Điện ảnh và truyền hình Việt Nam: Vẫn chờ một ngôi sao

Ít cơ hội đóng phim

(TGĐA) - Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm trở lại đây, điện ảnh và truyền hình Việt Nam đã có những bứt phá rất ấn tượng nhưng một điều vẫn hiển hiện là chúng ta chưa có những diễn viên ngôi sao bởi nhiều lý do.


Trong một bài phỏng vấn, đạo diễn nổi tiếng Trung Quốc Trương Nghệ Mưu nhấn mạnh tầm quan trọng về ngoại hình của người diễn viên. Nhưng ông cũng thẳng thắn cho rằng, nếu bản thân người diễn viên đó không nỗ lực và đặc biệt, nếu không có cơ hội thì họ mãi mãi không bao giờ tỏa sáng, trở thành ngôi sao điện ảnh.

Ngọc Thuận và Đức Hải trong phim Trai nhảy

Không kể những bộ phim truyền hình về đề tài nông thôn như Ma làng, Đất và người… những phim chính luận được thực hiện với sự chặt chẽ, hấp dẫn đầy kịch tính ngay từ khâu kịch bản (Chạy án phần 1 và 2) và một số phim khác được đạo diễn chọn diễn viên tương đối kĩ và phân vai phù hợp, còn lại đa số những phim truyền hình hiện nay của chúng ta khi công chiếu đã gặp phải phản ứng mạnh mẽ từ khán giả. Hầu như bộ phim nào mới trình làng cũng đều bị đưa lên bàn mổ, không chỉ là nội dung phim mà còn về cách thoại và diễn xuất của diễn viên, nhất là những diễn viên trẻ. Tuy nhiên, xu hướng tìm gương mặt mới cho phim vẫn đang là một trào lưu trong làng giải trí nước nhà. Trước thực trạng đó, nhiều người băn khoăn: Điện ảnh và truyền hình Việt Nam đang thừa hay thiếu diễn viên? Câu hỏi này tưởng đơn giản mà không dễ trả lời.

Vài năm trở lại đây, một số đạo diễn phim truyền hình Việt Nam hoảng hốt mỗi khi được giao phim mới. Họ không chỉ lo tiền không đủ chi, lo bối cảnh, phục trang, mà còn có nỗi lo lớn nhất là tìm những gương mặt mới, chẳng lẽ cứ quanh đi quẩn lại mấy diễn viên quen ở các nhà hát, sân khấu kịch? Đạo diễn Đỗ Thanh Hải làm phim truyền hình Phía trước là bầu trời đã huy động cả bà xã Châu Anh về Nhạc viện Hà Nội để tìm diễn viên. Kết quả là khán giả không chỉ thích thú về nội dung phim mà còn có cơ hội chiêm ngưỡng nhiều gương mặt không chuyên lần đầu xuất hiện trên màn ảnh nhưng diễn xuất khá ấn tượng. Dư âm của bộ phim còn vang mãi cùng với sự ghi nhận của báo chí về thành công của Đỗ Thanh Hải trong việc lăng xê những gương mặt trẻ, không được đào tạo về diễn xuất. Một vài những cái tên trong số đó sau này tiếp tục đóng phim truyền hình như: Hà Hương, Thu Nga, Diệu Thảo. Nhưng chỉ là khoảng thời gian rất gần sau đó, còn bây giờ, những gương mặt này gần như không còn lưu lại trong tâm trí khán giả màn ảnh nhỏ, ngoài Diệu Thảo là người dẫn chương trình cho Điện ảnh chiều thứ bảy và Văn Anh mới đây còn đóng phim điện ảnh Em muốn là người nổi tiếng.

Cũng tương tự, phim truyền hình Hoa cỏ may sau khi phát sóng đã tạo được hiệu ứng tốt từ phía khán giả. Một số diễn viên xuất thân là người mẫu tiếp tục góp mặt trong những bộ phim khác như Quyết Thắng (đóng Những ngọn nến trong đêm), Hải Anh (đóng Những giấc mơ dài)… nhưng dường như đều không “qua” được tác phẩm đầu tay của chính họ. Ngoài lý do từ chính các diễn viên như họ không muốn gắn bó với nghề diễn bởi sự bấp bênh về thời gian, thu nhập, thậm chí là môi trường làm việc khá phức tạp và nhạy cảm… thì phải chăng nguyên nhân quan trọng nhất để những diễn viên kia không “nổi” lên được chính là nhận định của đạo diễn Trương Nghệ Mưu: Không có cơ hội thì giỏi mấy cũng chịu.

