Điện ảnh Việt Nam – làm thế nào thoát khỏi đáy giếng?

Điện ảnh Việt đang ở đâu?

(TGĐA Online) - Việc bộ phim Chơi vơi với dàn diễn viên thuộc hàng “khủng” của điện ảnh Việt (lại thêm sự góp mặt của ngôi sao người Pháp gốc Việt Phạm Linh Đan) được mời tham dự LHP Venice – một trong ba LHP QT danh giá nhất thế giới (dẫu chỉ là ở hạng mục phụ Orizonti) và sau đó lại đoạt giải của Hiệp hội phê bình điện ảnh quốc tế (Fipresci Prize) đã là một sự kiện của điện ảnh VN trong năm nay.


Một lần nữa, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên lại khuấy động môi trường điện ảnh Việt có phần tù đọng bằng cách đưa phim Việt xuất hiện tại một LHP QT danh tiếng.

Ngoài những LHP trong nước với một kịch bản chung là trao giải “hội đồng”, vui là chính, theo kiểu “ai cũng có phần” thì hiện nay, cũng giống như bóng đá, điện ảnh VN mới chỉ “mọc mũi sủi tăm” được ở đấu trường khu vực khi nhiều năm liền đoạt giải cao tại LHP châu Á – Thái Bình Dương. Ngoài ra chỉ là giải thưởng ở LHP Bình Nhưỡng, Pusan, Fukuoka… và một vài giải phụ ở các LHP không mấy tiếng tăm trên thế giới.

Chính vì vậy mà khi Bùi Thạc Chuyên có cuộc “ra mắt” hoành tráng tại LHP Cannes 2001 bằng giải cho phim đầu tay với bộ phim ngắn Tay đào đất, anh đã tạo nên một sự kiện trong làng điện ảnh. Tất nhiên, chỉ là “hoành tráng” theo tiêu chuẩn Việt nhưng những gì mà anh làm được ngay trong bước khởi đầu sự nghiệp của mình đủ để cho nhiều người lạc quan tin vào một thế hệ làm phim trẻ sẽ khai phá con đường nhiều chông gai để đưa điện ảnh VN chinh phục những “đỉnh” mà hiện giờ vẫn chỉ là mơ ước.

Với những gì đang có: máy móc cũ kỹ lạc hậu, mức kinh phí làm phim được “mặc định” theo giá từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhân lực vừa thiếu vừa yếu, “diễn viên thiếu đến mê sảng”, chưa có thị trường phim đúng nghĩa… có lẽ điện ảnh VN cũng chẳng nên kỳ vọng những gì to tát quá như giải Oscar hoặc Gấu vàng, Sư tử vàng hay Cành cọ vàng mà trước hết cần phải ghi được cái tên Việt Nam lên bản đồ điện ảnh thế giới, dẫu chỉ là những chấm mờ. Có lẽ vì vậy mà những nỗ lực của một số đạo diễn, trong đó có Bùi Thạc Chuyên đang làm là một tín hiệu đầy lạc quan trong bức tranh chung có phần ảm đạm của điện ảnh VN hiện nay.

Sao không ra biển lớn?

Có lẽ điện ảnh VN nằm trong số những quốc gia có lượng phim nhựa sản xuất mỗi năm khiêm tốn nhất. Những năm gần đây, mỗi năm trung bình chỉ có trên dưới 10 bộ phim ra mắt khán giả, trong đó phim tư nhân chiếm gần một nửa. Nhưng phim của tư nhân hầu hết được làm với mục đích thương mại, nhắm vào mùa phim Tết hàng năm (vì thế mới có khái niệm điện ảnh VN là “phim một mùa”), bởi vậy mà cơ hội đến với các LHP QT đối với những phim này rất mong manh. Cho đến nay, trong số này chỉ có duy nhất bộ phim Áo lụa Hà Đông của Hãng Phước Sang là đến được với các LHP trong khu vực và đoạt giải Khán giả bình chọn tại LHP Pusan (Hàn Quốc). Còn lại những bộ phim khác, khi đã xong mục đích “kiếm tiền” trong một mùa phim thì chỉ còn duy nhất một con đường là xếp vào kho chờ có dịp lễ lạt đem ra chiếu tháo khoán mà thôi.

Hầu hết những phim ra được khỏi ao làng để đến các LHP QT đều là phim do Nhà nước tài trợ, đặt hàng và được xếp vào dạng phim thử nghiệm nghệ thuật. Tuy nhiên không phải phim nào được xếp vào hàng phim nghệ thuật cũng có cơ được đi nước ngoài. Khó khăn không phải do chủ quan mà phụ thuộc hoàn toàn vào khách quan: các LHP QT liệu có quan tâm đến bộ phim hay không?.

