Điện ảnh Việt Nam 12 tháng 12 sự kiện

(TGĐA) - Cùng TGĐA điểm lại 12 sự kiện điện ảnh năm vừa qua.

Tháng 1: Phim Tết - Bổn cũ soạn lại. Với năm bộ phim: Cô dâu đại chiến 2, Năm sau con lại về, Cuộc chiến với chằn tinh, Cưới chạy, Hai Lúa, mùa phim Tết 2014 có cùng một công thức hài giải trí nhẹ nhàng có sự góp mặt của những diễn viên quen thuộc, và dĩ nhiên vẫn chưa thực sự có sự bứt phá về nội dung. Xem ra, diện mạo của mùa phim Việt chiếu Tết vẫn là “ngàn năm không thay đổi”.

on_lm_phim_Thn_tng_nhn_gii_Cnh_diu_Vng_2013

Đoàn làm phim Thần tượng nhận giải Cánh diều Vàng 2013

Tháng 2: Nhà văn Nguyễn Quang Sáng qua đời. Ngày 13/2, nhà văn - tác giả kịch bản của các bộ phim Cánh đồng hoang (1978), Pho tượng (1981), Cho đến bao giờ (1982), Mùa nước nổi (1986), Dòng sông hát (1988), Câu nói dối đầu tiên (1988), Thời thơ ấu (1995), Giữa dòng (1995), Như một huyền thoại (1995) ra đi ở tuổi 82, để lại sự tiếc thương cho gia đình, bạn bè đồng nghiệp và người hâm mộ.

Tháng 3: Giải thưởng Cánh diều 2013 - Đơn giản, ít sạn. Không có nhiều bứt phá đồng nghĩa với ít sự cố hơn, đêm trao giải Cánh diều diễn ra vào ngày 15/3/2014 đã thực sự gói gọn trong phạm vi là một giải thưởng nghề nghiệp với Cánh diều Vàng và Giải báo chí Phê bình điện ảnh cùng trao cho bộ phim Thần tượng.

Phim_Tt_2014_Nm_sau_con_li_v

Phim Tết 2014 Năm sau con lại về

Tháng 4: NSND Trịnh Thịnh qua đời vào ngày 12/4/2014. Kể từ vai diễn đầu tiên trong bộ phim Chung một dòng sông, sự nghiệp của NSND Trịnh Thịnh trải dài trong suốt 60 năm qua với các bộ phim nổi tiếng như Thị trấn yên tĩnh, Vợ chồng A Phủ, Thằng Bờm, Vợ chồng anh Lực. Ông được coi là một trong những diễn viên gạo cội của điện ảnh Việt Nam và được mọi tầng lớp khán giả yêu thích.

Những ngày cuối tháng 4, .Điện ảnh Việt sôi động lên đường về với Điện Biên. Nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ngành điện ảnh đã tổ chức hai đợt phim tại Hà Nội (25/4) và Điện Biên (28/4) để trình chiếu những bộ phim về chiến thắng lừng lẫy của quân và dân ta – một sự kiện “làm chấn động địa cầu.”

Mn_ma_ti_L_trao_gii_Cnh_diu_2013

Màn múa trong lễ trao giải Cánh diều 2013

Tháng 5: Đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn 30/4, 1/5, 19/5 và kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức tưng bừng trên khắp cả nước. Các phim được chọn trình chiếu trong dịp này gồm 3 phim truyện điện ảnh (Sống cùng lịch sử, Ngã ba Đồng Lộc, Vào Nam ra Bắc); 4 phim tài liệu Điện Biên quê tôi, Địa chấn ở Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sửHồi ức Điện Biên. Phim điện ảnh Sống cùng lịch sử là tác phẩm mới nhất do nhà nước đặt hàng công ty TNHH Một thành viên Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất. Phim tài liệu Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử do hãng phim Tài liệu Khoa học trung ương sản xuất trong năm 2014 là phim truyền hình 5 tập (Tuyên ngôn độc lập; Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh; Cuộc kháng chiến toàn dân toàn diện; Quyết định đánh chắc tiến chắc Điểm hẹn lịch sử).

ng_inh_Trng_Tun_ngoi_cng_bn_tri_Tng_bin_tp_tp_ch_Th_gii_in_nh_trao_gii_Ngh_s_c_yu_thch_Gii_thng_Ngi_sao_Xanh_2014

Ông Đinh Trọng Tuấn (ngoài cùng bên trái) - Tổng biên tập tạp chí Thế giới điện ảnh trao giải Nghệ sỹ được yêu thích Giải thưởng Ngôi sao xanh 2014

