Điện ảnh Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

(TGĐA) - Thực trạng điện ảnh là vấn đề được sự quan tâm đặc biệt của các nghệ sĩ, những người làm công tác điện ảnh, báo chí truyền thông và dư luận xã hội. Trong mấy tháng qua, nhiều nghệ sĩ bày tỏ sự lo lắng, trăn trở, thậm chí có một số người thất vọng, bi quan trước tình hình xuống dốc, thậm chí là khủng hoảng của điện ảnh Việt Nam. Nhưng cũng có một số người có ý kiến phản biện cho rằng “điện ảnh Việt Nam- có gì mà bi quan?”.


Đầu tháng 11/2011, Cục Điện ảnh có tiếp ông Frank S. Rittman- Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh (MPA- Motion Picture Association - International).

TSNPLan

TS. Ngô Phương Lan

Ông cung cấp một thông tin mà có lẽ ít ai biết được - kể cả những người nhiều kinh nghiệm nhất trong ngành điện ảnh - đó là cách đây 10 năm doanh thu của điện ảnh Việt Nam là 2 triệu USD/năm, còn năm 2010 là 26 triệu USD. Như vậy là trong 10 năm, doanh số điện ảnh tăng gấp 13 lần! Vấn đề là doanh số ấy vào đâu, có tác dụng tái đầu tư hay thúc đẩy điện ảnh Việt Nam như thế nào thì chưa có lời giải đáp.

Để nhìn nhận thực trạng điện ảnh Việt Nam, tôi xin khái quát lại một số diễn biến chính của hoạt động điện ảnh trong hơn 20 năm qua. Sau khi đất nước ta bước vào thời kỳ Đổi mới (đánh dấu bằng Đại hội Đảng CSVN lần thứ VI, tháng 12/1986), năm 1989, Điện ảnh VN xóa bỏ bao cấp trong sản xuất và phát hành phim, bắt đầu chuyển sang cơ chế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước. Trong bối cảnh nền kinh tế cả nước chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng XHCN, sự chuyển đổi này của điện ảnh là tất yếu và đúng xu thế phát triển chung, nhưng đồng thời lại tiềm ẩn nhiều bất cập. Đó là việc ngành điện ảnh chưa có sự chuẩn bị kỹ để đảm bảo cho sự ổn định và phát triển, dẫn đến xu hướng thương mại hoá điện ảnh (với “phim mì ăn liền” suốt những năm nửa đầu thập kỷ 90).

Tiếp đó, sự chuyển đổi cơ chế được tiến hành “nửa vời”: nhà sản xuất phim tư nhân chưa được “chính danh”- chưa có tư cách pháp nhân, dẫn đến tình trạng “lách cơ chế”, “mua mũ của hãng phim” và nhiều tiêu cực. Theo đó nhà sản xuất phim tư nhân không chịu trách nhiệm và sản phẩm điện ảnh, sản phẩm kém chất lượng họ cũng không lo ảnh hưởng đến uy tín.

TruongquayColoa

Cần đầu tư cho điện ảnh những trường quay như Trường quay Cổ Loa

Chính vì vậy, phong trào “người người làm phim, nhà nhà làm phim” cũng bị tắt ngấm cùng với sự tàn lụi của dòng phim “mì ăn liền” mà không để lại một cơ sở nào để làm nền cho việc xã hội hoá điện ảnh VN trong cơ chế thị trường. Đây là điều đáng tiếc, có thể nói là một lần “bước hụt” của ngành điện ảnh. Giá như ngay từ lúc đó, ngành điện ảnh đã gom góp sức mạnh của các thành phần kinh tế, có cơ chế phù hợp cho các nhà sản xuất phim tư nhân thì chắc rằng điện ảnh Việt Nam đã có những bước đi đúng hướng và hiệu quả hơn.

Ngày 30/12/2002, Quyết định số 38/2002/QĐ-BVHTT của Bộ Văn hoá - Thông tin “Quy định về điều kiện thành lập cơ sở sản xuất phim và thẩm quyền, thủ tục duyệt phim” được ban hành đã công nhận tư cách pháp nhân đầy đủ của hãng phim tư nhân. Sự phát triển của khu vực điện ảnh tư nhân đem lại sự sôi nổi của thị trường điện ảnh, thu hút khán giả đến rạp, làm “sống lại” các rạp chiếu phim từng “ngắc ngoải” trong suốt hơn 1 thập kỷ. Diện mạo điện ảnh VN cũng phong phú, đa dạng hơn.

Nhưng thực tế của điện ảnh Việt Nam trong cơ chế thị trường định hướng XHCN đang tồn tại một số vấn đề mà các cấp lãnh đạo và quản lý ngành, các cơ sở điện ảnh và đặc biệt là các nghệ sĩ, người làm điện ảnh đều trăn trở và mong tìm hướng giải quyết.

