Fury – “Bởi chiến tranh không phải trò đùa”

(TGĐA) - Lấy bối cảnh tháng 4/1945 (2 tuần trước khi cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc), Fury tập trung vào chiếc xe tăng M4 Sherman và nhóm người lính dưới sự chỉ duy của Trung sĩ Don Collier (Brad Pitt). Fury trong tiếng Anh có nghĩa là cuồng nộ. Fury cũng là tên của chiếc tăng đó – chiếc xe cuồng nộ mang trong nó những người đàn ông cuồng nộ về thể xác và tinh thần trong những tháng ngày ròng rã đeo đuổi các cuộc bắn giết điên cuồng trong một cuộc chiến điên cuồng. Fury là cái nhìn tỉnh táo về cuộc chiến tranh, là những hình ảnh trung thực về người lính ở hai bên chiến tuyến và là sự tri ân người lính.

Chiếc xe tăng cuồng nộ

Không có bất kỳ sự lãng mạn, quyến rũ nào, Fury rất ảm đạm và nhuốm màu bi quan. Đây cũng không phải là bộ phim dành cho tất cả mọi người mà là phim khó xem. Từ End of Watch tới Training Day, đạo diễn David Ayer nổi tiếng là nhà làm phim tôn trọng tính xác thực. Và trong Fury, Ayer đã sử dụng tài năng của mình để kể một bộ phim về chiến tranh thế giới II hoàn toàn mới bằng trải nghiệm của một người lính sinh ra trong gia đình quân đội.

fury1

Đêm trước khi quay cảnh cuối cùng, các diễn viên ngủ trên đầu xe tăng. Họ đã yêu Fury thực sự. Và khi đạo diễn hô “Cut”, không ai biến mất khỏi trường quay. Họ vẫn ngồi lại đó.

David Ayer từng là lính hải quân, phục vụ trong quân đoàn tàu ngầm. Cả hai ông bà của ông đều tham gia trong Thế chiến II và là sỹ quan về hưu. David Ayer lớn lên và tiếp xúc với chiến tranh, được nghe những câu chuyện về chiến tranh, nhưng với ông đó không phải là những câu chuyện đáng tự hào rằng “Chúng tôi đã cứu thế giới” mà là những câu chuyện về giá trị cá nhân và cảm xúc. Nỗi đau và sự mất mát là bóng đen luôn lén lút bao trùm gia đình của Ayer. Đây chính là điều mà ông muốn nói với mọi người thông qua Fury. Thông thường, nghĩa đen của một cuộc chiến là cái tốt chống lại cái ác. Nhưng Ayer chỉ muốn cho thấy những người đàn ông tham gia chiến tranh chỉ là những người mệt mỏi, sợ hãi và bối rối như một người lính đang có mặt tại một doanh trại ở Afghanistan hay một người lính đang đứng trong một khu rừng ở Việt Nam.

Điểm khác biệt nữa làm nên sự độc đáo của bộ phim này là nó không nói về toàn bộ cuộc chiến tranh thế giới II, hay một giai đoạn nào đó của cuộc chiến. Đó là một ngày duy nhất trong một thời gian rất cụ thể: bốn tuần trước khi chiến tranh kết thúc. Đức Quốc xã đã trở thành một lực lượng điên cuồng khi buộc trẻ em mới trong độ tuổi 13 tuổi phải mặc đồng phục lính, cầm vũ khí đi sau các đoàn xe tăng. Fury không phải là trận đánh lớn hay kỷ niệm một số trận đánh lớn hoặc một số sự kiện lớn. Nó chỉ là một lát cắt của cuộc sống. Đó là một ngày trong cuộc đời của gia đình những người lính tăng. Họ sống trong chiếc xe tăng và giết người. Họ đã trải qua địa ngục trong bốn năm.

o_din_David_Ayer_v_din_vin_Brad_Pitt_trn_trng_quay_Fury

Đạo diễn David Ayer và diễn viên Brad Pitt trên trường quay Fury

Để làm được bộ phim này, David Ayer đã đặt ra một thời gian biểu khiến cả đoàn phim kinh hãi. Với một lịch trình điên cuồng, dữ dội, ông buộc mọi người lúc nào cũng sẵn sàng giương súng, không có đường lùi chỉ có cách duy nhất là tiến lên. Vì không có chiến tranh nên phải tạo ra chiến tranh, phải tạo ra căng thẳng, triết lý của Ayer là càng đem đến nhiều điều cho diễn viên thì càng nhận lại được nhiều từ phía họ. Bản thân Ayer cũng làm việc điên cuồng từ rất lâu trước khi phim bấm máy mặc dù kịch bản được ông hoàn thành chỉ trong 2 tuần. Theo đó, Ayer đã xem hàng ngàn bức ảnh chụp vào thời kỳ đó bằng kính lúp chứ không phải mắt thường. Ông cũng xem những bộ phim tư liệu do quân đội Mỹ làm ở thời điểm diễn ra cuộc chiến, đọc rất nhiều báo cáo, cố gắng để tìm những tài liệu không qua bất kỳ sự chỉnh sửa nào.

