Điện ảnh Nam Bộ: Huyền thoại tự hào hôm qua, hôm nay

(TGĐA) - Lịch sử cứu nước của dân tộc ta luôn tạo nên những huyền thoại đáng tự hào. Quá trình hoạt động của Điện ảnh Nam bộ, cũng như Điện ảnh Đồi cọ ở Việt bắc, là một trong số những huyền thoại ấy. Bằng những cố gắng phi thường, Điện ảnh Nam bộ đã tự sinh thành và trưởng thành, bất chấp mọi cản ngại gian khó, vượt qua hàng loạt hạn hẹp về kiến thức chuyên sâu, về kinh nghiệm cũng như thiết bị hành nghề tối thiểu; đã vững vàng chung sức cùng dân tộc vượt qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc trường kỳ. Cùng Điện ảnh cả nước, Điện ảnh Nam bộ đã lập nên kỳ tích xây dựng thành công nền điện ảnh cách mạng đậm lý tưởng nhân văn, giàu chất giọng nghệ thuật dân tộc trong điều kiện đặc biệt lạc hậu kỷ thuật công nghệ và thiếu thốn mọi bề. Chính bỡi thành công kỳ diệu đó, mà tháng 11 năm 1997, tại Liên hoan phim Quốc tế Amiens lần thứ 17 ở Pháp – đất nước khai sinh ra nền điện ảnh nhân loại từ những năm cuối thế kỷ 19, với tên tuổi lẫy lừng của nhà sáng lập Lumière; đã long trọng tôn vinh đạo diễn – nhà quay phim Khương Mễ của điện ảnh Việt nam- đại diện những chiến sĩ – nghệ sĩ làm phim Bưng biền Nam bộ, là “Lumière của Việt Nam”. Chủ tịch Liên hoan phim, ông Jean Garcia tuyên bố: “Cách đây 100 năm, anh em nhà Lumière đã sáng tạo ra nền điện ảnh thế giới, nhưng lúc đó là ở giữa thủ đô ánh sáng của nước Pháp đã bắt đầu thời kỳ hiện đại hóa… Thật không ngờ, nửa thế kỷ sau, một số nhà điện ảnh Bưng biền Nam Bộ của Việt Nam, sống trong lòng một đất nước mà bóng đêm nô lệ còn bao phủ đến mức tên tuổi của nó chưa xuất hiện trên bản đồ thế giới, đã tạo ra một nền điện ảnh thủ công giữa đầm lầy Đồng Tháp Mười thiếu thốn mọi thứ. Họ đã làm việc trong những mái lều bên bờ kênh, dùng thuyền làm xưởng sản xuất phim, dưới bom đạn của chiến tranh…”

Hoạt động điện ảnh Nam Bộ ở Bưng Biền thời kỳ kháng chiến

Sau ngày toàn quốc kháng chiến chống Pháp, do nhu cầu tuyên truyền – giáo dục cấp thiết, vào cuối năm 1947, tư lệnh Khu 8 Trần Văn Trà ký quyết định thành lập “Tổ Nhiếp – Điện ảnh Khu 8” trực thuộc Ban Tuyên truyền Phòng Chính trị Quân khu. Lúc này, giặc Pháp đã chiếm đóng hầu hết các đô thị và trục giao thông huyết mạch nối Đồng bằng sông Cửu long với Sài gòn – Chợ lớn - nơi hầu như duy nhất có khả năng cung ứng trang thiết bị, vật tư và kiến thức làm phim.

Với đội ngũ chuyên trách tâm huyết, năng động và được chỉ đạo sát sao thường nhật, tổ Nhiếp – Điện ảnh Khu 8 đã hăng say làm việc đêm ngày, bất chấp địch ruồng bố bắn phá, vừa di chuyển tránh địch, vừa vượt phá khó khăn hoàn thành nhiệm vụ. Hàng loạt sáng kiến thủ công đã được thực hiện, khắc phục các yếu điểm cơ bản trong quy trình công nghiệp chế tác phim: Tạo dựng “phòng lạnh” bằng cách dùng gỗ đóng thùng đựng chậu thuốc, xung quanh chèn nước đá để hạ nhiệt độ xuống 18oc theo đòi hỏi kỷ thuật; dùng ghe làm buồng tối tráng phim lưu động, vừa thuận lợi cho việc di chuyển ra vùng địch hậu lấy nước sạch, mua nước đá làm lạnh thùng tráng phim, vừa tránh địch ruồng bố căn cứ. Để nhân bản phim, có thể chiếu đồng loạt ở nhiều địa điểm khác nhau theo gợi ý của đồng chí Lê Duẩn, ông Khương Mễ cùng đồng đội đã len lỏi, lùng sục khắp Sài Gòn, tìm mua bằng được chiếc máy quay phim cũ. Kết quả, đã ngiên cứu, thử nghiệm thành công việc biến máy quay phim cũ thành máy in - nhân bản phim hoàn chỉnh, với việc sử dụng ánh sáng đèn măng- xông hoặc ánh sáng mặt trời. Đó là một thành tựu kỹ thuật công nghệ kỳ lạ lúc bấy giờ! Điện ảnh Khu 8, với trí sáng tạo và quyết tâm cao, đã hoàn thiện được quy trình chế tác phim điện ảnh từ khâu thu hình, làm tít, kỹ xảo đến in tráng, cắt dựng trong điều kiện cực kỳ khắc nghiệt ở Đồng Tháp mười: không điện, không nước sạch và luôn trong tình trạng phải sẵn sàng chiến đấu chống giặc.

