Gặp gỡ các tài năng điện ảnh trẻ Nhật Bản

(TGĐA) - Hội thảo Phim và Âm nhạc/Các hiệu ứng âm thanh của các tài năng điện ảnh trẻ Nhật Bản diễn ra tại Hà Nội và TPHCM từ 17 – 21/12/2012 là hoạt động do trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam và UNIJAPAN, hợp tác với Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM tổ chức.

matsue

Nhà làm phim trẻ Tetsuaki Matsue (phải)

Hiện nay tại Nhật Bản, trong khi một số nhà sản xuất phim và đạo diễn phim mơ ước được làm việc theo phong cách Hollywood hoặc với tới tầm cỡ Hollywood, thì những nhà làm phim trẻ lại tìm kiếm các khả năng thay thế để làm phim theo cách khác - phim kinh phí thấp.

Tetsuaki Matsue là một ví dụ. Anh đã làm bộ phim tài liệu Live Tape (Cuốn băng cuộc đời) với thời lượng 74 phút và kinh phí cực thấp, mà theo anh chỉ bằng tiền mua một cuốn băng. Phim đã đoạt giải Hình ảnh đẹp nhất trong chương trình Con mắt Nhật Bản tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo lần thứ 22, 2009. Satoru Hirohara, một sinh viên thạc sĩ mới tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật và âm nhạc quốc gia Tokyo, cũng làm phim Good Morning to the World!! (Thế giới, Ta chào mi!!) với ngân sách ít và dàn diễn viên không tên tuổi và đã đoạt Giải Dragon & Tigers cho tài năng trẻ tại Liên hoan phim quốc tế Vancouver lần thứ 29 năm 2010. Hai bộ phim trên được giới thiệu tại hội thảo Phim và Âm nhạc/Các hiệu ứng âm thanh với phụ đề tiếng Việt làm ví dụ điển hình cho nỗ lực của đạo diễn trẻ Nhật Bản ngày nay.

o_din_tetsuaki_matsuma

Đạo diễn Tetsuaki_matsuma

Bên cạnh chương trình chiếu phim, đạo diễn Tetsuaki Matsue đã chia sẻ những suy nghĩ của anh về đề tài này qua bài thuyết trình Phim và Âm nhạc. Satoru Hirohara nói về chương trình đào tạo điện ảnh tại các trường đại học ở Nhật Bản và Takaaki Yamamoto (kỹ sư ghi âm / kỹ sư phòng thu) có cuộc đối thoại với khán thính giả trên diễn đàn.

Một phần hấp dẫn của dự án này là workshop về “các hiệu ứng âm thanh” với Masaya Kitada, một trong những kỹ sư hiệu ứng âm thanh và nghệ sĩ tiếng động nổi tiệng ở Nhật Bản hiện nay. Masaya Kitada đã trình bày với sinh viên và các nhà làm phim trẻ Việt Nam về công việc cụ thể của anh, giới thiệu cách sử dụng phần mềm xử lý kỹ thuật số (phòng thu số) Pro Tools cho các hiệu ứng âm thanh.

Tetsuaki Matsue đã chia sẻ nhiều điều về bộ phim tài liệu âm nhạc Live Tape của mình. Đây là bộ phim hoàn toàn không biên tập và được quay trong 1 Take.

Về mối liên quan giữa phim và âm nhạc, Matsue cho rằng anh thấy đồng cảm với nội dung bài hát trong phim mặc dù nhiều người cho nó rằng dung tục. Diễn viên là một ca sỹ, để ca sỹ thể hiện được ý đồ thì đạo diễn phải truyền đạt được ý đồ đó cho diễn viên và quay phim. Với diễn viên trong phim này, anh ta sẵn sàng thử sức và bộc lộ toàn bộ năng lượng của mình, điều đó làm người quay phim bị cuốn theo và cũng làm hết sức để ghi lại. Với thể loại phim âm nhạc – ý đồ là sự giao thoa của đạo diễn và ca sỹ.

Chi phí mua vật tư của phim chỉ bằng tiền mua 1 cuốn băng giá 2000 Yên tương đương 26USD. Trong khi ở Nhật kinh phí rẻ nhất cho một phim cũng phải mất khoảng 300 triệu VNĐ. Vì phim rẻ nên không có tiền thù lao, sau khi phim được giải Matsue mới lấy tiền đó để trả cho những người giúp đỡ mình.

Phỏng vấn

- Bối cảnh để quay bộ phim là khu phố Kichijoji, nơi anh sinh ra và lớn lên suốt thời thơ ấu, anh làm thế nào để truyền tải ý đồ của mình về một nơi xa lạ với khán giả?

