Độc nhãn tướng quân Nguyễn Bình: Những thước phim ý nghĩa của sự đoàn kết và tình nghĩa

(TGĐA Online) - 30 tập phim về vị tướng tư lệnh đầu tiên của các lực lượng vũ trang Nam Bộ, được Bác Hồ phong hàm Trung tướng khi mới 40 tuổi, Trung tướng lừng danh Nguyễn Bình, vị chỉ huy nghĩ ra cách đánh biệt động, tình báo đầu tiên giữa trung tâm Sài Gòn hang ổ của thực dân Pháp, đang được phát sóng trên kênh HTV9- Đài Truyền hình TP.HCM.

Cnh_trong_phim_c_nhn_tng_qun_Nguyn_Bnh

Cảnh trong phim Độc nhãn tướng quân Nguyễn Bình

Ê kíp đoàn phim gồm các nhà văn Khuất Quang Thụy, Hồ Bá Thuần (tác giả kịch bản) đồng đạo diễn với NSND Trần Phương. 5 NSƯT Tiến Hợi, Nam Cường, Minh Thảo, Trọng Bình, Bắc Việt, các diễn viên: Hồng Vinh, Vân Anh, Minh Chung, Võ Hiệp, Kiều Trinh, Đức Tiến… cùng tham gia trong phim. Đặc biệt quá trình chọn lựa người có thể đảm đương được vai tướng Nguyễn Bình cũng không đơn giản. Người đó phải có ngoại hình khá giống với tướng Nguyễn Bình, thể hiện được những tố chất như khí phách, khí chất, sự đảm lược pha chất anh hùng hảo hán... Song con người giữa đời thường của ông lại phóng khoáng, vị tha, có sức hút với mọi giai tầng xã hội...Và diễn viên Đình Tuyên, hiện là Phó đoàn kịch nói tỉnh Nam Định đã vinh dự được nhận vai diễn này. Hãng phim Sao Khuê ( Hội Điện ảnh Hà Nội) và Đài PT-TH Quảng Ninh phối hợp sản xuất.

Lúc đầu, phim có tên là Vị tướng huyền thoại nhưng được đổi thành Độc nhãn tướng quân Nguyễn Bình, đây là một chi tiết đáng chú ý trong cuộc đời cách mạng của Nguyễn Bình. Năm 1928, vừa tròn 20 tuổi, với tên Nguyễn Phương Thảo, ông gia nhập Việt Nam Quốc dân đảng khi được Trần Huy Liệu vận động (lúc ấy còn là một đảng tiến bộ chống thực dân Pháp). Sau thất bại của khởi nghĩa Yên Bái, lực lượng Việt Nam Quốc dân đảng bị phân hóa. Cả Trần Huy Liệu và Nguyễn Phương Thảo đều bị thực dân Pháp bắt giam và đày đi Côn Đảo. Do tư tưởng thiên tả, hai người bị nhóm cực hữu trong đảng kết án tử hình nhưng đều may mắn thoát nạn. Riêng Nguyễn Phương Thảo bị đâm mù một mắt. Sau này, chính ông nói câu nổi tiếng: “Từ khi chỉ còn một con mắt, tôi thấy mình sáng ra.”

Phim được chia làm ba giai đoạn chính với các tiêu đề: Lửa cháy từ Bãi Sậy (5 tập), Khúc tráng ca đệ tứ chiến khu (9 tập) và Đặc phái viên của Cụ Hồ (16 tập)… Bắt đầu câu chuyện khi Nguyễn Bình (tên thật là Nguyễn Phương Thảo) từ nhà tù của thực dân Pháp trở về quê ở Hưng Yên (năm 1935). Ông nhanh chóng cùng các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu, Tô Hiệu dưới sự chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ xây dựng cơ sở cách mạng ở Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Yên…Từ năm 1943, được sự chỉ đạo của Trung ương, Nguyễn Bình đã thành lập đệ tứ chiến khu cả một vùng rộng lớn duyên hải Bắc bộ, mà trung tâm đầu não đặt tại chiến khu Đông Triều, Quảng Yên. Ông đã chỉ huy trận đánh và giải phóng tỉnh Quảng Yên vào ngày 20/7/1945 trước khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra. Tháng 10-1945, Nguyễn Bình được Bác Hồ trao nhiệm vụ vào Nam bộ tập hợp và thống nhất các lực lượng vũ trang; đồng thời xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Với uy tín, dũng lược và tài năng của mình, Nguyễn Bình được đề cử chỉ huy toàn bộ lực lượng vũ trang Nam bộ. Với cái nhìn của nhà cầm quân tài ba, Nguyện Bình là người đầu tiên nghĩ ra cách đánh biệt động, tình báo ở ngay giữa trung tâm Sài Gòn. Năm 1948, ông được Trung ương bổ nhiệm làm Tư lệnh Nam bộ và được chính Bác Hồ ký sắc lệnh phong hàm Trung tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam.…Chuyện phim kết thúc khi tướng Nguyễn Bình chia tay đồng đội, người thân rời mảnh đất Nam bộ thân thương để ra Bắc nhận nhiệm vụ mới…

