Đinh Xuân Thặng: Yêu và sống trọn vẹn với ngành điện ảnh

(TGĐA) - Hồi ấy tôi làm bí thư chi đoàn xã Ninh Khanh, huyện Gia Khánh, Ninh Bình. Thỉnh thoảng có đoàn chiếu phim về xã phục vụ bà con, tôi thường giúp các anh trong đoàn, lo sân bãi, mắc điện, trông coi máy nổ, có khi ngồi chỗ máy chiếu phim để xem các thao tác chiếu phim. Dần dần tôi đâm mê cái công việc ấy.

Untitled-3_copy.jpg

Tháng 5, năm 1959, tôi thoát ly tham gia ngành điện ảnh, trở thành người cầm máy chiếu phim. Cái nghề này xem ra cũng thú vị và mơ mộng, được đi đây, đi đó, lên rừng, xuống biển, đến những miền xa xôi, hẻo lánh.

Năm 1964, Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, tôi đi khám nghĩa vụ mấy lần đều đạt loại A, nhưng Ty Văn hóa Ninh Bình không cho tôi nhập ngũ, vì muốn tôi làm nòng cốt cho đội chiếu phim, sẵn sàng chi viện cho miền Nam.

Tháng 1 năm 1970, tôi được điều động đi B. Thế là thỏa nguyện, tôi hăm hở ra đi với nhiệt tình tuổi thanh xuân, khao khát làm được cái gì đó góp phần cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Sau ba tháng hành quân, đoàn chúng tôi đến Khu 5. Chúng tôi bắt tay vào ổn định đời sống, vừa sản xuất tự túc trồng khoai, sắn, rau, vừa chiếu phim phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở các vùng căn cứ của ta. Chúng tôi mang máy chiếu đi khắp nơi. Kom Tum, Quảng Ngãi, Quế Sơn, Trà Bồng, Cầu Bá Huỳnh … những tên đất, tên làng của Khu 5 và Tây Nguyên đã trở nên thân thiết đối với chúng tôi.

Những ngày đầu vào chiến trường, thử thách lớn nhất đối với chúng tôi là phải đương đầu với một môi trường sống khắc nghiệt. Gió núi, mưa rừng, nước độc, muỗi, vắt … Nhiều người bị sốt rét, bị ngã nước, ghẻ lở, ngứa ngáy, những cái mụn bọc mưng mủ nhức nhối mà thuốc men lại khan hiếm, đã thế lại phải thường xuyên đối phó với những trận càn của địch. Thưở ấy chúng tôi đều ở tuổi ngoài hai mươi khỏe mạnh, trẻ trung, có thể dễ dàng vượt qua gian khổ, nhưng vất vả hơn là phải chiến thắng nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Nhưng rồi tất cả đã quen dần, vì chúng tôi còn nhiệm vụ trước mắt phải làm.

Tháng 8 năm 1971, tôi được cử làm đội trưởng đội chiếu bóng do Ban tuyên huấn Khu 5 thành lập. Cũng thời gian đó có anh Phan Văn Kính (nay là nguyên giám đốc Đài phát thanh truyền hình Khánh Hòa), cán bộ tuyên giáo Khánh Hòa, ra Nước Oa, Trà My, Quảng Nam xin điều động đội chiếu phim vào Khánh Hòa. Tôi và anh Nguyễn Công Cẩn xung phong đi. Thế là từ đó tôi gắn bó với mảnh đất cực Nam trung Bộ này.

Chuẩn bị máy móc, phim ảnh, chúng tôi hành quân vượt đường 19 và 21 (nay là đường 26), trục đường địch hay phục kích. Mùa mưa, con sông Krông Năng Daklak chảy xiết, hung dữ, tưởng như toàn bộ khối nước khổng lồ từ nguồn đổ xuống. Không thể dừng lại bên này sông dễ bị địch tấn công. Hơn nữa chúng tôi phải hành quân gấp để kịp về chiếu phim phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa. Thế là chúng tôi quyết định vượt sông. Tôi, anh Kính, anh Cẩn lấy ni-lông quấn chặt máy nổ, máy chiếu và phim thành 10 gùi, rồi dùng dây dù cột vào gốc cây, giăng ngang dòng sông. Ba chúng tôi lần theo sợi dây, vật lộn với xoáy nước để chuyển từng gùi hàng sang sông an toàn.