Cùng với Điện ảnh Khu 8, giữa năm 1949, Điện ảnh Khu 9 được thành lập và cuối năm 1949, Điện ảnh Khu 7 ra đời; đã cùng bám sát trận địa, phản ánh kịp thời chiến sự cũng như đời sống kháng chiến của nhân dân Nam bộ. Nhằm thống nhất hoạt động, năm 1951, Điện ảnh ba Quân khu 7,8,9 đã được sát nhập lại, hình thành Điện ảnh Nam bộ.

Từ đây Điện ảnh Nam bộ phát triển vững vàng, chẳng những sản xuất phim tài liệu, phóng sự nổi tiếng như: Trận Mộc Hóa, Trận La ban, Chiến dịch Bến cát, Đoàn quân xuyên Tây, Trận Bầu bàng, Chiến dịch Trà Vinh – Cầu kè, v,v …, mà còn chế tác cả phim truyện ngắn Hết đời đế quốc, cùng một số phim hoạt hình cắt giấy và phim khoa học.

Cảnh trong phim Trận Mộc Hóa

Nếu Điện ảnh Bưng biền Nam bộ thời chống Pháp hình thành và phát triển từ ý chí, khát vọng làm chủ một ngành nghệ thuật hiện đại gắn với công nghiệp, và có chút màu sắc “chịu chơi” của lãnh đạo cùng nghệ sĩ cấp địa phương; thì Điện ảnh Nam bộ thời chống Mỹ đã được tổ chức, chỉ đạo một cách bài bản từ Trung ương. Từ năm 1961 đến 1975, nhiều đoàn điện ảnh lần lượt được cử từ Bắc vào, đã cùng đội ngũ tại chỗ thành lập “Xưởng phim giải phóng Nam bộ”. Trước khi lên đường vào Nam, các đoàn được các vị lãnh đại Đảng và Nhà nước Tôn đức Thắng, Phạm văn Đồng, Võ nguyên Giáp, Phạm Hùng, Nguyễn chí Thanh … đến gặp gỡ, động viên, giao nhiệm vụ cho từng người. Năm 1964, “Điện ảnh quân giải phóng Nam bộ” cũng được Quân ủy Bộ Tư lệnh Miền ra quyết định thành lập.

Là đơn vị hoạt động nghệ thuật, Xưởng phim giải phóng đảm trách nhiệm vụ vừa sáng tác – sản xuất, vừa phát hành – chiếu bóng, xây dựng cơ sở vật chất kỷ thuật, đồng thời tự đào tạo đội ngũ – một nhiệm vụ nặng nề, phức tạp đối với một xưởng phim thông thường.

Kỷ thuật in tráng phim đòi hỏi tối thiểu phải có nguồn nước dồi dào, sạch và phải có nguồn điện ổn định. Đó lại là những thứ xa xỉ phẩm thời ấy ở chiến khu. Phải phát huy sáng kiến đào giếng sâu lấy nước sạch, tạo phòng tối bằng đất sét trộn cỏ tranh để tuyệt đối ngăn ánh sang lọt vào… Sau bao nhọc nhằn, vất vả, cuối cùng các nghệ sĩ – chiến sĩ điện ảnh đã cho ra đời bộ phim tài liệu Những hình ảnh đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt nam lần thứ nhất, được chủ tịch Nguyễn hữu Thọ và lãnh đạo Ban Tuyên huấn Miền khen ngợi. Nhiều phim khác lần lượt ra đời: Vùng giải phóng, Kẻ gieo gió phải gặt bão, Thắm tình Nam – Bắc, Đế quốc Mỹ nhất định thua - Ta nhất định thắng, Vùng lên bảo vệ quê hương v.v… Riêng phim Miền Nam anh dũng (1963) sau khi được gửi ra Hà Nội làm hậu kỳ, đã nhận được nhiều giải thưởng: giải Nguyễn đình Chiểu của Hội Văn nghệ Giải phóng, Bằng danh dự của Liên hoan phim quốc tế Matxcơva và giải Băng-đung của Liên hoan phim quốc tế Á – Phi tại Indonexia.

