Giác quan không giới hạn: Âm nhạc trong tổng thể phong cách phim “The Double Life of Véronique”

Là nửa không thể tách rời trong một nhất thể, âm nhạc luôn góp phần biểu đạt và nâng tầm giá trị, thể hiện nhất quán phong cách của một bộ phim.

(TGĐA) - “Phong cách phim” là thuật ngữ dùng để chỉ một hệ thống phương thức sử dụng kỹ thuật mẫu mực và có ý nghĩa thể hiện trọn vẹn ý đồ nghệ thuật của một bộ phim, của một tác giả đạo diễn, hay của một trường phái.


Nhắc tới từ “phong cách” là nhắc tới “cá tính” của một đối tượng, một tổng thể, “phong cách phim” cũng không nằm ngoài ngoại lệ ấy, đó là những gì đậm nét riêng tư, những dấu ấn đặc sắc mang tính điển hình của một bộ phim.

“The double life of Véronique” là một trong những phim ấn tượng về phong cách trữ tình phảng phất nét huyền bí quyến rũ của thế giới tâm cảm. Phim kể về hai cô gái như xa lạ ở hai thành phố, hai đất nước, nhưng kỳ thực có một “mối duyên” kết nối với nhau qua một hình thể giống nhau như hai giọt nước.

Weronika, cô gái người Ba Lan mới bắt đầu bước vào nghiệp ca sĩ của mình chưa được bao lâu thì đột tử, vốn là một thứ “căn bệnh di truyền” của gia đình, chết đột ngột khi cơ thể vẫn còn đang khoẻ mạnh. Trong khi ấy, Veronique sống tại Pháp, thường xuyên mang trong mình nỗi ám ảnh về một sự song hành tồn tại “là chính cô” ở một nơi nào đó xa xôi. Cô mơ hồ về điều đó, hoang mang về điều đó, và cũng vững tin vì cảm thấy mình không bị cô đơn vì điều đó. Bộ phim thực sự thành công bởi hai nhân vật nữ chính được thủ vai bởi nữ diễn viên Irène Jacob với một gương mặt thánh thiện mang chiều sâu tâm hồn.

Phim khai thác triệt để thế giới tâm cảm của cá nhân, giác quan thứ sáu được đề cao và là một trong những yếu tố dẫn dắt cuộc đời và số phận con người. Để mang lại cảm giác nhập thân cho người xem vào thế giới thầm kín bên trong của nhân vật tác giả đã lựa chọn một phong cách phim đặc biệt: hình ảnh đẹp một cách lung linh, nửa thực nửa như mộng ảo với sự nhạy cảm trong mỗi cú máy của nhà quay phim Slawomir Idziak; những bố cục khuôn hình như giản dị mà giàu sức biểu đạt, tông màu phim trong sáng nhã nhặn. Đặc biệt để phù hợp với hình ảnh trang nhã là phần âm nhạc sang trọng quý phái của giọng ca opera, của chất nhạc dịu dàng da diết mà ám ảnh.

Trường đoạn đầu phim là trường đoạn của Weronika ở Ba Lan, cô hát dưới mưa, cô hôn người tình trong ngõ hẹp, và cô quấn quýt với người tình trong gam màu vàng mịn của cảnh quay hai người vuốt ve âu yếm nhau trong phòng. Cuối cảnh này nét nhạc chủ đạo của phim bắt đầu xuất hiện, dịu dàng phảng phất như vương nhẹ vết tích ban đầu của cô gái. Ở đây người xem như bắt gặp sự đồng điệu tương hợp giữa hình ảnh và âm thanh bởi ánh sáng, tông màu của cảnh thanh khiết, âm nhạc du dương dìu dặt.

Giai điệu chủ đạo này sẽ còn được lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt bộ phim, khi thì thuộc thế giới trong chuyện kể, khi nằm ngoài thế giới chuyện kể, khi lại vừa nằm trong lại vừa như bên ngoài thế giới câu chuyện.

Ở cảnh phim Weronika thử giọng tại nhà bà giáo, âm nhạc ở đây thuộc về thế giới chuyện kể, là một phần quan trọng trong câu chuyện. Cô gái hát với tất cả tấm lòng tình cảm của mình, giọng điệu trong, khoẻ, âm vực trầm bổng theo cảm xúc. Vừa hát cô vừa dùng ngón tay xoắn chặt sợi dây nơi cặp giấy, kéo căng nó ra. Hình ảnh này cùng với cao độ của giọng hát của cô cho thấy tình cảm, lòng nhiệt huyết của cô gái dồn vào bài hát.