HoangsatronglongTQ

Cần tìm đầu ra cho những phim tài liệu ví dụ như Hoàng Sa trong lòng Tổ quốc

Bởi vậy, việc hệ trọng đầu tiên là đánh giá đúng thực trạng điện ảnh, cụ thể là thực trạng ở các khâu: sáng tác, sản xuất phim; tuyên truyền, quảng bá tác phẩm điện ảnh; phát hành, phổ biến phim; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật điện ảnh; hội nhập quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh; yếu tố con người trong đội ngũ làm điện ảnh . Đây là những khâu đang đóng vai trò quyết định trong sự vận hành của cỗ máy điện ảnh. Từ đó, giải quyết vấn đề hệ trọng và thiết thực hơn là tìm ra những giải pháp (trước mắt và lâu dài) để củng cố và phát triển nền điện ảnh dân tộc. Tôi xin có một số đề xuất mang tính gợi mở về thực trạng và giải pháp phát triển điện ảnh Việt Nam, về hướng phát triển của điện ảnh Việt Nam trong cơ chế thị trường định hướng XHCN và trong bối cảnh hội nhập quốc tế chủ động, toàn diện và sâu rộng hiện nay.

Trước hết, xin điểm lại chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, theo đó là việc thể chế hóa bằng hệ thống hành lang pháp lý được xây dựng cho ngành điện ảnh.

Phải khẳng định rằng Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến sự nghiệp phát triển văn hóa, trong đó có điện ảnh. Đã có những chủ trương lớn của Đảng về việc này như Nghị quyết Hội nghị lần thứ V của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII ngày 16/7/1998 về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Những chính sách của Nhà nước để triển khai chủ trương của Đảng- Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2020.

Điện ảnh là ngành nghệ thuật được quan tâm xây dựng hệ thống văn bản pháp quy đầy đủ nhất : Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 năm 2006- có hiệu lực từ ngày 1/1/2007; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh số 31/2009/QH12 có hiệu lực từ ngày 01/10/2009; gần đây nhất là Nghị định số 54/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh có hiệu lực từ ngày 01/7/2010.

Vấn đề quan trọng hơn là hệ thống văn bản, luật pháp ấy đã được thi hành đến đâu, hiệu quả ra sao và làm thế nào để các quy định của pháp luật điều chỉnh hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy điện ảnh phát triển. Xin được đi vào từng khía cạnh cụ thể.

QuyhotrophattrienDA

Quỹ Hỗ trợ và phát triển điện ảnh chính thức được thành lập tại LHPVN lần thứ 17 vừa qua

Sáng tác- sản xuất phim:

Sáng tác là khâu quan trọng, mang tính chất khởi đầu và quyết định giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm điện ảnh. Bới vậy, đầu tư cho sáng tác rất quan trọng. Nhà nước rất quan tâm đến đầu tư sáng tác kịch bản, tuy nhiên, để phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của điện ảnh thế giới, cần phải có thêm những cách thức đầu tư hiệu quả và thích đáng khác, như các đầu tư của một số quỹ ở các nước là ví dụ có thể tham khảo.

Giải pháp:

- Cần triển khai việc tài trợ, đặt hàng sản xuất phim bằng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước thông qua việc tuyển chọn các dự án sản xuất phim theo Luật sửa đổi và bổ sung một số điều trong Luật điên ảnh với nhiều đợt mời các tổ chức và cá nhân gửi kịch bản và dự án làm phim đến trình thẩm định và tuyển chọn theo từng đề tài – chủ đề cụ thể, theo tiêu chí rõ ràng.

- Cần triển khai việc Nhà nước mua toàn bộ hoặc một phần bản quyền của các tác phẩm có giá trị cao (theo Nghị định 54) mà không phân biệt phim của hãng tư nhân hay hãng nhà nước.

- Thành lập Quỹ phát triển điện ảnh (đã được quy định trong Luật Điện ảnh)

- Cần xác định vai trò quan trọng của nhà sản xuất phim- đặc biệt trong các hãng phim nhà nước- và có kế hoạch bồi dưỡng đào tạo các nhà sản xuất phim thực thụ.

- Cần xác lập mối quan hệ hợp lý và hiệu quả giữa điện ảnh và truyền hình.

Tuyên truyền, quảng bá tác phẩm:

Phim của các hãng tư nhân được chăm sóc kỹ lưỡng việc tiếp thị, quảng cáo – từ khi phim chuẩn bị làm, trong suốt quá trình làm cho đến khi ra mắt khán giả, trong suốt quá trình phát hành… Nhưng việc quảng cáo nhiều lúc không đi đôi với chất lượng phim, có phim được “tâng bốc” quá xa so với giá trị thật của nó- điều này làm lệch chuẩn giá trị tác phẩm điện ảnh.

Ngược lại, các phim của các hãng nhà nước không được đầu tư cho việc tiếp thị, quảng bá- cả về kinh phí lẫn công sức và nghiệp vụ tiếp thị - dẫn đến nhiều tác phẩm hay mà vẫn khó “lên sàn”, khán giả muốn xem phim không biết xem ở đâu, tìm đến phim thì phim đã bị dẹp chiếu từ lâu.

