Điện ảnh Hoa ngữ: triển vọng cho một giai đoạn thành công rực rỡ?

Số lượng phim của cả ba nền điện ảnh Đại Lục, Hồng Kông và Đài Loan đều tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, ở thời điểm này, điều mà người hâm mộ và giới phê bình trông đợi nhất chính là chất lượng của những bộ phim điện ảnh sắp tới có đủ sức đưa điện ảnh Hoa ngữ bước vào một kỷ nguyên hoàng kim như những năm 80 của thế kỷ trước hay không. Cùng phân tích những xu hướng đang nổi lên rõ rệt của điện ảnh Hoa ngữ để có những dự đoán chính xác của nền điện ảnh đang rộng mở này.

(TGĐA) - Năm 2009 đã đi qua hơn nửa chặng đường, Điện ảnh Hoa ngữ đang trong giai đoạn hoàn tất nhiều dự án của năm nay đồng thời cũng rục rịch chuẩn bị cho những dự án tiếp theo của năm 2010.


Dồn dập những siêu phẩm điện ảnh

Không như trước kia, điện ảnh chỉ là cánh cửa hẹp của một số đạo diễn theo đuổi mục đích nghệ thuật, điện ảnh Hoa ngữ hiện nay là sân chơi rộng cửa cho cả những đạo diễn trẻ và những ai đặt mục đích làm phim cho đại chúng như Phùng Tiểu Cương, Trần Gia Thượng, Trần Mộc Thắng… Giá trị thương mại của các tác phẩm điện ảnh đang được đánh giá trên số lượng vé bán ra và ảnh hưởng của bộ phim đến đa số khán giả.

Xu hướng này khiến nhiều đạo diễn vốn theo đuổi dòng phim nghệ thuật cũng hướng đến số đông khán giả. Ở thế hệ thứ 5 của điện ảnh Đại lục, hai “ông lớn” Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca cũng thực hiện hàng loạt những bom tấn Hoa ngữ từ Vô Cực, Thập diện mai phục, Hoàng Kim Giáp rồi Mai Lan Phương… Đạo diễn Điền Tráng Tráng cũng gây bất ngờ khi công bố dự án Lang lai ký với sự xuất hiện của ngôi sao quốc tế Maggie Q. Lục Xuyên, đạo diễn tiêu biểu của thế hệ thứ 6 trước đây nổi tiếng với khả năng khai thác những đề tài hành động gai góc như trong Khẩu súng biến mất (2002) hay Đội tuần tra núi (2004) sau nhiều năm im hơi lặng tiếng đã trở lại với bộ phim chiến tranh được nhiều nhà phê bình ca ngợi Nam Kinh, Nam Kinh. Không chỉ được lòng giới phê bình, với hàng loạt cảnh chiến trận được giới thiệu là còn thảm khốc hơn sự thực, Nam Kinh Nam Kinh còn lôi kéo được đông đảo khán giả đến rạp, trở thành một minh chứng hùng hồn cho sức mạnh thương mại của một bộ phim chất lượng.

Điện ảnh Hoa ngữ đang ngày càng trở nên phong phú cả về đề tài và cách thể hiện. Tuy nhiên đề tài lịch sử vẫn là miền đất hứa với hàng loạt bộ phim lấy bối cảnh quá khứ từ thời Xuân Thu Chiến Quốc đến những năm đầu thế kỷ trước như Khổng Tử, Mạch điền, Hoa Mộc Lan, Địch Nhân Kiệt. Thập nguyệt vi hành, Phong Thanh, Hồng Hà… Nhiều diễn viên đều kỳ vọng các vai diễn cổ trang sẽ làm bệ phóng tên tuổi trong sự nghiệp diễn xuất của mình như Huỳnh Hiểu Minh, Lục Nghị, Trương Tịnh Sơ… Ngoài trường quay Hoành Điếm vốn là địa chỉ vàng cho các bộ phim cổ trang, điện ảnh Hoa ngữ tiếp tục khai thác lợi thế về phong cảnh như các tỉnh vùng núi phía Nam như Vân Nam, Sơn Đông để tạo nên những thước phim hoàng tráng xứng tầm với những đề tài phản ánh của bộ phim. Hồng Hà, Mạch Điền chưa ra mắt nhưng đều nhận được những lời khen ngợi về hiệu quả hình ảnh khi các đạo diễn tập trung khai thác vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên Trung Quốc.

