Gặp Matt Korsch - người không đốt Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm

40 năm sau, Matt Korsch - một diễn viên người Mỹ - quay trở lại Việt Nam, tái hiện lại hình ảnh Fred thời kỳ đó qua bộ phim mang cái tên “ám ảnh” ngày nào: Đừng đốt, trong đó đã có lửa của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Kẻ đi, người quay lại nhưng đều có chung một nỗi đau đáu được cất giữ trong balô mang cái tên Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm. Tạp chí TGĐA đã có cuộc trò chuyện với Matt Korsch  - người thủ vai Fred - ngay tại trường quay, bối cảnh chiến trường Đức Phổ....

Gần 40 năm về trước, Frederic Whitehurst rời Việt Nam với một kỷ vật vô giá là cuốn nhật ký nhặt được trong một trận càn của nữ bác sỹ có tên Đặng Thuỳ Trâm - người phía bên kia chiến tuyến kèm theo lời nói ám ảnh của người phiên dịch: “Đừng đốt, trong đó đã có lửa”.


Matt Korsch trong vai Fred


Chào Matt, có câu chuyện thú vị nào khi anh đến Việt Nam?

Ồ! Đó là “người bạn cùng phòng” hiện nay của tôi. Lúc mới sang Việt Nam, bay thẳng một mạch về khách sạn tại bối cảnh để quay, tôi đã quá hoảng hốt khi nhìn thấy nó. Tôi không biết gọi tên là gì, ở Mỹ cũng không có nên đành phải giải thích với mọi người rằng nó là một con “khủng long nhỏ” vì nó là giống bò sát, lại bám được vào trần nhà. Mọi người mới cười ồ lên, họ giải thích rằng ở Việt Nam gọi nó là con Thạch sùng, nó chỉ ăn muỗi, có lợi chứ không có hại. Sợ lắm, nhưng cứ nhắc nhở mình rằng nó không có hại, lâu dần đành quen, giờ tôi coi nó như bạn cùng phòng rồi. (cười)

Tới Việt Nam để tham gia bộ phim dựa trên cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm - quyển sách nổi tiếng tại Việt Nam sau khi công bố. Matt đọc cuốn sách đó chưa?

Tất nhiên tôi đọc rồi chứ. Ở Mỹ, cuốn sách đó được xuất bản ngày 11/09/2007 và sau đó tôi bắt đầu biết tới cuốn sách khi tham gia tuyển diễn viên cho phim Đừng đốt, trong đó đã có lửa. Trên chuyến tàu trở về nhà sau khi casting, không biết được chọn hay không, tôi cũng mua một quyển và vùi đầu vào đọc. Nó quá hấp dẫn và cuốn hút. Đêm hôm đó, trước khi ngủ, trong sự yên tĩnh, tôi tiếp tục theo dõi nốt phần kết của cuốn sách. Bắt đầu từ lúc đó, hành trang theo tôi luôn hiện diện cuốn sách Đêm qua tôi mơ thấy hoà bình (Bản dịch tiếng Anh của Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm – PV). Người bạn cùng phòng ở Mỹ thấy vậy liền tặng một cuốn sổ để tôi có thể viết nhật ký. Bây giờ, ngày nào tôi cũng dành chút thời gian cuối ngày để viết, bắt tay vào mới thấy nhiều điều muốn viết, nên viết mà mình gần như lãng quên...

Điều gì lưu lại hoặc ám ảnh Matt khi đọc Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm?

Sự tưởng tượng! Nó theo tôi suốt khi bắt đầu đọc cuốn sách cũng như khi nghĩ về nó. Cô gái ấy lúc đó trông như thế nào? Cô ấy đang nghĩ gì? Cô ấy viết về kẻ thù, mình là kẻ thù thì ra sao, mình sẽ làm gì....Sự tưởng tượng vận động liên tục rồi đôi khi tự giải đáp hay tìm đáp số chính trong những dòng nhật ký khiến mình đồng cảm với chị ấy hơn.

Matt đến với vai diễn Fred như thế nào?

Tôi biết được thông tin do chị Trần Anh Hoa (Phó đạo diễn phim – PV) đăng trên website tuyển diễn viên ở Mỹ. Đặng Thuỳ Trâm là ai? Frederic Whitehurst là ai? Đặng Nhật Minh là đạo diễn như thế nào ở Việt Nam? Hãng phim đứng ra sản xuất là hãng nào?....Tất cả những câu hỏi diễn ra trong đầu đó khiến tôi mò mẫm trên google suốt nhiều ngày. Ngay cả khi chính thức được mời đảm nhận vai diễn Fred, cả gia đình tôi còn cùng xúm vào tìm tư liệu để tôi có thể hiểu thêm về nhân vật cũng như bộ phim mình sắp tham gia. Điều vui nhất là được gặp chính Fred thật, ông đã kể cho tôi nghe nhiều điều, đã cho tôi nhiều chất liệu để có thể tự tin hoàn thành vai diễn của mình.

