Đôi nét về điện ảnh Pakistan

(TGĐA) - Tháng 8 năm 1947, khi Pakistan thoát khỏi ách cai trị của đế quốc Anh, tình hình sản xuất phim, phân phối, triển lãm và trường quay vẫn còn là những điều hết sức mới mẻ đối với người dân nơi đây. Nhưng hiện nay, Pakistan đã trở thành một trung tâm nổi tiếng về sản xuất phim với các trường quay, rạp chiếu phim, nhà sản xuất và hệ thống phân phối phim hết sức bài bản và chuyên nghiệp. Lahore, thủ phủ của tỉnh Punjab, thành phố lớn thứ hai của Pakistan, trung tâm văn hóa phía Bắc tiểu lục địa Ấn Độ trở thành thành phố làm phim sôi động khi có tới ba xưởng làm phim chính ở đây vào giữa những năm 1940.

doi net ve dien anh pakistan

Biển quảng cáo ở Lahore quảng cáo một bộ phim của Pakistan

4 thập kỷ không ngừng phát triển

Trước ngày độc lập, một số nhân tài làm phim ở Lahore rời đến Mumbai và ngược lại một số khác từ Mumbai đến Lahore và Karachi. Trong số những người từ Mumbai đến Lahore phải kể đến nữ ca sĩ –diễn viên Noorjehan và chồng của bà là đạo diễn-biên kịch điện ảnh Shaukat Rizvi, nam diễn viên-đạo diễn Nazir và vợ của ông là nữ diễn viên Swaranlata, đạo diễn Subtain Rizvi, các nhà biên kịch Master Ghulam Haider và Khursheed Anwar, nhà sản xuất-đạo diễn W.Z.Ahmad... Những nghệ sỹ này, cùng với các nhà làm phim sẵn sàng ở lại Lahore, bắt đầu xây dựng, cải tiến và tân trang lại các xưởng phim và rạp chiếu bóng. Vợ chồng nghệ sỹ Shaukat Rizvi và Noorjehan đến với các xưởng phim từ đầu những năm 50. Tiếp nối con đường đó, G.A.Gul sửa sang lại trường quay Evernew, Bari Malik tu sử trường quay Bari và Shabab tiếp cận trường quay Shabab. Bộ phim đầu tiên do Pakistan sản xuất có tên Memories (Teri Yaada, 1948) trở thành bộ phim đầu tiên của Pakistan sau khi đất nước giành được độc lập. Tiếp đến là bộ phim do các đạo diễn Dawood Chand, Nasir Khan, Pran và Asha Posley cùng thực hiện nhưng nó quá tệ đến nỗi đã bị khán giả “tẩy chay” từ ngày đầu tiên công chiếu. Không lâu sau các bộ phim Hichkolay(1949), Shahida(1949), Sachai(1949), Ghaltfehmi (1949), Pherey(1949) và Mundri(1949) ra đời.

doi net ve dien anh pakistan

Diễn viên Shahurk Khan

Xu hướng chính có thể nhận thấy trong những năm đầu làm phim ở Pakistan là những gì mà các nhà làm phim thừa hưởng từ Mumbai khi họ tập trung vào các chủ đề tình yêu và lãng mạn, phim bi kịch và kịch melo.

Anwar Kemal Pasha là nhà làm phim đầu tiên ở Pakistan có thể viết kịch bản, sản xuất và đạo diễn cho chính những bộ phim của mình. Ông cũng có văn phòng phát hành riêng tại Lahore. Anwar Kemal, con trai của nhà soạn kịch Hakim Ahmad Shujah không chỉ là một thạc sỹ mà còn là người có sự am hiểu sâu về văn hóa. Ông trở thành nhà làm phim theo một cách tình cờ và đã khuyến khích các tài năng trẻ theo đuổi con đường điện ảnh. Rất nhiều đạo diễn, diễn viên và biên kịch đã tốt nghiệp từ lò đào tạo của ông. Ông đã phát hiện và thiệu các ngôi sao nổi tiếng như Aslam Pervaiz, Musarrat Nazir, Nayyer Slutana và Bahar. Phim của Anwar Kemal nói về sự nghèo đói, các câu chuyện về tình yêu, đề cập tới các tầng lớp xã hội, nạn tự sát, tình trạng suy đồi đạo đức. Những bộ phim để đời của ông như Anonymous (Gumnam, 1954), Killer (Qatil, 1955), Brave (Sarfarosh, 1956) và Courtesian (Anarkali, 1958). Khi ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp, Kemal vẫn mang theo lòng kiêu hãnh và đam mê của ông đối với điện ảnh. Nhưng đến những năm 1960, tên của ông đã chìm vào lãng quên trong thị trường phim ảnh Pakistan.