Hiện có mấy con đường để phim VN đi dự LHP QT: hoặc do chính phía VN tuyển chọn theo lời mời của ban tổ chức LHP, ví như trường hợp các phim được VN tiến cử đi dự vòng dự tranh đề cử giải Oscar hàng năm. Một cách nữa là do chính các LHP cử người tói tuyển chọn những phim nào hợp với gu của họ để mời dự LH. Cách này càng về sau càng đơn giản hơn. Nếu như trước kia, các ban tổ chức thường phải cử người đích thân sang tận nơi để xem phim và tuyển chọn thì nay chỉ cần sẵn mối quan hệ, ta gửi đĩa phim sang tận nơi. Nếu được chọn, khi ấy mới cần gửi các hồ sơ cần thiết.

Một cách nữa là bộ phim được người của các LHP QT quan tâm từ khi còn ở dạng kịch bản, như trường hợp kịch bản của bộ phim Trái tim bé bỏng đã tham dự và đoạt giải tại một cuộc thi kịch bản và được tài trợ 20.000 USD để có thêm tiền làm phim. Sau khi hoàn thành, nó được hỗ trợ để đi dự LHP QT. Trăng nơi đáy giếng, Chơi vơi cũng nằm trong trường hợp này khi được tài trợ bởi các quỹ làm phim của Pháp và Hà Lan và sau khi hoàn thành được hỗ trợ đi dự các LHP QT.

Còn một hình thức nữa là sau khi dự thi ở một LHP nào đó, bộ phim sẽ được chú ý và mời dự thi một hoặc vài LHP khác, bộ phim Chuyện của Pao nằm trong số này.

Việc xin phép đi dự LHP QT hiện nay rất được tạo điều kiện về mặt thủ tục hành chính. Tuy nhiên, không phải phim nào cũng có cơ hội được đi bởi nhiều lý do. Đạo diễn Vũ Xuân Hưng – Phó Giám đốc Hãng phim truyện VN cho biết: “Về phía Hãng thì chỉ dừng lại ở mức tạo điều kiện cho phim đi thôi, còn đứng ra để tìm cách đưa phim đi nhiều LHP thì Hãng không làm được, không biết Hãng phim truyện I hay Hãng Giải Phóng có làm được không. Bởi vì muốn đi phải thông qua một tổ chức nào đó mà Hãng thì không thể trực tiếp làm việc này vì không có sản phẩm thường xuyên để làm. Năm thì mười họa mới có phim, mà cũng năm thì mười hoạ mới có một phim khá thì không thể có một bộ phận chuyên để làm việc này được”.

“Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân”

Chơi vơi là bộ phim được Nhà nước tài trợ nhưng phải trải qua hành trình gian nan tới 5 năm đạo diễn mới bắt tay thực hiện được bởi lý do phổ biến nhất hiện nay: thiếu kinh phí. Sau đó, nhờ vào uy tín và quan hệ riêng của đạo diễn, bộ phim được hai quỹ chuyên tài trợ cho các nhà làm phim trẻ: Hubert Bal Fund (HBF) Rotterdam và quỹ Fond Sud (Pháp)tài trợ cho một số tiền để thêm vào số kinh phí được cấp, khi ấy mới có thể bấm máy. Và sau đó, nhờ vào nỗ lực của đạo diễn và sự ủng hộ của Hãng phim truyện I, bộ phim có cơ hội được ra biển lớn, chu du nhiều LHP QT, trong đó có Venice. Như vậy, chưa thể kỳ vọng vào một sự khởi sắc chung của phim Việt qua “hiện tượng Chơi vơi” bởi đây mới chỉ là nỗ lực đơn lẻ và có thể coi là một sự kiện mang tính vụ việc. Nó có được không phải nhờ vào sự phát triển của ngành mà phụ thuộc hoàn toàn vào nỗ lực cá nhân. Bởi vì chỉ khi liên tục có mặt và đoạt giải tại các LHP QT (như một đại diện tiêu biểu của châu Á là Iran), một nền điện ảnh mới thực sự được coi là có bước phát triển.

Làm thế nào để thoát khỏi đáy giếng?