Giải pháp:

- Chúng ta phê phán xu hướng thương mại hoá điện ảnh (chạy theo đồng tiền bất kể tính thẩm mỹ và chất lượng nghệ thuật của "sản phẩm").

- Nhưng chúng ta ủng hộ, khuyến khích những bộ phim có nội dung lành mạnh, có tính giáo dục mà lại thu hút được đông khán giả nhờ cách dàn dựng hấp dẫn.

Lenhxoaso

Việc PR quá đà cho những bộ phim chất lượng thấp như Lệnh xóa sổ cần phải được xem lại

Phát hành- phổ biến phim

Theo thông tin của ông phó Chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh Mỹ trong 10 năm nay, doanh số điện ảnh tăng gấp 13 lần! Đây là minh chứng cho sự phát triển của nhu cầu điện ảnh của xã hội và hoạt động điện ảnh. Tuy nhiên, phải nhìn rõ thực trạng sau:

- Hệ thống rạp chiều bóng chưa đủ nên đầu ra của phim hạn chế

- Những rạp hoạt động có hiệu quả chủ yếu là rạp liên doanh (Megastar, Diamond, Lotte…) nên phim nhập được chiếu với tỉ lệ cao. Hơn nữa, theo thỏa thuận quốc tế khi Việt Nam gia nhập WTO, phim nhập vào Việt Nam không có hạn ngạch nên số lượng phim nhập không bị hạn chế, chiếm tỉ lệ áp đảo tại các rạp chiếu phim

- Phim VN khó vào rạp, kê cả phim tư nhân- dòng giải trí, sản xuất để phục vụ những dịp lễ Tết.

Giải pháp:

- Cần xác định rõ: bảo vệ thị trường điện ảnh trong nước có nghĩa là bảo vệ điện ảnh dân tộc. Điều cần thiết là tìm ra và kiên quyết thực hiện các biện pháp để bảo vệ thị trường điện ảnh Việt Nam.

- Cần tìm đầu ra cho các bộ phim tài liệu, phim hoạt hình được nhà nước đặt hàng.

Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho điện ảnh đúng hướng

Trong thời đại phát triển vũ bão của công nghệ số, “thế giới phẳng” đã làm thay đổi nếp sống của con người cũng như bao nhiêu lĩnh vực trong đời sống. Điện ảnh cũng là lĩnh vực chịu nhiều tác động của công nghệ số: sản xuất phim công nghệ số, phát hành phổ biến phim trong hệ thống rạp công nghệ số, thưởng thức tác phẩm bằng phương tiện số… Phim số đang dần thay thế phim nhựa truyền thống 35 ly.

Giải pháp:

- Tìm bước đi chuẩn xác, đúng hướng để tận dụng, kết hợp và thay thế hợp lý từ cơ sở vật chất kỹ thuật cũ sang công nghệ mới

- Đầu tư hệ thống thiết bị công nghệ số trong sản xuất phim và hệ thống rạp chiếu phim (trung ương và địa phương), trong bảo quản và lưu trữ phim và các khu vực khác của điện ảnh

- Đầu tư cho hệ thống trường quay nội, trường quay ngoại đạt tiêu chuẩn từ nhiều nguồn vốn.

Hội nhập quốc tế trong điện ảnh

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế một cách chủ động và sâu rộng hiện nay, xu hướng hội nhập quyết định sự sống còn của ngành nghệ thuật có tính quốc tế cao là điện ảnh.

Giải pháp:

- Đưa phim Việt Nam ra thế giới ở 3 cấp độ:

+ Tham dự các Tuần phim Việt Nam, Những ngày văn hóa Việt Nam, các sự kiện văn hóa nghệ thuật theo thỏa thuận, hiệp định, quan hệ ngoại giao… (cần các phim đáp ứng yêu cầu đối ngoại)- Đây là việc chúng ta (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành điện ảnh và các cơ quan liên quan) có thể chủ động được.

+ Tham dự các Liên hoan Phim quốc tế (cần các phim có giá trị nghệ thuật)- Để đạt hiệu quả, cần nâng cao chất lượng phim, chú trọng các tác phẩm có sáng tạo nghệ thuật.

+ Thiết lập thị trường điện ảnh Việt Nam ở nước ngoài (phim có giá trị thương mại)- Đây là việc khó, cần sự nỗ lực từng bước.

- Giới thiệu phim nước ngoài tại Việt Nam

- Hợp tác, liên doanh làm phim với nước ngoài.

- Tạo điều kiện cho các nhà làm phim Việt kiều về nước hành nghề.

Giải pháp quyết định: xuất phát từ con người

Yếu tố quan trọng nhất để củng cố, xây dựng và phát triển điện ảnh là con người: người tài trong sáng tác; người có chuyên môn, tay nghề công nghệ- kỹ thuật; người có trình độ và kinh nghiệm trong quản lý… Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất cần quan tâm là đào tạo và sử dụng con người.

TS Ngô Phương Lan