Poster phim Mạch Điền

Ngoài ra, việc mở rộng kinh phí cho các bộ phim cũng là một trong những yếu tố mà nhà sản xuất coi trọng nhất để nâng cao chất lượng bộ phim. Phong Thanh được tập đoàn giải trí Hoa nghị Huynh đệ đầu tư trên 80 triệu NDT; Mạch Điền có kinh phí 6 triệu USD, đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Hà Bình sau 6 năm vắng bóng. Không công bố chính thức tổng kinh phí song Thập Nguyệt Vi Thành được đầu tư quy mô khá lớn sẽ được lấy bối cảnh chủ yếu tại Thượng Hải, với mục tiêu là lập kỉ lục 400 triệu vé khi ra mắt vào hè năm sau.

Một yếu tố khác quyết định độ ăn khách của bộ phim chính là việc xuất hiện các diễn viên ngôi sao. Những diễn viên nổi tiếng ngày càng bận rộn, nhiều người thậm chí đã tham gia một lúc mấy dự án. Nàng Bạch Tuyết Phạm Băng Băng có mặt trong một loạt các dự án hợp tác quốc tế như Đại náo Shinjuku, Mạch điền, Sophie báo thù, Đông phong vũ, Cảnh sát tương lai, Thập nguyệt vi hành. Một kiều nữ tên Băng khác, Lý Băng Băng cũng chạy show giữa hai dự án lớn và Phong Thanh và Địch Nhân Kiệt. Nam tài tử Huỳnh Hiểu Minh cũng chạy lại giữa phim trường của Phong Thanh và Kiến Quốc Đại Nghiệp. Bất chấp khủng hoảng kinh tế, thị trường phim ảnh Hoa ngữ đang sôi nổi hơn bao giờ hết.

Mềm mại hóa các vấn đề quản lý phim ảnh

Sau thành công đầy tranh cãi của bộ phim Sắc Giới, hầu hết những nhân vật nổi tiếng trong ngành giải trí đều lên tiếng bênh vực nữ diễn viên Thang Duy về lệnh phạt cấm vận hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều người cho rằng, chính sự kiểm duyêt của các cơ quan quản lý đã thu hẹp đề tài và bó buộc khả năng sáng tạo của những nhà làm phim Hoa ngữ. Nhưng may mắn là tình hình này đã dần dần được cải thiện ở nhiều khía cạnh khác nhau.

Poster phim Địch Nhân Kiệt

Một trong những biểu hiện thông thoáng là những bộ phim điện ảnh trước đây bị cấm của dần tìm được đầu ra tại các khu vực mà quản lý điện ảnh thông thoáng hơn hẳn như Hồng Kông. Macao, Đài Loan. Nhiều khán giả đã có dịp tiếp cận với Dòng sông Tô Châu của Lâu Diệc, Đông Cung Tây Cung của Trương Nguyênhay Dưới ánh mặt trời và Ma quỷ ngoài ngưỡng của Khương Văn. Những tên tuổi của thế hệ thứ 6 như Lâu Diệc, Khương Văn hạn chế xuất hiện đình đám nhưng đến nay đều tìm được cách làm những bộ phim mình mong muốn, rục rịch chuẩn bị cho những dự án điện ảnh Nghệ thuật với tham vọng chinh phục các giải thưởng điện ảnh uy tín.

Ở khu vực các phim lưu hành rộng rãi, nhiều bộ phim lấy đề tài phản gián của điện ảnh Hoa ngữ đều dễ dàng vượt qua vòng kiểm duyệt của các cơ quan quản lý điện ảnh, hứa hẹn mang đến cho khán giả những thước phim nghẹt thở. Có những bộ phim vẫn tiếp tục bám đề tài phản gián như Phong Thanh nhưng khai thác nhiều hơn nữa ở khía cạnh cuộc đời mỗi cá nhân nhằm thu hún sự cảm thông của khán giả với cuộc đời mỗi nữ điệp viên. Với Điệp Phong Vũ, đạo diễn Liễu Vân Long cũng chủ động khai thác chiều sâu cảm xúc của nữ gián điệp Quốc dân đảng rơi vào lưới tình đầy éo le với địch thủ là một nghệ sĩ piano đồng thời cũng là một điệp viên hai mang giữa lòng Thượng Hải những năm 1930 – 1940