Để điện ảnh thoát khỏi tình trạng “ếch ngồi đáy giếng” trước tiên cần tới tầm nhìn chiến lược của ngành, của Bộ và của Chính phủ. Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, ở góc độ một nhà làm phim, khi được hỏi làm thế nào để phim VN ghi được dấu ấn trên đấu trường quốc tế, nhất là tại những LHP QT lớn, anh thẳng thắn cho rằng: “Vấn đề lớn nhất là sự quan tâm của chính phủ đối với điện ảnh và quan điểm của chính phủ về vị trí của nó trong quan hệ quốc tế. Tôi cho rằng chính phủ ta chưa chú trọng việc quảng bá hình ảnh, đời sống văn hóa VN ra nước ngoài. Chưa chú trọng đến việc xây dựng hình ảnh một người Việt hiện đại trong một thế giới rộng và phẳng. Nếu bảo miêu tả chân dung một thanh niên Mỹ, Hàn Quốc hay Trung Quốc hiện đại có lẽ với người Việt còn dễ hơn việc miêu tả một thanh niên VN hiện đại. Bởi quá nhiều sản phẩm văn hóa nước ngoài, đặc biệt là phim ảnh, xâm nhập và làm hỗn loạn đời sống văn hóa Việt… Trong khi đó chúng ta thực sự chưa có những định hướng chiến lược cho văn hóa, thứ tôi cho là quan trọng và có giá trị nhất đối với một con người. Với một đất nước mà thế hệ trẻ đang sục sôi kiếm sống, cố gắng thoát khỏi đói nghèo nhưng lại vướng vào những hệ lụy luẩn quẩn của một thế hệ mới có tiền như hiện nay thì chính phủ dường như ưu tiên những hành động trực tiếp (can thiệp luật pháp, phát triển giáo dục kiến thức, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế…) hơn là xây dựng một nền móng vững chắc về văn hóa cho sự phát triển chiến lược dài lâu về con người.

Chỉ khi nào chính phủ VN có những chủ trương kiểu như chính phủ Hàn Quốc đối với nền công nghiệp điện ảnh của họ, điện ảnh của chúng ta mới thực sự phát triển. Lúc đó mới có phim hay ngõ hầu ghi dấu ấn tại những LHP lớn”.

Nhưng trong khi chờ đợi những quyết sách lớn, cũng cần phải chuẩn bị nguồn nhân lực. Ngoài việc làm sao để có được những tài năng, còn phải cần môi trường và điều kiện để những tài năng này thể hiện mình.

Theo đạo diễn Bùi Tuấn Dũng thì: “Vấn đề là tài năng của đạo diễn và tính chuyên nghiệp của các nhà làm phim. Họ cần phải được đào tạo bài bản về chuyên môn, rèn luyện bản lĩnh và xây dựng một tư tưởng đủ lớn cho một ý tưởng điện ảnh. Người Việt mình bị một thứ bệnh nhiều thế hệ là nghĩ gần, làm nhỏ, ý tưởng nông choèn. Điều đó xẩy ra ở rất nhiều lĩnh vực chứ không riêng gì điện ảnh. Tuy nhiên, đối với một LHP QT người ta không xem bộ phim. Người ta xem tầm vóc tư tưởng, chiều sâu văn hoá và lối sống của người Việt thông qua bộ phim. Người ta thích xem một thứ gì đó đặc biệt thú vị và không thấy ở những quốc gia khác”

Đạo diễn Lê Hoàng: “…như mình đi từ chợ Mơ sang chợ Hôm thôi!”

Bộ phim Chơi vơi vừa được mời tham dự LHP Venice và lại đoạt một giải nho nhỏ ở đó theo anh có là tín hiệu đáng mừng cho việc điện ảnh VN bước đầu ra thế giới không?

Theo kinh nghiệm của tôi thì một bộ phim hoặc một đạo diễn khi đã được mời dự một LHP rồi thì sau đó sẽ đi hoài vì người ta đã biết, người ta hay mời. Nói thẳng ra thì trên thế giới mỗi năm có hàng ngàn LHP lớn nhỏ đủ loại và những LHP này rất cần người tham dự, chính vì thế mà việc một bộ phim được mời tham dự hàng chục LHP một năm là chuyện rất bình thường trên thế giới, chẳng qua ở VN mình như ếch ngồi đáy giếng nên nghe thấy thế cứ tưởng là to. Bây giờ là thời đại toàn cầu hoá rồi, tôi chẳng thấy có đạo diễn nước ngoài nào coi chuyện vừa đi dự LHP ở Ý, Pháp… về là ghê gớm cả, người ta coi việc đó như… mình đi từ chợ Mơ sang chợ Hôm thôi. Chẳng qua người VN mình còn ít giao lưu văn hóa nên cho nó là quan trọng. Và vì có hàng ngàn LHP nên cũng có hàng ngàn ban giám khảo với hàng ngàn tiêu chí trao giải khác nhau nên việc được giải cũng không có gì là ghê gớm cả.

Việc một bộ phim Việt Nam được trao giải, dẫu chỉ là giải phụ ở một LHP QT danh giá như Venice rõ ràng là một tín hiệu tốt cho sự hội nhập mà anh vừa nói, để bớt đi tình trạng “ếch ngồi đáy giếng” chứ?