Tháng 6: Điện ảnh Việt hướng về Biển đảo. Nhằm phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng thềm lục địa của Việt Nam, ngành điện ảnh đã có nhiều hoạt động hướng về biển đảo quê hương. Trong dịp này, các hãng phim và người làm phim trên khắp cả nước đã tổ chức những chương trình chiếu phim về biển đảo, công chiếu các tác phẩm khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Cục Điện ảnh tổ chức chương trình Đêm Điện ảnh hướng về biển đảo như một hoạt động thể hiện tình cảm, sự trân trọng của ngành điện ảnh với những người đã đang phải đối mặt với hiểm nguy để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Ngày 12/6/2014 tại CLB Điện Ảnh 51 Trần Hưng Đạo, Hội Điện Ảnh Việt Nam đã tổ chức Buổi chiếu phim “Hướng về biển đảo Việt Nam” với sự góp mặt của các đạo diễn, quay phim, nhà phê bình sáng tác Hội viên Hội Điện Ảnh Việt Nam, các nhà văn, Nhà nghiên cứu Văn hóa Dân Gian … Hai bộ phim trình chiếu là Những cột mốc người Biển của người Việt.

Cc_ngh_s_phn_i_TQ_t_gin_khoan_tri_php

Các nghệ sỹ phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép

Hội Điện ảnh Việt Nam cùng các nghệ sỹ quyết tâm thể hiện rõ ý chí của mình về bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam và đọc “Tuyên Bố của Hội Điện Ảnh Việt Nam phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.”

Tháng 7: LHP Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Saint Malo – Pháp. 16 bộ phim truyện do Việt Nam và Pháp sản xuất, 03 bộ phim tài liệu và 03 phim hoạt hình Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của đông đảo khán giả tại thành phố Saint Malo. Liên hoan phim có sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Pháp và Đại sứ Pháp tại Việt Nam cùng hơn 30 nghệ sỹ điện ảnh, nhà sản xuất, phát hành phim, nhà báo Việt Nam.

Cnh_trong_phim_p_cnh_gia_khng_trung

Cảnh trong phim Đập cánh giữa không trung

Tháng 8: Đợt phim kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Các bộ phim được chọn chiếu đều là những tác phẩm tiêu biểu của điện ảnh Cách mạng Việt Nam giai đoạn trước như: Biển đợi, Biển và Hải đảo Việt Nam, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chung một dòng sông. Ngoài ra còn có hai phim tài liệu Lũy thép Vĩnh Linh, Làng chài Vịnh Mốc nhân dịp Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Đặc khu Vĩnh Linh.

Tháng 9: Điện ảnh Việt ghi dấu ấn trên trường quốc tế. Ngày 6/9/2014, bộ phim truyện dài đầu tay của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, Đập cánh giữa không trung, đã giành giải Phim hay nhất tại Tuần phê bình phim Quốc tế Venice. Tuy đây chỉ là một giải thưởng bên lề LHP Venice dành cho các tác phẩm đầu tay nhưng điều này đã thực sự khích lệ ekip làm phim và một lần nữa khiến cho điện ảnh Việt thêm tự hào. Sau khi công chiếu ở Venice, Đập cánh giữa không trung tiếp tục được chiếu tại LHP Toronto vào các ngày 5, 6 và 13/9.

Tháng 10: Bộ phim Sống cùng lịch sử công chiếu rộng rãi trong đợt phim Kỷ niệm 60 năm giải phóng thủ đô. Bằng thủ pháp đồng hiện, các nhà làm phim đã tái hiện chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ với những khuôn hình đầy cảm xúc. Bộ phim đã làm dấy lên tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc của các thế hệ người Việt Nam.

Tri_sng_tc_tr_HANIFF_ti_LHP_TQ_H_Ni_ln_th_3

Trại sáng tác trẻ Haniff tại LHP TQ Hà nội lần thứ 3

Tháng 11: Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 3 thành công. Năm ngày diễn ra Liên hoan phim là 5 ngày người hâm mộ thực sự mãn nhãn với đại tiệc điện ảnh gồm 130 bộ phim tham dự được chọn từ 411 phim gửi đăng ký tham dự trong 190 buổi chiếu miễn phí. LHP có sự góp mặt của hơn 200 đại biểu quốc tế và 800 đại biểu trong nước cùng với các họat động nổi bật dành cho những người làm nghề như Trại sáng tác trẻ, Chợ dự án làm phim, Hội thảo Hợp tác sản xuất phim Việt Nam với các nước, Tọa đàm phim độc lập. Hai bộ phim Đập cánh giữa không trung và phim ngắn Ngoài kia có gì của Việt Nam đã giành giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo. Một lần nữa, phim Việt đã thu hút sự chú ý của dư luận và truyền thông khi các buổi chiếu phim Việt đều rất đông khách.

Tháng 12: Lần đầu tiên tạp chí Thế giới điện ảnh kết hợp với kênh truyền hình Today TV tổ chức giải thưởng Những gương mặt điện ảnh và truyền hình hôm nay – Cúp Ngôi sao Xanh, tạo ra một sự kiện đặc biệt tại Tp. Hồ Chí Minh. Từ nay sẽ có thêm một giải thưởng chất lượng để tôn vinh các nghệ sỹ và tác phẩm điện ảnh truyền hình hàng năm.

Thảo Nguyên