Ngoài ra, việc hàng loạt những bộ phim tuyên truyền được làm với một phong cách mới đã được giới truyền thông ủng hộ, kéo dần khán giả đến rạp. Thiết nhân, bộ phim người tốt việc tốt kể về tấm gương một công nhân dầu khí trình chiếu vào dịp Quốc tế lao động với giá vé 10 NDT sau nhiều nỗ lực quảng bá đã thu về 20 triệu NDT. Một bộ phim khác Phan Tác Lương, kể về một quan chức họ Phan mẫn cán, chăm lo cho nhân dân đến hơi thở cuối cùng đã thu hút khán giả nhờ cách kể chuyện giản dị, xúc động kết hợp với diễn xuất tinh tế của diễn viên. Sau ba tháng công chiếu, bộ phim thu về 100 triệu NDT, một kết quả khả quan đủ sức động viên nhiều đạo diễn tiếp tục làm các bộ phim về đề tài này.

Ngoài ra, không thể không kể đến Kiến Quốc đại nghiệp - bộ phim về đề tài cách mạng, dự kiến công chiếu vào dịp lễ Quốc khánh năm nay của Trung Quốc cũng năm kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước CHND Trung Hoa. Bộ phim được đầu tư 30 triệu NDT, do Hàn Tam Bình làm tổng đạo diễn, lấy bối cảnh chính những năm khói lửa 1948, kể về câu chuyện lịch sử viên thị vệ trưởng Lý Ngân Kiều đã xả thân để cứu thoát Mao Trạch Đông. Phim có sự tham gia của hàng loạt các ngôi sao lớn của điện ảnh Hoa ngữ như Đường Quốc Cường (vai Mao Trạch Đông), Lưu Kình (vai Chu Ân Lai), Vương Học Kỳ (vai Lý Tôn Nhân), Hứa Tinh (vai Tống Khánh Linh), Vương Băng (vai Trương Lan), Kim Hâm (vai Lý Tề Thâm), Tu Tôn Địch (vai Phó Tác Nghĩa), Vương Kiện (vai Nhậm Bật Thời), Trần Khôn (vai Tưởng Kinh Quốc), đạo diễn Trần Khải Ca (vai Phùng Ngọc Tường), Khương Văn (vai Mao Nhân Phượng), Lưu Đức Hoa (vai Châu Chí Nhu), đạo diễn Phùng Tiểu Cương (vai Đỗ Nguyệt Sênh), Vương Học Kỳ (vai Lý Tôn Nhân), Trần Hảo (vai Phó Đông Cúc), Hồ Quân (vai Cố Chúc Đồng), Triệu Vy (vai nữ đại biểu cách mạng), Trần Đạo Minh (vai Diêm Cẩm Văn), Cát Ưu (vai Lư Quảng Thanh), Tôn Hồng Lôi (vai Hồ Lập Vỹ), Chương Tử Di (vai đại biểu giới văn hóa), Lưu Diệp (vai lính Hồng quân), Phùng Viễn Chinh (vai Phó Kinh Ba), Huỳnh Thánh Y (vai nhân viên đài phát thanh), Chân Tử Đan (vai Điền Hán), Huỳnh Hiểu Minh (vai Lý Ngân Kiều), Đặng Siêu (vai Từ Bi Hồng), Đồng Đại Vy (vai Khổng Linh Khản)…. Có thể thấy rất nhiều ngôi sao không hề so đo tính toán về thù lao, về vai diễn lớn nhỏ, về thời gian xuất hiện trên phim mà chỉ cần góp mặt trong bộ phim này là đủ.

Poster phim Phong Thanh

Mở rộng hợp tác quốc tế

Xu thế mở rộng hợp tác và dẫn đầu trong việc làm phim ở khu vực châu Á của các nhà làm phim Hoa ngữ hiện nay là không thể phủ nhận. Đó cũng là một biểu hiện của xu thế toàn cầu hóa trong lĩnh vực điện ảnh. Sự hợp tác quốc tế trong nhiều dự án đã củng cố tiềm lực kinh tế và nhân sự của mỗi dự án điện ảnh Hoa ngữ

