Điện ảnh Hollywood và thế giới - Một thập kỷ nhìn lại

Yếu tố Iraq

(TGĐA) - Thập kỷ này bắt đầu bằng sự bùng nổ của cơn sốt "bom tấn" và ảnh hưởng bởi tình hình chiến sự thế giới. Nỗi sợ hãi về bạo lực và chiến tranh đã trở thành đề tài chính yếu trong thập kỷ cùng với sự phát triển của nhiều nền điện ảnh trên khắp thế giới. Dẫn đầu làn sóng bùng nổ là hai thị trường Bollywood và Trung Quốc, các nhà làm phim Châu Âu vẫn kiên định với thể loại phim thiên về nghệ thuật và triết học. Sự xuất hiện của những nhân tố công nghệ mới như internet, DVD và 3D đã khiến lịch sử điện ảnh bước sang một nấc thang mới.


Thập kỷ bắt đầu bằng những bộ phim hành động bom tấn, những ngôi sao thống trị màn ảnh nhỏ cùng với phim gia đình và phim hài. Nhân tố 9/11 không ảnh hưởng tới điện ảnh cho tới vài năm sau đó. Cũng như bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử nước Mỹ, các nhà làm phim luôn tìm đến với một bộ phim thoát ly. Từ năm 2003 cho tới cuối thập kỷ, những bộ phim về đề tài chiến tranh như Mystic River của Clint Eastwood, Man on Fire của Tony Scott, The Brave One của Neil Jordan đều tái thiết lập một đề tài về những cuộc báo thù, đưa luật pháp vào tay một người đàn ông, một chủ đề chưa được khảo sát trên một quy mô rộng lớn như vậy từ năm 1970.

Cảnh trong phim There Will Be Blood thể hiện tinh thần của thời đại Bush
Cảnh trong phim There Will Be Blood thể hiện tinh thần của thời đại Bush

Dễ thấy, thường những bộ phim hành động bạo lực sẽ có doanh thu cao hơn các bộ phim về chính trị. Sự trở lại của những người hùng Indiana Jones hay Die Hard vẫn thu hút rất nhiều khán giả. Sự thành công không ngờ của những bộ phim như The Passion of the Christ. Đặc biệt là loạt phim kinh dị thành công nhất thập kỷ mặc dù bị đánh giá thấp về chất lượng, có chi phí không cao là Saw, Hostel (Hiện nay bộ phim đã ra tới 7 phần và vẫn luôn thu hút khán giả đến rạp mỗi dịp Hallowen). Trong năm 2007, sau sự thất bại của các cuộc xâm lược Iraq, những bộ phim hướng về hệ tư tưởng sau cuộc chiến tranh bắt đầu "xâm lược" các rạp chiếu phim. Hệ quả của cuộc chiến đối với nhiều cựu binh được thể hiện qua không ít tác phẩm thành công, There Will Be BloodNo Country for Old Men là hai ví dụ điển hình thể hiện tinh thần của "thời đại Bush". Ngay cả các bộ phim "mì ăn liền" bom tấn như Star Wars, Batman, Spider ManJames Bond cũng đều có chứa yếu tố của sự báo thù. Đây cũng là thập kỷ kết thúc chủ nghĩa Anh hùng Mỹ từng làm mưa làm gió trong những năm 90. Bộ phim có doanh thu kỷ lục thứ 3 mọi thời đại là The Dark Knight của đạo diễn Christopher Nolan trở thành điểm kết cho chủ nghĩa Anh hùng.