Tetsuaki Matsue: Bộ phim được sinh ra với ý tưởng đến bất chợt khi tôi đi dọc con phố và ngay lúc đó tôi đã nghĩ rằng mình chỉ quay một lần trên đoạn đường thân quen này, và tôi muốn lấy toàn bộ năng lượng vào trong tác phẩm của tôi. Vì vậy nên những người tham gia làm phải thực sự hiểu con phố đó, hiểu không gian đó với những đặc trưng riêng của nó. Cho nên tôi cũng chỉ nhờ những người hiểu rất rõ khu vực này, hay những người sống ở đây tham gia trong ekip làm phim. Không những thế, chúng tôi đã phải đi lại dọc lộ trình đó rất nhiều lần để cảm nhận. Ngoài ra tôi phải dùng những thủ pháp để lôi kéo thu hút được người xem đến bộ phim bằng cáchh: chúng tôi chiếu bộ phim ở ngay tại môt rạp chiếu nằm trong khu phố chúng tôi sử dụng làm bối cảnh quay bộ phim. Điều này sẽ dẫn đến hiệu ứng, người xem, giới phê bình đánh giá dẫn đến thừa nhận tích cực cho bộ phim. Khi người xem trên đường đến với rạp chiếu họ sẽ quan sát khu phố theo cách riêng của họ. Đến lúc xem xong những hình ảnh trong phim, họ lại quay trở ra và họ lại một lần nữa nhìn lại khu phố với những hình ảnh đó, không gian đó qua sự trải nghiệm và so sánh nhất định. Và như thế sẽ có sự kết nối một cách vô hình giữa những gì họ xem được với thế giới thật bên ngoài. Đấy là điểm được đánh giá khá đặc biệt khi chúng tôi lựa chọn địa điểm để thực hiện cũng như chiếu bộ phim.

- Cách làm phim tài liệu âm nhạc có điều gì đặc biệt so với phim truyện?

Tetsuaki Matsue: Sự khác biệt đó cũng là lý do tại sao tôi vừa quay phim, vừa thu lại âm nhạc, lời hát của ca sỹ, nhạc sỹ trong cùng một lúc. Các tay máy, các kỹ thuật viên cũng phải làm thế nào phơi bày 100% năng lượng của mình để có thể thu được những hình ảnh chân thực, sống động. Với một người đang diễn với tất cả nguồn năng lượng của mình thì người quay cũng phải có sự tung hứng. Các bạn cũng phải vào cuộc và hòa vào dòng năng lượng đó, tìm cách để ghi lại những gì đang diễn ra. Đó là hai dòng năng lượng hòa vào nhau. Làm phim truyện cũng hơi khác một chút: đạo diễn phải dùng các ngôn từ, cách để kích thích diễn viên thể hiện được tinh thần bộ phim, thông qua diễn xuất thể hiện được nguồn năng lượng mà đạo diễn muốn hướng tới, muốn truyền đạt cho người xem. Thế nhưng, ca sỹ - nhạc sỹ đều không cần điều này, ngay từ giây phút đầu tiên họ đã bung 100% năng lượng của họ ra rồi. Với tôi, người chuyên làm phim tài liệu sẽ đến với một thế giới khác. Tôi sẽ không từ bỏ thể loại phim này. Năm 2013, tôi cũng sẽ công chiếu tại Nhật Bản bộ phim tài liệu âm nhạc Flashback Memories làm theo công nghệ 3D.

- Lựa chọn của các nhà làm phim trẻ Nhật như thế nào? Làm phim độc lập, hay đầu quân vào những hãng phim tư nhân như các đạo diễn Việt Nam?

o_din_hirohara

Đạo diễn Hirohara

Satoru Hirohara: Các nhà làm phim trẻ của Nhật có 2 cách lựa chọn: làm phim độc lập và vào các hãng phim tư nhân. Tuy nhiên, việc đầu quân vào những hãng phim có hạn chế là rất lâu mới có thể được làm điều mình muốn. Nên hiện nay, các nhà làm phim trẻ của Nhật nhờ vào sự hỗ trợ của kỹ thuật để có thể làm phim với kinh phí rẻ hơn, cơ chế quản lý phim ảnh của Nhật cũng giúp các phim này có thể được công chiếu đến đông đảo quần chúng khiến họ có thể làm những điều mình muốn. Nên rất nhiều nhà làm phim trẻ lựa chọn cách làm phim độc lập.

- Chính phủ Nhật có hỗ trợ gì cho các nhà làm phim trẻ không?

Satoru Hirohara: Chính phủ không có hỗ trợ gì, đây cũng chính là vấn đề của chúng tôi. Chính phủ có hỗ trợ, nhưng là những phim có kinh phí hơn 1triệu USD trở lên. Các nhà làm phim trẻ nếu có nguồn tài chính riêng có thể tự làm không cần hỗ trợ. Còn những người như tôi thì có những sự trợ giúp bên ngoài là các LHP, nơi thường giới thiệu các nhà làm phim trẻ, chiêu mộ hoặc có những kỳ thi, ở đó có những kịch bản hay được lựa chọn để hỗ trợ làm phim và công chiếu. Và bộ phim đầu tiên của tôi đã được làm theo cách này.