Thanh Hằng trong phim Nụ hôn thần chết

Và không có vai diễn phù hợp

Không có cơ hội ở đây được hiểu đơn giản là có quá ít phim để các diễn viên có dịp phát huy tiềm năng diễn xuất của mình. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thì số lượng phim truyền hình đã ngày một nhiều hơn. Song chất lượng kịch bản lại có nguy cơ ngày một kém. Đa số các đạo diễn đều muốn tìm những gương mặt mới để hy vọng làm mới bộ phim vốn thường có kịch bản không mấy chất lượng. Quan niệm cũ rích và vô cùng khờ khạo rằng phim có nội dung nhàn nhạt nhưng bù lại nhờ sự xuất hiện của những gương mặt mới thì sẽ may ra vớt vát lại chút ít dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của không ít những đạo diễn thiếu bản lĩnh và ngộ nhận khả năng nhìn người của mình. Chỉ có một điều rõ nhất ai cũng thấy là những thế hệ diễn viênmới lần lượt xuất hiện, dù họ chỉ học diễn xuất vài tháng hay mới chỉ học năm thứ 1 đại học, chưa kể những diễn viên tay ngang đến từ các lĩnh vực khác như thời trang, âm nhạc, múa… Tất cả đổ xô lên màn ảnh tạo thành một lực lượng hùng hậu đầy trẻ trung tươi mới. Và nhất loạt người ta gọi chung đó là diễn viên điện ảnh mặc kệ không ít trong số này mới chỉ đóng 1 hoặc 2 phim với những vai diễn khá mờ nhạt.

Thực tế đáng buồn này khiến cho lĩnh vực sản xuất phim truyền hình nước ta tưởng như đã sôi nổi nhưng thực chất vẫn chưa đi vào bài bản dù chỉ là một phần nhỏ trong qui chuẩn so với các quốc gia châu Á khác. Các diễn viên này khi xuất hiện trên phim tuy đã đẹp hơn và nhờ vào việc họ biết cách đầu tư phục trang theo xu thế của xã hội hiện đại nên nhìn tổng thể thì diện mạo của phim truyền hình hiện nay đã khác rất nhiều so với trước kia nhưng như một hệ quả tất yếu: Những cái gì dễ dãi, chẳng bao giờ bền lâu. Sau 4, 5 năm rồi tới 7, 8 năm, suốt một khoảng thời gian tương đối dài, khán giả chỉ liên tiếp được ngắm nhìn những gương mặt mới, nhưng chỉ dừng lại ở yếu tố mới, lạ chứ chưa có cơ hội chiêm ngưỡng một ngôi sao truyền hình thứ thiệt. Có người còn ví von rằng: Họ - những diễn viên ấy – cứ như con sóng ngoài đại dương, lớp này xuất hiện, vào bờ rồi lại biến mất nhường chỗ cho lớp khác.

Biết đến bao giờ truyền hình Việt Nam mới có những ngôi sao Hallyu như Hàn Quốc, mới có những “hot boy”, “hot girl” bước ra từ các phim thần tượng của Đài Loan mặc dù diễn viên của chúng ta không hề thua kém bao xa về ngoại hình và sức trẻ. Cái chính là cơ hội để họ có thể xuất hiện trong những bộ phim thần tượng – những bộ phim có thể dấy lên một trào lưu thời trang, một phong cách sống, thậm chí là những triết lí để đời của thế hệ trẻ - còn là điều xa vời.