Dòng phim độc lập bắt đầu được chú ý

Từ quan điểm về tài chính, nền phim ảnh độc lập của Mỹ bắt đầu xuất hiện khi các hãng phim tiến sát gần bờ vực của sự tồn tại. Một số hãng phim độc lập lớn như Picturehouse, Warner Independent và THINKFilm sụp đổ. Miramax, một trong số những hãng phim độc lập mạnh nhất Hoa Kỳ cắt giảm hoạt động của mình chỉ còn 70% trong khi Paramount Vantage hợp nhất vào với công ty mẹ Paramount Pictures. Chi phí sản xuất trung bình của một bộ phim ở tầm trung cũng tăng vọt lên tới 49,2 triệu đô la. Trong đó lằn ranh giới mỏng manh giữa phim độc lập và phim studio dần bị xóa mờ. Không có sự "chống lưng" của bất kỳ hãng phim nào, các nhà làm phim độc lập như Ramin Bahrani (Man Push Cart), Kelly Reichardt (Wendy and Lucy), Kim So Young (Treeless Mountain) đã thu hút được không ít khán giả từ thị trường. Các phong trào Tân hiện thực tại Mỹ được dẫn đầu bởi David Gordon Green, nhà sản xuất của bộ phim George Washington bên cạnh Bahrani, Reichardt và Kim đã trở thành một trong số những "nhà khai sáng" mới của phim ảnh Mỹ trong thập kỷ này. Một trong những hiện tượng của thập kỷ là Judd Apatow, đạo diễn của bộ phim The 40 Year Old VirginKnocked Up và một số những bộ phim hài lấy đề tài nam giới được đặt tên là dòng phim "bromances". Về mặt nghệ thuật, Hollywood đạt đến một "mức thấp hơn" vào cuối thập kỷ khi các ý tưởng phụ thuộc hầu hết vào phần tiếp theo của những bộ phim bom tấn, làm lại và chủ yếu là dựng lại từ truyện tranh với những công thức làm phim khiến khán giả mệt mỏi. Dù vậy, kỷ lục doanh thu phòng vé vẫn tiếp tục đạt đến những mốc mới và ngành công nghiệp điện ảnh đã trở thành một ngành công nghiệp ổn định, "luôn hái ra tiền" sau mỗi năm.

Thập kỷ của phim tài liệu

Đây là một thập kỷ của những bộ phim không hư cấu. Vượt qua khỏi ranh giới nhỏ bé của những bộ phim tài liệu trước đây chỉ được giới hạn trong những buổi chiếu ở các Liên hoan phim, rạp chiếu nghệ thuật, trong thập kỷ này xuất hiện những bộ phim tài liệu được đông đảo khán giả yêu thích. Sự hấp dẫn chủ yếu của đề tài phim tài liệu là nó không chỉ pha trộn giữa hiện thực, giải trí mà còn đề cập đến những vấn đề cấp bách hiện tại cuộc sống. Mỹ là nước đi đầu trong làn sóng này, được dẫn đầu bởi Michael Moore, người từng giành giải Cành cọ vàng cho bộ phim tài liệu Fahrenheit 9/11, đây là bộ phim tài liệu đầu tiên và duy nhất cho đến bây giờ vượt qua được cột mốc 100 triệu đô la doanh thu. Sự phổ biến của các tài liệu nhờ internet và sự tiến bộ của công nghệ đã dẫn đến sự phát triển của thể loại này với rất nhiều bộ phim ăn khách như: đề tài tự nhiên (March of the Penguins, The Cove), các nhân vật có thật (Grizzly Man, The Terror's Advocate), thể thao (Tyson, Maradona), thực phẩm (Super Size Me, Our Daily Bread), công nghiệp (I.O.U.S.A., The Corporation) và chiến tranh (The Fog of War, No End in Sight). Trong nửa sau thập kỷ, sự nóng lên toàn cầu trở thành một đề tài "hot" với các nhà làm phim. Một số các bộ phim với nội dung này như An Incontinent Truth, The 11th HourThe Age of Stupid. Ngay cả một số bộ phim điện ảnh cũng có nội dung ảnh hưởng và rất ăn khách như WALL-E Avatar.

Bên ngoài Hollywood

Bên cạnh kinh đô điện ảnh của thế giới là Hollywood, hiện tượng điện ảnh lớn nhất trong thập kỷ chính là việc nở rộ thị trường bản địa ở khắp các quốc gia. Một số quốc gia bao gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Nigeria và Trung Quốc đã chứng chiến sự gia tăng của các sản phẩm địa phương và hàng loạt rạp chiếu bóng mới được xây dựng. Các bộ phim nhiều thể loại thống trị các rạp chiếu, bao gồm cả ở Pháp, một pháo đài của nghệ thuật điện ảnh. Năm 2008, bộ phim hài hước về nông thôn mang tên Bienvenue chez les Ch'tis đã trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại của điện ảnh Pháp. Đức đã chính thức đối mặt lại với quá khứ của dân tộc mình với hàng loạt những tác phẩm trong thời đại phát xít và giai đoạn cuối của chế độ cộng sản ở Đông Đức. Các bộ phim như Downfall, Goodbye Lenin, The Lives of Others mang tới cho Đức một hương sắc điện ảnh mới.