Một lần trên đường đi, chúng tôi phát hiện dấu giày biệt kích. Người giao liên đề nghị chúng tôi tạm lánh vào một cánh rừng. Hôm đó chúng tôi bị mất liên lạc. Lo lắng, căng thẳng. Rừng núi bạt ngàn mà đoàn không một ai thuộc lối đi. May thay người giao liên đã trở lại. Chúng tôi mừng rỡ và tiếp tục lên đường. Khánh Hòa – miền đất chưa một lần tôi đặt chân đến mà nghe thôi thúc lạ lùng.

Cuối cùng chúng tôi về đến chiến khu Tà Gộc, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa trước ngày khai mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh ba ngày. Được gặp đồng chí, đồng bào, sống trong tình cảm thương yêu ấm áp, chúng tôi vui mừng khôn xiết.

Buổi chiếu đầu tiên phục vụ Đại hội Đảng bộ đã thành công tốt đẹp. Được các đồng chí lãnh đạo tỉnh khen ngợi, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, niềm tin. Sau đó là những buổi chiếu liên tục phục vụ bà con. Nhiều đêm chiếu đến 1, 2 giờ sáng, chiếu đến khi hết không còn một cuộn phim nào đồng bào mới chịu ra về. Nhờ thế, chúng tối mới biết đồng bào ta cần phim ảnh, nghệ thuật, cần món ăn tinh thần biết nhường nào.

Tôi nhớ dạo ấy, lãnh đạo tỉnh cho phép chúng tôi chiếu phim cho đồng bào Ninh Thuận xem. Nghe tin, đồng bào rất mừng. Mọi người chuẩn bị sẵn xăng, dầu đựng trong ống mò-o. Không ngờ ống mò-o bị rò rỉ, xăng dầu chảy gần hết. Đang chiếu dở thì hết xăng. Ông huyện đội trưởng Bắc Ái đứng lên huy động đồng bào góp dầu từ những cây đèn hột vịt, những cái máy lửa, vậy mà buổi chiếu phim cũng kéo dài hơn 1 giờ nữa. Giờ đây, mỗi lần bấm nút tivi, màn hình hiện lên bao hình ảnh đẹp, tôi lại bùi ngùi thương nhớ đồng bào ta những năm kháng chiến gian khổ, ác liệt.

Rời Ninh Thuận, trở lại Khánh Hòa, chúng tôi tiếp tục đi chiếu phim ở các huyện Ninh Hòa, Vạn Ninh. Theo yêu cầu của tỉnh Phú Yên, chúng tôi ra huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên chiếu phim nhân ngày 19-8-1972. Xong nhiệm vụ, chúng tôi trở về Khánh Hòa, vượt đường 21, địch kiểm soát gay gắt nên phải chia làm hai tốp. Tốp đi trước gồm có tôi và 5 anh em khác, được trang bị 2 khẩu súng ngắn và vài trái lựu đạn. Chúng tôi đã vượt đường 21 một cách nhanh gọn. Tốp sau gồm anh Nguyễn Công Cẩn và một số anh em cõng máy nổ. Gặp địch phục kích các anh phải lùi lại phía sau. Ai cũng lo lắng, vì tưởng tốp trước đã hy sinh. Một tuần sau gặp lại nhau ở Khánh Hòa chúng tôi vui mừng đến chảy cả nước mắt.

Trở về chiến khu Tà Gộc, tôi được cử ra ngoài Khu 5 xin thêm máy chiếu và phim cho tỉnh Khánh Hòa. Tôi lại lội suối, băng rừng suốt 6 tháng trời mới đem được máy về. Khi ra đi anh em bắt đầu phát rẫy, khi về bắp đã vàng khô.

Có thêm máy chúng tôi thành lập hai đội chiếu bóng và được chi viện thêm anh Màu, anh Sự và anh Nam. Do sinh hoạt khó khăn, ăn uống kham khổ, thuốc men thiếu thốn, các anh bị bệnh và sốt rét liên miên. Tôi phải bố trí người bệnh ở nhà canh rẫy, người khỏe đi chiếu phim, tận dụng hết hai bộ máy, chúng tôi gùi máy lặn lội hết buôn này đến buôn kia để chiếu phim cho đồng bào xem. Có hôm đang chiếu phim thì anh Nguyễn Công Cẩn lên cơn sốt, anh phải nằm trên võng điều khiển máy nổ.

