Điện Biên Phủ qua những bộ phim nước ngoài

(TGĐA) - Một mảnh đất nhỏ nằm ở Tây Bắc Việt Nam có tên là Điện Biên Phủ đã trở thành một trong những đề tài nóng của các nhà điện ảnh quốc tế trong thế kỷ XX và sau này. Bởi Điện Biên Phủ là chiến thắng không những khiến người Pháp phải “cúi đầu khâm phục” mà còn là biểu tượng giải phóng đối với các dân tộc thuộc địa trên thế giới. Tầm vóc Điện Biên Phủ lớn như vậy nên, phải chăng, vì thế, chỉ có những cường quốc điện ảnh như Pháp, Mỹ và Nga mới có thể làm phim về nó?

in_Bin_Ph_l__ti_ca_nhiu_nh_lm_phim_nc_ngoi

Điện Biên Phủ là đề tài của nhiều nhà làm phim nước ngoài

Từng là một tù binh chiến tranh tại mặt trận Điện Biên, đạo diễn người Pháp Pierre Schoendoerffer, gần 40 năm sau, vẫn không thể quên những ký ức kinh hoàng. Năm 1992, ông quyết định trở lại Việt Nam để làm bộ phim truyện nhan đề Điện Biên Phủ. Dù đã cố gắng đặt điểm nhìn với độ lùi về không gian và thời gian qua những tuyến nhân vật còn mờ nhạt như nhà báo Mỹ Howard Simpson (Donald Pleasence) và nữ nghệ sỹ vỹ cầm Béatrice Vergnes (Ludmila Mikael), ông đã dành phần lớn câu chuyện miêu tả cuộc chiến đấu trong cơn tuyệt vọng của những người lính Pháp trong thời khắc đếm ngược từng ngày của tiếng “chuông nguyện hồn ai”. Những thước phim gắng gượng vẽ nên một Hà Nội dưới thời Pháp còn chút hào nhoáng, từ quan điểm thực dân của một người Pháp coi cuộc chiến có thể như canh bạc, vị đạo diễn này vẫn bị những hình ảnh binh lính Pháp với đủ mọi hình hài sứt mẻ, vỡ nát bởi đạn pháo, nhầy nhụa trong máu, mưa cùng bùn đất… ám ảnh. Ông đã dũng cảm thể hiện chân dung những người lính trong đội quân thuộc địa Liên hiệp Pháp bao gồm lính da trắng, da đen, lính bản địa, lính dân tộc Thái… tất cả đều chung một số phận. Những hình ảnh sỹ quan tham mưu trên bàn giấy đối lập hẳn với những người lính Pháp trong vũng lầy Điện Biên. Có lẽ, trái tim ông đã đập cùng với họ, đã chết ở nơi này. Người xem nhận thấy vài điểm sáng nhỏ trong tinh thần của đội quân chuyên nghiệp, song cuối phim, ông vẫn phải thú nhận lòng tôn trọng dành cho dân tộc và quân đội Việt Nam. Bộ phim là khúc tưởng niệm cho hơn gần 8000 lính Pháp tử trận tại Điện Biên, là bản nhạc bi ai đối với người dân Pháp.

12_tp_phim__ti_liu_Battlefield_Vietnam__ca_cc_nh_phim_M

12 tập phim tài liệu Battlefield Vietnam của các nhà phim Mỹ

Tiếp đó, năm 1999, các nhà làm phim Mỹ gồm các đạo diễn như Dave Flitton, Andy Aitken và Justin McCathy đã hoàn thành bộ phim tài liệu dài 12 tập nhan đề Battlefield Vietnam (Cuộc chiến Việt Nam). Các tác giả đã dành nhiều công sức sưu tầm tư liệu, dàn dựng kịch bản và xây dựng lên một cuốn sử thi bằng hình ảnh và những lời phân tích thấu đáo về thất bại của Mỹ tại Việt Nam. Ngay tập I, với nhan đề Dien Bien Phu – The Legacy (Điện Biên Phủ - Sự kế thừa), các nhà làm phim đã vạch rõ sự thất bại rõ ràng của Pháp tại Điện Biên cũng như sự can thiệp trắng trợn của Mỹ tại Việt Nam bằng cách viện trợ vũ khí và hậu cần cho Pháp. Điều đó có nghĩa, chính phủ Mỹ đã mặc nhiên thế chân Pháp tại Việt Nam dưới cái sứ mệnh gọi là “ngăn chặn sự phát triển của cộng sản từ Liên Xô và Trung Hoa tràn xuống Đông Nam Á”. Đương nhiên, dưới quan điểm của phương Tây, các nhà làm phim cũng cố sức biện hộ cho sự xâm lược của Mỹ vào Việt Nam, nhưng, với hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chọn làm áp-phích cho tập I, các nhà làm phim Mỹ đã ngầm báo trước sự kế thừa “di sản thất bại” của Mỹ tại Việt Nam.