Điện ảnh Ý chứng kiến sự hồi phục quan trọng với các bộ phim như Gomorra của Matteo Garrone, Il Divo của Paolo Sorrentino và tác phẩm đoạt giải Cành cọ vàng The Son's Room của Nanni Moretti. Bên cạnh đó điện ảnh Tây Ban Nha vẫn gắn liền với cái tên của đạo diễn lừng danh Pedro Almodóvar. Ngoài ra một số bộ phim đáng chú ý là The Sea Inside của Alejandro Amenábar và The Orphanage của Antonio Bayona đã thu hút sự chú ý dù cho điện ảnh nước này vẫn bị phụ thuộc bởi sự độc quyền của truyền hình trong ngành sản xuất phim.

Cảnh trong phim Tâm trạng khi yêu
Cảnh trong phim Tâm trạng khi yêu

Khác biệt với Hollywood, các nhà làm phim Châu Âu vẫn không quá đặt nặng yếu tố thương mại trong các bộ phim của mình, điển hình là các bộ phim Tây Âu vẫn thống trị các Liên hoan phim. Những cái tên như Michael Haneke, Lars von Trier, Claire Denis và anh em nhà Dardenne đã có những tác phẩm hay nhất của mình trong thập kỷ và mỗi tác phẩm đều thách thức những khái niệm mới lạ, một điều mà những bộ phim nghệ thuật cần học hỏi. Tại khu vực Châu Á, Vương Gia Vệ với bộ phim "tràn đầy cảm xúc nhất thập kỷ" là Tâm trạng khi yêu đã chiến thắng tại nhiều LHP, bộ phim cũng lọt vào nhiều bảng xếp hạng về phim của Châu Âu, Mỹ. Ở Nhật Bản, Takeshi Kitano và Kiyoshi Kurosawa đã thực hiện một sự thay đổi ấn tượng đối với các đạo diễn phim qua DollsTokyo Sonata.

Bollywood vươn lên một tầm cao mới

Tại Ấn Độ, sự hồi sinh của điện ảnh Bollywood tiếp tục phát triển, một số nhà làm phim mới như Anurag Kashyap (Black Friday), Rahul Dholakia (Parzania) và Rituparno Ghosh (The Last Lear) đã phá vỡ những công thức làm phim bình thường với những nhân vật có tính cách táo bạo và những câu chuyện sâu sắc đầy thực tế. Bollywood cũng tiếp tục vươn ra thị trường nước ngoài với rất nhiều xuất chiếu tại các nhà hát của London và New York. Ngành công nghiệp phim Mumbai ghi dấu thành công lớn tại quốc tế trong thập kỷ này với bộ phim Lagaan năm 2002, đây là bộ phim đầu tiên của Ấn Độ nhận được đề cử cho Hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất của Viện Hàn Lâm Mỹ từ sau bộ phim Salaam Bombay! năm 1989 và trong năm 2003 bộ phim Devdas được đề cử cho phim nước ngoài tại giải thưởng BAFTA. Không thể xâm nhập vào thị trường Ấn Độ từ bên ngoài khi chỉ chiếm 8% thị phần phim Bollywood, các nhà làm phim Hollywood quyết tâm xâm nhập thị trường từ bên trong. Các hãng phim lớn như Sony, Warner Brothers, Walt Disney và 20th Century Fox đều xây dựng các chi nhánh sản xuất phim của mình tại Ấn Độ. Có thể nói đây là thập kỷ mà các nhà làm phim từ Hollywood lại trở thành người cố gắng phát triển tại một thị trường được đánh giá là phát triển nhanh bậc nhất thế giới.