doi net ve dien anh pakistan

Đạo diễn Mahesh Bhatt

Những năm 1960 xuất hiện một lớp đạo diễn mới: Khalil Qaiser, Masood Pervaiz (người đã bắt đầu từ những năm 50), Riaz Shahid, S.Suleman, Hassan Tariq và Pervaiz Malik (người đã có được tấm bằng thạc sỹ điện ảnh của trường đại học Nam California). Đến những năm 70, Nazrul Islam tham gia cùng các nhà làm phim nói trên để sản xuất ra những bộ phim có chất lượng như Conscious (Ehsas, 1972), Truth (Haqeeqat), Mirror (Aina, 1974), Life (Zindigi). Và sau đó The Bar (Bandish, 1980) và Sweet Sixteen (Nahi Abhi Nahi, 1981) được coi là các đỉnh cao của điện ảnh Pakistan trong thập niên 1980. Shamim Ara, Javed Fazil Sangeeta, Javed Shaikh và Syed Noor là những đạo diễn mới nổi trong 20 năm trở lại đây. Khalil Qaiser và biên kịch Riaz Shahid là những nhà làm phim được đánh giá là nổi loạn khi họ làm những bộ phim chống lại những cái xấu trong xã hội như tình trạng nghèo đói, nạn tham nhũng, những hành động tàn ác của thực dân đô hộ hay cuộc tranh chấp dầu mỏ ở Trung Đông. Bức tranh trong phim của họ trải dài từ Martyr (Shaheed, 1962) và Foreigner (Farangi, 1964) đến Patriot (Zerqa, 1969). Sangeeta cũng làm được một bộ phim có ý nghĩa là Handful of Rice (Muthi Bhar Chaval) vào năm 1978 dựa trên truyện ngắn của Rajinder Singh Bedi.

Hai bộ phim màu đầu tiên và nổi bật của điện ảnh Pakistan là Union(Sangam, 1964) và Woman (Naila, 1965). Ra đời vào những năm 1960 nhưng phim màu chỉ trở nên phổ biến vào những năm 1970. Bộ phim Love Legend (Heer Rajah, 1970) do đạo diễn Masood Pervaiz và nhà sản xuất kiêm diễn viên Ijaz đồng sản xuất một cột mốc quan trọng đối với phim màu ở Pakistan. Bộ phim Last Sin (Eik Gunah Aur Sahi (1975) của đạo diễn Hassan Tariq dựa trên truyện ngắn của nhà văn Sadat Hussain Minto là một bộ phim đầy ý nghĩa.

Với bộ phim Martial Law năm 1997, các nhà làm phim ở Punjab quay lại với chủ đề về bạo lực, sự báo thù, sự trừng phạt. Macho hero Sultan Rahi trở thành cái tên nổi tiếng của điện ảnh Pakistan những năm 1978 với 5 đến 6 bộ phim có ông tham gia diễn xuất được phát sóng mỗi ngày cho đến khi vụ tai nạn thảm khốc trên đường cao tốc đã cướp đi sinh mạng của ông.

Những năm 1980 và 1990 là những năm không thành công với các nhà làm phim vì xuất hiện hệ thống băng video gia đình và truyền hình vệ tinh được phát sóng tràn lan và không qua kiểm duyệt. Đến năm 2006, thị trường phim phải đối mặt với những hệ thống cáp truyền hình, các loại đĩa VCD, DVD không chính thống. Các kênh truyền hình chiếu những bộ phim ngoài luồng của Ấn Độ và Hollywood. Trước tình hình đó, các thành viên Hiệp hội thị trường thương mại điện ảnh đã gặp thủ tướng Shaukat Aziz vào tháng 6/2005 trình bày những bất bình của họ về vấn đề này. Thủ tướng đã hứa sẽ nghiên cứu để cho ra đời hệ thống truyền hình cáp riêng của Pakistan.

Các thể loại phim mới

Các biên kịch, nhà sản xuất và các đạo diễn đã cố gắng cho ra đời nhiều bộ phim mới thuộc các thể loại nhưng nỗ lực của họ đã thất bại nặng nề cả về mặt thương mại và nghệ thuật. Hai bộ phim Day Shall Dawn (Jago Huwa Savera) năm 1959 và Patriot (Qasam Aus Waqt Ki, 1970) của đạo diễn A.R.Kardar thực sự là hai thảm họa vì hiện thực khắc nghiệt và đẫy rẫy các cảnh nghèo đói. Các bộ phim Shades of Life (Dhoop Aur Saey) của đạo diễn Ashfaq Malik, Distant Dream (Sukh Ka Sapna, 1962) của đạo diễn Hamid Akhtar và Inlaws (Susral, 1962) của đạo diễn Riaz Shahid cũng không được đón nhận.