Oscar thì không nói làm gì rồi, còn các LHP QT, chỉ có ba LHP là danh giá nhất: Venice, Berlin, Cannes ngoài ra là Locarno và Toronto, còn tất cả các LHP khác đều bình thường. Xin nói thật lòng, với bộ phim Mùa len trâu, đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh được cả mớ giải thưởng quốc tế, đi LHP dày đặc, vậy mà từ hồi đó tới giờ có được nhà đầu tư nước ngoài nào đặt tiền để làm phim đâu? Mới đây anh ấy có về VN làm phim và cũng gây ngạc nhiên vì phim ấy giao cho ai chả được.

Thế nhưng một bộ phim dở thì không thể được mời tham dự LHP QT, nhất là một LHP danh tiếng?

Vì tôi chưa xem phim của anh Chuyên nên không dám nói phim của anh hay hay dở. Còn cái sự được giải, tôi không nói là tầm thường nhưng tôi cũng không coi trọng. Đặt nó trong bối cảnh thời đại toàn cầu hoá ngày hôm nay, tôi thấy đây là chuyện bình thường.

Vậy theo anh, việc bình thường này có nên làm và có cần làm không?

Có chứ. Vì thứ nhất là, về nguyên tắc thì việc giao lưu văn hóa là rất cần thiết. Thứ hai, việc anh Chuyên chọn con đường đi ra quốc tế cũng là một việc rất cần. Trong một nền văn hóa có vô số người làm nghệ thuật với vô số mục đích khác nhau thì cũng phải có những người chọn con đường giới thiệu văn hóa VN cho thế giới biết đến. Việc này rất vất vả, khổ sở nhưng cũng rất cần thiết.

Rất đáng lo ngại nếu như chỉ có những đạo diễn như Lê Hoàng, Nguyễn Quang Dũng hay Vũ Ngọc Đãng chỉ chăm chăm làm phim chiếu Tết. Còn những đạo diễn như anh Chuyên, anh đã chọn con đường làm phim đó thì anh phải hoạt động trong môi trường đó. Nhưng đã xét phải xét cho công bằng. Mỗi người có một con đường, không ai nên chê bai con đường của ai cả. Vấn đề là khi đã chọn con đường nào, anh phải đi đến tận cùng con đường đó.

Đó là tôi mới chỉ ra hai phong cách được gọi là hai con đường với những người đại diện thôi, còn một loại thứ ba nữa không tìm ra con đường nào cả. Phim của đám này thì không những thế giới không công nhận là phim nghệ thuật mà cả ở VN cũng không công nhận mới chết. Loại đó hay tự nhận là loại nghệ thuật, không dám nhận là loại bán vé vì bán vé dễ nhận ra lắm, không nhập nhằng được. Loại này rất đông, tuy không bằng anh Chuyên nhưng nấp sau lưng anh Chuyên đầy. Chính cơ chế làm phim này đã nuôi đám ấy nhưng giờ thì cũng bớt rồi, vì nuôi chỉ để không chết, sống ngắc ngoải mà thôi.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: “Chất lượng phim là tiêu chí đầu tiên để lọt vào vòng tuyển chọn”

Theo anh vì sao cùng sáng tác trong một môi trường điện ảnh như nhau, tại sao phim của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên lại đến được những LHP QT danh giá?

Vì tính mục đích làm phim của mỗi đạo diễn một khác. Trong khi vài người lao vào làm phim chiếu Tết kiếm tiền thì anh ấy hướng bộ phim của mình tới những LHP danh giá. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thực sự đã đạt được những gì anh ấy muốn cũng như những đạo diễn khác đạt được doanh số bán vé mà họ cần trong dịp Tết. Tôi nghĩ, trong thời điểm hiện tại điện ảnh VN cần có nhiều xu hướng và xu hướng nào cũng tốt miễn đạt được những tiêu chí mà nhà sản xuất và đạo diễn đặt ra.

Vậy theo anh thì phim của anh Chuyên thành công là nhờ tiếp thị tốt, nhờ có sự định hướng hay nhờ chất lượng phim?

Ngay cả trong hệ thống truyền thông trong nước, anh Bùi Thạc Chuyên cũng đâu có PR gì. Đối với hệ thống LHP hay phát hành phim nước ngoài thì lại càng không. Tôi nghĩ, chất lượng phim vẫn là tiêu chí đầu tiên để lọt vào vòng tuyển chọn. Có nhiều bộ phim được làm theo định hướng nghệ thuật nhưng không phải phim nào cũng được chọn tới những LHP như vậy.

Ngô Hồng Vân