Poster bộ phim The Sea Inside của điện ảnh Tây Ban Nha
Poster bộ phim The Sea Inside của điện ảnh Tây Ban Nha

Sức ảnh hưởng của các nhà làm phim nước ngoài

Những bộ phim hấp dẫn nhất của thập kỷ lại đến từ những quốc gia không ngờ tới. Đạo diễn Thái Lan Apichatpong Weerasethakul làm giới nghệ thuật bất ngờ bằng hai bộ phim Tropical Malady, Syndromes, đạo diễn Argentina Lucrecia Martel (The Holy Girl, The Headless Woman) lại khiến giới phê bình chú ý với những lý luận của cô về giai cấp. Đạo diễn Trung Quốc theo đuổi trường phái hiện thực là Giả Chương Kha với 3 bộ phim Platform, The World, Still Life đã để lại một dấu ấn lớn trong nền điện ảnh của thập kỷ. Phong cách nghệ thuật của anh trở thành một hình mẫu cho phim nghệ thuật hiện nay. Những bộ phim của anh hầu hết là những chiêm nghiệm về sự hủy diệt của nền văn hóa truyền thống khi phải đối mặt với xu hướng toàn cầu hóa, thể hiện rõ được một bộ mặt khác của Trung Quốc chưa từng thấy trước đây. Những cảnh quay dài cùng sự kết hợp giữa phim tài liệu và phim hiện thực trở thành phong cách nổi tiếng của điện ảnh thế kỷ mới.

Phát hiện quan trọng nhất của thập kỷ là nền điện ảnh Rumani. Nền điện ảnh được thừa hưởng nền điện ảnh từ thời Xô Viết với những bộ phim hài đả kích chế độ áp bức Ceausescu trước hiện tại thất bại của bộ máy nhà nước quan liêu. Các bộ phim kinh phí thấp như của đạo diễn Cristi Puiu (The Death of Mr.Lazarescu), Corneliu Porumboiu (12:08 East of Bucharest), Cristian Nemescu (California Dreamin') và bộ phim đạt giải Cành cọ vàng 4 Months, 3 Weeks and 2 Days của đạo diễn Cristian Mungiu đã đưa điện ảnh Rumani lên vị trí tiên phong của điện ảnh thế giới.

Cảnh trong phim 4 months, 3 weeks and 2 days của điện ảnh Rumani
Cảnh trong phim 4 months, 3 weeks and 2 days của điện ảnh Rumani

Yếu tố Trung Đông

Sau nhiều năm tăm tối, điện ảnh Trung Đông bắt đầu phát triển trong thập kỷ này. Vốn bị mắc kẹt với tên gọi "nền điện ảnh sơ sinh" trong nhiều thập kỷ, điện ảnh Ả Rập đã từng bước thành công trong việc khiến bạn bè quốc tế công nhận với các tác phẩm như Cộng hòa Lebanon có tác phẩm Caramen của Nadine Labaki, Morocco có tác phẩm Ali Zaoua của Nabil Ayouch và Ai Cập có tác phẩm The Yacoubian Building của Marwan Hamed. Bên cạnh đó, điện ảnh Iran vươn lên trở lên nền điện ảnh thành công nhất trong khu vực. Các chính quyền mới bảo thủ vẫn không nhượng bộ cho những tác phẩm điện ảnh với nội dung phong phú. Điều này dẫn đến tình trạng hầu hết những tác phẩm này đều thành công và được vinh danh ở nước ngoài và "yểu mệnh" tại thị trường nước nhà nhiều quy định và kiểm soát chặt chẽ. Phim hài và phim truyền hình gia đình nắm giữ thị phần trong nước và chỉ có một số ít nhà làm phim tự sản xuất những bộ phim của mình. Hai thiệt hại đáng tiếc nhất của thập kỷ là sự từ bỏ quốc tịch Iran của nhà làm phim Mohsen Makhmalbaf, đạo diễn bộ phim Kandahar, một trong những nhà làm phim xuất sắc nhất Iran đã chuyển tới Paris sau khi Ahmadinejad nắm quyền trở thành Tổng thống thứ 6 của Iran. Tiếp đó là Bahman Ghobadi, một nhân vật đi đầu trong làn sóng mới của Iran đã buộc phải sống lưu vong trong năm vừa qua sau khi bộ phim thứ 5 của ông là Nobody Knows About Persian Cats ra mắt tại Cannes. Bộ phim xoáy sâu vào hai nhân vật chính là hai nhạc sĩ trẻ sau khi ra tù quyết định rời khỏi Iran. Hành trình của hai nghệ sĩ miêu tả và đả kích cuộc sống nghệ thuật bị kiểm soát và cấm đoán hà khắc tại Iran. Tình hình trở nên nghiêm trọng khi các nhà chức trách Iran công bố quan điểm của mình là các đạo diễn, diễn viên làm phim bất hợp pháp "sẽ bị trừng phạt". Một số sản phẩm hiếm hoi của Iran vẫn thành công dù cho phải nằm trong hạn chế là The CircleCrimson Gold của Jafar Panahi , A Time for Drunken Horses, Turtles Can Fly của Ghobadi...