Đây cũng là một chi tiết thú vị giúp liên kết giữa hai nhân vật nữ khi cô gái thứ hai ở Pháp, Veronique nhận được sợi dây từ một người xa lạ qua đường bưu điện. Khi cô săm soi nó với vẻ tò mò, nét nhạc chủ đạo cất lên, nhưng thay vì sự khỏe khắn lảnh lót với giọng hát của nhân vật nữ là một nét nhạc da diết huyền bí của bộ đàn dây. Âm nhạc ở đây nằm trong hay ngoài ranh giới chuyện kể? Cô gái không nghe nó từ một nguồn âm thanh hiện hữu nào nơi những vật dụng trong căn nhà cô, vậy thì nó không thuộc thế giới chuyện kể. Tuy nhiên, nó là khúc nhạc vốn đã ám chỉ, liên kết chặt chẽ với nhân vật thứ nhất, nó lại xuất hiện ở những thời điểm cô gái thứ hai cảm giác mơ hồ về “sự hiện hữu của mình” ở một nơi khác, vậy khúc nhạc xuất hiện như dấu hiệu cho sự linh cảm của chính cô, nó như thuộc về cô, vậy nó phải thuộc về nội tại của câu chuyện, tức là nằm trong ranh giới chuyện kể.

Điều tinh tế ở đây là âm nhạc được sử dụng như một chiếc cầu nối giữa ranh giới chuyện kể và ranh giới ngoài chuyện kể, nó vừa như một dấu hiệu, là bóng dáng của bàn tay đạo diễn dẫn dắt người xem cảm nhận, vừa chính là trạng thái tâm hồn nhân vật đang biểu hiện. Âm nhạc vì vậy mang trong mình sự ảo diệu bởi hoà quện giữa dụng ý nghệ thuật của tác giả và chính logíc tình huống tình cảm của nhân vật thể hiện.

Trường đoạn Veronique làm tình với người bạn trai thời trung học là một trường đoạn hay, bởi cảnh quay cận lia nhẹ nhàng tinh tế, bởi bố cục, cách dàn cảnh, quay qua độ cong và sự trong veo của viên bi trong, bởi chính nội tại trường đoạn đó và sự liên kết với các cảnh trước và sau nó. Ở đoạn này nét nhạc chủ đạo xuất hiện hai lần với hai sắc thái khác nhau. Lần thứ nhất nó hiện diện nhẹ nhàng như hơi thở của nhân vật chính, nhẹ và ngắn vừa đúng với câu nhạc đã xuất hiện ở cảnh làm tình đầu tiên của phim là cảnh giữa Weronika-BaLan với người yêu. Phải chăng đến thời điểm này đạo diễn muốn người xem khẳng định được chắc chắn cảm giác của mình về mối quan hệ giữa hai người thông qua một chi tiết nhỏ này?

Veronique không khóc nhưng nước mắt cô chảy, bởi cô linh cảm thấy một điều gì chẳng lành nên man mác buồn. Sau khi người bạn trai ra về, cô nằm lặng một mình một mình để mặc cho nước mắt tuôn dài, nhạc nổi lên, như kết nối những giọt nước mắt của cô và sự man mác của cô tạo thành một làn sóng của thanh âm, nó dữ dội và cuộn trào về cường độ âm sắc hơn câu nhạc vừa xuất hiện trước đó, mặc dù cùng một giai điệu. Đoạn nhạc chấm dứt vào đúng điểm khởi đầu của cảnh tiếp theo cô lái xe trên đường. Ta bắt gặp ở đây hai mối dựng vô cùng ấn tượng và thuyết phục. Một là mối dựng đầu trường đoạn, khi chuyển từ huyệt mộ của Weronika sang cảnh làm tình của Veronique, một sự tương phản mạnh mẽ về tình huống, tông màu, tuy nhiên lại lột tả được sự đồng điệu thầm kín trong tình cảm.