Và những câu chuyện cuồng nộ

Các diễn viên sống tập trung và được huấn luyện 3 tháng trước khi quay. Họ tập võ, học cách chiến đấu, được đào tạo về cách sử dụng vũ khí và phương tiện. Chiếc xe tăng là ngôi nhà, là cỗ máy của 5 con người và họ phải tìm hiểu cách để vận hành nó. Sau đó tiếp tục là những chuỗi ngày diễn tập. Vứt bỏ điện thoại di động, không đi Bar, không nhà hàng, các diễn viên chỉ ăn và ngủ. Họ cũng không sử dụng vòi hoa sen, chấp nhận ngủ dưới mưa để trải nghiệm cảm giác. Họ muốn làm cho cuộc sống của họ nhàm chán và ảm đạm để rồi bộc lộ cảm giác ấy trước ống kính máy quay. Họ muốn trở nên khó chịu để hiểu chiến tranh chính là địa ngục.

_to_hnh_nh_trong_phim_Shia_Labeoufcn_ly_dao_t_ct_vo_mt_mnh

Để tạo hình ảnh trong phim, Shia Labeoufcòn lấy dao tự cắt vào mặt mình

Trong thế chiến thứ 2, các xe tăng của Mỹ là loại Sherman M4, còn của Đức là Tiger. Chỉ có sáu chiếc Tiger còn tồn tại từ chiến tranh, và một trong số đó nằm trong bảo tàng ở Bovington là chiếc Tiger 131 vẫn có thể chạy được. David Willey, người phụ trách bảo tàng, đồng ý cho đoàn phim chiếc xe để quay phim. Dĩ nhiên, với những cảnh chiến đấu, một bản sao Tiger được dựng nên từ loại thép dày ¼-inch và thiết kế nhỏ hơn so với chiếc xe thật.

Để làm cho nhân vật chân thực hơn, nam diễn viên Shia LaBeouf liên tục dùng dao cắt lên khuôn mặt của mình trong khi quay phim. Anh thậm chí còn đến gặp nha sỹ yêu cầu được vặn đi một chiếc răng. Shia cũng đã học vận hành xe tăng mà mức độ thành thục đã lên đến cấp chuyên gia và khăng khăng đòi ở trong điều khiển chiếc xe ngay cả khi không có cảnh quay. Anh cố ý không tắm trong khi quay phim.

fury-poster-brad-pitt1

Trong Fury, Brad Pitt mặc một chiếc áo khoác Combat, còn được gọi là áo khoác Tanker. Anh đeo phù hiệu The Second Armored Division (Sư đoàn bọc thép thứ hai) trên tay áo của mình. Tuy nhiên, vào năm 1945, các đơn vị phù hiệu được đeo trên ngực trái. Để quy trình sản xuất phim chân thật nhất có thể, Ayer và ekip đã tiến hành nghiên cứu kỹ về các bộ đồng phục quân đội của thời điểm đó: Trong khi quân đội Mỹ về cơ bản mặc quần áo bảo hộ để chiến đấu thì quân đội Đức mặc đồng phục thiết kế riêng cho nam giới đã được may bằng kỹ thuật may truyền thống châu Âu. Rất nhiều trong số đó đã làm bằng tay. Các sỹ quan quân đội Đức khi chiến đấu đều mặc đồng phục, đeo huy chương đầy đủ. Nhà thiết kế trang phục Owen Thornton đã mất hai năm nghiên cứu để cố gắng có được những thiết kế giống với phục trang và đồng phục giai đoạn này. Nhà thiết kế cũng đã tới kho hàng đựng trang phục lính Mỹ đã mặc năm 1945. Quần áo của quân đội Mỹ giống như của người dân thường mặc, sử dụng loại vải thô kẻ xéo và may rộng rãi. Áo khoác ngoài được làm bằng chất liệu len, vì vậy tone màu trang phục thiên về màu nâu. Ngược lại, đồng phục quân đội Đức hoàn toàn khác, là những thiết kế hoa văn và khá vừa với người mặc. 350 bộ đồng phục Mỹ và 350 quân phục Đức được thiết kế độc đáo và khác nhau để mỗi người lính đều có câu chuyện riêng của mình.
Ngoài những bộ trang phục quân đội, kịch bản của Ayer cũng yêu cầu trang phục dân sự được thiết kế với những tính năng tương tự và chú ý đến từng chi tiết. Cuối cùng, Maja Meschede, các nhà thiết kế trang phục dân sự, đã sang Berlin và thuê lại các bộ quần áo được làm trong năm 1930 và 1940. Mỗi mục nhỏ - nút, móc và đường may, viền giày – đều là hàng chính xuất xưởng vào thời đó. Các loại vải được dệt trong khoảng thời gian đó có kết cấu và chất lượng co giãn ba chiều tốt hơn so với vải hiện nay.

Không chỉ là công việc làm phim với đầy bùn lầy, mưa gió, phải mất nhiều thời gian mới có thể dựng được trường quay thật nhất mà còn là sự ám ảnh bởi không khí của cuộc chiến. Cộng hưởng tất cả những điều này, ngay trong ngày công chiếu Fury, ngồi trong một góc rạp chiếu, đạo diễn Ayer đã bật khóc với từng khắc trôi qua của bộ phim.

Hồng Nhật