Đáp ứng nhu cầu của chiến trường và đời sống, Xưởng phim Giải phóng tiếp tục sản xuất hàng loạt tác phẩm có chất lượng như: Tuổi trẻ Sài Gòn, Ngọn đèn đứng gác , Đón những người chiến thắng trở về, Tội ác Mỹ Thiệu sau hiệp định Paris, Trên một cung đường …Trong đó, phim Du kích củ chi quay trong 13 tháng nóng bỏng tính thời sự, phản ánh chân thực và sinh động hoạt động chống Sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới” của Mỹ quanh căn cứ Đồng Dù. Bộ phim đã gây tiếng vang lớn ở trong nước và quốc tế, được thưởng Huy chương vàng LHP quốc tế Matxcova năm 1967, giải Bồ câu bạc LHP quốc tế Leipzig (CHDC Đức) năm 1967 và Bông sen vàng tại LHP Việt Nam năm 1970. Tiếp sau là những tác phẩm tài liệu chất lượng cao được quân dân ta nhiệt liệt đón nhận”: Hạt lúa vành đai, Nữ pháo binh Long An, Đồng xoài rực lửa, Đòn trừng phạt đích đáng, Chiến thắng Bình giả, Chiến dịch trên đường phố Sài Gòn phản ánh cuộc chiến trong nội đô Sài Gòn Tết Mậu thân. Bằng phong cách trữ tình, đậm chất lãng mạn cách mạng, cuối thập niên 60 thế kỷ trước, Xưởng phim Giải phóng cho ra đời 2 tác phẩm nổi tiếng Đường ra phía trước, thể hiện hình ảnh dân công tải đạn ra chiến trường bằng chuỗi hình ảnh thấm đượm chất thơ của sông nước, lau sậy, bưng biền, cùng con người Nam bộ luôn lạc quan tự tin vượt qua hiểm nguy. Bộ phim đoạt Huy chương vàng LHP quốc tế Matxơva năm 1969. Sau đó, công chúng chứng kiến sự ra đời của Nghệ thuật tuổi thơ, mô tả đoàn múa rối thiếu nhi trên đường phục vụ đồng bào vùng giải phóng, giữa bom đạn giặc vẫn hồn nhiên yêu đời. Bộ phim đã giành được giải Bông sen vàng của LHP Việt Nam năm 1973 và giải Apxara vàng Phnom Penh (Campuchia) năm 1969.

Công tác phát hành và chiếu phim là một phần không thể thiếu trong hoạt động điện ảnh. Tháng 10 năm 1962 bộ phận này đã được thành lập tại căn cứ rừng đước Cà mau, mở đầu giai đoạn phát hành và chiếu phim quy mô, có kế hoạch. Thiết bị chiếu phim là chiến lợi phẩm thu được trong trận Bến Dựa, Cà Mau. Nguồn phim do Xưởng phim Giải phóng cung cấp và từ miền Bắc gởi vào khá dồi dào. Sau thời gian hoạt động hiệu quả, Khu ủy chủ trương phát triển mạng lưới chiếu phim ra khắp 6 tỉnh và quân khu Nam bộ. Đến ngày giải phóng năm 1975, hoạt động chiếu phim đã phát triển mạnh mẽ với 17 đội chiếu lưu động. Các đội chiếu phim này hoạt động tích cực trên cả ba vùng; vùng giải phóng, vùng tranh chấp và vùng tạm chiếm. Hoạt động chiếu phim sở dĩ đạt hiệu quả cao, thu hút nhiều người xem là do luôn được sự yểm trợ của quân khu cùng đông đảo đồng bào. Đến năm 1967, các cơ quan ban ngành của Trung ương Cục đều có đội chiếu bóng riêng, một phần thiết bị được chi viện từ miền Bắc vào.

Với thiết bị cồng kềnh, ánh sáng tỏa rộng, âm thanh từ máy nổ và loa phóng thanh vang xa, tin có đội chiếu bóng về thường được lan truyền nhanh và rộng khắp, khiến thám báo địch dễ dàng gọi máy bay và pháo tập kích vào điểm chiếu phim. Vì vậy, chiếu phim trong chiến tranh chống Mỹ trên chiến trường B2 là công việc luôn rất gian khổ và nguy hiểm. Trong cuộc tổng tấn công Mậu thân 1968, ta đã tung các đội chiếu phục vụ bộ đội và dân công ở Long An. Đây là vùng cửa ngõ vào Sài Gòn nên địch phản ứng rất quyết liệt, song công tác chiếu phim luôn tiến hành hiệu quả, kịp thời động viên chiến sĩ cùng đồng bào trong những ngày chiến dịch.

Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định mang biệt danh T4, là nơi đọ sức giữa ta với đầu não của địch, có tầm quan trọng đặc biệt. Từ năm 1962, T4 đã có một đội chiếu bóng chuyên trách, được thành lập theo chỉ thị của đồng chí Võ Văn Kiệt, lúc đó là Bí thư Đặc Khu ủy. Đây là vùng bị địch kiểm soát chặt, sẵn sàng bắn phá. Vì vậy các buổi chiếu phim thường diễn ra dưới hầm. Có buổi, cả máy móc và người xem đều phải bố trí dưới hố bom cũ, chỉ có màn hình được căng bên trên. Một lần, đội chiếu phim T4 phục vụ tiểu đoàn Gia định và nhân dân Củ chi, bị pháo địch dội cấp tập; sau đó xuất hiện 24 trực thăng trên bầu trời. Nhờ cảnh giác, tiểu đoàn 2 đã tiêu diệt 20 trực thăng, làm bị thương một thiếu tướng Mỹ. Tuy nhiên, chúng đã cướp đi toàn bộ thiết bị chiếu phim. Năm 1966, đội chiếu phim T4 đã phối hợp với biệt đội Thành, đột nhập vào rạp Nguyễn Văn Hảo, chiếu phim Đồng xoài rực lửa khiến người dân Sài gòn vô cùng ngạc nhiên và thích thú. Trong những ngày đầu giải phóng Sài Gòn năm 1075, nhiều bộ phim được sản xuất tại rừng già Tây Ninh năm nào được ra mắt nhân dân Sài Gòn, tạo không khí hào hứng hiếm có.

Điện ảnh Nam bộ qua gần 30 năm hoạt động kiên cường đã trở thành viên ngọc quý của văn nghệ Nam bộ cũng như của cả nước. Hoạt động điện ảnh trong chiến tranh khốc liệt và trong lòng địch đầy hiểm nguy là cuộc chiến sinh tử của những nghệ sĩ – chiến sĩ điện ảnh, những con người một tay ôm máy quay, một tay cầm súng vừa làm chuyên môn vừa chiến đấu. Cái trí, cái tâm, cái dũng, cái tài kết hợp cao điểm trong những nghệ sĩ – chiến sĩ ấy. Kết quả công việc của họ không chỉ phục vụ kịp thờ, mà còn tác động sâu xa, lâu dài trong đời sống xã hội. Bằng khối lượng lớn hình ảnh động đã được ghi lại về diện mạo cuộc chiến cứu nước cũng như mọi mặt đời sống của quân dân ta qua hai cuộc kháng chiến thần kỳ, đang và sẽ là kho tư liệu quốc gia vô giá, để lại cho các thế hệ mai sau.

Một nhà quay phim trên đường đi công tác

Ngày nay, khi hơn 90 triệu con dân Việt bước vào kỷ nguyên hội nhập tòan cầu, khi văn học nghệ thuật – trong đó có điện ảnh, mang nặng sứ mạng xây dựng và phát triển nền văn hóa đất nước phù hợp với thời đại; những người làm điện ảnh TPHCM cũng như cả nước, hơn bao giờ hết, cần hấp thụ và hun đúc tinh thần trách nhiệm, ý chí sáng tạo vượt khó, khát vọng vươn xa, vươn cao của lớp nghệ sĩ - chiến sĩ đi trước; chung sức tạo nên sức mạnh đột phát phát triển. Hà Nội cũng như Thành phố Hồ chí Minh, từ phương diện sản xuất đến phổ biến phim, giờ đây đều cần được tập trung nhân tài vật lực xây dựng nền công nghiệp điện ảnh hiện đại; đào tạo đội ngũ chất lượng cao; đưa sản xuất phim vào quy trình tiên tiến đạt quy mô, chất lượng chuẩn; tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế; đặc biệt chú trọng sáng tạo tác phẩm đạt đỉnh cao về nội dung tư tưởng, ngôn ngữ, thẩm mỹ cũng như nghệ thuật thể hiện. Bên cạnh đó, cần quan tâm tạo dựng thị trường tiêu thụ phim trong và ngoài nước, nhanh chóng khắc phục tình trạng buông lỏng thị trường trong nước và lơ là thị trường nước ngoài đã kéo dài nhiều năm qua, đang gây hệ lụy rất tiêu cực.

Phát huy truyền thống, tận dụng nội lực hiện có, chúng ta sẽ xây dựng thành công nền Điện ảnh dân tộc tiên tiến, giàu sắc thái, đậm nhân văn; tương xứng với khát vọng của những người làm phim Việt Nam cùng đông đảo công chúng.

Trần Luân Kim