Mối dựng thứ hai là điểm kết của cảnh Veronique nằm một mình chuyển qua màn tối của đen của đoạn đường cô đi, sau đó mới hiện diện trước ánh sáng. Khi liên kết điểm đầu và điểm cuối sang cảnh mới của trường đoạn đó ta mới thấy một sự tài tình trong các mối dựng. Hãy hình dung: tối (của huyệt mộ bị chôn lấp)-sáng (của cảnh làm tình)-tối (đường hầm), như vậy người xem cảm giác được sự lọt thỏm của nhân vật trong cảm xúc của mình, cảm thấy như chính cô cũng đang rơi vào một huyệt mộ, tức là trùng lặp với số phận của Weronika. Âm nhạc do đó nằm trong trường đoạn phủ lấp lê cô gái thứ hai như đất đá phủ lấp lên thi hài cô gái thứ nhất, tạo thành một sự trùng khít hai trạng huống của hai nhân vật.

Giai điệu chủ đạo còn xuất hiện nhiều lần tạo nên một nét đặc trưng riêng cho bộ phim nhờ nét nhạc ám ảnh của Zbigniew Preisner.

Hành trình của phim là hành trình của Veronique đi tìm sự thật về những cảm nhận như ảo giác của mình về một con người khác “là cô” tồn tại đâu đó, đồng thời là cuộc kiếm tìm “một nửa đích thực của mình”.

Veronique chuyển qua dạy nhạc cho bọn trẻ. Ở một cảnh lớp học, khi bắt nhịp cho bọn trẻ dạo lên khúc nhạc mình yêu thích, cũng chính là giai điệu chính của phim, Veronique nhìn qua cửa sổ thấy người đàn ông biểu diễn rối. Phải chăng sự liên kết giữa hình và nhạc gợi mở một mối quan tâm, mối tình cảm mới của cô gái bởi chính anh là chàng trai có nhiều nét tương đồng trong tính cách và sự đồng điệu trong tâm hồn với cô. Ở một loạt những cảnh sau ta cũng thấy sự xuất hiện hình bóng của người đàn ông này qua những chi tiết nhỏ nhặt mà tinh tế và nét giai điệu trữ tình quen thuộc. Đó là bản nhạc khi trình diễn vở rối tại trường học (vô tình hay hữu ý, nội dung của vở diễn là hình tượng một người nghệ sĩ phải vĩnh viễn rời khỏi sân khấu của mình, thoát xác biến thành một cơ thể mới). Cú điện thoại lúc nửa đêm với giọng đàn ông duy nhất nói một câu “đừng” khi cô nói sẽ gác máy, còn quãng thời gian còn lại của cuộc điện đàm là giọng ca cao vút du dương với những luyến láy đầy biểu cảm của Weronika, khi nghe nó, chính Veronique cũng hình dung mường tượng bóng hình một thiếu nữ lấp ló sau một tấm màn màu đỏ ối đang dồn tất cả tâm huyết của mình cho giọng ca.

Nếu như điệu nhạc xuất hiện nhẹ êm ở cảnh cô gái săm soi sợi dây được gửi tới từ một điều bí mật như chính sự mơ hồ bí ẩn của trò chơi, sự ngân vang như sợi tơ lòng của cô gái ngân lên vui vẻ khe khẽ thì tới cảnh cô nhìn ngắm người đàn ông đang thiêm thiếp ngủ sau một quá trình hai người tìm kiếm nhau nhạc hiển hiện rõ nét và mạnh mẽ, gợi cảm, như những gì họ cảm nhận và nắm bắt được về nhau không còn xa lạ, mơ hồ nữa mà rất hiện hữu, thân thuộc. Ở đây âm nhạc đã đóng vai trò quan trọng trong việc xác định và khẳng định tình cảm của nhân vật. Nếu như ở nhiều phim âm nhạc góp phần mở ra và mở rộng không gian phim không gian câu chuyện thì ở phim “The double life of Veronique” âm nhạc giữ chức năng như một công cụ biểu đạt hữu hiệu nới rộng không gian của lòng người-nhân vật và không gian cảm thụ của người xem-người nghe.

Bên cạnh việc sử dụng màu sắc, ánh sáng, tông màu, bố cục mỗi cảnh phim khiến người xem như bị lạc vào mê lộ của cảm xúc thị giác, bên cạnh việc sử dụng âm nhạc như một công cụ đắc lực để biểu đạt trạng thái tâm hồn con người thì âm thanh trong “The double life of Veronique” cũng là một thế mạnh đáng kể của phim.