Hạnh Thúy và Mỹ Uyên trong phim Sống trong sợ hãi

Điện ảnh - Mảnh đất hẹp

Tìm “sao” trong địa hạt điện ảnh xem chừng còn khó khăn hơn nhiều khi mỗi năm chúng ta chỉ sản xuất phim với số lượng trung bình 2 phim do Nhà nước tài trợ và 3 phim chiếu Tết do các hãng phim tư nhân đầu tư (như trong năm 2008 này). Đặng Thụy Mỹ Uyên, Ngô Phạm Hạnh Thúy đều là những diễn viên thành công trên sân khấu kịch nói thành phố Hồ Chí Minh và trên sóng truyền hình. Họ đã chứng tỏ khả năng của mình trên màn ảnh rộng với bộ phim Sống trong sợ hãi (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên) và sau đó là… chấm hết. Ai dám chắc là Mỹ Uyên và Hạnh Thúy sẽ không đóng tốt, không có sự đột phá trong những bộ phim điện ảnh tiếp theo?

Bừng sáng trong Mùa len trâu, anh Kìm Lê Thế Lữ lật đật ra Hà Nội đóng Đi trong giấc ngủ (bộ phim hiện đã nằm đâu đó trong kho lưu trữ của Hãng phim truyện Việt Nam) và hiện tại khán giả gặp anh vào khoảng 22 giờ hàng ngày nếu muốn nhiệt tình xem phim truyền hình Mùa cưới trên HTV.9. Lữ là diễn viên, hết Mùa len trâu vào Mùa cưới đâu có gì đáng ngạc nhiên. Chỉ buồn rằng, trong điện ảnh, anh đã bị bỏ cách một đoạn khá dài và tương lai có thể sẽ lặp lại. May mắn hơn một chút, Kiều Trinh đã nhập vai khá tốt trong Rừng đen, nhưng như thế vẫn chưa đủ để ghi thêm một danh hiệu nào đó trước tên của cô. Còn rất nhiều cái tên khác, le lói xuất hiện và sau đó bị bụi thời gian phủ mờ.

Trở lại với những bộ phim được chú ý trong thời gian gần đây, người ta càng thấy điện ảnh Việt Nam cần có ngôi sao biết bao và cũng không khỏi lo lắng đến bao giờ mới có ngôi sao nếu cứ ít phim như thế này. Sau Dòng máu anh hùng, Ngô Thanh Vân và Johnny Trí Nguyễn vẫn chưa hẹn chính xác ngày cùng nhau trở lại màn ảnh lớn. Với Trai nhảy, Ngọc Thuận và Đức Hải đã khiến khán giả hi vọng cả hai sẽ tỏa sáng trên màn bạc nếu họ có thêm nhiều vai diễn hơn nữa để thể nghiệm mình.

Người mẫu Anh Thư dù bộc lộ tố chất của một diễn viên có tay nghề khá, nhưng cơ hội của cô vẫn chỉ dừng ở phim điện ảnh Những cô gái chân dài và phim truyền hình Tuyết nhiệt đới. Tết năm ngoái, diễn viên chân dài Thanh Hằng diễn xuất khá nhuần nhị với vai nữ chính trong Nụ hôn thần chết nhưng năm nay lại quay về truyền hình với series Gia tài bác sĩ. Liệu thời gian tới, những cái tên ít nhiều tạo ấn tượng với người hâm mộ có cơ hội trở lại trước ống kính máy quay? Điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nhưng trên tất cả vẫn là mong mỏi duy nhất đồng thời cũng là giải pháp quan trọng nhất: Có nhiều phim - để các diễn viên tiếp tục khám phá khả năng của họ. Thậm chí người đạo diễn cũng phải tính đến việc viết kịch bản riêng, nhắm đến diễn viên của mình…

Làng giải trí thế giới là nhịp sống luôn có sự cạnh tranh nhưng nhờ sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp sản xuất phim ảnh từ chất lượng phim đến kinh nghiệm quảng bá, phương pháp làm việc của người nghệ sĩ, sự ủng hộ hết mình của khán giả trong nước v..v... và v..v... nên nghiễm nhiên người diễn viên có nhiều cơ hội hơn để trở thành ngôi sao. Còn tại Việt Nam, đây chắc chắn sẽ còn là một câu chuyện dài.

Trúc Nhật