Frederic Whitehurst – nhân vật thật còn sống nhưng phim lại là một sự hư cấu dù có tôn trọng lịch sử. Fred mà Matt thủ vai phải như thế nào trong tưởng tượng về nhân vật?

Đó quả là sự thách thức khi mà nhân vật vẫn còn sống. Tôi muốn tìm sự cân đối giữa sự thật và sự sáng tạo của diễn viên. “Thật trên phim” khác với “thật thật thật” ngoài đời, không biết diễn tả như vậy có chính xác và bạn hiểu ý tôi không nhỉ? (cười)

Matt có nghĩ rằng phải lột tả được Fred là một người tốt, điều đó để chứng minh rằng tội ác do chiến tranh gây ra chứ bản thân con người không xấu?

Đó cũng chính là suy nghĩ của tôi. Bạn nói đúng, tất cả là do chiến tranh gây nên. Sau cuộc chiến tại Việt Nam, nhiều lính Mỹ trở về với một sự dằn vặt mà chúng tôi gọi là Hội chứng chiến tranh. Họ luôn ám ảnh về nỗi đau khi huỷ diệt đối phương, nó theo họ đến suốt đời....Trở lại với vai diễn của mình, hành động của Fred lúc đó cũng chính là một hành động của một con người thực. Là bạn, là tôi, là một anh lính dù ngây ngô hay vô tư nhất thì khi đọc cuốn nhật ký đó chắc chắn cũng sẽ làm như Fred.

Xin lỗi Matt trước vì động đến vấn đề ngoài phim. Đơn giản, Matt làm phim về chiến tranh Việt Nam chắc cũng phải có suy nghĩ về nó. Đó cũng là điều mà tôi muốn hỏi, cái nhìn của anh - một người thế hệ sau về cuộc chiến này?

Có gì đâu khi tất cả đã lùi sâu vào quá khứ. Tôi sinh ra trong một gia đình phản chiến từ hồi còn chiến tranh lạnh. Gia đình tôi nhiều anh em trai nhưng không ai tham gia vào bất kỳ cuộc chiến nào. Mẹ tôi - người hăng hái nhất – luôn cho tôi theo những cuộc họp, hội thảo vận động hoà bình. Vì vậy cho nên, tôi không có cái nhìn tích cực về chiến tranh. Tôi có một ông chú, tên là Fred - trùng tên với nhân vật tôi thủ vai – người duy nhất tham gia chiến tranh tại Việt Nam, làm bác sỹ trong quân đội. Ông có một câu nói ám ảnh tôi mãi: “Chú có thể trở thành một người tốt hơn nếu không tham dự vào cuộc chiến đó”.

Quay trở lại việc làm phim, Matt này, anh đã từng xem một bộ phim nào chưa?

Khi bắt đầu nhận vai diễn, tôi cũng tò mò về nền điện ảnh của Việt Nam - một đất nước mà chỉ nghĩ tới là tưởng tượng ra chiến tranh. Nhưng tìm phim Việt Nam quả thực khó khăn khi ở Mỹ. Những gì tôi tìm được là những bộ phim tài liệu về chiến tranh, duy nhất một có một phim truyện là Người Mỹ trầm lặng. Phim Việt Nam tìm đã khó huống hồ tìm phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Rất vui là sau khi sang Mỹ, đạo diễn có tặng tôi mấy đĩa phim của ông như Thương nhớ đồng quê, Bao giờ cho đến tháng 10. Đó là phim Việt Nam chính gốc đầu tiên mà tôi được xem.

Nhận xét của Matt?

Tôi thích Thương nhớ đồng quê. Hình ảnh đẹp, có nhiều chất thơ, nhất là hình ảnh hai nhân vật đi qua cánh đồng lúa. Nó gây ấn tượng đặc biệt, đầy chất Á Đông. Xem bộ phim này thì mới thấy chú Minh (đạo diễn Đặng Nhật Minh – PV) là người tinh tế và khi làm phim cùng thì lại càng nhận thấy điều đó.

Tham gia nhiều vai diễn ở Mỹ, lần đầu đóng phim ở Việt Nam. Matt thấy đoàn làm phim Việt Nam thế nào?