- Việc đào tạo trong trường điện ảnh của Nhật diễn ra như thế nào?

Satoru Hirohara: Đào tạo làm phim ở Nhật về kỹ thuật, công nghệ không có gì đặc biệt, cũng học quay, đặt ánh sáng, … Nhưng đặc biệt hơn là ở cách tiếp cận. Từ năm thứ nhất sinh viên đã tự làm phim. Việc làm phim ngay từ đầu giúp các sinh viên hiểu được khả năng của mình có thể làm phim hay không và việc làm phim có những khó khăn gì, cần những điều gì. Tiếp theo, từ năm thứ 2, sinh viên được xem tất cả các thể loại phim không phải về số lượng mà vể thể loại phim giúp họ hiểu trên đời đã có những loại phim như vậy. Và họ sẽ lựa chọn cách riêng cho mình dựa trên những trải nghiệm của bản thân.

- Theo ý kiến chủ quan của anh, lý do gì mà phim Nhật còn chưa được biết đến rộng rãi tại châu Á và các nước khác trên thế giới như phim Hàn Quốc, Trung Quốc?

Satoru Hirohara: Có nhiều lý do cho việc này. Trong các LHP quốc tế, Hàn Quốc và Trung Quốc có những bộ phim rất độc đáo nên phải công nhận rằng đó là lý do phim của họ được biết đến trên thế giới. Nhật Bản có những bộ phim rất hoành tráng và có những bộ phim kinh phí rất rẻ, ở giữa 2 loại phim đó là lỗ hổng chưa có ai lấp. Vì thế khách hàng cũng bị phân cấp, không có sự kết nối – khiến cho thị trường phim Nhật không có sự năng động, linh hoạt để được biết đến.

Cnh_trong_phim_good_morning_to_the_world

Cảnh trong phim Good_morning_to_the_world

- Kinh phí thấp, không cần kỹ xảo mà vẫn có thể tạo ra những bộ phim hay. Điều này thì ai cũng muốn, nhưng làm thế nào để thực hiện được?

Với kinh phí thấp mà vẫn tạo ra những bộ phim hay mà vẫn không cần kỹ xảo thì điều cốt yếu là ý tưởng mới. Những bộ phim khủng của Hollywood làm khán giả mãn nhãn, mãn nhĩ… thì chúng tôi không thể làm được. Tuy nhiên, dưới góc độ của người mua vé, cũng từng đó tiền bỏ ra và ngồi xem ngần ấy phút là cơ hội khá bình đẳng cho mọi bộ phim và nếu không mang lại những giá trị theo cách tiếp cận của Hollywood thì chúng tôi vẫn có những khám phá, những hướng đi để mang lại những giá trị khác cho người xem. Đó là cái mà chúng tôi muốn thể hiện, cũng đồng thời là cơ hội cho những nhà làm phim trẻ, cơ hội khán giả có thể mang lại cho chúng ta thông qua việc thừa nhận những bộ phim như thế.

Cách tôi làm phim là những câu chuyện mang tính cá nhân, rất riêng, rất nhỏ, nhỏ đến mức như là những chuyện thường nhật. Với ai đó có thể là thứ nhàm chán, vớ vẩn và họ thấy không bõ để đưa vào phim. Nhưng chúng ta phải thừa nhận một thực tế rằng: cho dù dưới góc độ của các nhà làm phim, những chuyện nhỏ trong đời sống hàng ngày bị bỏ qua, nhưng tính cách của chúng ta, số phận của chúng ta, những quyết định trong cuộc đời ta, những hành động sau này mà ta thực hiện lại đến từ những cái rất nhỏ.

Chân thành cảm ơn các anh!

*Mr. Tetsuaki Matsue, 1977, Đạo diễn phim, chủ yếu làm phim tài liệu

Annyong Kimchi, 1999, Giải New Asian Currents Special Award tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Yamagata

Annyong Yumica, 2009, Giải Phim tài liệu hay nhất tại Mainichi Film Concours 2009

Live Tape, 2009, Giải Hình ảnh đẹp nhất trong phần “Con mắt Nhật Bản” tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo

Flashback Memories 3D, 2012, Giải Khán giả trong phần tranh giải tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo

*Mr. Satoru Hirohara, 1986, Đạo diễn phim

Tốt nghiệp Cử nhân Nghệ thuật Đại học Nghệ thuật Musashino

Tốt nghiệp Thạc sĩ Mỹ thuật và Âm nhạc Đại học quốc gia Tokyo

Homesick, 2012

No Reply, 2011 (Phim tốt nghiệp)

So Far Away, 2010

Good Morning to the World, 2010, Giải Đặc biệt của Ban giám khảo tại Liên hoan phim Pia lần thứ 32, Giải Dragon & Tigers cho Điện ảnh trẻ tại Liên hoan phim quốc tế lần thứ 29 tại Vancouver, Giải FIPRESCI đặc biệt tại Liên hoan phim quốc tế Hong Kong


Thúy Phương