Tháng 8 năm 1974, tôi ra Khu 5 họp. Khi về, tôi xin thêm một bộ máy chiếu nữa cho Khánh Hòa. Trên đường về đến Daklak thì đã giải phóng Buôn Mê Thuột. Tôi sung sướng đến trào nước mắt, lòng càng thêm háo hức muốn về Khánh Hòa ngay, để được hòa trong khí thế chiến đấu và chiến thắng.

Ngày 3/ 4/ 1975, tôi về đến Diên Sơn, Diên Điền, Diên Khánh và tiến hành buổi chiếu đầu tiên trong niềm vui giải phóng. Sau đó, đội chúng tôi xuống tiếp quản Nha Trang, dùng máy, nhân viên cũ chiếu phim phục vụ đồng bào Nha Trang. Ban ngày chúng tôi tổ chức chiếu tại rạp Tân Tân, ban đêm chiếu ở chợ Đầm, ở cảng, cửa nhà ga Nha Trang và ở những khu đông dân.

Những ngày vừa giải phóng, người dân Nha Trang chưa hết bàng hoàng. Vui mà vẫn sợ, không biết giải phóng thật hay mơ. Có một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi. Đó là đêm 12/4/ 1975, chúng tôi tổ chức chiếu phim Chiến thắng đường 9 Nam Lào ở chợ Đầm. Trong phim xuất hiện máy bay và những tiếng nổ. Người xem hoảng sợ bỏ chạy toán loạn, để lại guốc, dép la liệt trên sân và đội chiếu phim lúng túng chưa biết xử lý thế nào. Nhưng chỉ một lát sau đồng bào lại trở lại sân, bãi chiếu xem hết bộ phim một cách hào hứng, say mê.

Tháng 2 năm 1976, tôi được cử làm Phó chủ nhiệm Quốc doanh chiếu bóng Phú Khánh, tôi đã tổ chức lại hoạt động của ngành, như: thành lập ở mỗi huyện 2 đội chiếu bóng, tổ chức chiếu bóng ở các rạp, cấp tốc đào tạo một lực lượng thuyết minh phim. Có thể nói từ 1975 đến 1991 là giai đoạn phồn thịnh của điện ảnh Khánh Hòa. Đông đảo các tầng lớp khán giả đã đến rạp chiếu bóng để thưởng thức những bộ phim có nội dung trong sáng, lành mạnh.

Nhưng chúng tôi cũng có một thời lao đao khốn khó, nhất là từ năm 1992 đến 1994. Phim video được sản xuất hàng loạt đã lất át phim nhựa dẫn đến tình trạng kinh doanh thua lỗ, có những lúc tưởng như đứng trên bờ vực thẳm. Trong tình hình đó, rất nhiều công ty điện ảnh của các tỉnh phải giải thể, chuyển đổi phương thức hoạt động, phục vụ.

Chúng tôi xác định phải tồn tại và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn. Hướng đi của chúng tôi là xã hội hóa điện ảnh, là dịch vụ video, in nhân băng có nội dung lành mạnh để đánh bật các loại băng trôi nổi, có nội dung xấu. Phát hành băng đến các đại lý, phục vụ đến từng gia đình. Ngoài ra chúng tôi còn huy động vốn, mua máy nhân băng, máy chiếu phim 300 inch, chiếu phim video … Biết nhân dân vùng sâu, vùng xa khao khát được xem phim và để đáp lại tấm lòng ân nghĩa của đồng bào đã cưu mang chúng tôi những năm kháng chiến. Đầu năm 1994 công ty đã đầu tư mua 4 bộ máy, thành lập lại 4 đội chiếu bóng lưu động, thường xuyên phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Đến nay Công ty đã làm ăn có lãi, đời sống của cán bộ công nhân viên được nâng cao. Từ 1996 – 2000, Công ty đã hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước. Đạt được thành tích đó là do công sức của bao người. Họ xứng đáng với tấm huân chương Lao động mà Nhà nước trao tặng cho Công ty.

Riêng tôi, sau 40 năm gắn bó với ngành điện ảnh, tôi được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động. Âu cũng là duyên nợ chi đây chứ thành tích của tôi có gì đáng kể lắm đâu. Có điều cho đến nay tôi có thể yên tâm mà nói rằng: Tôi đã yêu và sống trọn vẹn với nghề.

Khánh Lê (ghi)