Điện ảnh nước ta sẽ đi về đâu?

Và điều này sẽ càng lúc càng trở nên cùng cực, đến mức ngành sản xuất phim trong nước sẽ lép vế và lệ thuộc nước ngoài, thậm chí là phá sản nếu chúng ta không có một chiến lược và khả năng tổ chức, điều hành theo kịp những yêu cầu mới.

Nhiều người băn khoăn, rồi điện ảnh nước ta sẽ đi về đâu? Rốt cục sau rất nhiều tranh cãi, đã xuất hiện sự thả lỏng. Chúng ta đều thấy rằng, điện ảnh trong nước mấy năm nay hoàn toàn trở nên lép về trước cuộc đổ bộ ngày càng mạnh mẽ của điện ảnh nước ngoài.


phim-1.jpg

Khi lợi nhuận kinh tế đặt lên cao nhất

Hiện nay, cứ trung bình khoảng 3 ngày lại có một phim truyện nhựa được nhập vào nước ta. Số lượng phim sản xuất trong nước chỉ chiếm khoảng 5% so với phim nhập khẩu. Và vị thế phim ngoại trên các rạp trong nước thì thật là to lớn. Trong khi một số phim ngoại chật kín khán giả (có khi phe vé bán giá gấp 3 lần giá trong quầy), thì phim Việt lại không có người xem.

Trừ một số phim do các hãng tư nhân làm, công tác quảng bá và truyền thông tốt, còn lại những phim nhà nước thì im lìm. Thậm chí, nhiều phim làm đã lâu, vẫn không thể ra rạp được.

Khi lợi nhuận kinh tế được đặt lên cao nhất, các hãng tư nhân sẽ chú trọng nhập khẩu và khuếch trương phim ngoại, lợi dụng thương hiệu của họ để kinh doanh lấy lãi hơn là chú tâm sản xuất những bộ phim nội. Hoặc nếu có sản xuất, người ta cũng chỉ chú trọng vào dòng phim thị trường.

Đã dăm năm kể từ khi bộ phim đánh dấu dòng phim thị trường - Gái nhảy ra đời, số lượng phim theo dòng này đã lên đến con số hơn 10, song nhìn chung vẫn còn đơn sơ, thiếu hẳn những bộ phim hoành tráng, cốt sao bỏ vốn ra ít, sản xuất nhanh và dễ mà thu lại được lợi nhuận.

Những bộ phim làm theo khuynh hướng cũ, chú trọng đến những chủ đề xã hội, thì ngày một ít và sút giảm về chất lượng. Việc quảng bá cũng ngày một ít dần và mất luôn chỗ đứng trong rạp. Có thể nói, uy tín và vị thế của dòng phim nghệ thuật đã giảm dần.

Bối rối trong định hướng phát triển của điện ảnh

Các nghệ sỹ, trong đó có người đã thu được những thành tựu trong dòng phim nghệ thuật càng lúc càng tỏ ra đuối tay. Trong khi tại các diễn đàn chính thức các nhà lý luận phê bình bối rối trong sự định hướng phát triển của điện ảnh. Không ít nghệ sỹ khi được hỏi trong thời gian tới họ sẽ đi theo khuynh hướng nào, đều tỏ ra thiếu tự tin và im lặng.

Có một thực tế là, kể cả phim được mệnh danh là "nghệ thuật" hay thị trường đều bị cạnh tranh khốc liệt và không có tham vọng sẽ chiếm một vị trí lớn hơn trong rạp. Sự yếu kém về kịch bản, đạo diễn, diễn xuất, về kỹ thuật và công tác tổ chức sản xuất cũng như hạn chế kinh phí đầu tư đã khiến chúng ta không thể có những bộ phim theo kịp trình độ của các nước phương Tây hay Trung Quốc hiện nay. Khoảng cách này chẳng những không được rút ngắn mà có nguy cơ ngày càng ra xa. Cái vòng luẩn quẩn: thiếu vốn, thua lỗ, tụt hậu chưa có cách gì khắc phục được.

