Diễn viên "nhí" đi về đâu?

Ngoài ra, nguồn diễn viên nhỏ tuổi chủ yếu được “lấy” từ chính con em của đạo diễn, diễn viên hay người trong đoàn phim. Hầu hết các em đều chưa được đào tạo bài bản về diễn xuất điện ảnh. Không có trường lớp đào tạo diễn viên ở tuổi đến trường là thực tế tồn tại từ nhiều năm nay.

Ở nước ta, diễn viên “nhí” thường được chọn từ các Nhà văn hóa thiếu nhi, hoặc các CLB nghệ thuật dành cho tuổi thơ. Nếu phim quay ở nông thôn hay miền núi thì tuyển diễn viên nhí được tuyển ngay tại chỗ.


giadinhphepthuat.jpg
Diễn viên nhí (phải) trong phim Gia đình phép thuật

Vì vậy, có người cho rằng, sử dụng diễn viên “nhí” ở ta hiện nay theo kiểu “được chăng hay chớ” không hề có chiến lược lâu dài. Tuy nhiên, bà Huỳnh Thanh Diệu - Phó Giám đốc Hãng phim Gia đình Việt (Vifa), một trong những nhà sản xuất của phim Gia đình phép thuật (200 tập) - bộ phim đang phát sóng trên HTV7, quy tụ hơn 20 học sinh từ lớp 5 đến lớp 9 chia sẻ: “Tôi yêu quý các em, muốn giữ các em lại cho những dự án tiếp theo. Tôi cũng có thể viết kịch bản để các em tiếp tục đóng phim sau khi phim này kết thúc, nhưng phim làm ra sẽ chiếu ở đâu?”.

Theo bà Diệu, cùng với việc học lý thuyết, những dự án phim dài tập hay các chương trình sân khấu là dịp tốt nhất để các em thực hành. Diễn xuất giỏi và kịch bản hay, giống như giáo trình tốt, góp phần “đẩy” các em lên.

Ngoài ra, các diễn viên chuyên nghiệp đóng cùng sẽ hỗ trợ diễn xuất cho các em. "Đào tạo lâu dài thì phải có kế hoạch lớn của Nhà nước hay các dự án hẳn hoi, gắn kết từ đào tạo đến sản xuất và phát sóng”, bà Diệu nói.

nguoimenhi1.jpg
Diễn viên nhí Lê Ngọc Phương Trinh mới 11 tuổi nhưng đã thể hiện vai một bà mẹ yêu tinh có tuổi thọ đến... 500 tuổi trong phim Người mẹ nhí

Không chỉ đào tạo, một chiến dịch lăng xê các “sao” nhí độc quyền thường được các nước có nền điện ảnh phát triển áp dụng. Nhưng ở ta, ngay cả với diễn viên người lớn thì việc độc quyền mới chỉ được một vài công ty thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, cũng không còn ai nhắc đến.

Còn với diễn viên nhí, sau khi nổi lên với một vài vai diễn, các em thường nhận những vai “không nâng các em lên”. Bà Diệu kể, hồi làm phim Mùi ngò gai, có em đóng rất tốt, theo đạo diễn Hàn Quốc, nếu đào tạo bài bản, thì em sẽ trở thành “sao” như Chương Tử Di hay Củng Lợi. Nhưng sau đó, Vifa có phim mời em tham gia thì em không nhận.

“Đóng quảng cáo được thù lao 1.000 - 1.500 USD/ngày, so với mức cát-sê đóng phim quả là một trời một vực. Nhưng đóng phim giúp hình tượng các em được đẩy lên nhiều so với đóng quảng cáo”, bà Diệu quả quyết.

Có nhiều dịp làm việc với các diễn viên “nhí” ở nông thôn, miền núi, diễn viên Hồng Ánh nhìn nhận vấn đề đào tạo và phát triển tài năng diễn viên “nhí” ở một khía cạnh khác. Theo cô, các em thường được tuyển chọn từ nhiều nguồn. Có nhiều em được sinh ra trong gia đình nông dân thứ thiệt, học văn hóa còn chưa đến nơi đến chốn, thì nói gì tới theo đuổi nghệ thuật.

kinhvanhoa43.jpg
Phim Kính vạn hoa cũng quy tụ nhiều diễn viên lứa tuổi học trò

Vấn đề “hậu” diễn viên nhí phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chứ không phải chỉ nằm trong “tầm tay” của các nhà làm phim. Đối với diễn viên thiếu nhi trên 10 tuổi thì cả ba yếu tố: gia đình - nhà trường và xã hội nhiều khi chịu xếp sau sở thích của các em trong lựa chọn nghề nghiệp.

Suy cho cùng, khi nghề diễn viên chưa thật sự được đánh giá cao và thu nhập vẫn còn phập phù thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lựa chọn phát triển nghề nghiệp của các diễn viên “nhí”.

Theo Phụ nữ