Poster_phim_Dien_bien_phu_2

Poster phim Điện Biên Phủ

Một đạo diễn người Pháp khác cũng đã làm bộ phim tài liệu về Điện Biên có tên là The battle between a Tiger and an Elephant (Cuộc chiến giữa Hổ và Voi). Đó là đạo diễn Daniel Roussel. Trong những năm 1980-1986, ông là phóng viên báo L’Humanite (Nhân đạo) của Pháp tại Việt Nam. Làm bộ phim này, đạo diễn rất thích hình ảnh ẩn dụ của Bác Hồ so sánh cuộc chiến đấu của quân dân ta với quân đội Pháp tại Điện Biên tương tự như cuộc đấu giữa con Hổ năng động với con Voi to xác nhưng chậm chạp. Nhân vật trung tâm của bộ phim này là đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có thể nói, do có nhiều thời gian được tiếp cận với nhân vật, nên nhà làm phim đã có quá trình khảo sát nhân vật, nghiên cứu nhân vật của mình dưới nhiều góc độ. Ông cũng so sánh chiến lược, chiến thuật giữa hai bên qua những tư liệu chân thực và sự phân tích sâu sắc của Đại tướng. Những thước phim sinh động của ông quay ở Điện Biên, Mường Phăng cùng những hình ảnh giản dị của vị Tổng Tư lệnh đã mang đến cho người xem chân dung chiều sâu của một vị tướng cũng như một dân tộc yêu nước, yêu hòa bình.

o_din_Roman_Karmen_lm_phim_ti_Vit_Nam_1

Đạo diễn Roman Karmen làm phim tại Việt Nam

Nhưng có lẽ, để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với khán giả nước ta là bộ phim Việt Nam (còn có tên khác là Việt Nam trên đường thắng lợi) của đạo diễn nổi tiếng người Nga Roman Karmen. Nhà Việt Nam học, Tiến sỹ Anatoly Socolov, trong bài Kỳ công của những nhà quay phim tài liệu Liên Xô (2014) cho biết: “Trong nhật ký của mình, đạo diễn Roman Karmen đã viết: Chúng tôi hiểu rõ rằng, thực hiện nhiệm vụ này hết sức khó vì đoàn làm phim chúng tôi sẽ sang một đất nước hoàn toàn xa lạ, mặc dù về tinh thần và tình cảm rất gần gũi với người Liên Xô. Hơn nữa, thiếu sách báo để làm quen và tìm hiểu đất nước Việt Nam, chỉ có một cuốn sách của tác giả người Pháp”. Qua những tư liệu của Karmen, nhà nghiên cứu điện ảnh Nga A. Socolov đã viết: “Nhờ sự giúp đỡ của Bác Hồ, đạo diễn Karmen đã hoàn thành được những cảnh quay dựng tại Điện Biên Phủ sau khi chiến dịch kết thúc như sau: Hồ Chí Minh, đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy, bộ đội Việt Nam ào ạt xông lên tấn công hầm De Castries, cảnh phất cờ trên nóc hầm… Trong phim Việt Nam, ông Karmen để nhiều tâm nhất và gây ấn tượng nhất là đại cảnh hàng nghìn tù binh Pháp lũ lượt diễu qua ống kính như biểu tượng thất bại của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung”.

Cnh_trong_Battlefield_Vietnam

Cảnh trong Battlefield Vietnam

Có thể khẳng định, đề tài Điện Biên Phủ vẫn đang là một trong những cảm hứng quan trọng đối với các nhà làm phim lớn của các nền điện ảnh lớn trên thế giới. Trong dòng xoáy của thời gian, lịch sử thường có những sự lặp lại vô tình. Những nhà làm phim, với kiến văn sâu sắc của mình, luôn nhắc nhở nhân loại sống cuộc sống tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng những dân tộc nhỏ với những nền văn hóa lớn. Đặc biệt, với một dân tộc đấu tranh có lý tưởng thì không một kẻ thù nào có thể đe dọa được.

Đoàn Tuấn



Battlefield Vietnam (Cuộc chiến Việt Nam)