Không chỉ tái hiện cuộc đời và sự nghiệp lẫy lừng của tướng Nguyễn Bình qua những trang sử được chắt lọc mà bộ phim còn xây dựng và cắt nghĩa những điều phi thường của một con người có thật bằng những thước phim chân thực. Hình ảnh tướng Nguyễn Bình không chỉ được đặt trong không khí trận mạc mà còn có những mối quan hệ bạn bè, tình yêu đôi lứa, gia đình, đồng đội, đồng bào…bình dị và xúc động.

28


Đạo diễn Hồ Bá Thuần chia sẻ: Đã làm phim ở thể loại này, đoàn phim, hay hãng phim nào cũng gặp đầy khó khăn, nhất là về kinh phí. Với Độc nhãn tướng quân Nguyễn Bình phải thực hiện những cảnh quay kéo dài suốt từ Bắc vào Nam lại càng nhân gấp bội lần những thử thách lòng người. Và chúng tôi đã từng bước vượt qua vì một lẽ có cùng chung vạch xuất phát: Một tấm lòng trân trọng, yêu mến vị tướng tài ba vì nước, vì dân; Cùng nhau tạo nên một sức mạnh đoàn kết luôn chia sẻ, trách nhiệm, công việc trong từng thành viên mà không hề phân biệt chức danh, chuyên môn, vị trí. Một điều thú vị mà cho tới giờ cả đoàn phim khó có thể lý giải là gần 1 năm trời chúng tôi thực hiện bộ phim mà không hề gặp phải cơn mưa nào trong khi quay….rồi âm thầm cùng hiểu “Tướng Nguyễn Bình phù hộ đấy”.

Người trong cuộc và những kỉ niệm :

Ông Lê Bửu, người bảo vệ tướng Nguyễn Bình, từng nấu cơm, canh gác, được ông phát cho cây cạc bin và 2 trái lựu đạn rất hào hứng nhận vai cho dù không dài, miễn được “sống” lại bên vị tướng , nên đã nhập vai hết mình, mặc dù có hôm sức khỏe không ổn.

Nghệ sĩ Vân Anh, đoàn kịch nói Quảng Ninh rất cảm động khi đọc kịch bản và chị càng thêm hiểu về sự cống hiến của ông về vùng đất quê nhà. Vừa đảm nhận vai Út Vân, kiêm chủ nhiệm, sản xuất phim nên chị càng quyết tâm chịu khó đi vận động, xin ủng hộ đoàn phim qua mọi hình thức…Cùng động viên, chăm lo tốt nhất cho đoàn phim.

Nghệ sĩ Minh Nhung đoàn kịch nói Hải Phòng có bố trước đây hoạt động tình báo, sau này ông cùng bà Thanh vợ của tướng Bình qua Căm pu chia nhận hài cốt của chồng. Chị càng trân trọng những kỉ niệm của thế hệ cha anh, cụ thể vào vai bà Mùa. Chị nhớ lại một số cảnh quay ấn tượng như: đại cảnh nhân dân nổi dậy ở Bãi Sậy, Hưng Yên phải huy động quần chúng rất đông, trong đó có toàn bộ anh em trong đoàn nghệ thuật Quảng Ninh và quần chúng địa phương, mà không ai đòi hỏi gì. Hay cũng đại cảnh khi quay 13 ngàn mộ vô danh ở Long Thành, sau đó phải hủy toàn bộ số quả nổ còn lại (vì không thể di chuyển) vừa cho nổ xong thì thật may một trận mưa lớn như trút. Ngày quay cướp tàu giặc Nhật ở bến đò Tranh (Quảng Ninh) có 5 tên lính phải nhảy xuống sông vào ban đêm. Như có linh cảm gì đó, đạo diễn bất ngờ hỏi có ai không biết bơi không? thì không ngờ cả 5 người lính Hà Nhì đều đồng loạt hô không biết bơi với lý do vì họ sống ở vùng rừng núi…

Khôi Nguyên vừa trong vai Nguyễn Đình Chính, vừa đảm nhận võ thuật cho đoàn. Anh rất cảm động vì lần đầu tham gia phim dài cùng các nghệ sĩ hai miền luôn thấy sự chia sẻ, không hề phân biệt vai lớn nhỏ, hay đòi hỏi gì mà cùng nhau làm tất cả. Đúng là không khí của một gia đình cùng chung chí hướng làm phim.

Hồng Liên