Nhiều tổ chức điện ảnh đã ra đời như nhóm nghiên cứu Châu Á, các diễn đàn Pakistan-Indian Peace và Friendship ở Islamabad cũng chiếu phim trong các câu lạc bộ của họ. French Centre và Goethe Centre tổ chức chiếu phim cho các thành viên trong câu lạc bộ xem. Các đại sứ quán Iran, Trung Quốc và Nhật Bản cũng tổ chức các liên hoan phim thường lệ. Tổ chức NAFDEC – nơi điều hành PESFA (Viện nghiên cứu nghệ thuật phim của Pakistan) chuẩn bị cho các liên hoan phim và phát hành tạp chí nghệ thuật phim mang tên: Cinema - The World Over. 5 năm trở lại đây, liên hoan phim Kara được tổ chức thường xuyên tại Karachi, Lahore và Islamabab. Năm ngoái, liên hoan phim Kara lần thứ 5 trở thành sự kiện nổi bật nhất trong năm với sự có mặt của tổng thống Pervaiz Musharraf. Liên hoan phim đã mang đến rất nhiều phim Ấn Độ đặc sắc với các tên tuổi được vinh danh như Mahesh Bhatt, Pooja Bhatt, Subhash Ghai và Anupan Kher.

Quy định của chính phủ

Ngành công nghiệp phim ở Pakistan phải được quản lý và chịu trách nhiệm cho sự thăng trầm của nó. Chính phủ đã đưa ra quy định kiểm duyệt phim và ban hành giấy chứng nhận phim đã được kiểm duyệt. Giải thưởng điện ảnh đầu tiên President Film Award được thành lập từ những năm 1960 và sau đó Hiệp hội phát triển phim quốc gia (gọi tắt là NAFDEC) bắt đầu lập ra giải thưởng National Film Award cho những bộ phim xuất sắc từ năm 1983 và kéo dài trong 16 năm.

State Film Authority được chính phủ thành lập năm 1979 để điều tiết thị trường phim và đưa ra phương hướng phát triển điện ảnh bằng cách đăng ký các hãng sản xuất phim, đặc biệt là ở các liên hoan phim và các buổi trình chiếu phim của Pakistan hàng tuần. Nhưng có vẻ như việc này không mang lại hiệu quả. Cũng tương tự như vậy, kế hoạch của tổ chức này là thiết lập một trường đào tạo điện ảnh chuyên nghiệp. Tuy không quá khoa trương nhưng tổ chức này đã phải giải thể vào năm 1978.

doi net ve dien anh pakistan

Các nhà quản lý Pakistan trong một buổi hội thảo về điện ảnh

Chính phủ liên bang đã tìm mọi cách thúc đẩy thị trường thương mại phim. Hiệp hội NAFDEC thành lập năm 1973 với tư cách công ty cổ phần hữu hạn thông qua các hoạt động như: nhập khẩu các bộ phim có chất lượng, nhập khẩu các bộ phim không được trưng bày, xây dựng các rạp chiếu phim và trường quay, thành lập trường đào tạo , thành lập các nhóm làm phụ đề phim, đẩy mạnh xuất khẩu phim, tổ chức các liên hoan phim, tham gia các liên hoan phim quốc tế, khuyến khích trao giải phim quốc gia National film Awards cho các phim xuất sắc.

NAFDEC đã đi từng bước và nhập khẩu các bộ phim có chất lượng, được chọn lọc kĩ nhưng các nhà nhập khẩu lại rất không bằng lòng với việc này. Thị trường phim chưa bao giờ chấp nhận sự có mặt của NAFDEC. Việc nhập khẩu “nguyên liệu thô” và phim của NAFDEC đã bị chính phủ của thủ tướng Benazir cấm từ đầu những năm 1990. NAFDEC không có nguồn tài chính để duy trì và phát triển trong 10 năm sau đó. Cuối cùng, đến năm 2002 NAFDEC đã bị giải tán, kết thúc hoạt động phát triển và xúc tiến phim của một chính phủ tự trị.

Viễn cảnh xa ở thời điểm không xa

Sản lượng phim của Pakistan đã giảm từ 142 phim trong năm 1970 xuống chỉ còn khoảng 50 phim trong năm 2005. 11 trường quay năm 1977 chỉ còn lại 3 trường quay năm 2006. Cũng tương tự, các rạp chiếu bóng đã giảm từ 700 rạp năm 1977 xuống còn 250 rạp năm 2006. Tất cả điều này cho thấy, điện ảnh Pakistan đã lùi xa một khoảng cách khá xa so với quá khứ. Tuy nhiên, đã có một thế hệ các nhà làm phim trẻ được đào tạo về lĩnh vực sản xuất phim truyền hình và video đang quay lại với điện ảnh. Họ làm việc cho các kênh truyền hình độc lập và liên hoan phim Kara. Các bộ phim như Silence (Khamoshi) và The Death of Shahrukh Khan (Shahrukh Khan Ki Maut) là những viên ngọc mới trong nền điện ảnh Pakistan đương đại. Hi vọng rằng họ và các nhà làm phim khác vẫn sẽ tiếp tục công việc trong lĩnh vực truyền hình, rạp chiếu bóng và ở liên hoan phim Kara.

Bích Ngọc (giới thiệu)