Điều đáng nói là, ngoại trừ một vài đạo diễn trẻ như Vũ Ngọc Đãng chẳng hạn, ngay từ đầu đã đi theo khuynh hướng thị trường và dường như sự lựa chọn này là dứt khoát. Còn lại, nhiều đạo diễn vốn trước đây nổi tiếng trong dòng phim "nghệ thuật" được nhà nước đặt hàng, bị sức ép của khuynh hướng thị trường, cũng chú tâm theo đuổi những bộ phim câu khách, nhưng lại tỏ ra thiếu những yếu tố cần thiết để bộ phim thực sự được đông đảo người xem chú ý.

phimnhua.jpg

Một số đạo diễn dù có xu hướng làm phim thị trường nhưng lại vẫn muốn pha trộn yếu tố "nghệ thuật" hoặc đặt những mục tiêu "giáo dục" gượng gạo. Sự pha trộn giữa các hướng, các quan điểm nghệ thuật đôi khi rất khác nhau trong một nhà làm phim đã khiến phim Việt Nam trong nhiều trường hợp không nhất quán và thiếu hấp dẫn đối với công chúng.

Thiếu đồng bộ và thống nhất giữa các khâu

Sự thất bại của các bộ phim Việt Nam được nhà nước đặt hàng còn do một nguyên nhân thuộc về lỗi hệ thống. Có hai vấn đề là tính mục đích không rõ ràng và thiếu sự chỉ đạo xuyên suốt, sự đồng lòng từ khâu sản xuất (hãng phim) và khâu phát hành.

Chúng ta đều có thể đồng ý rằng, một nền nghệ thuật nói chung, hay điện ảnh nói riêng không thể chỉ đi vào một khuynh hướng duy nhất hoặc phục vụ riêng cho một loại đối tượng nào. Sự đa dạng, phong phú các khuynh hướng và cá tính sáng tạo là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá tầm mức phát triển của nền nghệ thuật ấy.

Cũng như vậy, về mặt vĩ mô chúng ta phải đảm bảo sự duy trì các khuynh hướng sáng tác hiện có và không để một hay một số các khuynh hướng rơi vào tàn lụi.

Trước đây chúng ta coi nhẹ tính giải trí và đề cao có tính độc tôn những bộ phim theo khuynh hướng "nghệ thuật" phục vụ cách mạng. Những yếu tố thư giãn, câu khách trong suốt một thời kỳ dài bị cắt bỏ hoặc không đề cao. Còn ngày nay, đã có hiện tượng rời bỏ khuynh hướng cũ để chạy theo thị trường dưới áp lực thu hồi vốn mà sao nhãng những mục tiêu trước đây theo đuổi.

Trong khi các phim tư nhân, theo khuynh hướng thị trường thì người ta chọn lựa kịch bản, chọn diễn viên ăn khách, người ta quảng cáo liên tục và ấn định thời điểm sản xuất cũng như phát hành sao cho có lợi nhất, họ hướng vào những đối tượng cụ thể và có những khảo sát khá nghiêm túc. Trong khi, những bộ phim do nhà nước đặt hàng, lại hoàn toàn theo một quy trình khác.

Đó là, khâu chọn lựa kịch bản, khâu sản xuất và khâu phát hành bị cắt khúc. Những người chọn lựa kịch bản theo một tiêu chí riêng, những người sản xuất và phát hành cũng có những mục tiêu hoàn toàn khác nhau. Cho nên dẫn đến tình trạng, có kịch bản rồi phải đợi kinh phí, khi sản xuất xong không có rạp để chiếu, khâu quảng bá, truyền thông thì yếu kém làm cho bộ phim vừa kéo dài thời gian sản xuất, vừa tốn kém, lại thiếu hiệu quả kinh tế và xã hội.

Theo Điện Ảnh Việt Nam