Dì Weronika hỏi về công việc của cô, cô trả lời rằng nó tiến triển quá tốt đẹp tới mức cô cảm thấy hơi bất an về điều đó, xuất hiện rất nhỏ là tiếng đồng hồ quả lắc, đều đặn và trầm buồn, có phải như một điềm báo, một sự câu thúc về mặt thời gian, về quãng đời ngắn ngủi còn lại của cô?

Một thứ tiếng động như tiếng cửa đóng sầm lại khi cô ngã gục trên bục biểu diễn, một thứ tiếng động “ảo” so với cảnh huống “thực”, một thứ thanh âm giáng mạnh vào sự ngỡ ngàng của người xem!

Máy quay được đặt hất lên từ dưới huyệt mộ bắt trọn hình ảnh từng người thả những nắm đất xuống tiễn biệt Weronika, tiếng đất không chỉ được đặt ở âm lượng thực mà dường như được kích hoạt lên tạo độ vang âm, kéo dài trong một khoảng lặng ngay cả khi màn hình đã chuyển qua màu đen tối của việc lấp đất đã tràn đầy. Tiếng vang vọng ấy dứt ngay, không kéo dài sang cảnh sau là cuộc tình tự của Veronique nhưng sức nặng của sự âm vang của nó thì còn ám ảnh người cảm thụ, khiến cho cảnh làm tình không sinh động sức sống mà phảng phất một vẻ u buồn da diết ngay từ những giây đầu tiên.

Khi cô gái Veronique mộng mơ đang đắm chìm trong những trang sách của chàng trai cô đang thích thú theo dõi, điệu nhạc quen thuộc văng vẳng vừa da diết vừa mạnh mẽ tràn đầy sinh khí thì đan cài vào đó một cách êm ái là tiếng xe máy của người đưa thư, nhẽ hai thứ thanh âm chẳng mấy dính dáng liên quan tới nhau này có thể tạo nên độ “vênh”, sự không ăn nhập, nhưng nhờ tài nghệ hoà âm và điều chỉnh cung bậc, tiếng xe máy “đi vào” giai điệu vô cùng dịu dàng và hoà hợp, khiến người xem có thể liên tưởng tới một vó ngựa báo hiệu tin vui trong một câu chuyện cổ tích (vốn rất hợp lý, phù hợp với nhân vật cô gái mơ mộng).

Một loạt âm thanh được sử dụng láy lại hai lần trong phim là tiếng của đường phố, tiếng của quán cà phê, tiếng nhà ga, tiếng của cuộc sống, được thư lại trong một cuộc băng người biểu diễn búp bê gửi cho Veronique, được lặp lại một lần nữa gần như nguyên bản khi cô gặp anh nơi quán cà phê. Vì sao từ việc bật cho cô nghe đoạn nhạc truyền cảm chàng trai chuyển sang gửi cho cô những thanh âm sinh động của cuộc sống? Đó là một dấu hiệu quan trọng trong “trò chơi” để cô có thể dễ dàng đi tìm anh hay đó còn là một ẩn ý của người đạo diễn muốn đưa cô dần dần trở về hoà nhập với cuộc sống hiện thực thay vì chỉ đắm mình trong một không gian như mộng tưởng của tâm thức và sự mơ mộng?

Cuối cùng cô gái đã tìm được tình yêu đích thực của đời mình, một người đàn ông cũng có một tâm hồn nhạy cảm và rộng mở như cô. Là một cái kết có hậu cho một câu chuyện như nửa thực nửa mộng, thế nhưng kết phim lại không hẳn là một cái kết vui vẻ - happy ending. Cảnh cuối phim: cô gái lái xe về nhà cha mình, xe dừng lại, nhạc nổi lên, người cha ngừng cưa, hơi ngoái người lại, bàn tay cô gái chạm khẽ vào thân cây, vẫn nhạc, màn hình tối dần, giai điệu da diết, ngân vọng. Thông điệp gì của cách kết mở này? Điều đó phụ thuộc vào mỗi người xem!

Vì vậy, âm nhạc trong phim là một giác quan không giới hạn bởi nó không chỉ khuôn khổ nơi thính giác mà là bệ phóng để người thưởng thức kích hoạt tối đa cảm giác của mình.

Dịu Hiền