Hiện nay, siêu phẩm 1949 của Ngô Vũ Sâm với sự tham gia của Trịnh Hạo Nam, Đàm Diệu Văn, Trương Chấn, Dương Tử Quỳnh, Song Hye Kyo…đang thu hút sự chú ý của khán giả nhất. Ngoài dàn diễn viên sao lấp lánh, bộ phim còn nổi tiếng vì nhà sản xuất đã chi một khoản tiền lớn để xây dựng một con tàu sang trọng làm bối cảnh cho phim. 1949 được kỳ vọng sẽ trở thành Titanic của châu Á, lập được những kỳ tích ở cả doanh thu phòng vé và các liên hoan phim danh tiếng. Sophie báo thùcũnglà dự án điện ảnh đình đám quy tụ dàn sao lấp lánh: Phạm Băng Băng, So Ji Sub (Hàn Quốc), Chương Tử Di. Bộ phim hài pha trộn kinh dị này là tác phẩm đầu tiên mà ngôi sao quốc tế Chương Tử Di đảm nhận nhiệm vụ nhà sản xuất và diễn viên chính.

Thực ra, hợp tác quốc tế không phải là điều gì xa lạ với điện ảnh Hoa ngữ. Trước đây, Hollywood đã có những bước thăm dò và hợp tác với điện ảnh Trung Quốc qua việc các hãng phim như Walt Disney và MGM nghiên cứu thị trường, chuyển giao công nghệ và . Đây là một sự hợp tác đôi bên đều có lợi vì khi phim quay tại Trung Quốc sẽ giảm phần lớn chi phí so với việc quay phim tại Mỹ và giúp Hollywood mở rộng thị trường sang châu Á. Về phần mình, Trung Quốc tận dụng được sức mạnh của Hollywood để phát triển điện ảnh của mình, hướng đến tự lực sản xuất những bộ phim hoành tráng cung cấp cho thị trường Mỹ. Sự có mặt ngày càng đa dạng các tác phẩm điện ảnh của các đạo diễn Trung Quốc tại các rạp chiếu phim trên thế giới đã nói lên điều đó. Ngoài ra, gần đây, sự kiện đạo diễn trẻ Trần Mộc Thắng làm phim Xin đừng gác máy dựa trên phim từ phim Cellular của Hollywood cũng phần nào mang lại thành công đã khẳng định tính giao lưu hóa ngày càng rõ rệt của điện ảnh Hoa ngữ.

Một điểm chú ý khác chính là việc các nhà sản xuất chương trình giải trí Hoa ngữ đang tận dụng sự có mặt của người nước ngoài trong các sản phẩm của mình để thu hút đông đảo khán giả. Ngay chính một số diễn viên phương nước ngoài cũng nhận thấy đây là cơ hội tốt cho họ phát triển sự nghiệp vì đôi khi ngay tại quê hương không còn chỗ “chen chân”. Các sao Hàn So Ji Sub, Song Hye Kyo đầy hồ hởi khi tham gia các dự án điện ảnh Trung Quốc. Đặc biệt trong Hoa Mộc Lan, thù lao cho diễn viên khách mời – ca sỹ người Nga Vitas mời thậm chí còn cao hơn cả nữ diễn viên chính Triệu Vi

Xu hướng hợp tác quốc tế trong nền điện ảnh Hoa ngữ còn khiến cho tên tuổi nhiều ngôi sao có điều kiện tỏa sáng ngoài biên giới Trung Quốc Sau Châu Nhuận Phát, Lương Triều Vỹ, Củng Lợi, Chương Tử Di những tên tuổi như Trương Tịnh Sơ, Huỳnh Hiểu Minh, Lương Lạc Thi đang tìm đường đến với thế giới. Tại Châu Á hiện nay, trong khi tầm ảnh hưởng của điện ảnh Hàn Quốc đang dần bị lu mờ do ảnh hưởng tiêu cực của các scandal thì điện ảnh Hoa ngữ đang dần lấy lại vị thế xứng đáng của mình.

Các sao Hoa Ngữ tụ hội tại LHP

Từng bước hình thành một nền điện ảnh Hoa ngữ thống nhất

Đã hơn một thập kỷ kể từ khi Hồng Kông trở thành khu hành chính đặc biệt của CHND Trung Hoa. Hai nền điện ảnh vốn khác biệt nhau khá lớn về phong cách đang dần dần tìm lại được tiếng nói chung cả về đề tài, lực lượng đạo diễn, diễn viên và ngôn ngữ thể hiện. Nói một cách khác ranh giới giữa hai nền điện ảnh này cũng dần bị xóa nhòa.