Ở Mỹ thì mỗi một cảnh chúng tôi quay nhiều đúp. Còn ở Việt Nam tôi thấy tập rất nhiều, quay một đúp rồi hô “xong rồi”. Một cảnh ở Việt Nam thường bắt đầu bằng tiếng “bắt đầu” và kết thúc bằng câu “xong rồi”. Tôi cảm thấy rất khâm phục (cười).Một điều hay nữa khi làm phim ở đây là tôi học được cách nhìn động tĩnh đoàn làm phim để diễn. Không có phiên dịch, nhiều khi bị động, ảnh hưởng đến sự chú tâm. Rút kinh nghiệm, tôi quan sát kỹ đoàn làm phim và nhận ra một điều: Cứ khi nào bắt đầu quay là tất cả đều hối hả, vậy là lần sau cứ nhìn nhịp điệu đoàn làm phim, chờ hô “action” là diễn.

Tất nhiên là không thể nào chuyên nghiệp như ở Mỹ rồi, Matt có phân vân về cat-xe khi tham gia vai diễn này?

Tôi không phải là Brad Pitt dù cũng mong một ngày nào đó sống được bằng nghề diễn. Ở Mỹ, chúng tôi làm những dự án phim nhỏ, tham gia đóng phim chỉ để giúp đỡ nhau và kinh tế của tôi hiện giờ vẫn dựa vào công việc làm bác sỹ tư vấn tâm lý. Tôi không đặt nặng về cat-xe, như thế là được rồi vì tham gia phim chiến tranh ở Việt Nam là tôi đã thực hiện được mơ ước khi bước chân vào nghề diễn viên của mình.

Mơ ước đóng phim chiến tranh Việt Nam?

Đúng! Nói đến Việt Nam là người ta nghĩ đến chiến tranh. Sau này, nhiều người Mỹ quay lại, họ trở về và nói về Việt Nam khác, một đất nước tươi đẹp, thân thiện mà chưa bị hiện đại hoá quá nhiều.Tôi mong được đến Việt Nam, trong một vài lúc lại nghĩ: “Giá mà mình được đóng một vai trong những bộ phim chiến tranh Việt Nam nhỉ”. Cứ tự hỏi mãi, rồi nó lớn dần lúc nào không biết, thành mơ ước. Rất vui, giờ nó đã thoả mãn rồi.

Thoả mãn rồi? Nếu như một đoàn làm phim nào đó muốn cho mời Matt “thoả mãn” lần nữa thì sao?

Đâu đâu? Bạn mời à? (cười). Tôi sẽ về Mỹ trong thời gian tới nhưng nếu có ai mời thì chỉ một phút sau, tôi sẽ có mặt. Bạn tin không?

Tin! Mà Matt này, Matt có nói về nghề chính là bác sỹ tư vấn tâm lý. Vậy lý do vì đâu mà lại theo nghề điện ảnh?

Đó là sự điên rồ (cười). Hồi nhỏ ai chả mơ ước trở thành nhà làm phim. Tôi cũng thế nhưng ngượng không dám nói ra. Mê phim, nhưng mãi đến khi cùng người bạn gái viết một kịch bản để thử làm phim tôi mới sự nhận ra một điều: Cứ mơ ước nhưng chưa dám làm trong khi mình ngày càng già đi, biết đến bao giờ thực hiện được? Vậy là tôi bỏ tất, khăn gói lên New York làm diễn viên. Ngoài làm diễn viên thì chúng tôi có một nhóm làm phim ngắn, viết kịch bản, tự sản xuất...Chưa đến đâu nhưng được sống trong môi trường mà mình hứng thú, thế là hạnh phúc.

Sau khi tham gia phim, Matt có dự định ở lại thăm thú Việt Nam?

Tất nhiên rồi, tôi dự định sẽ ở lại một tuần để khám phá. Thời gian tham gia đoàn làm phim, tôi cũng gặp khá nhiều những diễn viên quần chúng là người nước ngoài sinh sống ở đây đã lâu. Họ cũng tư vấn nhiều. Khi phim xong, một người bạn của tôi sẽ bay từ Mỹ sang. Chúng tôi sẽ đi từ Củ Chi, dọc theo đồng bằng sông Cửu Long và làm một phóng sự nhỏ khoảng 5-10 phút với cái tên Việt Nam. Mọi việc mới chỉ nghĩ đến như thế vì tất cả còn phụ thuộc vào kinh phí nữa... (cười).

Xin cảm ơn Matt, chúc Matt có những khám phá thật thú vị tại Việt Nam.

Hoàng Tuấn