Poster bộ phim tài liệu March of the Penguins
Poster bộ phim tài liệu March of the Penguins

Sự ảnh hưởng của quảng cáo đối với thành công của một bộ phim

Sự lên ngôi của internet đồng nghĩa với việc phương thức quảng cáo trước đây của một bộ phim cần phải thay đổi.

Nếu như một hãng phim nghĩ rằng "bộ phim này có cơ hội thu về 150 triệu đô la ở thị trường Bắc Mỹ", vậy thì số tiền bỏ ra cho một chiến lược quảng bá toàn cầu của bộ phim sẽ vào khoảng 100 triệu đô. Còn nếu ít hơn, khoảng 50 triệu đô, thì số tiền bỏ ra cũng vào khoảng 30-40 triệu đô la.

Trong hai quý đầu năm, hơn 1,7 tỉ đô la đã được sử dụng để quảng cáo cho những "bom tấn" sắp ra mắt, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù năm nay là năm suy thoái về kinh tế. Thông tin này được cung cấp bởi Nielsen Monitor-Plus. Trong năm 2002, con số này là 1% tổng số tiền cho một bộ phim được chi cho quảng cáo trên mạng. Một vài năm sau, con số này tăng lên 4,4% theo báo cáo từ năm 2007 của MPAA ( Hiệp hội phim Mỹ). Ngày nay, 8-12% số tiền markerting cho phim được chi cho quảng cáo trên internet. Lấy ví dụ với bộ phim Avatar, được đánh giá là bộ phim có giá trị nhất trong năm 2009 của hãng 20th New Century Fox. 10% trong số tiền 250 triệu đô la được chi cho quảng cáo trên các website trong khi họ chỉ mua đúng một trang quảng cáo trên hai tờ Los Angeles Times và New York Times để quảng cáo cho phim trong ngày ra mắt. Điều này chứng tỏ sức ảnh hưởng của những tờ báo mạng và hiệu quả mà nó mang về so với báo giấy.

Poster phim No country for old men
Poster phim No country for old men

Bên cạnh đó, một hình thức quảng cáo truyền thống khác là các bảng hiệu quảng cáo ngoài trời cũng đang ít dần đi để dành ưu thế cho những chiến dịch quảng cáo online. Năm nay hãng Sony vẫn dành 8-12% tiền đầu tư cho những tấm áp phích ngoài trời trong khi những năm trước số tiền này lên tới 20%.

Sự xuất hiện của DVD

DVD ra đời, mở ra một thời kỳ mới cho hệ thống phân phối phim và thật không "ngoa" khi nói rằng hệ thống DVD là một "cỗ máy in tiền". Năm 2006, thị trường phim đĩa DVD đạt mức 24 tỉ đô la. Hollywood trở thành một nhà phân phối phim lớn hơn bao giờ hết với sự hợp tác của rất nhiều hệ thống bán lẻ như Wal-mart... Năm ngoái, doanh thu từ DVD tụt xuống còn 21,6 tỉ đô la. Với hệ thống cửa hàng cho thuê đĩa rất rẻ, giờ đây khán giả có thể ngồi nhà và thưởng thức những bộ phim với một chất lượng tuyệt vời.

Cảnh trong phim Avatar - bộ phim minh chứng cho thành công của PR trên Internet và công nghệ 3D
Cảnh trong phim Avatar - bộ phim minh chứng cho thành công của PR trên Internet và công nghệ 3D

3D là câu trả lời cho một thời kỳ phim mới

Năm 2008, các rạp chiếu phim 3D thu được 307 triệu đô la. Năm 2010, con số này lên tới 1,3 tỉ đô la. Điều này đến từ siêu phẩm của hãng Fox mang tên Avatar. Dù cho giá vé cao hơn thế nhưng khán giả có dịp chiêm ngưỡng những bộ phim ở một góc độ khác, chân thực và sống động hơn rất nhiều. Bộ phim Avatar ra đời khiến thị trường phim 3D chuyển mình, mở ra một thời kỳ thịnh vượng cho dòng phim này.




Thanh Huyền