạo diễn trẻ có tinh thần dám nghĩ dám làm, đồng thời làm giảm cơ hội “trụ lại sân chơi với bất cứ giá nào” của các đạo diễn lão làng, bảo thủ khi nhiều kịch bản nặng nề mang tính tuyên truyền và tuyên ngôn xã hội của họ bị gác lại. Một số nhà phê bình và quan sát điện ảnh châu Á đưa ra khuyến cáo là những bộ phim sắp sản xuất cần mạnh dạn hơn nữa trong việc mô tả cuộc sống thật đô thị với cả những mặt tốt và xấu của nó. Nên có thêm các bộ phim mang tính thử nghiệm để thăm dò thị hiếu khán giả, trong khi các hãng sản xuất phim tạm thời chọn giải pháp an toàn bằng cách cung cấp cho công chúng các bộ phim hài, kinh dị và hành động “xem xong không cần nhớ”.

Poster phim "Lost in Beijing"


Chưa thấy “công thức đẻ trứng vàng”

Xu hướng này thấy rõ ở Hàn Quốc, đất nước đã tạo ra cú huých mới cho điện ảnh châu Á trong những năm gần đây bằng cái gọi là “Làn sóng Hàn”. Nhưng chỉ sau khoảng 10 năm trổi dậy như “cường quốc sản xuất phim mới của châu Á”, điện ảnh HQ đang trong nguy cơ rơi vào tình trạng như Hồng Kông, một lãnh thổ từng tạo cảm hứng cho các nhà làm phim khu vực và là mỏ vàng của các nhà sản xuất phim ảnh, nhưng suốt 10 năm nay vẫn chưa tìm ra con đường đảo ngược sự thoái trào. Các nhà phân tích còn dự báo chỉ trong vài năm nữa, điện ảnh HQ sẽ bị che phủ bởi những đối thủ mới như Thái Lan và Đài Loan. Những vấn đề của điện ảnh HQ càng trầm trọng hơn khi giới doanh nhân Nhật Bản không còn quan tâm lắm đến làn sóng Hàn. Không quan tâm có nghĩa là tiền đầu tư và tiền mua phim sẽ giảm. Ngoài ra, dưới sức ép của Mỹ, định suất phim nội chiếu tại rạp cũng phải giảm. Quyết định này của chính phủ đã gặp phản ứng quyết liệt của các nhà làm phim, nhưng một số nhà phê bình khuyên họ nên tự xem xét lại chất lượng những bộ phim sản xuất ngày càng sa sút của mình thay vì đổ lỗi cho định suất.

Tại Trung Quốc tình hình cũng chẳng khá hơn. Hiện TQ vẫn còn đang tìm hướng đi sao cho có thể biến Trung Quốc thành siêu cường điện ảnh ngang tầm với tăng trưởng kinh tế. “Phim Trung Quốc cũng phải có sức lan tỏa toàn cầu như hàng hóa của TQ. Chúng không chỉ được người Trung Quốc ưa thích mà cả khán giả châu Á và phương Tây cũng thích chúng” – một nhà làm phim nói. Nhưng mơ mộng vẫn là mơ mộng. “Công thức đẻ trứng vàng” cho điện ảnh TQ vẫn mịt mù. Vì vậy, không ai thấy khó hiểu khi bộ phim Tuya’s Wedding của đạo diễn Trung Quốc Wang Quan nói về một gia đình chăn cừu ở Nội Mông đoạt Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin năm ngoái lại thảm bại về doanh thu khi chiếu rạp. Nhiều hãng phim châu Á tìm đến TQ hợp tác làm phim với hy vọng kiếm ăn tại thị trường khổng lồ này cũng thất vọng. Đó là chưa nói đến lực cản kiểm duyệt như trường hợp bộ phim Lust, Caution của đạo diễn Ang Lee vừa gặp phải. Đây là phim đoạt giải cao nhất tại LHP Venice 2007. Rồi còn lệnh cấm bộ phim Lost in Beijing của đạo diễn người Hoa Li Yu. “Trong tương lai, điện ảnh Hồng Kông sẽ trở thành một phần của điện ảnh lục địa. Những hào quang cũ sẽ mất hết mà hào quang mới thì chưa thấy cuối đường hầm” - Đạo diễn Hồng Kông Johnnie (đạo diễn phim Sparrow (Man Jeuk) tranh giải tại LHP Berlin năm nay) dự báo. Nhưng ông hy vọng điện ảnh Hồng Kông vẫn thoáng hơn trong khâu kiểm duyệt so với điện ảnh lục địa.

Mỹ Lý