Nhớ lại giai đoạn đầu khó khăn khi Hồng Kông trở về với Trung Quốc từ năm 1997, Hollywood phướng Đông đã phần nào sa sút sau cú sock chuyển giao thế hệ và thay đổi cách quản lý. Nhiều đạo diễn và các diễn viên tên tuổi chững lại trong khi lớp trẻ chưa kịp thích nghi để phát huy khả năng của mình khiến điện ảnh Hồng Kông nói riêng và điện ảnh Hoa ngữ nói chung có nguy cơ đánh mất vị trí của mình trong khu vực và quốc tế. Chính các đạo diễn và diễn viên Hồng Kông đã chủ động làm cuộc cách tân. Các đạo diễn trẻ Hồng Kông tìm cách hợp tác với các bạn đồng nghiệp và các diễn viên đến từ Đại lục, thực hiện những tác phẩm điện ảnh nói tiếng phổ thông với nội dung và cách thể hiện phong phú. Các tác phẩm hợp tác giữa các hãng sản xuất phim Hồng Kông với diễn viên Trung Quốc hoặc ngược lại ngày càng trở nên phổ biến. Sau những siêu phẩm đình đám như,Phụ nữ không xấu, Họa Bì, Xin đừng gác máy… cũng đều là những bộ phim được đánh giá cao,

Nhiều diễn viên xứ Cảng thơm cũng tìm đường phát triển sự nghiệp tại Đại lục. Trương Mẫn, một nữ diễn viên trẻ hồ hởi nói: “Hiện nay, các diễn viên Hồng Công đều nhận ra rằng, chỉ khi nổi tiếng tại đại lục thì đó mới là nổi tiếng thật sự”. Thù lao đóng phim ở Đại lục cũng cao hơn, vì thế không có gì đáng ngach nhiên khi ngày càng có nhiều diễn viên Hồng Công sang Đại Lục đóng phim. Hãng truyền hình TVB lớn nhất Hồng Kông cũng đã và đang nhắm vào khai thác thị trường giải trí có đến 1,3 tỉ dân qua việc hợp tác làm phim, tổ chức chương trình ca nhạc, game show, tích cực đưa diễn viên của mình tiếp cận với khán giả Đại lục, mở trường đào tạo diễn viên ở đây. Ngay cả Ngôi sao võ thuật Thành Long cũng có kế hoạch thành lập một hãng phim Mỹ ngay trên đất Trung Quốc, mang tên Chan Ratner Company. Thành Long mong muốn Trung Quốc và Mỹ - hai kinh đô điện ảnh lớn nhất thế giới, có thể bắt tay với nhau. Anh khẳng định: “Tôi có thể sản xuất những bộ phim Mỹ ở Trung Quốc và Brett Ratner, đạo diễn của bộ phim Giờ cao điểm sẽ là người cố vấn của tôi”.

Ngay cả điện ảnh Đài Loan, từ lâu đã ít nhiều đã tiếp nhận những ảnh hưởng của điện ảnh Đại lục vì cùng sử dụng tiếng Quan Thoại nay lại càng gắn bó nhiều hơn với điện ảnh Đại lục. Những ngôi sao của Đài Loan như Trương Chấn, Hoắc Kiến Hoa, Mã Cảnh Đào, Lâm Tâm Như…đều chăm chỉ ở Đại lục đóng phim.Các diễn viên Trung Quốc cũng xuất hiện đều đặn trong các dự án điện ảnh Đài Loan như Thang Duy, Triệu Vy, Trần Khôn. Luật bất thành văn trước đây hạn chế số lượng diễn viên Đài Loan là ba diễn viên trở lại thì nay những quy định về hành chính đó hoàn toàn rộng mở. Điện ảnh Đại lục, điện ảnh Hồng Kông, điện ảnh Đài Loan tuy ba mà một, hứa hẹn một viễn cảnh cho sự thịnh vượng chung của điện ảnh Hoa ngữ.

Điện ảnh Hoa ngữ đang đứng trước những vận hội và cả những thách thức. Ngoài những điểm tích cực, cũng còn đó những vấn đề của nền điện ảnh lớn nhất nhì thế giới này phải đối mặt như sự bùng nổ thái quá của những phim bom tấn, những khắt khe khó lý giải của vấn đề kiểm duyệt, sự xâm thực văn hóa của các nền điện ảnh khác…Tuy nhiên, đông đảo khán giả và những nhà phê bình đều kỳ vọng vào những bước đổi mới không ngừng, sẽ đưa điện ảnh Hoa ngữ lên vị trí xứng đáng trong khu vực và quốc tế.

Mỹ Trang